Thuốc Articadent có tác dụng gì?

Thuốc Articadent được bào chế dưới dạng thuốc tiêm, có thành phần chính gồm articaine hydrochloride và epinephrine bitartrate. Thuốc được sử dụng để gây tê cục bộ trong các thủ thuật nha khoa.

1. Thuốc Articadent có tác dụng gì?

Thuốc Articadent có tốt không? Thuốc Articadent có thành phần chính gồm articaine hydrochloride và epinephrine bitartrate. Trong đó, articaine hydrochloride là 1 loại thuốc gây tê cục bộ amide. Còn epinephrine là 1 chất co mạch được thêm vào articaine hydrochloride để làm giảm sự hấp thu vào hệ tuần hoàn chung, kéo dài thời gian duy trì nồng độ hoạt động của thuốc trong mô.

  • Chỉ định sử dụng thuốc Articadent: Gây tê cục bộ trong các thủ thuật nha khoa ở người từ 4 tuổi trở lên.
  • Chỉ định sử dụng thuốc Articadent: Bệnh nhân quá mẫn cảm với thuốc có chứa sulfit.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Articadent

Cách dùng: Đường tiêm.

Liều dùng: Tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng tối đa là:

  • Người trưởng thành khỏe mạnh: Liều khuyến cáo tối đa của Articadent là 7mg/kg articaine hydrochloride và 0,0017mg/kg epinephrine;
  • Bệnh nhi từ 4 - 16 tuổi: Liều khuyến cáo tối đa của Articadent là 7mg/kg articaine hydrochloride và 0,0017mg/kg epinephrine.

Ở bệnh nhân suy nhược, người cao tuổi và bệnh nhi có thể được dùng với liều thấp hơn (theo chỉ định của bác sĩ). Hiện chưa có nghiên cứu về việc sử dụng thuốc Articadent ở bệnh nhân suy gan hoặc suy thận. Nên thận trọng khi dùng thuốc ở người mắc bệnh gan nặng.

Quá liều: Khi dùng thuốc Articadent quá liều, cần theo dõi cẩn thận, liên tục các dấu hiệu sinh tồn ở bệnh nhân, nếu có những thay đổi đầu tiên thì nên cho người bệnh thở oxy. Sau đó, xử trí co giật, giảm thông khí,... Nếu xảy ra tình trạng ngừng tim, cần thực hiện các biện pháp hồi sinh tim phổi.

3. Tác dụng phụ của thuốc Articadent

Khi sử dụng thuốc Articadent, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ gồm:

  • Thường gặp: Phù mặt, đau đầu, nhiễm trùng, đau, viêm lợi, dị cảm, sưng tấy, cứng hàm, buồn nôn và nôn ói, buồn ngủ, tê và ngứa ran, đánh trống ngực, đau tai, viêm tai giữa, ho dai dẳng;
  • Ít gặp: Suy nhược cơ thể, đau lưng, đau vị trí tiêm, cảm giác bỏng rát ở vị trí tiêm, đau cổ, khó chịu, đau nửa đầu, ngất xỉu, huyết áp cao, tim đập nhanh, rối loạn tiêu hóa, chảy máu chân răng, viêm lưỡi, loét miệng, buồn nôn, phù lưỡi, nôn mửa, nổi mạch, bầm tím da, phù nề, khát nước, đau cơ, đau khớp, viêm tủy xương, khô miệng, chóng mặt, liệt mặt, mê man, tăng tiết nước bọt, hồi hộp, bệnh thần kinh, dị cảm, buồn ngủ, viêm họng hạt, viêm mũi, tắc nghẽn xoang, đau xoang, ngứa, rối loạn da, đau tai, liệt cơ mắt,...

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Articadent, người bệnh nên báo cho bác sĩ để được tư vấn và can thiệp xử trí thích hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Articadent

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Articadent:

  • Kiểm tra thuốc trước khi sử dụng, nếu có vẩn đục hoặc đổi màu thì không nên dùng thuốc;
  • Không khuyến cáo sử dụng thuốc Articadent trong thai kỳ, trừ khi lợi ích mang lại cao hơn so với nguy cơ có thể xảy ra. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho bà bầu dùng thuốc;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Articadent ở phụ nữ đang cho con bú. Khi sử dụng thuốc, bà mẹ nên vắt bỏ sữa mẹ trong khoảng 4 giờ sau khi tiêm thuốc Articadent rồi mới tiếp tục cho con bú;
  • Tránh tiêm Articadent vào mạch máu vì có thể gây co giật, suy nhược hệ thần kinh trung ương, suy hô hấp và hôn mê, thậm chí dẫn tới ngừng hô hấp;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Articadent ở người bị block tim và người bị suy giảm chức năng tim mạch;
  • Sử dụng thuốc Articadent có thể gây nhiễm độc thần kinh trung ương với biểu hiện lo lắng, bồn chồn, chóng mặt, ù tai, run, mờ mắt, buồn ngủ, trầm cảm,... Nên theo dõi cẩn thận và liên tục về các dấu hiệu sinh tồn (tim mạch và hô hấp) và tình trạng ý thức của người bệnh sau mỗi lần tiêm Articadent cục bộ;
  • Nên sử dụng thuốc Articadent với liều thấp nhất có hiệu quả để giảm nguy cơ nồng độ thuốc trong huyết tương cao gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng;
  • Thận trọng khi sử dụng Articadent vì thành phần epinephrine (chất co mạch) có thể gây ngộ độc tại chỗ hoặc toàn thân. Các độc tính cục bộ gồm tổn thương hoặc hoại tử do thiếu máu cục bộ (có thể liên quan tới co thắt mạch máu);
  • Sử dụng thuốc gây tê tại chỗ như Articadent có thể gây methemoglobin huyết. Vì vậy, cần theo dõi các triệu chứng, dấu hiệu của tình trạng này khi sử dụng thuốc Articadent ở người bị thiếu men G6PD, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, người bị methemoglobin huyết bẩm sinh hoặc vô căn, bệnh nhân tổn thương tim hoặc phổi;
  • Thuốc Articadent có chứa natri metabisulfit, một loại sulfit có thể gây dị ứng (gồm triệu chứng phản vệ và cơn hen đe dọa tính mạng bệnh nhân).

5. Tương tác thuốc Articadent

Một số tương tác thuốc của Articadent gồm:

  • Sử dụng thuốc Articadent đồng thời với các thuốc ức chế monoamine oxidase, thuốc đối kháng beta-adrenergic không chọn lọc, thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể gây tăng huyết áp nặng và kéo dài;
  • Phenothiazines và butyrophenones có thể làm giảm, đảo ngược tác dụng tăng áp của thành phần epinephrine trong thuốc Articadent nên cần tránh sử dụng đồng thời các thuốc này với nhau. Trong trường hợp phải dùng thuốc, đồng thời thì cần theo dõi sức khỏe người bệnh một cách cẩn thận;
  • Người bệnh sử dụng thuốc Articadent có nguy cơ phát triển bệnh methemoglobin huyết nếu sử dụng đồng thời với các loại thuốc sau: Nitric oxide, nitroglycerin, nitroprusside, nitrous oxide, articaine, benzocaine, bupivacaine, lidocaine, mepivacaine, prilocaine, procaine, ropivacaine, tetracaine, cyclophosphamide, flutamide, hydroxyurea, ifosfamide, rasburicase, dapsone, nitrofurantoin, para-aminosalicylic acid, sulfonamides, chloroquine, primaquine, phenobarbital, phenytoin, sodium valproate, acetaminophen, metoclopramide, quinine, sulfasalazine.

Khi sử dụng thuốc Articadent, người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn và giảm nguy cơ gặp phải những sự cố khó lường.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

139 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan