Những điều bạn cần biết về nôn ra dịch mật

Bài được viết bởi Bác sĩ Mai Viễn Phương - Trưởng Đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Mật là một chất lỏng màu vàng xanh do gan sản xuất được lưu trữ trong túi mật. Nó rất cần thiết cho quá trình tiêu hóa và phân hủy chất béo thành các phần nhỏ hơn được gọi là axit béo để có thể được hấp thụ dễ dàng bởi đường tiêu hóa. Mật chứa các axit mật (còn gọi là muối mật), cholesterol, bilirubin, nước, các enzym và lượng nhỏ kim loại. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về hiện tượng nôn ra dịch mật.

1. Tổng quan về bệnh lý nôn ra dịch mật

Nôn ra mật không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng. Nôn ra mật xanh hoặc vàng khi bụng đói là một hiện tượng phổ biến, vì khi đó, cơ thể không có gì khác để thải ra ngoài dịch tiêu hóa. Hơn nữa, nôn là một cơ chế tự nhiên của cơ thể để loại bỏ chất độc, hoặc cũng có thể là do nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc thuốc.

Tuy nhiên, nôn ra mật hoặc nôn mửa có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm ruột thừa. Nếu tình trạng nôn mửa kéo dài hoặc gây ra cảm giác khó chịu đột ngột và lan ra bụng, có thể ruột thừa đã vỡ và là dấu hiệu để bạn nên đi khám ngay.

2. Nguyên nhân của việc nôn ra dịch mật

Mật có thể bị nôn ra như một dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như trào ngược mật (mật di chuyển ngược từ gan vào dạ dày).

Các nguyên nhân khác của việc nôn ra dịch mật có thể bao gồm:

  • Ngộ độc thực phẩm
    • Thực phẩm được chế biến trong điều kiện không hợp vệ sinh có nguy cơ nhiễm vi sinh vật cao hơn, chẳng hạn như vi khuẩn và vi rút.
    • Ăn phải thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm gây ra ngộ độc thực phẩm và các triệu chứng bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng và sốt.
  • Viêm dạ dày ruột
    • Viêm dạ dày ruột còn được gọi là tiêu chảy nhiễm trùng hoặc cúm dạ dày.
    • Nguyên nhân là do thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm và nó tương tự như ngộ độc thực phẩm.
    • Đây là tình trạng viêm nhiễm đường tiêu hóa, gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa thức ăn.
    • Kết quả là bệnh nhân sẽ nôn ra mật cùng với thức ăn, bị tiêu chảy và đau bụng, có thể dẫn đến mất nước.
  • Dị ứng thực phẩm
    • Một số bệnh nhân có thể bị dị ứng với một số loại thực phẩm, có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như nôn mửa, đau bụng, khó thở và phát ban trên da.
    • Có thể gây tắc nghẽn đường ruột.
    • Tắc ruột hoặc xoắn ruột ngăn cản thức ăn di chuyển trong ruột.
    • Dẫn đến nôn ra thức ăn cùng với mật.
  • Viêm túi mật
    • Túi mật là một cơ quan nhỏ.
    • Túi mật bị viêm hoặc bị cắt bỏ có thể khiến dịch mật bị đào thải ra ngoài.
  • Hội chứng nôn mửa theo chu kỳ (CVS)
    • CVS gây ra các đợt nôn mửa và buồn nôn nhiều lần. Tuy nhiên, không có lý do cụ thể cho tình trạng này.
    • Người ta quan sát thấy rằng, các cơn nôn dường như xảy ra vào cùng một thời điểm mỗi ngày, có cường độ như nhau và kéo dài trong cùng một khoảng thời gian.
    • Người ta cho rằng, CVS có thể được kích hoạt bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn như nhiễm trùng, căng thẳng, hưng phấn và kinh nguyệt.
  • Mất nước
    • Khi cơ thể bị thiếu nước và chất dinh dưỡng, nó sẽ rơi vào trạng thái mất nước.
    • Điều này gây ra buồn nôn, nôn mửa, huyết áp thấp và chóng mặt.
  • Trục trặc van môn vị
    • Van môn vị hoặc cơ vòng là một cơ khỏe nằm giữa dạ dày và tá tràng.
    • Van này kiểm soát sự di chuyển của thức ăn từ dạ dày đến tá tràng và điều chỉnh việc giải phóng mật.
    • Khi van môn vị bị trục trặc, có thể dẫn đến nôn ra dịch mật.
    • Tình trạng này thường thấy ở những người lớn tuổi.
  • Không dung nạp rượu
    • Những người không dung nạp rượu có xu hướng nôn sau khi uống vì cơ thể muốn thải độc tố ra ngoài.
    • Mật lúc này cũng bị tống ra ngoài cùng với rượu.
    • Nôn mật vào buổi sáng được coi là tồi tệ hơn nôn mật vào ban đêm vì nó có thể gây ra tình trạng nôn mửa nôn nao (muốn nôn nhưng không nôn được).
  • Nguyên nhân nhi khoa của nôn mửa nhiều
    • Các bất thường về phát triển, chẳng hạn như teo tá tràng, hỗng tràng và đại tràng (ruột không phát triển đủ), phân su và nút thắt phân su (xảy ra trong trường hợp biến chứng trong khi sinh), bệnh Hirschsprung và viêm ruột hoại tử (nhiễm trùng đường ruột), là những nguyên nhân nghiêm trọng gây nôn dịch mật cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
    • Các phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, chẳng hạn như cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần dạ dày, cũng có thể gây ra trào ngược dịch mật và nôn nhiều.
nôn ra dịch mật
Ngoài trào ngược mật, có rất nhiều nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến nôn ra dịch mật.

3. Cách điều trị

Một số biện pháp khắc phục có thể ngăn chặn cường độ và tần suất nôn mửa mật, chẳng hạn như:

  • Ăn nhiều bữa ăn nhỏ
    • Ăn nhiều bữa nhỏ giúp làm giảm áp lực lên hệ tiêu hóa.
    • Khi đó, van môn vị không bị trục trặc, điều thường thấy khi bạn ăn những bữa ăn lớn hơn.
  • Ngồi thẳng sau bữa ăn
    • Bạn nên ngồi thẳng lưng trong 2 - 3 giờ sau bữa ăn.
    • Điều này thúc đẩy quá trình tiêu hóa tốt hơn.
  • Tránh thức ăn có vấn đề
    • Tránh các loại thực phẩm gây dị ứng hoặc trào ngược axit, bao gồm cả caffeine và thức ăn cay nóng.
    • Giảm lượng thức ăn có chất béo vì nó làm giảm nhu cầu sản xuất mật.
  • Giảm cân
    • Béo phì được cho là gây căng thẳng không cần thiết cho dạ dày và các cơ quan nội tạng.
    • Do đó, giảm cân có thể làm giảm áp lực không đáng có và giúp giảm trào ngược axit.
  • Tránh hút thuốc và uống rượu
    • Hút thuốc gây kích thích khí quản vì màng nhầy bị khô và tiết ít nước bọt hơn, điều này có thể làm tăng khả năng nôn ra mật.
    • Rượu gây kích thích thực quản và làm giãn cơ vòng thực quản, gây trào ngược và nôn ra dịch mật. Nôn mửa cũng là do không dung nạp rượu. Nôn ra mật sau khi uống rượu cũng rất phổ biến.

Trong hầu hết các trường hợp, trào ngược dịch mật có thể giảm dần trong vài tuần khi có những thay đổi trong chế độ ăn uống. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng có thể phải cần đến các trợ giúp về mặt y tế, thậm chí là phẫu thuật.

4. Phòng ngừa nôn ra dịch mật

Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn việc nôn ra mật. Tuy nhiên, thay đổi lối sống có thể tránh một số nguyên nhân phổ biến nhất, chẳng hạn như uống rượu quá mức hoặc chế độ ăn uống không lành mạnh.

Để giúp ngăn ngừa nôn ra mật, bạn có thể:

  • Hạn chế uống rượu và tránh uống rượu say.
  • Không nhấc vật nặng để tránh nguy cơ thoát vị.
  • Đi nội soi thường xuyên nếu được bác sĩ đề nghị.
  • Tránh hút thuốc lá.
  • Ăn nhiều loại trái cây và rau quả.
  • Ăn thực phẩm giàu chất xơ để giúp ngăn ngừa viêm túi thừa.
  • Tránh thực phẩm chưa nấu chín hoặc có khả năng bị ô nhiễm.

Hãy gọi cho bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu sau:

  • Giảm cân đột ngột không rõ nguyên nhân.
  • Bị đau ngực.
  • Khó thở.
  • Bị đau dữ dội ở bụng.
  • Nôn ra chất có màu đỏ hoặc trông giống như bã cà phê.
  • Không thể ngừng nôn mửa.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về nôn ra dịch mật. Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com, medicinenet.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan