Thông tin về thuốc Diacomit

Thuốc Diacomit được bào chế dưới dạng viên nang hoặc bột pha hỗn dịch uống, có thành phần chính là hoạt chất Stiripentol. Đây là thuốc kê đơn, được sử dụng để điều trị bệnh động kinh.

1. Tác dụng của thuốc Diacomit

Thuốc Diacomit có chứa hoạt chất Stiripenol. Diacomit được sử dụng như 1 chất bổ sung cho Clobazam (thuốc chống động kinh) để điều trị các cơn động kinh co cứng - co giật toàn thân (cơn co cứng nghiêm trọng, bao gồm mất ý thức) khi những cơn động kinh này chưa được kiểm soát đầy đủ bằng clobazam.

Cơ chế hoạt động của stiripentol là: Tăng mức độ của chất dẫn truyền thần kinh GABA trong não. Đây là chất chính trong các tế bào thần kinh, chịu trách nhiệm làm giảm hoạt động điện của não. Nó cũng khuếch đại tác dụng của các loại thuốc chống động kinh khác, làm chậm tốc độ phân hủy của chúng ở gan.

Chỉ định sử dụng thuốc Diacomit:

  • Điều trị tình trạng co giật liên quan tới hội chứng Dravet ở bệnh nhân từ 2 tuổi trở lên sử dụng Clobazam.

Dravet là một dạng động kinh mãn tính hiếm gặp, xuất hiện ở trẻ em trong năm đầu đời và gây ra các cơn co giật thường xuyên hoặc kéo dài. Hiện chưa có dữ liệu về việc sử dụng Diacomit đơn trị liệu trong hội chứng Dravet. Thuốc chỉ được dùng kết hợp.

2. Cách dùng và liều dùng

Cách dùng:

  • Dạng viên nang: Nuốt nguyên viên thuốc với 1 ly nước đầy, dùng trong bữa ăn. Không nên nhai vỡ hoặc mở viên thuốc;
  • Dạng bột pha hỗn dịch uống: Pha 1 gói bột với 1 cốc nước 100ml, khuấy đều và uống ngay sau khi pha trong bữa ăn. Để đảm bảo không còn thuốc trong cốc, bệnh nhân hãy thêm vào cốc khoảng 25ml, uống tráng lại.

Liều dùng:

  • Liều khuyến cáo 50mg/kg/ngày, chia làm 2 - 3 lần (tương đương 16,67mg/kg/lần x 3 lần hoặc 25mg/kg/lần x 2 lần). Nếu không thể đạt được liều dùng chính xác với các hàm lượng hiện có, người bệnh hãy làm tròn tới liều lượng gần nhất có thể (trong khoảng 50 - 150mg so với khuyến cáo là 50mg/kg/ngày). Tổng liều khuyến cáo tối đa là 3.000mg/ngày;
  • Nếu muốn ngừng điều trị bằng thuốc Diacomit, người bệnh nên ngừng thuốc dần dần để giảm nguy cơ bị tăng cần suất co giật và trạng thái động kinh. Trong trường hợp cần ngừng thuốc ngay, nên theo dõi sức khỏe người bệnh chặt chẽ.

Quá liều: Hiện không có dữ liệu liên quan tới việc sử dụng thuốc Diacomit quá liều ở người. Điều trị quá liều Diacomit nên áp dụng các biện pháp hỗ trợ.

Quên liều: Nếu quên 1 liều thuốc Diacomit thì người bệnh nên uống càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Nếu gần tới thời điểm dùng liều kế tiếp thì bệnh nhân hãy bỏ qua liều đã quên, dùng liều tiếp theo đúng lịch trình từ đầu.

3. Tác dụng phụ của thuốc Diacomit

Khi sử dụng thuốc Diacomit, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn ói, tăng tiết nước bọt;
  • Rối loạn toàn thân và tại chỗ: Sốt, mệt mỏi, tăng cân hoặc giảm cân;
  • Nhiễm trùng và nhiễm độc: Viêm phế quản, viêm mũi họng;
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Giảm cảm giác thèm ăn;
  • Rối loạn hệ thần kinh: Buồn ngủ, mất điều hòa, giảm trương lực cơ, rung giật, rối loạn vận ngôn;
  • Rối loạn tâm thần: Kích động, mất ngủ, hung hăng.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Diacomit, người bệnh nên kịp thời thông báo cho bác sĩ để được tư vấn, can thiệp kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Diacomit

Một số lưu ý bệnh nhân cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Diacomit:

  • Thuốc Diacomit có thể gây buồn ngủ. Các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương khác và rượu có thể làm tăng tác dụng gây buồn ngủ của Diacomit. Bác sĩ cần theo dõi bệnh nhân về tình trạng buồn ngủ. Bệnh nhân không nên tham gia vào các hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo như lái xe, vận hành máy móc. Khi đã hoàn toàn tỉnh táo, đảm bảo có thể thực hiện những việc trên một cách an toàn thì người bệnh mới được lái xe, điều khiển máy móc;
  • Diacomit có thể làm giảm cảm giác thèm ăn và giảm cân nặng, buồn nôn và nôn ói. Nên theo dõi cẩn thận sự phát triển của bệnh nhi khi dùng thuốc này;
  • Diacomit có thể làm giảm số lượng bạch cầu trung tính và tiểu cầu. Nên làm xét nghiệm huyết học trước khi bắt đầu dùng thuốc này và sau đó mỗi 6 tháng/lần;
  • Giống như hầu hết các thuốc chống động kinh, nên giảm liều dùng thuốc Diacomit dần dần để giảm nguy cơ tăng tần suất co giật và trạng thái động kinh. Trong những trường hợp cần phải giảm liều nhanh (như xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng) cần theo dõi sức khỏe bệnh nhân chặt chẽ;
  • Phenylalanine có thể gây tác động tiêu cực cho bệnh nhân bị phenylketon niệu. Bột pha hỗn dịch Diacomit chứa phenylalanine, một thành phần của aspartame. Trước khi kê đơn Diacomit dạng bột cho bệnh nhân mắc phenylketon niệu, nên xem xét lượng Phenylalanine kết hợp. Còn viên nang Diacomit không chứa Phenylalanine;
  • Thuốc Diacomit làm tăng nguy cơ dẫn tới ý định hoặc hành vi tự tử. Bệnh nhân sử dụng thuốc này nên được theo dõi kỹ càng về sự xuất hiện hoặc trầm trọng hơn của bệnh trầm cảm, ý nghĩ hoặc hành vi tự tử hay bất kỳ sự thay đổi về tâm trạng, hành vi;
  • Chưa rõ về độ an toàn khi dùng thuốc Diacomit ở phụ nữ mang thai. Do đó, bà mẹ mang thai nên xin ý kiến bác sĩ trước khi dùng loại thuốc này. Bà mẹ mang thai không bắt đầu hoặc ngừng thuốc động kinh khi chưa được bác sĩ cho phép;
  • Hiện chưa có dữ liệu về sự hiện diện của hoạt chất stiripentol trong sữa mẹ. Dù vậy, người mẹ đang cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Diacomit;
  • Tính an toàn và hiệu quả của thuốc Diacomit chưa được xác định ở bệnh nhi dưới 2 tuổi;
  • Các chất chuyển hóa của Diacomit được đào thải chủ yếu qua thận. Do đó, không khuyến cáo sử dụng thuốc này cho người bệnh suy thận trung bình hoặc nặng;
  • Chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc Diacomit ở bệnh nhân suy gan. Tuy nhiên, do thuốc được chuyển hóa chủ yếu ở gan nên không khuyến nghị sử dụng loại thuốc này ở người bệnh suy gan trung bình và nặng.

5. Tương tác thuốc Diacomit

Một số tương tác thuốc của Diacomit gồm:

  • Hoạt chất stiripentol vừa là chất ức chế, vừa là chất cảm ứng của CYP1A2, CYP2B6 và CYP3A4. Do khả năng xảy ra tương tác thuốc, cần xem xét điều chỉnh liều dùng của các chất nền CYP1A2 (theophylline, caffeine), chất nền CYP2B6 (Sertraline, Thiotepa) và chất nền CYP3A4 Midazolam, Triazolam, Quinidine) khi dùng đồng thời với Diacomit;
  • Do khả năng ức chế hoạt động của enzyme, chất vận chuyển nên cần cân nhắc giảm liều dùng các chất CYP2C8, CYP2C19 (Diazepam, Clopidogrel), P-gp (carbamazepine) và BCRP (Methotrexate, Prazosin, Glyburide) nếu xảy ra các phản ứng bất lợi khi sử dụng đồng thời với Diacomit;
  • Sử dụng đồng thời Diacomit với Clobazam làm tăng nồng độ của Clobazam trong huyết tương. Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra các phản ứng có hại liên quan tới clobazam. Nên cân nhắc giảm liều clobazam nếu xảy ra những phản ứng bất lợi khi sử dụng đồng thời với Diacomit;
  • Các tương tác dựa trên cảm ứng có thể dẫn tới làm giảm nồng độ Diacomit khi dùng đồng thời với các chất cảm ứng mạnh CYP1A2, CYP3A4 hoặc CYP2C19 như Rifampin, Phenytoin, Phenobarbital và Carbamazepine. Nguyên nhân vì các enzyme này đều chuyển hóa hoạt chất Stiripentol. Do đó, nên tránh dùng đồng thời các chất gây cảm ứng mạnh với Diacomit. Nếu có dùng đồng thời thì nên điều chỉnh liều lượng cho phù hợp;
  • Sử dụng đồng thời Diacomit với các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác hoặc với rượu có thể làm tăng nguy cơ gây buồn ngủ.

Lời khuyên cho bệnh nhân sử dụng thuốc Diacomit là cần tuân thủ đúng hướng dẫn, chỉ định chi tiết của bác sĩ. Nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần báo cho bác sĩ ngay. Đồng thời, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc, ngừng thuốc hay thay đổi bất kỳ liều dùng của loại thuốc nào mà chưa có sự cho phép của bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

165 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan