Rò thực quản và khí quản: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại Tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Rò thực quản và khí quản có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, đôi khi việc phát hiện bệnh gặp nhiều khó khăn do biểu hiện không rõ ràng.

1. Rò thực quản và khí quản là gì?

Rò thực quản (ống nối từ họng tới dạ dày) và khí quản (ống dẫn từ cổ họng đến dạ dày) là tình trạng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra.

Rò thực quản và khí quản là tình trạng xuất hiện một lỗ thông bất thường giữa thực quản và khí quản dẫn tới thức ăn khi trẻ ăn sẽ từ thực quản qua đoạn rò vào trong phổi gây ra viêm phổi.

Những biến chứng của rò thực quản và khí quản:

  • Sặc thức ăn sang đường hô hấp, nhẹ thì gây ho nhiều, nặng có thể tử vong.
  • Viêm đường hô hấp dưới kéo dài và thường xuyên tái phát: thức ăn hay dịch đường tiêu hóa có thể qua lỗ rò vào đường hô hấp gây phản ứng viêm, tái diễn nhiều lần nếu không điều trị tình trạng rò.

2. Nguyên nhân gây rò thực quản và khí quản

Các nguyên nhân thường gặp gây ra rò thực quản khí quản gồm:

  • Do bất thường bẩm sinh: Trẻ có thể mắc dị tật bẩm sinh rò thực quản và khí quản trong quá trình hình thành trong bụng mẹ. Tuy nhiên dị tật bẩm sinh này rất hiếm gặp với tỷ lệ mắc khoảng 1/3000 trẻ sinh ra, có thể kèm theo các dị tật bẩm sinh khác.
  • Do tai biến khi thực hiện các kỹ thuật y khoa như: Đặt nội khí quản, mở khí quản.
  • Chấn thương: Các vết thương xuyên do vật nhọn đâm, chọc hoặc vết thương chột do hỏa khí mà đôi khi có thể bỏ qua trong thời gian đầu.
Đặt nội khí quản
Có nhiều nguyên nhân gây rò thực quản và khí quản

3. Triệu chứng bệnh rò thực quản và khí quản

  • Sặc vào đường thở: Xuất hiện dấu hiệu sặc sau khi ăn hoặc uống nước, bệnh nhân ho dữ dội, ho kéo dài, nặng hơn có thể xuất hiện tím tái, khó thở.
  • Có bọt, bong bóng màu trắng trong miệng người bệnh.
  • Đôi khi do một lượng khí từ khí quản đi vào thực quản làm cho người bệnh bị chướng bụng, khó chịu hay nôn trớ.
  • Với trẻ em có thể thấy trẻ tím tái khó thở mỗi khi cho bú. Trường hợp người bệnh sau tai nạn hoặc sau làm các thủ thuật y khoa mà xuất hiện dấu hiệu như ho, sặc sau khi ăn có thể gợi ý nghĩ tới tình trạng rò thực quản và khí quản.
  • Thường xuyên mắc bệnh viêm phế quản, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, thậm chí trầm trọng nhất là ở trẻ nhỏ.

4. Phương pháp chẩn đoán rò thực quản khí quản

Để chẩn đoán bệnh cần dựa vào các dấu hiệu lâm sàng mang tính gợi ý và dựa vào các dấu hiệu cận lâm sàng như:

  • Chụp X-quang: Đây là phương pháp sử dụng chất cản quang, sau đó dùng tia X để có thể xác định được lỗ rò, vị trí và kích thước, kết hợp với soi tia X khi bệnh nhân nuốt có thể xác định tình trạng rò thực quản và khí quản. Tuy nhiên việc sử dụng chất cản quang khi thăm khám xác định rò thực quản và khí quản cần chú ý, do chất cản quang có thể qua lỗ rò vào đường hô hấp.
  • Nội soi: Trong các trường hợp nghi ngờ, cho bệnh nhân uống từ từ một ít xanh methylen và theo dõi phát hiện màu xanh vào khí quản. Trong các trường hợp lỗ rò nhỏ, khi bơm hơi qua ống nội khí quản ta có thể nghe thấy ở vùng thượng vị có tiếng hơi và nước theo nhịp bơm. Việc sử dụng nội soi đôi khi khó phát hiện những trường hợp lỗ rò nhỏ.
Phẫu thuật nội soi
Nội soi là phương pháp chẩn đoán rò thực quản khí quản

5. Phương pháp điều trị

Khi xác định tình trạng bệnh lý cần theo dõi và điều trị để tránh những biến chứng nguy hiểm, điều trị gồm phương pháp nội khoa và ngoại khoa

Điều trị nội khoa:

  • Nâng cao đầu để nằm tránh trào ngược và hít phải dịch dạ dày vào đường hô hấp.
  • Sử dụng một ống thông hút liên tục chất nhầy và nước bọt ở miệng, tránh cho người bệnh khi nuốt dịch nhầy chảy vào đường hô hấp.
  • Đặt ống thông dạ dày để cho bệnh nhân ăn và uống qua ống thông, ngăn ngừa tai biến sặc sang đường hô hấp khi người bệnh ăn.
  • Người bệnh không ăn và uống để tránh tình trạng sặc vào đường thở.
  • Điều trị biến chứng viêm đường hô hấp nếu có.

Điều trị ngoại khoa:

Cần chăm sóc nội khoa để tình trạng người bệnh ổn định, nhất là cần chú ý tình trạng sức khỏe trẻ có dị tật bẩm sinh rò thực quản và khí quản vì có thể trẻ kèm theo các dị tật khác không đảm bảo sức khỏe để phẫu thuật. Khi sức khỏe người bệnh ổn định cần tiến hành phẫu thuật. Tùy theo từng nguyên nhân gây ra rò thực quản và khí quản, vị trí, kích thước lỗ rò mà đưa ra biện pháp phẫu thuật phù hợp.

Phẫu thuật nhằm mục đích tách khí quản và thực quản, bít lỗ rò thực quản và khí quản.

Rò thực quản và khí quản là một tình trạng nguy hiểm, có thể gây ra đột tử do một lượng thức ăn hay nước uống qua lỗ rò vào đường hô hấp gây suy hô hấp cấp hoặc có thể gây biến chứng viêm nhiễm đường hô hấp kéo dài, thường xuyên tái phát. Nhất là với trẻ nhỏ nhiều khi những dấu hiệu của trẻ không rõ làm bố mẹ không nhật ra sớm, dẫn đến nhiều biến chứng. Nên nếu thấy trẻ có những biểu hiện bất thường khi cho trẻ ăn cần tới cơ sở y tế để khám tránh để lâu gây biến chứng nguy hiểm.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.

Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt nhất trên thế giới giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

8.9K

Dịch vụ từ Vinmec