Thuốc Azarga có tác dụng gì?

Thuốc Azarga được bào chế dưới dạng hỗn dịch vô khuẩn, chứa hoạt chất chính là Brinzolamide và timolol. Thuốc được sử dụng cho bệnh nhân tăng nhãn áp hoặc glocom góc mở.

1. Thuốc Azarga có tác dụng gì?

Azarga thuốc nhỏ mắt có dạng bào chế là hỗn dịch vô khuẩn, đồng nhất màu trắng hoặc trắng ngà. Thuốc có chứa hoạt chất chính là Brinzolamide và timolol. 2 hoạt chất này tuy có cơ chế khác nhau nhưng khi kết hợp sẽ giúp làm giảm tình trạng tăng nhãn áp. Thuốc Azarga được sử dụng để làm giảm nhãn áp ở những bệnh nhân tăng nhãn áp hoặc glocom góc mở.

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Azarga

2.1. Cách dùng thuốc Azarga

Thuốc Azarga chỉ sử dụng để nhỏ mắt. Khi dùng, người bệnh nên lắc kỹ lọ thuốc trước khi nhỏ mắt.

Một số lưu ý khi dùng thuốc Azarga:

Để tránh nhiễm khuẩn đầu ống nhỏ thuốc và hỗn dịch thuốc, không để đầu nhỏ của lọ thuốc chạm vào mí mắt, các vùng xung quanh mắt hoặc bất cứ bề mặt nào. Bệnh nhân nên đóng chặt nắp lọ thuốc khi không sử dụng;

Sau khi mở nắp, nếu vòng gắn của lọ thuốc bị rơi ra, cần tháo bỏ nó trước khi dùng thuốc;

Sau khi nhỏ mắt, bệnh nhân nên nhắm mắt hoặc nhấn nhẹ vào ống dẫn lệ để giảm khả năng hấp thu toàn thân của thuốc. Điều này giúp làm giảm các tác dụng phụ trên toàn thân và giúp tăng tác dụng tại chỗ của thuốc;

Nếu dùng trên 1 loại thuốc nhỏ mắt, bệnh nhân nên sử dụng các thuốc cách nhau ít nhất 5 phút.

2.2. Liều dùng thuốc Azarga

Liều dùng như sau: Nhỏ 1 giọt thuốc nhỏ mắt Azarga vào mắt bị bệnh x 2 lần/ngày.

Với trẻ em: Không khuyến cáo sử dụng thuốc Azarga cho trẻ dưới 18 tuổi vì hiện tại chưa có các dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả, độ an toàn của thuốc.

Bệnh nhân suy gan hoặc thận: Chưa có nghiên cứu về sử dụng thuốc Azarga trên bệnh nhân suy gan hoặc suy thận. Không cần điều chỉnh liều ở người bệnh suy gan hoặc suy thận nhẹ và trung bình.

Quá liều: Trường hợp không may nuốt phải thuốc Azarga, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như hạ huyết áp, nhịp tim chậm, suy tim, co thắt phế quản, mất cân bằng điện giải, nhiễm toan máu, các tác dụng phụ trên hệ thần kinh,... Cần theo dõi điện giải huyết thanh và pH máu. Cách xử trí là điều trị hỗ trợ như rửa mắt bằng nước ấm, điều trị triệu chứng.

Quên liều: Nếu quên nhỏ thuốc 1 lần, bệnh nhân nên tiếp tục dùng liều sau đúng theo chỉ dẫn. Không nhỏ quá 1 giọt/lần, quá 2 lần/ngày vào mắt cần điều trị.

Azarga
Azarga thuốc nhỏ mắt có dạng bào chế là hỗn dịch vô khuẩn

3. Tác dụng phụ của thuốc Azarga

Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt Azarga, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Thần kinh (loạn thị giác); tim (giảm nhịp tim); mắt (viêm giác mạc chấm, đau, nhìn mờ, kích ứng).
  • Ít gặp: Máu và hệ bạch huyết (giảm số lượng bạch cầu); da và tổ chức dưới da (rối loạn mô liken phẳng, bệnh ở tóc); thận và tiết niệu (tiểu ra máu); rối loạn mạch (tụt huyết áp); hô hấp (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ho); khó chịu toàn thân,...

Khi gặp các tác dụng phụ kể trên, người bệnh nên ngừng dùng thuốc Azarga và báo ngay cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Azarga

Chống chỉ định sử dụng thuốc nhỏ mắt Azarga trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với tá dược, thành phần hoạt chất của thuốc hoặc các sulphonamide;
  • Mắc bệnh đường hô hấp phản ứng (hen phế quản hoặc tiền sử tắc nghẽn đường thở mạn tính nặng);
  • Nhịp xoang chậm, block xoang nhĩ, hội chứng nút xoang, block nhĩ thất độ 2 hoặc 3, suy tim, sốc tim;
  • Viêm mũi dị ứng nặng, phế quản đáp ứng quá mức, quá mẫn cảm với các loại thuốc chẹn beta khác;
  • Nhiễm toan tăng clorid máu;
  • Bệnh nhân suy thận nặng.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Azarga:

  • Các hoạt chất trong thuốc Azarga là Brinzolamide (chất ức chế carbonic anhydrase) và timolol (thuốc chẹn beta) được hấp thu toàn thân. Các thành phần này có thể gây tác dụng phụ không mong muốn trên tim mạch, phổi, phản ứng quá mẫn,...;
  • Rối loạn cân bằng acid - bazơ có thể gặp khi uống thuốc ức chế carbonic anhydrase. Sử dụng thuốc thận trọng ở bệnh nhân có nguy cơ suy thận (vì có nguy cơ nhiễm toan chuyển hóa);
  • Các chất ức chế carbonic anhydrase có thể ảnh hưởng tới sự hydrat hóa ở giác mạc, gây mất bù, phù giác mạc. Vì vậy, cần quan sát cẩn thận khi dùng thuốc ở bệnh nhân có tổn thương giác mạc (mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc, người bệnh tiểu đường);
  • Rối loạn tim: Ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch (suy tim, bệnh mạch vành, đau thắt ngực kiểu Prinzmetal) và hạ huyết áp, cần đánh giá cẩn trọng việc điều trị với thuốc, theo dõi các dấu hiệu xấu đi của các bệnh trên và các tác dụng phụ;
  • Rối loạn mạch: Thận trọng khi sử dụng thuốc Azarga cho bệnh nhân bị rối loạn tuần hoàn ngoại biên nặng (hội chứng Raynaud);
  • Rối loạn hô hấp: Thận trọng khi sử dụng thuốc Azarga cho bệnh nhân bị hen vì làm tăng nguy cơ gặp các phản ứng đường hô hấp;
  • Hạ đường huyết bệnh tiểu đường: Thận trọng khi dùng thuốc Azarga cho bệnh nhân hạ đường huyết tự phát hoặc bị tiểu đường không ổn định vì thuốc có thể che giấu các dấu hiệu của hạ đường huyết cấp tính;
  • Cường giáp: Thuốc có thể che giấu các triệu chứng của bệnh cường giáp;
  • Yếu cơ: Thuốc có thể gây yếu cơ thể hiện ở các triệu chứng nhược cơ (sụp mí, song thị, yếu toàn thân);
  • Các thuốc ức chế beta khác: Tác dụng chẹn beta toàn thân hoặc tác dụng trên áp lực nội nhãn có thể xuất hiện khi sử dụng timolol cho bệnh nhân đang dùng thuốc chẹn beta toàn thân. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ khả năng đáp ứng thuốc của nhóm bệnh nhân này;
  • Phản ứng quá mẫn: Khi dùng thuốc Azarga, bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn nặng với một số dị nguyên có thể phản ứng mạnh hơn, không đáp ứng với liều adrenalin thông thường để điều trị các phản ứng quá mẫn;
  • Rách màng mạch: Dùng thuốc sau phẫu thuật mở bè củng mạc có thể gây bong hắc mạc;
  • Gây mê phẫu thuật: Thuốc có thể ức chế tác dụng chủ vận beta toàn thân như của Adrenalin. Cần báo cho bác sĩ gây mê nếu bệnh nhân dùng thuốc có Timolol;
  • Tác dụng trên mắt: Thận trọng khi sử dụng thuốc Azarga cho bệnh nhân, theo dõi chặt áp lực nội nhãn;
  • Kính áp tròng: Thuốc có thể gây kích ứng, làm đổi màu kính áp tròng mềm. Bệnh nhân nên tháo kính áp tròng trước khi nhỏ thuốc Azarga, đợi ít nhất 15 phút trước khi đeo lại;
  • Lái xe hoặc vận hành máy móc: Nhìn mờ tạm thời hoặc một số rối loạn thị giác khác sau khi dùng thuốc có thể ảnh hưởng tới khả năng lái xe, vận hành máy móc. Nếu bị nhìn mờ sau khi nhỏ mắt, bệnh nhân nên chờ tới khi nhìn rõ lại mới được lái xe, điều khiển máy móc;
  • Mang thai và cho con bú: Khuyến nghị không nên sử dụng thuốc Azarga trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Cần hỏi ý kiến của các bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Azarga
Không khuyến cáo sử dụng thuốc Azarga cho trẻ dưới 18 tuổi

5. Tương tác thuốc Azarga

Một số tương tác thuốc của Azarga:

  • Thuốc nhỏ mắt Azarga chứa Brinzolamide (chất ức chế carbonic anhydrase) nên mặc dùng chỉ nhỏ tại mắt nhưng thuốc vẫn được hấp thu toàn thân. Có nguy cơ tương tác thuốc với các bệnh nhân sử dụng thuốc carbonic anhydrase đường uống;
  • Khi đang sử dụng các thuốc chẹn beta, phản ứng tăng huyết áp khi ngừng clonidin đột ngột có thể trầm trọng hơn;
  • Nguy cơ xảy ra tác dụng chẹn beta toàn thân gồm giảm nhịp tim, trầm cảm đã được báo cáo khi kết hợp dùng Timolol với thuốc ức chế CYP2D6 (Paroxetin, Fluoxetin, Quinidin);
  • Các thuốc chẹn beta có thể làm tăng tác dụng hạ đường huyết của thuốc chống tiểu đường;
  • Có tác dụng hiệp đồng dẫn tới chậm nhịp tim/hạ huyết áp khi dùng đồng thời các dung dịch nhỏ mắt chẹn beta với các thuốc chẹn beta-adrenergic, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống loạn nhịp, thuốc giả cường giao cảm đường uống hoặc glycosid tim loại digitalis;
  • Có thể bị giãn đồng tử khi sử dụng đồng thời adrenalin và thuốc tra mắt chẹn beta;
  • Thuốc Azarga có thể làm giảm đáp ứng với adrenalin dùng trong điều trị phản ứng quá mẫn. Vì vậy, cần sử dụng thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử dị ứng, sốc phản vệ.

Khi sử dụng thuốc Azarga, để đảm bảo hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ tương tác thuốc hoặc gặp các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân thủ đúng liều dùng, thời gian dùng thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan