Hướng dẫn cách bôi thuốc trĩ

Bệnh trĩ hiện nay khá phổ biến, gây ra nhiều khó chịu cho người mắc. Sử dụng thuốc bôi trĩ là một trong những cách được bác sĩ chỉ định để điều trị trĩ. Vậy cách bôi thuốc trĩ như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất?

1. Thuốc bôi trĩ là gì?

Bệnh trĩ xảy ra ở khu vực hậu môn, hay còn gọi là bệnh của hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, động mạch và tĩnh mạch đến mô liên kết và cơ trơn được lót bởi biểu mô bình thường của ống hậu môn.

Hiểu một cách đơn giản hơn là các đám rối tĩnh mạch nằm trong lớp niêm mạc hậu môn được nâng đỡ bởi một cấu trúc mô sợi đàn hồi. Tình trạng gia tăng áp lực nguyên nhân do việc rặn khi đi đại tiện kèm theo ứ máu liên tục hay ngồi bệt quá nhiều, kết quả làm búi trĩ bị căng, sau đó các búi trĩ sa vào lòng ống hậu môn. Ngoài ra, khi cơ thể già đi thì các mô liên kết nâng đỡ bị suy yếu, dẫn đến các búi trĩ cũng dần sa ra ngoài cửa hậu môn. Những tình trạng trên đều dẫn đến bệnh trĩ.

Thuốc bôi trĩ là những sản phẩm được điều chế dưới dạng kem hoặc dạng gel với công dụng giảm đau, kháng viêm, hạn chế quá trình tụ máu, giảm khó chịu, giảm rát,... Mục đích chung là hỗ trợ điều trị và giảm đau do trĩ.

Thuốc bôi trĩ còn khá tiện dụng khi người bệnh có thể dùng tại nhà thay vì phải đến viện để điều trị nội trú, thời gian dùng thuốc cũng chỉ trong vòng vài tuần theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, dùng thuốc bôi trĩ linh hoạt theo giờ giấc sinh hoạt của mỗi cá nhân. Đặc biệt thuốc bôi trĩ giúp bệnh nhân không phải trải qua nhiều đau đớn so với phẫu thuật cắt trĩ, tiết kiệm thời gian điều trị, công sức cũng như tài chính đối với cả bác sĩ và bệnh nhân.

Thuốc bôi trĩ được chỉ định trong các trường hợp bị trĩ cấp độ nhẹ và trĩ ngoại. Còn những trường hợp trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hỗn hợp ở cấp độ 3 trở lên thì việc sử dụng thuốc bôi sẽ không có tác dụng, nó chỉ làm giảm nhẹ triệu chứng.

Thuốc bôi trĩ có tác dụng sau đây:

  • Thúc đẩy hệ tuần hoàn, vận chuyển và tăng cường lưu thông máu đến vùng hậu môn. Từ đó giúp thành hậu môn luôn được nuôi dưỡng khỏe mạnh, người bệnh sẽ giảm thiểu các cơn đau và giúp giảm thời gian điều trị, phòng ngừa bệnh tái phát;
  • Làm săn vùng phù nề;
  • Cầm máu hiệu quả các búi trĩ;
  • Bôi trơn ống hậu môn giúp cho việc đại tiện trở nên dễ dàng hơn, giảm xuất huyết, ngăn ngừa ma sát và hạn chế các tổn thương do trĩ gây ra;
  • Giảm thiểu nhanh các dấu hiệu nóng đỏ, ngứa, sưng, đau đớn tại vùng hậu môn;
  • Hỗ trợ các búi trĩ thu nhỏ về kích thước;
  • Giải quyết được tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm vì thuốc có tính sát khuẩn cao.

2. Cách sử dụng thuốc bôi trĩ

Thuốc bôi trĩ được đánh giá sử dụng khá thuận tiện, dễ dùng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sử dụng sai cách khiến cho bệnh không những không thuyên giảm mà có thể làm nghiêm trọng tình trạng trĩ. Sau đây là các bước khi sử dụng thuốc bôi trĩ:

  • Bước 1: Vệ sinh tay và hậu môn sạch sẽ.

Cần đi vệ sinh trước khi sử dụng thuốc bôi trĩ. Không nên đi đại tiện trong vòng 2 - 3 giờ sau khi bôi thuốc trĩ vì dễ khiến thuốc bị rửa trôi, mất tác dụng (trừ trường hợp khẩn cấp thì không nên nhịn);

Ngâm vùng hậu môn trong chậu nước ấm hoặc làm sạch búi trĩ bằng xà phòng dưới vòi hoa sen, sau đó rửa sạch lại bằng nước ấm và lau khô vùng này bằng khăn mềm.

Trước khi bôi thuốc trĩ cần rửa sạch tay bằng xà phòng và nên để móng tay ngắn vì nếu để móng dài có thể vô tình chạm vào búi trĩ gây đau hoặc xước búi trĩ.

Khuyến cáo nên dùng găng tay cao su y tế trong quá trình thoa thuốc bôi trĩ vì vừa vệ sinh lại an toàn.

  • Bước 2: Thoa thuốc bôi trĩ ngoại

Lấy một lượng thuốc bôi trĩ vừa đủ vào ngón tay hoặc có thể bôi lên miếng gạc vô trùng. Sau đó thoa thuốc nhẹ nhàng lên búi trĩ bên ngoài hậu môn. Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi thoa thuốc.

Người bệnh không nên đi đại tiện sau 1-3 giờ bôi thuốc (trừ trường hợp khẩn cấp thì không nên nhịn). Ngay cả khi đi tiểu trong thời gian này người bệnh cần tránh lau chùi ở phần hậu môn vì sẽ làm thuốc bị rửa trôi, mất hoặc giảm tác dụng chữa bệnh. Trong trường hợp bắt buộc phải đại tiện thì đi xong nên thì thực hiện lại các bước trên và thoa lại thuốc.

  • Bước 3: Thoa thuốc bôi trĩ nội

Làm sạch khu vực hậu môn bằng nước muối loãng hoặc nước muối sinh lý. Vệ sinh tay bằng xà phòng. Đeo găng tay cao su y tế. Lấy một lượng thuốc bôi trĩ vừa đủ cho vào đầu ngón tay đã được đeo găng.

Khi thoa thuốc người bệnh có thể nằm hoặc ngồi, đút ngón tay có thuốc bôi trĩ vào trong hậu môn khoảng 1 - 2cm. Để thuốc khô trong khoảng 5 - 20 phút.

Vứt găng tay đã sử dụng vào thùng rác và đậy chặt tuýp kem sau khi dùng.

Thoa thuốc bôi trĩ mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.

Trên đây là một số thông tin về thuốc bôi trĩ cũng như cách sử dụng. Khi bạn gặp các dấu hiệu bệnh trĩ nên đến bệnh viện để được thăm khám và chỉ định điều trị phù hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, khi được chỉ định sử dụng thuốc bôi trĩ cần tuân thủ theo hướng dẫn của dược sĩ, bác sĩ và nhà sản xuất. Không được tự ý thay đổi liệu trình sử dụng hay ngừng sử dụng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan