Thuốc Methadone HCL: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc methadone HCL là một trong những thuốc giảm đau mạnh thuộc nhóm opioid. Chỉ định của loại thuốc này không rộng rãi như các loại giảm đau thông thường. Vậy thuốc methadone HCL chữa bệnh gì?

1. Thuốc methadone HCL có tác dụng gì?

Thuốc methadone HCL chữa bệnh gì? Đây là loại thuốc được sử dụng để điều trị những tình trạng đau nghiêm trọng (đau do ung thư). Thuốc methadone HCL thuộc nhóm giảm đau opioid. Cơ chế thuốc giảm đau bằng cách tác động lên hoạt động não bộ để thay đổi cảm nhận và phản ứng với cơn đau của cơ thể.

Không sử dụng thuốc methadone HCL cho các tình trạng đau nhẹ hoặc đau nhanh khỏi (đau sau phẫu thuật). Không sử dụng thuốc này thường xuyên khi không cần thiết. Ngoài ra, thuốc methadone HCL còn dùng để điều trị tình trạng nghiện các opioid (heroin) như một phần trong chương trình điều trị quốc gia, giúp ngăn ngừa hội chứng cai do ngừng các opioid khác.

Methadone
Thuốc methadone là loại thuốc được sử dụng để điều trị những tình trạng đau nghiêm trọng

2. Cách sử dụng thuốc methadone HCL

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi bắt đầu sử dụng thuốc methadone HCL. Nếu có bất cứ câu hỏi nào nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thuốc methadone HCL được sử dụng qua đường uống theo một lịch trình đều đặn hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ, thuốc không cần thiết cho một cơn đau đột ngột, bất ngờ. Có thể uống thuốc trước hoặc sau ăn. Nếu bệnh nhân buồn nôn nên sử dụng thuốc methadone HCL sau bữa ăn. Theo đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về những biện pháp giúp giảm buồn nôn (như nằm khoảng 1 đến 2 giờ, hạn chế cử động đầu sau khi sử dụng thuốc).

Đo liều thuốc cần thận bằng bằng các dụng cụ đo đặc biệt khi sử dụng thuốc methadone HCL dạng dung dịch, không dùng thìa gia dụng có thể làm không chính xác liều dùng.

Đối với dạng thuốc được đóng trong ống tiêm định liều đường uống, hãy sử dụng ống tiêm để đo liều lượng, tuyệt đối không tiêm thuốc vào cơ thể. Trước khi uống, pha liều trong khoảng 30ml nước theo chỉ dẫn bác sĩ. Uống hết hỗn hợp này ngay lập tức, không chuẩn bị thuốc trước khi uống quá lâu. Liều lượng thuốc methadone HCL dựa vào tình trạng sức khỏe và mức độ đáp ứng với điều trị.

Bỏ thuốc đột ngột có thể gây tình trạng ngừng thuốc, đặc biệt khi đã sử dụng trong thời gian dài hoặc dùng liều lượng cao. Để ngăn chặn vấn đề này, bác sĩ có thể chỉ định giảm liều từ từ. Nhận biết dấu hiệu hội chứng cai nghiện:

  • Bồn chồn;
  • Thay đổi tâm thần (lo lắng, khó ngủ, ý nghĩ tự tử);
  • Chảy nước mắt, nước mũi;
  • Buồn nôn;
  • Tiêu chảy;
  • Vã mồ hôi;
  • Đau cơ;
  • Thay đổi hành vi đột ngột.

Khi sử dụng thuốc methadone HCL trong một thời gian có thể làm giảm hoặc mất tác dụng thuốc, trao đổi với bác sĩ khi thấy thuốc không còn tác dụng tốt như ban đầu.

Mặc dù có tác dụng giảm đau nhưng nó vẫn có thể gây nghiện. Nguy cơ nghiện cao hơn nếu bệnh nhân có sử dụng các chất kích thích (lạm dụng hoặc nghiện ma túy, rượu bia). Dùng thuốc theo đúng chỉ đỉnh để giảm nguy cơ nghiện.

3. Những tác dụng phụ của thuốc Methadone HCL

Các tác dụng phụ của thuốc Methadone HCL bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Táo bón;
  • Choáng váng, chóng mặt;
  • Khô miệng;
  • Buồn ngủ;
  • Vã mồ hôi.

Một số tác dụng phụ sẽ giảm khi sử dụng thuốc kéo dài. Tuy nhiên, khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghiêm trọng thì báo ngay có bác sĩ điều trị.

Bác sĩ điều trị đã đánh giá giữa những lợi ích và những tác dụng phụ trước khi chỉ định thuốc methadone HCL. Người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu của các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm:

  • Thay đổi nhịp thở khi ngủ (ngưng thở khi ngủ);
  • Thay đổi tâm thần, tâm trạng (như kích động, lú lẫn, ảo giác);
  • Đau dạ dày, đau bụng;
  • Bí tiểu;
  • Chán ăn, mệt mỏi bất thường, sụt cân;
  • Co giật;
  • Li bì, khó đánh thức.

Các phản ứng dị ứng rất hiếm gặp khi sử dụng thuốc methadone HCL. Tuy nhiên, đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng như phát ban toàn thân, ngứa, sưng phù (mặt, lưỡi, cổ họng), chóng mặt hoặc khó thở.

Buồn nôn
Tác dụng phụ của thuốc Methadone HCL bao gồm buồn nôn, táo bón, choáng váng

4. Biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ thuốc Methadone HCL

Trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về tiền sử dị ứng với methadone hoặc bất kỳ tình trạng dị ứng nào khác.

Các tiền sử bệnh cần báo cho bác sĩ như:

  • Bất thường não, thần kinh (chấn thương đầu, khối u, động kinh);
  • Bệnh hệ hô hấp (như hen suyễn, ngưng thở khi ngủ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính);
  • Bệnh thận, bệnh gan;
  • Rối loạn tâm thần (như lú lẫn, trầm cảm, ý định tự tử);
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc chứng rối loạn sử dụng chất kích thích (chẳng hạn như lạm dụng hoặc nghiện ma túy, nghiện rượu);
  • Các bệnh dạ dày ruột (như táo bón, tiêu chảy nhiễm trùng, liệt ruột);
  • Tiểu khó, bí tiểu (phì đại tuyến tiền liệt);
  • Viêm tụy, bệnh túi mật.

Thuốc methadone HCL có thể gây chóng mặt hoặc buồn ngủ. Rượu hoặc cần sa có thể khiến tình trạng này nặng nề hơn. Không lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm những công việc đòi hỏi tỉnh táo, hạn chế đồ uống có cồn.

Để ngăn táo bón, bệnh nhân nên bổ sung đủ chất xơ, uống đủ nước và tập thể dục. Có thể dùng thuốc nhuận tràng kèm theo. Tham khảo ý kiến dược sĩ về loại thuốc nhuận tràng có thể dùng.

Để tránh tình trạng chóng mặt và choáng váng, hãy đứng dậy từ từ với tư thế ngồi hoặc nằm.

Thuốc methadone HCL có thể ảnh hưởng đến nhịp tim (QT kéo dài). Tình trạng này hiếm khi làm nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim không đều nghiêm trọng (hiếm khi gây tử vong) và các triệu chứng khác (như chóng mặt, ngất xỉu):

  • Nguy cơ QT kéo dài tăng lên nếu bệnh nhân có tiền căn bệnh nhất định hoặc đang dùng thuốc khác có thể gây QT kéo dài. Do đó, trước khi sử dụng thuốc methadone HCL, trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng và các bệnh lý sau: bất thường liên quan đến tim (suy tim, nhịp tim chậm, QT kéo dài), tiền sử gia đình mắc bệnh tim (như QT kéo dài trong điện tâm đồ, đột tử do tim);
  • Các chất điện giải như kali hoặc magie trong máu thấp làm tăng nguy cơ QT kéo dài. Đặc biệt khi sử dụng các thuốc lợi tiểu hoặc tình trạng mất nước (như đổ mồ hôi nhiều, tiêu chảy hoặc nôn ói). Trao đổi ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc methadone HCL an toàn.

Một số chế phẩm thuốc methadone HCL có thể chứa đường, vì thế người bệnh đái tháo đường cần thận trọng khi sử dụng.

Trước khi phẫu thuật, báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc kê toa, không kê toa và cả thuốc thảo dược.

Người cao tuổi là đối tượng nhảy cảm với các tác dụng phụ của thuốc methadone HCL, đặc biệt là lú lẫn, chóng mặt, buồn ngủ, thở chậm nông và QT kéo dài.

Ở phụ nữ đang mang thai, chỉ sử dụng thuốc methadone HCL khi thật cần thiết, bởi nó có thể gây hại cho thai nhi. Thảo luận về những rủi ro và lợi ích với bác sĩ của bạn.

Thuốc methadone HCL có thể đi vào sữa mẹ và có những ảnh hưởng không mong muốn lên trẻ sơ sinh bú mẹ. Báo bác sĩ ngay lập tức nếu trẻ buồn ngủ bất thường, bỏ bú hoặc khó thở. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi cho con bú hoặc có ý định ngừng cho con bú khi dùng thuốc methadone HCL.

Mất ngủ chóng mặt
Thuốc methadone HCL có thể gây chóng mặt hoặc buồn ngủ

5. Tương tác thuốc Methadone HCL

Tương tác thuốc làm thay đổi hoạt động của thuốc, qua đó thay đổi tác dụng hoặc tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ. Không tự ý sử dụng, dừng đột ngột hoặc thay đổi liều khi chưa có chỉ định và chấp thuận của bác sĩ. Các loại thuốc có tương tác với thuốc methadone HCL:

  • Một số thuốc giảm đau (hỗn hợp thuốc đối vận opioid như pentazocine, nalbuphine, butorphanol);
  • Naltrexone;
  • Chất ức chế MAO (như isocarboxazid, linezolid, methylene blue, moclobemide, phenelzine, procarbazine, rasagiline, safinamide, selegiline, tranylcypromine).

Một số thuốc làm giảm đào thải methadone khỏi cơ thể dẫn đến thay đổi tác dụng của loại thuốc này, bao gồm:

  • Thuốc kháng nấm nhóm azol (như itraconazole );
  • Thuốc điều trị HIV;
  • Kháng sinh macrolid (như erythromycin);
  • Kháng sinh rifamycin;
  • Thuốc điều trị động kinh (như carbamazepine).

Nguy cơ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng như như thở chậm nông, buồn ngủ, chóng mặt) tăng lên khi dùng chung thuốc methadone HCL với các sản phẩm khác cũng có thể gây buồn ngủ hoặc rối loạn hô hấp. Báo bác sĩ nếu bệnh nhân đang sử dụng các sản phẩm sau:

  • Thuốc giảm đau opioid khác hoặc thuốc giảm ho (như codeine, hydrocodone);
  • Rượu, cần sa;
  • Thuốc ngủ hoặc thuốc giảm lo lắng (như alprazolam, lorazepam, zolpidem);
  • Thuốc giãn cơ (như carisoprodol, cyclobenzaprine);
  • Thuốc kháng histamin (như cetirizine, diphenhydramine).
Bác sĩ Chin (giữa) giám sát và trực tiếp hướng dẫn các điều dưỡng Vinmec trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư
Thuốc methadone HCL có thể ảnh hưởng đến một số xét nghiệm và làm sai lệch kết quả

Thuốc methadone HCL có thể ảnh hưởng đến một số xét nghiệm và làm sai lệch kết quả (bao gồm cả amylase và lipase máu). Do đó, báo cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm khi đang sử dụng thuốc này và cần làm xét nghiệm trên.

Nếu bệnh nhân sử dụng quá liều thuốc methadone HCL và có các triệu chứng nghiêm trọng như hôn mê hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu và điều trị bằng naloxone.

Tham khảo ý kiến bác sĩ về khả năng dự trữ sẵn naloxone để điều trị quá liều thuốc methadone HCL. Đồng thời, hướng dẫn các thành viên trong gia đình về các biểu hiện của quá liều cũng như cách điều trị cấp cứu.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan