Bị tiêu chảy có làm giảm huyết áp không?

Tiêu chảy cấp là tình trạng bệnh lý khiến người bệnh đi ngoài nhiều, nôn liên tục dễ dẫn tới mất nước quá nhiều. Từ đó gây tụt huyết áp, truỵ tim mạch, suy kiệt và thậm chí là tử vong.

1. Tiêu chảy cấp là gì?

Tiêu chảy cấp là tình trạng bệnh lý phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào với biểu hiện đi ngoài phân lỏng ít nhất 3 lần trong 1 ngày và kéo dài dưới 14 ngày. Nguyên nhân thường gặp gây ra tiêu chảy cấp có thể kể đến như:

  • Vi khuẩn: Phổ biến nhất là Escherichia Coli, ngoài ra còn có lỵ và thương hàn,... thường gặp khi ăn phải thực phẩm bẩn. Tiêu chảy do vi khuẩn thường diễn tiến nặng, dễ gây mất nước, nhiễm trùng máu hay thậm chí tử vong.
  • Virus: Hay gặp Rotavirus và Norovirus.
  • Kí sinh trùng.
  • Các nguyên nhân khác như sử dụng kháng sinh, thuốc điều trị gút.
  • Một số bệnh lý đường tiêu hoá gây tiêu chảy mạn tính dễ nhầm lẫn với tiêu chảy cấp như ung thư, polyp, viêm loét đại tràng và phẫu thuật tại đường tiêu hoá,...

Các triệu chứng hay gặp của tiêu chảy cấp gồm có:

  • Đại phân lỏng ít nhất 3 lần/ ngày, phân toé nước, hoa cà hoa cải và lẫn nhầy máu
  • Đau bụng thành cơn vùng quanh rốn, sau đi đại tiện dễ chịu hơn
  • Nôn ra thức ăn, dịch dạ dày và dịch mật
  • Các biểu hiện mất nước (biến chứng): Khát nước, mắt trũng, mệt mỏi, đái ít, da khô, tái lạnh, tinh thần chậm chạp hoặc li bì và thậm chí hôn mê.

2. Như thế nào là tụt huyết áp?

Chỉ số huyết áp bình thường ở người trưởng thành là khoảng 90-139 mmHg với huyết áp tâm thu và 60-89 mmHg với huyết áp tâm trương. Tụt huyết áp là tình trạng huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và/ hoặc huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg.

Tụt huyết áp là một dấu hiệu nguy hiểm cho thấy máu không đủ áp lực để vận chuyển mang oxy và chất dinh dưỡng đến cho các cơ quan. Não là cơ quan chịu ảnh hưởng đầu tiên nên người bệnh sẽ có các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, choáng váng và hồi hộp,... Ngoài ra, hạ huyết áp cũng ảnh hưởng đến tim khiến tim đập nhanh hơn không kiểm soát, bệnh nhân mất dần ý thức hoặc lú lẫn,... dẫn đến chết não và cuối cùng là tử vong.

3. Bị tiêu chảy có làm giảm huyết áp không?

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng hạ huyết áp, phụ thuộc vào các yếu tố như tư thế, tình trạng sức khoẻ, cảm xúc, hoạt động và thời điểm trong ngày,...

Một trong những nguyên nhân gây nên tụt huyết áp chính là mất nước- dễ xảy ra trong tiêu chảy cấp. Khi bị tiêu chảy cấp, 1 lượng lớn dịch cơ thể bị đào thải ra ngoài gây ra giảm thể tích tuần hoàn cơ thể và là nguyên nhân thường gặp gây tụt huyết áp ở mọi đối tượng, kể cả người khoẻ mạnh hay người lớn tuổi. Ngoài ra, cơ thể cũng có thể bị mất nước do tiêu chảy hoặc triệu chứng đi kèm như nôn quá nhiều, đổ mồ hôi,...

4. Xử trí như thế nào khi bị tụt huyết áp do tiêu chảy cấp?

Khi người bệnh tiêu chảy cấp có dấu hiệu tụt huyết áp, việc cần làm ngay là dừng mọi hoạt động, bệnh nhân cần ngồi hoặc nằm để máu lưu thông tốt hơn, từ đó giảm tình trạng tụt huyết áp. Trong trường hợp tụt huyết áp do mất nước khi nôn ói hay đi tiêu lỏng nhiều lần thì cần cho bệnh nhân uống nước bù điện giải trong dung dịch oresol hoặc uống nước cháo, sữa và nước canh rau,... để bổ sung kịp thời.

Sau khi xử trí được tình trạng tụt huyết áp tạm thời, người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt để tránh tái phát và giúp huyết áp cơ thể ổn định hơn:

  • Ăn đầy đủ dinh dưỡng, đủ 3 bữa và đa dạng các loại vitamin.
  • Uống nhiều nước từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, nếu mất nước, lao động nặng ra mồ hôi thì cần uống nhiều nước và dung dịch bù điện giải.
  • Hạn chế dùng đồ uống có cồn và các chất kích thích.
  • Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, tránh thay đổi tư thế đột ngột hoặc làm việc quá sức và làm việc trong thời gian dài.
  • Đi lại nhiều hơn, hạn chế đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài, ngủ nên gối đầu thấp, đặt chân cao để máu về não dễ dàng hơn
  • Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh tâm trạng tiêu cực như buồn bã, sợ hãi, lo lắng,...

5. Phòng ngừa tiêu chảy cấp như thế nào?

Tiêu chảy cấp rất dễ lây lan qua thực phẩm và gây bệnh dịch lớn. Để phòng ngừa tiêu chảy cấp hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của mỗi người và cả cộng đồng cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sau:

  • Thực hiện ăn chín uống sôi, tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi trước khi ăn.
  • Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn uống.
  • Dụng cụ, bát đũa trước khi ăn cần rửa sạch sẽ và nhúng nước sôi.
  • Bảo quản thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, muỗi, gió và bụi bặm.
  • Xử lý phân, chất thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh, không dùng phân tươi để bón và tưới rau
  • Thực hiện 6 không: Không ăn rau sống, không ăn tiết canh, không ăn mắm tôm, mắm tép sống, không ăn gỏi cá, hải sản sống, không ăn nem chạo, nem chua, không uống nước lã và nước đá mất vệ sinh

Hy vọng bài viết trên của Vinmec đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “bị tiêu chảy cấp có làm giảm huyết áp không?”. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan