Gan kém nổi mụn: Các lưu ý cần biết

Suy giảm chức năng gan có thể gây ra nhiều biểu hiện bệnh khác nhau, trong đó nổi mụn nhất là vào những thời điểm nắng nóng rất thường gặp. Đặc biệt những người có chế độ ăn uống không lành mạnh như sử dụng nhiều thức uống có cồn, thức ăn nhiều dầu mỡ... hay có biểu hiện nổi mẩn ngứa.

1. Gan kém nổi mụn là gì?

Gan là là một cơ quan rất quan trọng với chúng ta, nó thực hiện trên 500 chức năng khác nhau. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng giúp chuyển hóa và đào thải những độc tố ra ngoài cơ thể, tránh những chất độc nội sinh hay ngoại sinh tác động xấu ảnh hưởng tới cơ thể.

Gan kém nổi mụn là tình trạng mẩn trên da do suy giảm chức năng gan gây ra. Khi gan không chuyển hoá và thải được chất độc các chất độc sẽ tích tụ dẫn tới tình trạng mụn nhọt, mẩn ngứa.

Gan yếu nổi mụn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phản ánh sự giảm chức năng hoạt động của gan. Thường chỉ xuất hiện một thời gian, nhưng nếu kéo dài có thể đi kèm với các biểu hiện khác như chán ăn, chướng bụng, ngủ kém, dễ chảy máu,... lúc này phản ánh tình trạng bệnh lý ở gan tăng nặng, cần phải theo dõi và điều trị.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến gan không tốt bị nổi mụn?

Tình trạng gan yếu nổi mụn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng mụn nhọt, mẩn ngứa gồm:

  • Thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá

Sử dụng các chất kích thích có hại, gây tổn thương tế bào gan khiến gan không đủ khả năng đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Chính những chất này nếu không được gan chuyển hóa để thải ra ngoài thì có nguy cơ gây ngộ độc. Như tình trạng ngộ độc rượu, khi sử dụng một lượng lớn gan không thể xử lý hết được thì những chất có hại tích tụ trong máu sẽ ảnh hưởng tới các cơ quan, suy giảm chức năng gan và đặc biệt hệ thần kinh.

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh

Thường xuyên sử dụng các loại thức ăn hại gan như thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh có chứa nhiều chất có hại cho gan gồm chất bảo quản, hóa chất, chất tạo ngọt, chất tạo màu...; Ăn nhiều đồ dầu mỡ, thức ăn cay nóng, đồ ăn chứa nhiều muối, nhiều đường...Những chất này làm cho tăng áp lực cho gan, khi gan dễ bị tổn thương gây ra các bệnh lý như nóng gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan, nếu kéo dài có thể dẫn tới xơ gan.

Cho nên một chế độ ăn lành mạnh rất quan trọng trong việc giúp gan của bạn hoạt động hiệu quả và tránh những tổn thương không đáng có.

  • Thói quen sinh hoạt chưa hợp lý

Do công việc áp lực cao nên thường xuyên bị căng thẳng, mệt mỏi, thường xuyên phải thức khuya, ngủ không đủ giấc cũng là một yếu tố khiến gan yếu nổi mụn, chức năng gan suy giảm, không chỉ vậy mà chức năng khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng.

Gan kém nổi mụn: Các lưu ý cần biết
Thường xuyên thức khuya có thể gây suy giảm chức năng gan

Nếu lười vận động khiến cơ thể trì trệ, tích lũy năng lượng dư thừa cũng là một trong những tác nhân tổn hại tới gan.

Ngoài ra, nếu làm việc thường xuyên trong môi trường ô nhiễm, khói bụi, tiếp xúc với với hóa chất thì những chất này có thể thông qua đường hô hấp hay da vào cơ thể rồi qua gan và cũng dẫn tới tổn thương gan, các cơ quan khác.

  • Nhiễm virus viêm gan

Viêm gan virus là bệnh lý khá phổ biến tại Việt Nam, virus có thể gây ra những tổn thương âm thầm của tế bào gan. Khi virus tấn công tế bào gan làm suy giảm chức năng gan và dẫn tới một số biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn, ngứa, chướng bụng, đau tức vùng gan,...

Để nhận biết được việc có nhiễm virus viêm gan hay không cần phải tiến hành xét nghiệm, bởi các biểu hiện thường không đặc hiệu và đôi khi còn không rõ biểu hiện.

3. Một số biểu hiện suy giảm chức năng gan trên da

Khi chức năng gan suy giảm có thể gây ra nhiều biểu hiện khác nhau trên da, một số dấu hiệu nhận biết tình trạng này như:

  • Cảm giác ngứa nhiều hay ngứa râm ran trên da: Ngứa do gan thường là kiểu ngứa râm ran. Biểu hiện ngứa thường trên các vùng như tay chân, vùng mặt, lưng, có khi toàn bộ cơ thể.
  • Nổi mẩn đỏ: Da có dấu hiệu nổi những mảng đỏ hồng lan rộng ở các vùng bị ngứa.
  • Nổi mề đay, mẩn cục: Nóng gan có thể dẫn tới tăng nguy cơ bị dị ứng với các tác nhân ngoại sinh. Có thể xuất hiện triệu chứng nổi mẩn cục hay nổi mày đay kèm theo ngứa nhiều. Gây khó chịu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
suy giảm chức năng gan
Suy giảm chức năng gan có thể gây nổi mề đay, mẩn cụ

4. Những điều lưu ý khi gan kém nổi mụn?

  • Nổi mụn hay mẩn ngứa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, cho nên nếu bị mẩn ngứa mà sử dụng các biện pháp không dùng thuốc hay bị kéo dài cần đi khám da liễu để biết nguyên nhân gây bệnh.
  • Khi gan yếu nổi mụn chứng tỏ chức năng gan không được tốt, cho nên cần có một chế độ ăn uống khoa học giảm bớt rượu, bia, các chất kích thích, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, tránh thức ăn dầu mỡ và nhiều đường, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây rau củ...; Chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý; Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên...
  • Có thể sử dụng một số thực phẩm có tác dụng giải độc gan để tăng cường chức năng giải độc. Một số thảo dược có thể giảm tình trạng nóng gan có thể dùng như trà xanh, rau má, diếp cá, atiso...Có thể đun nước uống trong thời gian bị nổi mụn. Không nên dùng những loại thảo dược tính mát kéo dài lâu có thể dẫn tới những tác động không tốt, đặc biệt vào mùa lạnh.
  • Không sử dụng các loại thuốc bừa bãi khi chưa được sự chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là các loại thuốc như thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng sinh,...
  • Nếu như tình trạng mẩn ngứa xuất hiện cùng các biểu hiện khác như chán ăn, mệt mỏi, đầy bụng, chậm tiêu, dễ bị xuất huyết dưới da, ngất...Thì nên đi khám để phát hiện sớm các bệnh lý về gan và để được điều trị sớm.
  • Khám gan định kỳ: Đây là một biện pháp tốt để chẩn đoán phát hiện và điều trị kịp thời hiệu quả và điều trị sớm tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Gan không tốt bị nổi mụn có thể gặp ở những người có chế độ ăn uống, sinh hoạt không tốt cho gan hay mắc bệnh lý về gan. Tuy nhiên, cần chú ý những nguyên nhân khác cũng có thể dẫn tới tình trạng này, nên cần thăm khám để biết chính xác nguyên nhân gây bệnh, giúp điều trị hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

47.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan