Cách chữa viêm đại tràng mãn tính

Viêm đại tràng mãn tính là căn bệnh kéo dài dai dẳng với nhiều triệu chứng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến người bệnh cách chữa viêm đại tràng mãn tính và một số lời khuyên hữu ích về căn bệnh này.

1. Bệnh viêm đại tràng mãn tính là gì?

Đại tràng là một bộ phận nằm ở phần cuối của ống tiêu hóa với chức năng chính là hấp thụ phần nước và muối khoáng. Sau đó, nhờ sự phân hủy của vi khuẩn để chuyển hóa lượng thức ăn này thành chất cặn bã và được đào thải ra ngoài bằng nhu động ruột.

Viêm đại tràng là bệnh lý được biểu hiện bởi tình trạng viêm nhiễm với sự xuất hiện những vết loét, sưng, tổn thương tại chỗ hoặc lan tỏa ra nhiều vị trí khác nhau ở niêm mạc đại tràng. Biểu hiện nặng nhẹ khác nhau tùy vào mức độ viêm nhiễm mà sẽ có biểu hiện xuất huyết, áp xe và viêm loét sâu.

Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách kịp thời thì bệnh có thể chuyển từ cấp tính sang giai đoạn mãn tính. Viêm đại tràng mãn tính được xác định là trên 6 tháng kể từ khi có biểu hiện bệnh được phát hiện. Những biểu hiện này sẽ ngày càng nặng nề hơn và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

2. Nguyên nhân chính gây bệnh viêm đại tràng

Viêm đại tràng mãn tính là bệnh lý tương đối thường gặp trong dân số. Nguyên dân gây bệnh có thể bắt nguồn từ những thói quen trong sinh hoạt hằng ngày như:

  • Do nhiễm phải các loại ký sinh trùng, nấm dẫn đến viêm đại tràng cấp tính mà không xử lý dứt điểm.
  • Lối sống và chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như sử dụng thức ăn chưa được nấu chín, uống nước từ có nguồn gốc không đảm bảo vệ sinh hoặc môi trường sống không đảm bảo sạch sẽ.
  • Lạm dụng kháng sinh trong điều trị có thể gây ra mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, đồng thời làm “chết” lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa, dẫn đến rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng, tồn tại lượng lớn cặn bã dư thừa trong đại tràng và làm gia tăng số lượng các vi khuẩn có hại làm tăng cường tình trạng viêm nhiễm.

3. Triệu chứng nhận biết viêm đại tràng mãn tính

Bệnh nhân mắc phải viêm đại tràng mãn tính thường sẽ có những biểu hiện chung của bệnh lý đại tràng nhưng với mức độ và tần suất nặng nề hơn. Những dấu hiệu cơ bản thường gặp như:

  • Xuất hiện những cơn đau tại vị trí hố chậu trái hoặc phải dọc theo khung đại tràng. Tần suất diễn ra cơn đau ở mức thường xuyên và cường độ ngày càng tăng lên. Ngoài ra, cơn đau có thể chỉ ở mức âm ỉ hoặc dữ dội và có thể giảm bớt sau khi đi ngoài.
  • Đi ngoài có tình trạng rối loạn phân với biểu hiện khi lỏng, khi táo nhưng thường kèm theo phân nhầy có máu và mùi hôi.
  • Đau quặn bụng diễn ra thường xuyên kèm theo suy nhược cơ thể, mất nước, khó chịu, ăn uống không ngon miệng. Nếu kéo dài có thể gây ra sụt cân, chóng mặt do thiếu máu.

Khi gặp phải một trong các biểu hiện trên, cần phân biệt viêm đại tràng mạn tính với các bệnh sau:

  • Ung thư đại tràng, đặc biệt là ung thư trực tràng

Chẩn đoán dựa vào việc thực hiện các cận lâm sàng như thăm dò trực tràng, nội soi đại tràng có sinh thiết hoặc chụp X quang khung đại tràng.

  • Rối loạn chức năng đại tràng do vận động

Bệnh đại tràng tăng co thắt hay còn gọi là đại tràng phản ứng, co thắt đại tràng mãn tính và loạn thần kinh đại tràng. Bệnh nhân có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy xen kẽ táo bón và kèm theo các dấu hiệu loạn thần kinh thực vật.

Bệnh đại tràng mất trương lực có triệu chứng lâm sàng nghèo nàn và thường chỉ có táo bón.

  • Rối loạn chức năng tiết chất nhầy

Bệnh đại tràng tăng tiết hoặc bệnh đại tràng giả mạc với biểu hiện đi ngoài ra nhiều màng giả hoặc chất nhầy, bao bọc hoặc trộn lẫn với phân.

Bệnh đại tràng khô (R. Goiffon) với tình trạng đi ngoài phân thành khuôn, có ít vi khuẩn, rất ít amoniac, bao gồm các cặn thức ăn nhất là thực vật, và nhiều tế bào sinh bột và không có chất nhầy.

  • Rối loạn thăng bằng vi khuẩn

Các vi khuẩn có hại ở trong đại tràng có tác dụng làm lên men dẫn đến sinh hơi, thối rữa và tạo nên amoniac, phenol, inđol v.v.. Trong trường hợp lên men quá mức sẽ có biểu hiện đau bụng vùng bên phải, phân lỏng, phân vàng, có nhiều bọt, phản ứng acid, có nhiều tinh bột và ít mỡ, nhiều vi khuẩn ưa iod. Nếu ở trạng thái thối rữa quá mức sẽ gây ra đau bụng lan tỏa và tổng trạng bệnh nhân bị ảnh hưởng nhiều. Đi ngoài có phân mềm, màu sẫm, rất nhiều amoniac và ít acid hữu cơ.

4. Cách chữa viêm đại tràng mãn tính

4.1 Chữa viêm đại tràng mãn tính bằng thuốc Tây y

Dựa trên nguyên nhân, triệu chứng và tình trạng hiện tại của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định các thuốc điều trị sao cho phù hợp như:

  • Thuốc Azathiop hoặc Mercilaurine: Đây là các thuốc thuộc nhóm ức chế miễn dịch, thường sử dụng trong điều trị viêm đại tràng mãn tính. Tuy nhiên, bệnh nhân sử dụng các thuốc này cần thật thận trọng và tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời nên thực hiện xét nghiệm công thức máu định kỳ để phòng tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Thuốc Infliximab, Adalimumab hoặc Golimumab: Đây là các thuốc có tác dụng ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF). Cơ chế hoạt động dựa trên khả năng trung hòa một loại protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch. Các thuốc trên được chỉ định cho những bệnh nhân mắc viêm đại tràng ở mức độ nặng hoặc khi cơ thể đã miễn dịch với các cách điều trị khác.
  • Vedolizumab: Thuốc có cơ chế hoạt động bằng cách ngăn chặn các tế bào viêm và được đưa vào sử dụng để điều trị bệnh viêm loét đại tràng khi người bệnh không chịu được các phương pháp điều trị khác.

Ngoài ra, có một số loại thuốc không kê đơn có thể được sử dụng trong điều trị viêm đại tràng. Tuy nhiên, bệnh nhân không được tự ý sử dụng mà cần xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Các thuốc gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng nhằm dự phòng hoặc kiểm soát nhiễm trùng.
  • Thuốc chống tiêu chảy: Thuốc Loperamide có hiệu quả đối với tình trạng tiêu chảy cấp. Khi sử dụng thuốc cần có sự tư vấn của bác sĩ để tránh nguy cơ megacolon độc hại làm mở rộng đại tràng.
  • Thuốc giảm đau: Khi gặp phải những cơn đau nhẹ, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân sử dụng Acetaminophen. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc quá nhiều tránh làm nặng thêm các triệu chứng bệnh và gia tăng mức độ các cơn đau.

4.2 Chữa viêm đại tràng mãn tính bằng phương pháp Đông y

Đây là một phương pháp điều trị đang được nhiều bệnh nhân ưa chuộng bởi sự lành tính và dễ dàng tìm kiếm các nguyên liệu trong tự nhiên. Tuy nhiên, trước khi sử dụng một phương pháp điều trị nào thì bệnh nhân cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. 2 bài thuốc thường được sử dụng để chữa viêm đại tràng mãn tính bao gồm:

  • Lá ổi: Đây là nguyên liệu thường được sử dụng để chữa các loại bệnh lý về đường tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi... được truyền từ đời xưa đến nay. Trong thực tế hiện nay thì bài thuốc này dùng để trị viêm đại tràng có kèm theo triệu chứng tiêu chảy bằng cách thực hiện các bước sau đây:
    • Bước 1: Lấy một nắm lá ổi non rửa sạch rồi cho vào 500ml.
    • Bước 2: Đun sôi cho đến khi nồi nước còn khoảng 300 ml thì tắt lửa và chắt lấy nước.
  • Bước 3: Chia nước lá ổi thành những phần nhỏ để uống nhiều lần trong ngày và sử dụng hết trong ngày.
  • Nha đam: Nha đam (Lô hội) có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và mát gan nên được rất nhiều người biết đến và được dùng để chữa bệnh viêm đại tràng ở những người hay bị táo bón. Nước nha đam có thể được pha với nguyên liệu gồm 5 lát nha đam tươi và 500ml mật ong nguyên chất theo hướng dẫn dưới đây:
  • Bước 1: Đem nha đam tươi đi rửa sạch, gọt bỏ vỏ rồi rửa qua nước sôi để làm sạch nhựa rồi đem đi xay nhuyễn.
  • Bước 2: Trộn nha đam đã xay nhuyễn với mật ong nguyên chất thành một hỗn hợp.
  • Bước 3: Bảo quản hỗn hợp này trong lọ thủy tinh sạch. Mỗi lần sử dụng 2 thìa hỗn hợp pha với nước và uống 3 lần/ngày.

5. Bí quyết cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân viêm đại tràng mãn tính

Hiệu quả của việc chữa viêm đại tràng mạn tính không chỉ phụ thuộc vào việc dùng thuốc mà còn dựa vào việc thay đổi lối sống và chế độ sinh hoạt như:

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng đảm bảo khoa học để cải thiện tình trạng bệnh:

  • Ăn những thực phẩm có tác dụng tốt cho đại tràng như khoai tây, gạo, cá, hoa quả, nước ép chứa nhiều vitamin và rau củ chứa nhiều chất xơ.
  • Không sử dụng các loại thực phẩm sống hoặc được lên men để tránh trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột như tiết canh, rau sống, nem chua, gỏi, đồ ăn vỉa hè và đồ ôi thiu...
  • Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm gây kích thích đường ruột như thực phẩm chiên rán có chứa nhiều dầu mỡ, chất kích thích, rượu bia, cà phê và thuốc lá...
  • Nên ăn các loại thực phẩm mềm và chia ra làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn.
  • Uống nhiều nước hằng ngày để tránh tình trạng mất nước do tiêu chảy gây ra.
  • Khi có triệu chứng tiêu chảy, bệnh nhân cần giảm đi lượng chất xơ trong khẩu phần ăn và tăng chất xơ khi bị táo bón.
  • Sử dụng thực phẩm sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt điều độ:

  • Kiểm soát tình trạng căng thẳng, stress, áp lực để giữ tinh thần luôn vui vẻ lạc quan.
  • Ngủ đủ giấc mỗi ngày, tránh thức khuya trong thời gian dài
  • Tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, vận động thể chất để tăng cường sức đề kháng, đồng thời còn giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa cải thiện ngăn ngừa biến chứng.
  • Uống thuốc đầy đủ theo liều mà bác sĩ đã kê đơn.
  • Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Tóm lại, viêm đại tràng mãn tính là căn bệnh dai dẳng khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu biết kết hợp điều trị đúng cách cùng chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc khoa học thì vẫn có thể làm bệnh tình thuyên giảm đáng kể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan