Tìm hiểu về thuốc xịt hen Seretide 25/250

Seretide 25/250 là thuốc trị hen dạng xịt với thành phần chính là salmeterol và fluticason. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu về cách sử dụng và những lưu ý khi dùng Seretide.

1. Công dụng của thuốc Seretide 25/250

Thuốc xịt hen Seretide 25/250 được chỉ định trong điều trị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Thuốc xịt hen Seretide 25/250 được chỉ định trong điều trị:

  • Hen ở người lớn và trẻ em trên 4 tuổi bao gồm những bệnh nhân
    • Không được kiểm soát đầy đủ bằng corticosteroid xịt và thuốc chủ vận beta, tác dụng ngắn dạng xịt "khi cần".
    • Vẫn còn triệu chứng khi đang điều trị bằng corticosteroid dạng xịt.
    • Đang được kiểm soát hiệu quả bằng cả thuốc chủ vận beta, tác dụng kéo dài và corticosteroid xịt.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Điều trị duy trì tắc nghẽn đường dẫn khí và giảm cơn kịch phát ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

2. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Seretide 25/250

2.1. Cách sử dụng

Thuốc xịt hen Seretide 25/250 được dùng để hít qua đường miệng. Dưới đây là cách sử dụng thuốc Seretide 25/250:

Đầu tiên, kiểm tra bình xịt: Trước khi dùng thuốc lần đầu, tháo nắp ống ngậm bằng cách bóp nhẹ các mặt của nắp, lắc kỹ bình xịt, xịt vào không khí đến khi bộ đếm chỉ số 120 để chắc chắn rằng bình xịt hoạt động bình thường. Nên lắc bình trước khi xịt. Nếu không sử dụng trong 1 tuần hoặc lâu hơn, tháo nắp đậy, lắc kỹ bình và xịt một nhát vào không khí.

Tiếp đó, sử dụng bình xịt:

  • Bước 1. Bóp nhẹ các mặt của nắp để tháo nắp đậy ống ngậm
  • Bước 2. Kiểm tra bình xịt xem có chỗ nào bị bong ra hay không.
  • Bước 3. Lắc kỹ bình xịt để đảm bảo các vật bị bong ra đã được loại bỏ và các thành phần thuốc trong bình xịt được trộn đều.
  • Bước 4. Giữ bình xịt thẳng đứng giữa ngón tay cái và các ngón khác, với ngón tay cái ở đáy bình, phía dưới của ống ngậm.
  • Bước 5. Thở ra hết cỡ đến khi còn cảm thấy dễ chịu, sau đó đưa ống ngậm vào giữa hai hàm răng và khép môi xung quanh, không cắn ống ngậm.
  • Bước 6. Ngay sau khi bắt đầu hít thuốc vào miệng, ấn phần đỉnh của bình để phóng thích hoạt chất trong khi vẫn đang hít vào đều đặn và sâu.
  • Bước 7. Trong khi nín thở, lấy bình xịt ra khỏi miệng và thả lỏng ngón tay đặt trên phần đỉnh của bình. Tiếp tục nín thở cho đến khi vẫn cảm thấy dễ chịu.
  • Bước 8. Nếu bạn tiếp tục xịt thêm liều thứ 2, giữ bình xịt thẳng đứng và đợi khoảng 30 giây trước khi lặp lại các bước từ 3 đến 7.
  • Bước 9. Súc miệng bằng nước và nhổ đi.
  • Bước 10. Đậy nắp bình xịt, khi lắp đúng, nắp sẽ khớp vào đúng vị trí. Nếu nắp không khớp đúng vị trí, xoay nắp theo chiều ngược lại và thử nắp lại. Không nên dùng lực quá mạnh.

Lưu ý: Không tiến hành các bước 5, 6 và 7 vội vàng. Điều quan trọng là bắt đầu hít vào càng chậm càng tốt trước khi vận hành bình xịt. Hãy tập luyện trước gương trong những lần đầu. Nếu bạn thấy "hơi" tỏa ra từ đỉnh của bình hoặc hai bên miệng thì nên bắt đầu lại từ bước 2.

Khi bộ đếm hiện số 020, nên cân nhắc có bình thuốc mới để thay thế. Khi bộ đếm chỉ số 000, cần thay bình thuốc mới. Lượng thuốc còn lại trong bình có thể không đủ cho 1 liều dùng. Đừng cố làm thay đổi con số trên bộ đếm hoặc tháo bộ đếm khỏi bình kim loại. Bộ đếm không thể cài đặt lại và được gắn cố định vào bình.

Nếu bác sĩ đưa ra hướng dẫn sử dụng khác, hãy làm theo chỉ dẫn bác sĩ. Hãy nói cho bác sĩ biết nếu bạn gặp bất cứ vấn đề khó khăn nào.

2.2. Liều dùng

Các chuyên gia khuyến cáo, dùng thuốc Seretide 25 250 thường xuyên để đạt được lợi ích tối đa, ngay cả khi không có triệu chứng.

  • Hen (Bệnh tắc nghẽn đường dẫn khí có hồi phục): Nên điều chỉnh đến liều thấp nhất mà vẫn kiểm soát được triệu chứng. Khi việc kiểm soát triệu chứng được duy trì ở liều hai lần mỗi ngày, việc điều chỉnh đến liều thấp nhất có hiệu quả: 1 lần mỗi ngày. Bệnh nhân nên dùng thuốc Seretide có hàm lượng fluticasone phù hợp với mức độ bệnh.
  • Người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên: Hai nhát xịt mỗi lần x hai lần mỗi ngày. Liều tối đa khuyến cáo là 500/50, 2 lần/ngày.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Liều khuyên dùng cho người lớn là 2 nhát xịt x 2 lần mỗi ngày.
  • Đối tượng đặc biệt như bệnh nhân cao tuổi hoặc bệnh nhân suy gan hoặc suy thận: không cần chỉnh liều.

3. Chống chỉ định của thuốc Seretide 25/250

Thuốc Seretide 25 250 chống chỉ định với các đối tượng:

  • Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Điều trị ban đầu tình trạng hen hoặc đợt cấp của hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khi cần điều trị tích cực.

4. Tác dụng phụ của thuốc Seretide 25/250

Khi sử dụng thuốc Seretide 25/250 có thể gặp các tác dụng không mong muốn như:

  • Nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng: Nhiễm nấm candida miệng và họng, viêm phế quản, viêm phổi (ở bệnh nhân COPD).
  • Rối loạn hệ miễn dịch: Phản ứng quá mẫn trên da, khó thở.
  • Rối loạn nội tiết: Hội chứng Cushing, làm chậm sự tăng trưởng ở trẻ, suy thượng thận, giảm mật độ khoáng xương.
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Dấu hiệu thường gặp nhất là giảm kali huyết và ít gặp hơn là tăng đường huyết.
  • Rối loạn tâm thần: Lo lắng, rối loạn giấc ngủ.
  • Rối loạn hệ thần kinh: Đau đầu. run.
  • Rối loạn mắt: Đục thủy tinh thể, Tăng nhãn áp.
  • Rối loạn tim: Đánh trống ngực, rung nhĩ, nhịp tim nhanh, cơn đau thắt ngực, Loạn nhịp tim
  • Rối loạn hô hấp: Viêm mũi họng, khàn giọng, kích ứng họng, viêm xoang.
  • Rối loạn da và mô dưới da: Vết thâm tím.
  • Rối loạn cơ xương: Chuột rút, đau khớp, đau cơ, gãy xương do chấn thương.

Trên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ của thuốc Seretide 25/250. Trong quá trình sử dụng thuốc nếu bạn gặp phải bất cứ tác dụng phụ không mong muốn nào hãy thông báo với bác sĩ để được xử lý sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

53.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan