Dị vật trực tràng: Đừng chủ quan

Dị vật trực tràng thường do người bệnh vô tình nuốt phải. Lúc này bệnh nhân thường có biểu hiện đau đột ngột và dữ dội trong khi đi vệ sinh do dị vật đâm vào thành trực tràng. Trong trường hợp, nếu dị vật trực tràng được lấy bỏ ra ngay sẽ không để lại biến chứng nguy hiểm.

1. Tìm hiểu dị vật trực tràng

Dị vật trực tràng có thể được đưa vào trực tràng nhưng cũng có thể do nuốt phải. Sỏi túi mật, phân, và các dị vật nuốt phải (ví dụ như tăm, xương cá và xương gà) có thể nằm ở vị trí chỗ nối hậu môn trực tràng. Ngoài ra các dị vật có thể gặp khác như sỏi đường tiết niệu, vòng tránh thai, gạc phẫu thuật, hoặc các dụng cụ khác có thể ăn mòn vào trực tràng. Các dị vật trong trực tràng, đôi khi những thứ kì lạ có liên quan tới đồ chơi tình dục, hoặc các gói ma túy được đưa vào trực tràng để che giấu và có thể mắc kẹt bên trong trực tràng không chủ ý. Dị vật đường tiêu hóa đôi khi có thể gây thủng trong khi chèn vào trực tràng. Một số dị vật bị mắc vào thành trực tràng, và một số khác bị mắc kẹt ngay tại vị trí phía trên cơ thắt hậu môn.

2. Triệu chứng và dấu hiệu của dị vật trực tràng

Một trong những điều gây khó khăn cho quá trình phát hiện, chẩn đoán sớm tình trạng dị vật trực tràng đó là hiện tượng này đôi khi không có biểu hiện triệu chứng cụ thể, rõ ràng nào. Hơn nữa, tình trạng mắc dị vật trong trực tràng thường phổ biến ở người có nhận thức kém nên càng có nhiều trở ngại hơn. Trong những trường hợp dị vật để lâu trong trực tràng và gây ra biến chứng sẽ xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Đau bụng là một trong những biểu hiện đầu tiên khi dị vật mắc kẹt bên trong trực tràng.
  • Niêm mạc đường tiêu hóa bị dị vật kích thích còn có thể gây ra tình trạng buồn nôn, nôn mửa liên tục.
  • Sốt xuất hiện khi có hiện tượng nhiễm trùng do dị vật tồn tại lâu ngày bên trong trực tràng.
  • Nguy hiểm nhất là dị vật gây ra những tổn thương hay kế phát bệnh lý dẫn đến xuất huyết trực tràng.
  • Ngoài ra, bụng sẽ rất mềm, trong trường hợp kế phát dẫn đến viêm phúc mạc hoặc viêm thành bụng.
tầm soát ung thư đại trực tràng
Đau bụng là một trong những biểu hiện đầu tiên khi có dị vật trong trực tràng

3. Chẩn đoán dị vật trực tràng

Phương pháp chẩn đoán dị vật trực tràng bao gồm:

  • Thăm trực tràng: Các dị vật thường nằm ở trực tràng giữa, chỗ mà những dị vật này không thể vượt qua góc trước của trực tràng. Chúng có thể sờ thấy được khi tiến hành thăm trực tràng.
  • Chẩn đoán hình ảnh:
    • Chụp X quang ổ bụng thường có ích cho việc xác định dị vật. Ngoài ra, nên thực hiện chụp x-quang ổ bụng trong tư thế đứng để xem có khí tự do trong ổ bụng do thủng hay không.
    • Chụp cắt lớp vi tính có thể giúp xác định các dị vật cản quang không nhìn thấy được trên x-quang.

4. Điều trị dị vật trực tràng

Lấy bỏ dị vật trực tràng có thể được thực hiện lấy bằng tay, bởi các phẫu thuật viên hoặc chuyên gia tiêu hóa có kinh nghiệm lấy bỏ dị vật. Soi hậu môn, nội soi đại tràng hoặc/và sử dụng panh có thể giúp cho việc quan sát trực tiếp và lấy bỏ dị vật được tốt hơn. Trong trường hợp dị vật có thể sờ thấy cần tiến hành tiêm thuốc tê tại chỗ, giãn lỗ hậu môn bằng panh, thử giữ và sau đó lấy bỏ dị vật. Không cần thiết phải gây tê vùng hoặc gây mê toàn thân. Nếu dị vật không sờ thấy được hoặc không nhìn thấy, thì không nên thử kẹp chặt và lấy dị vật. Nhu động ruột thường làm cho dị vật di chuyển xuống trực tràng giữa, và có thể thử lấy bỏ dị vật hơn là để cho chúng tự xuống.

Không phải lúc nào thử lấy dị vật trực tràng qua soi hậu môn hoặc soi trực tràng cũng thành công. Đôi khi nội soi đại tràng sigma làm cho dị vật bị đẩy xa hơn, hơn nữa làm chậm sự bài xuất của nó. Nếu thực hiện các cách khác nhau để loại bỏ dị vật không thành công, thì cần tiến hành nội soi ổ bụng đẩy dị vật về phía hậu môn hoặc mở đại tràng lấy dị vật, tuy nhiên rất hiếm khi cần. Sau khi lấy dị vật, cần nội soi đại tràng sigma để loại trừ các tổn thương trực tràng.

x-quang bụng
Để phát hiện có dị vật trong trực tràng có thể sử dụng phương pháp chụp x-quang ổ bụng

5. Phòng ngừa dị vật trực tràng

Phòng ngừa dị vật trong trực tràng bằng cách:

  • Đối với những trường hợp bệnh nhân có nhận thức kém, bạn cần phải có sự quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng và loại bỏ tất cả các vật nhỏ hoặc để chúng ở nơi an toàn sao cho các đối tượng này không thể cầm được.
  • Cần phải chú ý thường xuyên đến các bệnh nhân có nhận thức kém và không để họ đến gần những nơi đựng nhiều đồ đạc dễ nuốt và nguy hiểm.
  • Hạn chế cho người bệnh ăn các loại thức ăn như hạt cứng vì dễ gây tắc nghẽn đường tiêu hóa cũng như các bộ phận khác trong cơ thể.

Tóm lại, khi gặp dị vật trực tràng cần được lấy bỏ ra ngay nếu không sẽ để lại biến chứng nguy hiểm. Do vậy, khi thấy có những biểu hiện đau đột ngột và dữ dội trong khi đi vệ sinh có thể do dị vật đâm vào thành trực tràng, bạn cần đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan