Thuốc Supertrim có tác dụng gì?

Thuốc Supertrim được bào chế dưới dạng thuốc bột uống, có thành phần chính gồm Sulfamethoxazol và Trimethoprim. Thuốc được sử dụng để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu sinh dục, đường hô hấp, tiêu hóa,...

1. Thuốc Supertrim có tác dụng gì?

Thuốc Supertrim là hỗn hợp gồm Sulfamethoxazol và Trimethoprim. Trong đó, Sulfamethoxazol là 1 sulfonamid, ức chế sự tổng hợp acid folic của vi khuẩn. Trimethoprim là 1 dẫn chất của pyrimidin, có tác dụng ức chế enzyme dihydrofolate reductase của vi khuẩn. Việc phối hợp 2 hoạt chất này giúp ức chế 2 giai đoạn liên tiếp của sự chuyển hóa acid folic, ức chế việc tổng hợp purin, thymin và DNA của vi khuẩn. Từ đó, giúp diệt khuẩn, chống lại sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc, làm cho thuốc có tác dụng ngay.

Thuốc Supertrim được chỉ định cho các trường hợp nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm với 2 hoạt chất Sulfamethoxazol và Trimethoprim. Cụ thể:

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục: Viêm tuyến tiền liệt, viêm đường tiểu;
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu mạn tính và tái phát ở người trưởng thành là nữ giới;
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Viêm xoang cấp ở người lớn, cơn cấp viêm phế quản mạn tính, viêm phổi cấp hoặc viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ;
  • Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa: Sốt thương hàn, lỵ trực khuẩn.
supertrim
Thuốc Supertrim được dùng trong điều trị một số trường hợp nhiễm khuẩn

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Supertrim

Cách dùng: Thuốc bột dùng đường uống. Thuốc được pha loãng với nước để uống, tốt nhất là dùng nước ấm. Thời điểm thích hợp để uống thuốc Supertrim là sau khi ăn.

Liều dùng:

Liều dùng khi bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục:

  • Người lớn: Uống 2 gói x 2 lần/ngày (cách nhau 12 tiếng) trong 10 ngày hoặc 1 liều 4 gói, điều trị tối thiểu 3 hoặc 7 ngày;
  • Trẻ em: Uống 40mg mg sulfamethoxazol + 8 mg trimethoprim/kg/lần x 2 lần/ngày (cách nhau 12 tiếng) trong 10 ngày.

Liều dùng nhiễm khuẩn đường tiết niệu mạn tính tái phát ở nữ giới trưởng thành: Uống 1⁄2 gói/ngày hoặc uống 1 - 2 gói/lần với tần suất 1 - 2 lần/tuần.

Liều dùng nhiễm khuẩn đường hô hấp:

  • Đợt cấp viêm phế quản mạn tính ở người lớn: Uống 2 - 3 gói/lần, 2 lần/ngày trong 10 ngày;
  • Viêm tai giữa cấp hoặc viêm phổi cấp ở trẻ em: Uống 40mg sulfamethoxazol + 8mg trimethoprim/kg trong 24 giờ, chia làm 2 lần (cách nhau 12 tiếng) trong 5 - 10 ngày.

Liều dùng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa:

  • Lỵ trực khuẩn ở người lớn: Uống 2 gói/lần, 2 lần/ngày (cách nhau 12 tiếng) trong 5 ngày;
  • Lỵ trực khuẩn ở trẻ em: Uống 40mg sulfamethoxazol + 8mg trimethoprim/kg trong 24 giờ, chia làm 2 lần (cách nhau 12 giờ) trong 5 - 10 ngày.

Quá liều: Biểu hiện khi dùng thuốc quá liều gồm: Chán ăn, buồn nôn, nôn ói, bất tỉnh, đau đầu, rối loạn tạo máu, vàng da, ức chế tủy,... Cách xử trí là gây nôn, rửa dạ dày và acid hóa nước tiểu để tăng cường đào thải Trimethoprim. Nếu có dấu hiệu ức chế tủy, bệnh nhân được chỉ định sử dụng leucovorin 5 - 15mg/ngày cho tới khi phục hồi tạo máu.

Quên liều: Khi quên 1 liều thuốc Supertrim, bệnh nhân nên dùng càng sớm càng tốt. Nếu đã gần với liều kế tiếp thì bỏ qua liều đã quên, dùng liều kế tiếp vào thời điểm đúng kế hoạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Supertrim

Khi sử dụng thuốc Supertrim, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Sốt, buồn nôn, nôn ói, viêm lưỡi, tiêu chảy, ngứa da,...;
  • Ít gặp: Nổi mày đay trên da, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch cầu, nổi ban xuất huyết;
  • Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, bệnh huyết thanh, thiếu máu tán huyết, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, giảm toàn thể huyết cầu, vàng da, ứ mật ở gan, hoại tử gan, giảm đường huyết, tăng kali huyết, ảo giác, suy thận, sỏi thận, viêm thận kẽ, ù tai,...

Khi gặp các tác dụng phụ sau khi dùng thuốc Supertrim, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ để được xử trí.

supertrim
Người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ khi dùng thuốc Supertrim

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Supertrim

Chống chỉ định sử dụng thuốc Supertrim:

  • Người bị mẫn cảm với thành phần hoạt chất có trong thuốc;
  • Bệnh nhân suy thận nặng, không giám sát được nồng độ của thuốc trong huyết tương;
  • Người bị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do nguyên nhân thiếu acid folic;
  • Phụ nữ đang mang thai và đang cho con bú;
  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Supertrim:

  • Nguy cơ suy giảm chức năng thận;
  • Bệnh nhân cao tuổi hoặc dùng thuốc liều cao dài ngày dễ bị thiếu hụt acid folic;
  • Mất nước;
  • Suy dinh dưỡng;
  • Thuốc có thể gây thiếu máu tan huyết ở bệnh nhân thiếu hụt men G6PD;
  • Không sử dụng thuốc Supertrim cho phụ nữ có thai và cho con bú.

5. Tương tác thuốc Supertrim

Một số tương tác thuốc Supertrim người bệnh cần chú ý:

  • Dùng thuốc Supertrim đồng thời với các thuốc lợi tiểu (đặc biệt là thiazid) có thể làm tăng nguy cơ giảm tiểu cầu ở người cao tuổi;
  • Thuốc có thể làm giảm đào thải và tăng tác dụng của methotrexat;
  • Sử dụng thuốc Supertrim đồng thời với pyrimethamin 25mg/tuần sẽ làm tăng nguy cơ thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ;
  • Thuốc Supertrim ức chế chuyển hóa phenytoin ở gan, có thể làm tăng tác dụng của phenytoin;
  • Thuốc Supertrim có thể kéo dài thời gian prothrombin ở bệnh nhân đang sử dụng thuốc warfarin.

Thuốc Supertrim được chỉ định sử dụng để điều trị viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường sinh dục, tiết niệu và tiêu hóa. Khi dùng thuốc, bệnh nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ. Nếu xảy ra tác dụng phụ, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để được kiểm tra, xử lý sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

77K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan