Cách làm giảm cơn đau ruột thừa

Mục lục

Đau ruột thừa là một bệnh lý khá phổ biến nhưng nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Để kiểm soát tình trạng này, người bệnh cần hiểu rõ nguyên nhân gây ra cơn đau cũng như các biện pháp giảm đau. Ngay sau đó, người bệnh hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra sức khoẻ kịp thời.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Đặc điểm của đau ruột thừa

Đau ruột thừa là tình trạng viêm ở đoạn ruột tịt thuộc ống tiêu hóa, nằm tại vị trí nối giữa ruột non và ruột già.

Khi cơ thể khỏe mạnh, ruột thừa thường mỏng và có chiều dài từ 5 đến 10 cm. Không giống như ruột non và ruột già, ruột thừa không đóng vai trò trong quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng.

Trước đây, ruột thừa được xem như một phần còn sót lại từ quá trình tiến hóa của con người. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy ruột thừa chứa các mô đặc biệt liên quan đến hệ miễn dịch và hỗ trợ chống lại nhiễm trùng bên trong cơ thể. Bề mặt niêm mạc bên trong ruột thừa chứa các vi khuẩn có lợi, đóng vai trò quan trọng trong việc tái khởi động hệ tiêu hóa sau khi cơ thể trải qua các bệnh nhiễm trùng.

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, ruột thừa có thể bị viêm hoặc xuất hiện khối u, dẫn đến tình trạng đau ruột thừa. Viêm ruột thừa là một bệnh lý khá phổ biến, chiếm khoảng 60-70% các ca cấp cứu và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Tình trạng viêm và đau ruột thừa cần được phát hiện sớm để có các biện pháp điều trị kịp thời, nếu không có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm trong ổ bụng, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

2. Nguyên nhân của cơn đau ruột thừa

Đau ruột thừa có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân bao gồm viêm hoặc xuất hiện khối u trong ruột thừa. Trong đó, viêm ruột thừa là nguyên nhân gây ra các cơn đau ở ruột thừa phổ biến nhất và chiếm tỷ lệ cao.  

Các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Tắc nghẽn tại lỗ thông giữa ruột già và ruột thừa là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng ứ đọng chất thải trong ruột thừa, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, gây viêm nhiễm và dẫn đến các cơn đau.
  • Sưng viêm các nang bạch huyết dưới niêm mạc ruột thừa có thể do nhiễm trùng đường ruột hoặc nhiễm trùng toàn thân, chẳng hạn như viêm đường hô hấp cấp.
  • Ngoài ra, các vật thể lạ như mảnh sạn, hạt trái cây hay vật sắc nhọn có thể gây tổn thương cho ruột thừa, dẫn đến các cơn đau.
  • Các loại ký sinh trùng đường ruột như giun đũa, giun kim có thể xâm nhập vào ruột thừa, gây ra tình trạng đau đớn.

Mọi nguyên nhân gây viêm ruột thừa đều có nguy cơ cao dẫn đến những cơn đau dữ dội và kéo dài, đồng thời có thể gây biến chứng viêm phúc mạc. Điều này không chỉ nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày.

3. Các dấu hiệu nhận biết

Triệu chứng và dấu hiệu của đau ruột thừa thường được xác định dựa trên vị trí của ruột thừa, đây là cách dễ dàng nhận biết khi người bệnh bị viêm ruột thừa.

Cơn đau điển hình xuất hiện ở vùng bụng phải ở bên hoặc trên rốn. Cơn đau thường kéo dài từ 2 đến 12 giờ, bắt đầu âm ỉ rồi tăng dần và lan ra các khu vực xung quanh. Mức độ đau có thể gia tăng khi người bệnh di chuyển, cử động, ho… Trong một số trường hợp, cơn đau có thể xuất hiện ở các vị trí khác như dưới sườn phải, lưng hoặc vùng hông.

Ngoài ra, đau ở ruột thừa còn gặp một số dấu hiệu như:

  • Người bệnh có thể bị sốt trên 38 độ, đây là phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng. Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng cao, điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm phúc mạc.
  • Bệnh nhân cũng có thể gặp các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa hoặc trong một số trường hợp, người bệnh còn có thể bị táo bón, chán ăn và cảm giác ăn không ngon. Những triệu chứng này thường liên quan đến tình trạng viêm ruột thừa cấp.
  • Thành bụng co cứng và đau là một triệu chứng thường xuất hiện trong cơn đau do viêm ruột thừa. Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, ruột thừa có thể bị vỡ, gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Đau bàng quang và đi tiểu nhiều lần cũng thường xảy ra khi viêm ruột thừa tiến triển nặng và kéo dài. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng lan từ ruột thừa, ảnh hưởng đến hệ bài tiết. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

4. Một số cách trị đau ruột thừa tại nhà

Khi bị đau ruột thừa, người bệnh không nên chủ quan hoặc tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, để giảm bớt cơn đau, bệnh nhân có thể áp dụng một số cách sau:

  • Sử dụng nước ấm: Nước ấm có tác dụng hỗ trợ sức khỏe tổng thể và đặc biệt hữu ích khi ruột thừa bị đau. Nước ấm giúp làm sạch ruột và hỗ trợ thải độc tố. Trong trường hợp viêm ruột thừa do tích tụ chất độc, uống nước ấm có thể giúp loại bỏ những chất độc này khỏi cơ thể.
  • Đậu xanh: Từ lâu đậu xanh đã được sử dụng để giảm đau ruột thừa. Mọi người có thể ngâm đậu xanh với nước và uống mỗi ngày 3 lần để hỗ trợ giảm đau.
  • Sữa bơ: Đây cũng là một cách giúp giảm đau ruột thừa. Khi uống, bệnh nhân có thể thêm một chút muối vào sữa bơ để tăng hiệu quả. Nên uống hỗn hợp này từ 2 đến 3 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất. Sữa bơ có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn trong đường ruột, từ đó giúp giảm viêm.
  • Tỏi: Tỏi có khả năng hỗ trợ giảm viêm ruột thừa nhờ vào các hợp chất chống viêm tự nhiên. Để giảm đau ở ruột thừa, bệnh nhân có thể dùng vài tép tỏi sống nhưng nếu lo ngại mùi khó chịu, mọi người có thể thay thế bằng tinh dầu tỏi
Tỏi giúp giảm đau ruột thừa tại nhà hiệu quả.
Tỏi giúp giảm đau ruột thừa tại nhà hiệu quả.
  • Gừng: Trong gừng có chứa các hợp chất chống viêm. Uống trà gừng nhiều lần trong ngày có thể giúp giảm cơn đau ruột thừa. Ngoài ra, mọi người có thể dùng tinh dầu gừng để xoa bóp nhẹ nhàng vùng bụng dưới để giảm đau.
  • Nước ép từ rau như dưa leo, củ cải đường, cà rốt... có thể giúp giảm cơn đau do viêm ruột thừa. Rau chứa nhiều vitamin và chất xơ, mang lại lợi ích cho sức khỏe. Vitamin trong rau giúp tăng cường hệ miễn dịch, trong khi chất xơ hỗ trợ cải thiện tình trạng táo bón.
  • Sử dụng chanh với mật ong hoặc nước chanh: Phương pháp này cũng giúp hỗ trợ điều trị viêm ruột thừa. Chanh cung cấp vitamin C tự nhiên, giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm đau và ngăn ngừa chứng khó tiêu, táo bón.
  • Sử dụng lá húng quế: Húng quế có thể giúp giảm chứng khó tiêu và tăng cường hệ miễn dịch cho đường ruột. Ngoài ra, trong húng quế còn chứa hoạt chất chống oxy hóa, giúp cơ thể đào thải các chất độc hại – một trong những nguyên nhân gây viêm ruột thừa.
  • Hạt cỏ cà ri: Hạt cỏ cà ri được sử dụng để cải thiện tình trạng viêm ruột thừa, với tác dụng ngăn ngừa sự hình thành viêm, mủ và chất nhầy trong ruột thừa.
  • Xoa bóp vùng bụng dưới: Kết hợp xoa bóp bụng và tinh dầu có thể giúp giảm cơn đau do viêm ruột thừa hiệu quả.

5. Nên làm gì khi bị đau ruột thừa để không gây biến chứng?

Khi xuất hiện dấu hiệu đau ruột thừa bệnh nhân nên lưu ý một số điều sau để tránh gây biến chứng:

  • Nhanh chóng đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, trước 24 đến 48 giờ từ khi xuất hiện cơn đau.
  • Không tự ý uống thuốc giảm đau. 
Khi cơn đau xuất hiện ở ruột thừa bệnh nhân nên nhanh chóng đến cơ sở y tế điều trị.
Khi cơn đau xuất hiện ở ruột thừa bệnh nhân nên nhanh chóng đến cơ sở y tế điều trị.

Mặc dù, chúng ta có thể áp dụng một số cách trị đau ruột thừa tại nhà giúp giảm cơn đau khi cần thiết nhưng ruột thừa bị đau vẫn là tình trạng nghiêm trọng cần được theo dõi chặt chẽ và không nên tự điều trị tại nhà. Do đó, bệnh nhân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời ngay khi các triệu chứng nghi ngờ là đau ruột thừa vừa xuất hiện. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ