Thuốc Hasaderm có tác dụng gì?

Thuốc Hasaderm là sự kết hợp hai thành phần sử dụng tại chỗ là betamethasone và salicylic acid. Theo đó, thuốc Hasaderm có tác dụng chống viêm và tiêu sừng như một loại thuốc da liễu được sử dụng để giảm sưng tấy, mẩn đỏ ngứa và tế bào da chết do các vấn đề về da cụ thể như bệnh vẩy nến. Cơ chế giúp Hasaderm tác dụng là các thành phần hoạt động cùng nhau, làm giảm lượng hóa chất gây viêm, ngăn chặn phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể, giúp kiểm soát sưng và viêm một cách tối ưu.

1. Thuốc Hasaderm có tác dụng gì?

Thuốc Hasaderm có chứa hai thành phần hoạt tính, betamethasone dipropionate và axit salicylic.

Betamethasone là thuộc nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid có đường dùng tại chỗ. Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này khi được bôi lên bề mặt da là để giảm mẩn đỏ và ngứa được gây ra bởi một số vấn đề về da. Thành phần axit salicylic có tác dụng làm mềm lớp vảy trên cùng trên bề mặt da, vốn có nguyên nhân là do vấn đề về da. Điều này sẽ cho phép betamethasone dipropionate tiếp cận vùng da bị bệnh bên dưới để giúp chữa lành tốt hơn.

Như vậy, ở cả người lớn và trẻ em, thuốc Hasaderm có tác dụng điều trị các tình trạng da nơi bề mặt ngoài. Khi bôi trực tiếp tại chỗ, thuốc Hasaderm tác dụng loại bỏ lớp vảy và giảm mẩn đỏ cũng như thuyên giảm cảm giác đau đớn, châm chích và ngứa do vấn đề về da, ví dụ như bệnh vảy nến, gây ra.

2. Những điều cần biết khi sử dụng thuốc Hasaderm

Không sử dụng thuốc Hasaderm nếu có:

  • Dị ứng với betamethasone dipropionate, axit salicylic hoặc bất kỳ thành phần nào khác trong thuốc.
  • Bất kỳ vấn đề da nào khác vì thuốc Hasaderm có thể làm cho tổn thương nó trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là bệnh rosacea (một tình trạng da nổi đỏ chỉ ảnh hưởng đến da mặt), mụn trứng cá, viêm da quanh miệng, ngứa bộ phận sinh dục, phát ban tã, mụn rộp, thủy đậu hoặc các tình trạng da có nhiễm trùng khác.

Trong thời gian sử dụng thuốc Hasaderm, nếu bị bệnh vẩy nến, bác sĩ có thể xem xét lại quá trình điều trị thường xuyên. Vì vậy, liên hệ với bác sĩ nếu bệnh vẩy nến trở nên tồi tệ hơn hoặc có những nốt nổi lên chứa đầy mủ dưới da.

Ngoài ra, cũng cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu khi dùng thuốc Hasaderm có cảm giác bị mờ mắt hoặc các rối loạn thị giác khác.

Sau khi bôi thuốc, không nên băng quấn hoặc dùng miếng dán trên da. Nếu sử dụng quá nhiều thuốc Hasaderm hay sử dụng lâu hơn mức khuyến cáo, thuốc có thể gây ảnh hưởng đến nồng độ của một số hormone trong cơ thể, nhất là trên cơ địa nhạy cảm là ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Ở người lớn, sự thay đổi nồng độ hormone có thể làm tăng tích tụ mỡ trong thân mình, mặt tròn, yếu cơ, thường xuyên mệt mỏi và chóng mặt khi đứng lên hoặc ngồi xuống.

3. Cách sử dụng thuốc Hasaderm như thế nào?

Luôn sử dụng thuốc đúng như bác sĩ hoặc dược sĩ đã chỉ định. Kiểm tra với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu thông tin không chắc chắn. Liều khuyến nghị thông thường đối với người lớn và trẻ em là nên xoa nhẹ một lớp mỏng thuốc Hasaderm trực tiếp vào vùng da bị ảnh hưởng da hai lần một ngày.

Đồng thời, người bệnh cũng phải luôn làm theo các hướng dẫn khi sử dụng thuốc Hasaderm như sau:

  • Không bôi thuốc trên mặt trong hơn 5 ngày.
  • Không bôi một lượng lớn thuốc trên các khu vực rộng lớn của cơ thể trong thời gian dài (ví dụ như mỗi ngày trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng).
  • Tránh để thuốc dây dính vào mắt hoặc bên trong mũi hoặc miệng.

Sử dụng thuốc Hasaderm ở trẻ em cần thận trọng. Không sử dụng thuốc trên bất kỳ phần nào của cơ thể con trong hơn 5 ngày. Đừng bôi thuốc Hasaderm dưới tã của con, vì điều này sẽ khiến các thành phần hoạt tính của thuốc dễ dàng qua da nhanh chóng nên làm tăng nguy cơ gặp phải những tác dụng ngoại ý.

Nếu vô tình nuốt phải thuốc Hasaderm, sự cố này sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào. Tuy nhiên, nếu lo lắng, nên đi khám bác sĩ.

Nếu sử dụng thuốc Hasaderm thường xuyên hơn mức cần thiết, hoặc trên vùng da có diện rộng, thuốc có thể sẽ gây ảnh hưởng đến một số nội tiết tố. Ở trẻ em, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

4. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Hasaderm

Giống như tất cả các loại thuốc khác, bôi thuốc Hasaderm có thể gây ra tác dụng phụ, mặc dù không phải ai cũng mắc phải. Hầu hết mọi người thấy rằng khi sử dụng thuốc Hasaderm đúng cách, thuốc sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc thường xuyên hơn mức cần thiết, thuốc có thể gây ra những điều sau:

  • Da mỏng, châm chích, phồng rộp, bong tróc, sưng tấy, ngứa, rát, phát ban da, khô da và cũng có thể nhận thấy các vết đỏ, thường phát hiện nhiều ở trẻ sơ sinh và trẻ em.
  • Viêm nang lông, lông mọc nhiều, giảm sắc tố da và da dị ứng.
  • Viêm da, một tình trạng do da phản ứng với tác nhân bên ngoài, ví dụ: chất tẩy rửa, khiến da mẩn đỏ và ngứa.
  • Nhìn mờ

Tóm lại, thuốc Hasaderm chứa betamethasone và salicylic acid. Đây là sự kết hợp của hai loại thuốc, giúp tương hỗ nhau trong cơ chế tác dụng và giúp điều trị bệnh chàm và bệnh vẩy nến hiệu quả. Tuy nhiên, cần tuân thủ liều lượng và vùng da cần điều trị khi bôi thuốc Hasaderm. Mọi trường hợp cần sử dụng thuốc trong thời gian dài hay trên vùng da lớn, dùng cho trẻ nhỏ, cần có sự tham vấn của bác sĩ kiểm soát tình trạng da tối ưu cũng như phòng tránh tác dụng phụ về lâu dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

29.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan