Các biện pháp hỗ trợ trong điều trị viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp, căn bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng xấu đến tính mạng. Vì vậy, bạn nên chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ với chế độ sinh hoạt, ăn uống và lối sống lành mạnh. Nếu có nghi ngờ dấu hiệu mắc bệnh thì cần đến ngày cơ sở y tế để được khám và áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị viêm tụy cấp.

1. Viêm tụy cấp nguy hiểm như thế nào?

Viêm tụy cấp gây ra sự phá huỷ, xơ hoá nhu mô tụy đồng thời gây tổn thương lan rộng hoặc khu trú thành từng ở tụy. Quá trình xơ hoá có thể làm cho canxi hóa lan rộng hoặc khu trú ống tụy gây hẹp lòng ống tụy dẫn đến suy giảm chức năng nội tiết và ngoại tiết của tụy.

Vì thế khi bị tổn thương tụy khiến cho chức năng của nó không được đảm bảo, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình chuyển hoá các chất trong cơ thể, từ đó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Một trong những biến chứng nguy hiểm của viêm tụy là đái tháo đường. Người bệnh viêm tụy không sử dụng được các phân tử đường trong quá trình chuyển hóa tế bào dẫn đến tình trạng tăng đường huyết.

Bên cạnh đó, chất dinh dưỡng trong thức ăn đưa vào cơ thể cũng không được phân giải và hấp thu nên sẽ gây ra tình trạng sụt cân nhanh chóng dẫn tới suy dinh dưỡng, suy kiệt sức khoẻ.

Không những thế tình trạng viêm tụy cấp còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nang giả tụy kích thước lớn, tạo huyết khối trong tĩnh mạch hay tình trạng ung thư tuyến tụy.

2. Điều trị viêm tụy cấp

  • Đối với trường hợp viêm tụy cấp nặng và có cả biến chứng thì cần được can thiệp điều trị viêm tụy cấp đồng thời sử dụng kháng sinh.
  • Trong một số trường hợp cụ thể bệnh nhân viêm tụy cấp có thể được chỉ định can thiệp ngoại khoa như: Viêm tụy cấp do sỏi mật, nang giả tụy, áp xe tụy, hoại tử tụy đặc biệt hoại tử nhiễm trùng.
  • Nếu bệnh nhân viêm tụy cấp nguyên nhân do sỏi túi mật hoặc sỏi bùn túi mật có thể được xem xét việc thực hiện cắt túi mật trong khoảng 7 ngày sau khi phục hồi để giảm nguy có tái phát viêm tụy cấp.
  • Điều trị viêm tụy cấp nặng và có biến chứng thường bao gồm: Chăm sóc ICU, đôi khi có thể áp dụng hỗ trợ dinh dưỡng nhân tạo, cắt bỏ ổ hoại tử, dẫn lưu nang giả tụy...
Trong điều trị viêm tụy cấp người bệnh nên được bổ sung dịch sớm
Trong điều trị viêm tụy cấp người bệnh nên được bổ sung dịch sớm

3. Điều trị hỗ trợ viêm tụy cấp

3.1 Bồi hoàn dịch

Hồi sức bằng truyền dịch tĩnh mạch cải thiện tưới máu tuyến tụy, đồng thời cũng có tác dụng ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện như hoại tử tụy.

Để chữa viêm tụy cấp nên bổ sung dịch sớm, và cung cấp cho tất cả người bệnh trong vòng 12 đến 24 giờ đầu tiên. Tuy nhiên, đối với trường hợp bệnh nhân mắc tim mạch, bệnh thận hoặc các yếu tố liên quan khác thì không áp dụng trường hợp này. Bù dịch đầy đủ có thể được đánh giá bằng các chỉ số giảm Hct và BUN trong vòng 24 giờ đầu đặc biệt nếu quá trình viêm tụy cấp đang ở giai đoạn khởi phát.

Các thông số khác có thể cải thiện dấu hiệu sinh tồn và duy trì nước tiểu phù hợp. Khi bổ sung dịch cần được đánh giá lại thường xuyên trong 6 giờ đầu tiên nhập viện và trong từ 24 đến 48 giờ tiếp theo. Khi bệnh nhân viêm tụy cấp được hồi sức bằng bù dịch cần được đo SpO2, bổ sung oxy khi cần thiết và cần được kiểm tra chặt chẽ lưu lượng dịch vào và ra.

Bù dịch đủ sẽ ngăn ngừa được các biến chứng viêm tụy cấp, hoại tử và cải thiện tình trạng suy cơ quan trong cơ thể.

Dịch đẳng trương hoặc tinh thể đều được sử dụng để bù dịch cho bệnh nhân viêm tụy cấp, tốc độ bù phụ thuộc vào tình trạng thể tích dịch, tim mạch của bệnh nhân, khoảng 250 đến 300ml/giờ trong 48 giờ đối với viêm tụy cấp nặng.

Dấu hiệu sinh tồn, lượng nước tiểu (>0,5ml/kg/giờ), CVP, Hct và BUN được chỉ định mỗi 12 đến 24 giờ giúp đánh giá bù dịch đủ hay chưa.

Nên tiếp tục truyền dịch đối với bệnh nhân viêm tụy cấp cho đến khi đảm bảo hết nguy cơ suy cơ quan.

3.2 Chăm sóc hô hấp

  • Duy trì SaO2 >95%. 3. Cân bằng chuyển hóa
  • Tăng chỉ số đường huyết cần được điều trị cẩn thận với insulin.
  • Bù Mg, Ca khi cần thiết.

3.3 Đặt ống mũi dạ dày

  • Không cần trong viêm tụy cấp nhẹ.
  • Được thực hiện khi có tình trạng ói nhiều, tránh viêm phổi hít và tắc ruột.

3.4 Hỗ trợ dinh dưỡng, bảo tồn chức năng

  • Đối với viêm tụy cấp nhẹ: Bệnh nhân mắc bệnh viêm tụy cấp cần nhịn ăn vài ngày đầu, bù dịch qua đường tĩnh mạch, bệnh nhân thường ăn trở lại sau 3-7 ngày.
  • Bệnh nhân viêm tụy cấp nghiêm trọng: Cần được hỗ trợ dinh dưỡng mặc dù thời gian bắt đầu thực hiện hỗ trợ với thời gian tối ưu hỗ trợ dinh dưỡng vẫn còn chưa được rõ ràng. Tuy nhiên, sử dụng dinh dưỡng đường ruột và chỉ sử dụng dinh dưỡng đường tĩnh mạch nếu không thể sử dụng dinh dưỡng đường ruột giúp duy trì hàng rào niêm mạc ruột. Ngăn ngừa được chứng theo ruột có thể xảy ra khi ruột nghỉ một thời gian dài không hoạt động....
Giảm đau có vai trò quan trọng trong điều trị viêm tụy cấp
Giảm đau có vai trò quan trọng trong điều trị viêm tụy cấp

3.5 Giảm đau

Triệu chứng đau của bệnh viêm tụy cấp được phân loại mức độ từ nhẹ đến nặng. Nguyên nhân chủ yếu vì men tụy bị giải thoát khỏi ống tuyến sẽ chuyển thành độc chất có thể tiêu hoá những tạng trong ổ bụng khi được tiếp xúc. Vì vậy, người bệnh sẽ có những triệu chứng đau bụng đột ngột, nặng nề, vật vã đổ nhiều mồ hôi...

Giảm đau hiệu quả đòi hỏi phải sử dụng opioid tĩnh mạch và cần có liều lượng thích hợp. Ngoài ra thuốc chống nôn cũng có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng buồn nôn và nôn ở người bệnh viêm tụy cấp.

  • Pethidin (Meperidin) thuộc nhóm một opioids 50-100mg mỗi 4 giờ.
  • Fentanyl IV: An toàn viêm tụy cấp nhẹ ngay cả khi có suy thận, có thể ức chế hô hấp với liều 20-50μg trong 10 phút.
  • Morphin và các dẫn xuất của nó có thể làm xấu tình trạng viêm tụy do tăng trương lực cơ vòng Oddi.
  • Anticholinergic như Atropin nên tránh sử dụng cho bệnh nhân viêm tụy cấp do làm nặng tình trạng tắc ruột.
  • Acetaminophen sẽ được chỉ định trong viêm tụy cấp cấp nhẹ hay sốt.

4. Theo dõi và phát hiện biến chứng viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp nguy hiểm như thế nào? Tổn thương ở các vị trí gan, thận có thể gây nguy kịch liên quan tới hệ hô hấp, tuần hoàn hay suy đa tạng được xem như biến chứng nặng nhất của tình trạng viêm tụy cấp. Vì vậy, người bệnh cần được theo dõi tích cực và kịp thời phát hiện để có phác đồ điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, cũng cần theo dõi thường xuyên các chỉ số mạch, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, nước tiểu, độ bão hoà oxy trong máu cùng với các xét nghiệm liên quan đến công thức máu, chức năng gan, thận điện giải....

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan