Các loại thuốc dễ gây táo bón

Táo bón là bệnh lý ở đường tiêu hóa, xảy ra khá phổ biến và gặp ở nhiều độ tuổi. Bệnh lý này được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó một số loại thuốc gây táo bón là tác dụng không mong muốn khi người bệnh dùng trong thời gian dài.

1. Tổng quan về táo bón

Táo bón là tình trạng phân di chuyển chậm trong đường tiêu hóa, dẫn tới khó khăn khi đi đại tiện và số lần đại tiện cách nhau từ 3 ngày trở lên. Người bệnh bị táo bón khi đi vệ sinh phân thường nhỏ, khô cứng và có khi thành cục, sau khi đi đại tiện vẫn có cảm giác còn phân trong ruột. Tình trạng này làm phân tích tụ lâu ngày trong cơ thể dễ dẫn đến các bệnh lý khác như trĩ, nứt hậu môn, thoát vị...

Người bệnh bị táo bón thường có những triệu chứng sau:

  • Muốn đi đại tiện nhưng khó hoặc đi không hết phân.
  • Số lần đi đại tiện giảm đột ngột so với bình thường (dưới 3 lần trong tuần).
  • Đầy hơi chứng bụng hoặc đau quặn bụng, hậu môn luôn trong tình trạng căng tức.
  • Chảy máu kèm đau khi đi vệ sinh, xuất hiện các cơn đau lưng lây lan từ triệu chứng chướng bụng.

Táo bón xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể kể đến một số nguyên nhân chính như sau:

  • Thuốc gây táo bón: Một số loại thuốc thường gây tác dụng không mong muốn là táo bón.
  • Chế độ dinh dưỡng hàng ngày không cung cấp đủ chất xơ, chứa nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa.
  • Không uống đủ nước làm cho phân bị khô cứng.
  • Uống nhiều đồ uống gây lợi tiểu như trà, cà phê... làm tăng hấp thu nước ở ruột dẫn đến khô cứng phân.
  • Ít tập thể dục và vận động hàng ngày.
  • Thường xuyên bỏ qua cảm giác muốn đi vệ sinh hoặc nhịn đi vệ sinh
  • Mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa như to trực tràng vô căn, nứt hậu môn, u gây tắc nghẽn ống tiêu hóa...

2. Các loại thuốc gây táo bón

Nhiều loại thuốc khi sử dụng trong thời gian dài sẽ gây tác dụng phụ là táo bón. Các loại thuốc gây táo bón có thể kể đến như sau:

2.1. Thuốc giảm đau nhóm opioid

Opioid là nhóm thuốc giảm đau trung ương, tác dụng giảm đau mạnh nên được sử dụng trong các cơn đau nặng, hiệu quả kiểm soát cơn đau tốt và giúp cải thiện chất lượng đời sống của người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân ung thư. Các thuốc trong nhóm này như hydrocodon, codein, oxycodon, tramadol, morphin... gây tác dụng phụ là táo bón khi sử dụng.

Nguyên nhân gây táo bón là do opioid làm giảm bài tiết ở ống tiêu hóa, giảm nhu động ruột và tăng tái hấp thu dịch từ niêm mạc ruột. Quá trình này làm cho phân bị khô, cứng và khó đi đại tiện. Vì vậy, bệnh nhân sử dụng các thuốc trong nhóm này thường gặp phải tình trạng chướng bụng, phân cứng và táo bón.

Nhóm thuốc điều trị Parkinson là một trong các loại thuốc gây táo bón
Thuốc giảm đau nhóm opioid nằm trong danh sách thuốc gây táo bón

2.2. Thuốc sắt và các chế phẩm bổ sung sắt

Táo bón là một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất khi uống thuốc sắt và các chế phẩm bổ sung sắt, đặc biệt là bổ sung sắt ở phụ nữ đang mang thai. Nguyên nhân là do cơ thể không hấp thu hết hoàn toàn lượng thuốc uống, các ion sắt dư thừa trong cơ thể khi đào thải sẽ gây táo bón. Tuy nhiên, sắt và các chế phẩm bổ sung sắt gồm hai dạng là sắt vô cơ và sắt hữu cơ, trong đó sắt hữu cơ không gây táo bón ở hầu hết người dùng. Đối với các thuốc chứa sắt vô cơ khi uống các ion sắt được giải phóng một cách nhanh chóng vào niêm mạc ruột, dẫn đến tăng nồng độ ion sắt trong máu. Khi cơ thể không hấp thu hết các ion này sẽ dẫn đến tình trạng kích ứng niêm mạc, ợ nóng, ợ chua và táo bón. Các sản phẩm thuốc chứa sắt hữu cơ hấp thu vào ở niêm mạc ruột một cách chủ động, có kiểm soát theo nhu cầu của cơ thể vào trong máu. Lượng muối sắt hữu cơ không được hấp thu sẽ được đào thải dễ dàng qua đường tiêu hóa và không gây kích ứng niêm mạc, táo bón... Vì vậy, đối với người bệnh bổ sung sắt và các chế phẩm từ sắt khuyến cáo nên uống nhiều nước và sử dụng sắt hữu cơ để giúp hạn chế táo bón.

Một số thuốc bổ sung sắt không gây táo bón chứa các muối sắt hữu cơ như sắt fumarate, sắt gluconate...

2.3. Nhóm thuốc chẹn kênh Canxi

Các thuốc trong nhóm chẹn kênh Canxi như verapamil, diltiazem, nifedipin... được sử dụng điều trị trong các bệnh lý rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, đau thắt ngực... Nhóm thuốc này tác dụng theo cơ chế giãn cơ mạch máu, trong đó có cơ trơn đường tiêu hóa. Giãn cơ trơn đường tiêu hóa dẫn tới giảm co bóp hệ đường ruột, giảm nhu động ruột gây táo bón cho người bệnh.

2.4. Nhóm thuốc kháng axit

Các thuốc trong nhóm kháng axit như các hydroxyd của nhôm, magie và canxi, còn được gọi là các antacid. Đây là nhóm thuốc có tác dụng trung hòa axit dịch vị, nâng pH của dạ dày lên xấp xỉ bằng 4 nên được chỉ định trong các trường hợp loét dạ dày – tá tràng, hội chứng Zollinger – Ellison. Trong đó các chế phẩm thuốc từ hydroxyd của nhôm nếu dùng trong thời gian dài sẽ kết hợp với protein niêm mạc ruột, làm săn niêm mạc ruột và gây táo bón.

Ngược lại các chế phẩm thuốc từ hydroxyd của magie dùng lâu sẽ gây giữ nước và có tác dụng nhuận tràng. Vì vậy, người ta thường kết hợp nhôm hydroxyd và magie hydroxyd trong một chế phẩm để hạn chế táo bón cho người bệnh.

2.5. Nhóm thuốc chống trầm cảm

Đối với những bệnh nhân mắc nhiều bệnh lý đồng thời thì việc uống thuốc tây nhiều dễ gây táo bón. Trong đó, các thuốc nhóm chống trầm cảm như imipramin, amitryptilin... tác dụng theo cơ chế giảm bài tiết và hoạt động của acetylcholine, dẫn đến giảm co thắt đường tiêu hóa, giảm nhu động ruột và gây táo bón. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc chống trầm cảm còn gặp phải các tác dụng phụ khác như khô miệng, bí tiểu, khô da, nhìn mờ...

2.6. Nhóm thuốc điều trị Parkinson

Hệ tiêu hóa của người bệnh parkinson thường bị rối loạn như hấp thu chất dinh dưỡng kém, đào thải chất cặn bã kém, nhu động ruột bị suy giảm nên rất dễ bị táo bón. Kết hợp với đó là một số thuốc điều trị parkinson như benztropin, trihexyphenidyl, orphendrin... tác dụng theo cơ chế kháng cholinergic làm giảm co thắt đường tiêu hóa, giảm nhu động ruột dẫn đến tác dụng không mong muốn phổ biến là táo bón, tăng nhãn áp, khô miệng, mờ mắt...

Nhóm thuốc điều trị Parkinson là một trong các loại thuốc gây táo bón
Nhóm thuốc điều trị Parkinson là một trong các loại thuốc gây táo bón

3. Táo bón do thuốc cần làm gì?

Táo bón do thuốc được xem là tác dụng không mong muốn. Các tác dụng phụ của thuốc không thể xác định trước và không phải người bệnh nào cũng gặp tình trạng này. Thuốc gây táo bón thường do các tác động lên đường tiêu hóa làm giảm nhu động ruột, mất cân bằng điện giải trong cơ thể. Vì vậy, nếu người bệnh gặp tình trạng táo bón khi dùng thuốc thì nên thông báo với bác sĩ điều trị để có phương pháp điều chỉnh phù hợp. Tuyệt đối không tự ý sử dụng hay lạm dụng các thuốc nhuận tràng, vì sử dụng các thuốc này khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị có thể làm tăng nguy cơ tương tác với thuốc đang sử dụng. Mặt khác, việc lạm dụng thuốc nhuận tràng trong thời gian dài sẽ làm giảm khả năng hoạt động của hệ cơ đại tràng, khiến cho hệ cơ này không thể hoạt động được khi không dùng thuốc, từ đó tình trạng táo bón của người bệnh cũng tăng lên.

Bên cạnh đó, bệnh nhân bị táo bón trước khi dùng thuốc hoặc khi đang dùng thuốc nên có biện pháp thay đổi lối sống và sinh hoạt theo hướng tích cực như sau:

  • Chế độ dinh dưỡng nên chứa nhiều chất xơ, bao gồm các loại rau, củ, quả tươi như bắp cải, súp lơ, chuối, táo, khoai lang... Chất xơ từ thức ăn giúp hệ đường ruột hoạt động tốt hơn, hạn chế sự hấp thu nước từ phân, giúp phân không bị khô cứng.
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể bằng cách uống đủ lượng nước mỗi ngày (khoảng từ 1,5 – 2 lít) và nên uống một ly nước ấm vào mỗi buổi sáng để giúp điều hòa chức năng của hệ tiêu hóa, hạn chế tình trạng táo bón.
  • Luyện tập thể dục, thể thao mỗi ngày.
  • Hạn chế uống các loại đồ uống kích thích lợi tiểu như trà, cà phê, rượu... và ăn ít các loại thức ăn đậm vị như hẹ, tỏi, ớt... để hạn chế đi tiểu nhiều lần và hấp thu nước từ phân.
  • Dùng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, bổ sung mật ong, sữa, vừng, hạch đào... vào chế độ ăn hàng ngày giúp tăng tác dụng nhuận tràng.

Tóm lại, nhiều loại thuốc khi sử dụng trong thời gian dài sẽ gây tác dụng phụ táo bón. Thuốc gây táo bón thường do các tác động lên đường tiêu hóa làm giảm nhu động ruột, mất cân bằng điện giải trong cơ thể. Vì vậy, nếu người bệnh gặp tình trạng táo bón khi dùng thuốc thì nên thông báo với bác sĩ điều trị để có phương pháp điều chỉnh phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan