Tác dụng của thuốc Methylphenidate

Thuốc Methylphenidate là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương, thường được dùng để điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn thiếu tập trung và chứng ngủ rũ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc những thông tin về thuốc Methylphenidate.

1. Methylphenidate là thuốc gì?

Methylphenidate là một chất có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương. Chất này ảnh hưởng đến các chất hóa học ở trong não bộ và dây thần kinh, góp phần vào sự hiếu động thái quá và giúp kiểm soát xung lực.

Thuốc Methylphenidate với hoạt chất methylphenidate được dùng để điều trị chứng rối loạn thiếu tập trung (ADD), rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và chứng ngủ rũ.

Dạng bào chế và hàm lượng:

  • Viên nén phóng thích kéo dài hàm lượng 18mg, 27mg, 36mg và 54mg.
  • Viên nén hàm lượng 5mg, 10mg và 20 mg.
  • Viên nang tác dụng kéo dài hàm lượng 5mg, 10mg, 20mg, 30mg, 40mg, 50mg và 60 mg.

2. Công dụng thuốc Methylphenidate

Methylphenidate thuốc thường được chỉ định điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi mà các biện pháp khắc phục khác không đạt được hiệu quả và phải đánh giá kỹ lưỡng về mức độ nghiêm trọng các triệu chứng của trẻ.

Thuốc còn được dùng để điều trị chứng rối loạn thiếu tập trung (ADD). Ngoài ra, thuốc Methylphenidate còn được dùng trong điều trị chứng ngủ rũ.

3. Thuốc Methylphenidate chống chỉ định với những trường hợp nào?

Các bác sĩ khuyến cáo không sử dụng thuốc Methylphenidate cho một trong các trường hợp sau đây:

  • Quá mẫn với methylphenidate hoặc các thành phần khác có trong công thức của thuốc.
  • Bệnh tăng nhãn áp.
  • U tủy thượng thận.
  • Không dùng trong thời gian điều trị bằng MAO (các chất ức chế monoamine oxidase) không chọn lọc, hoặc ít nhất trong vòng 2 tuần khi ngưng các thuốc đó.
  • Nhiễm độc giáp, cường giáp.
  • Có tiền sử hoặc đã được chẩn đoán bị trầm cảm nặng, chán ăn tâm lý, có xu hướng tự tử, rối loạn tâm trạng nghiêm trọng, loạn thần, tâm thần phân liệt, hưng cảm, rối loạn nhân cách.
  • Bệnh nhân bị tăng huyết áp nặng, suy tim, cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, nhồi máu cơ tim, bệnh tắc động mạch, đau thắt ngực, loạn nhịp tim từ trước đó.
  • Rối loạn mạch máu não, viêm mạch, phình mạch não, đột quỵ.
  • Bệnh nhân bị rối loạn vận động hoặc có tiền sử gia đình mắc hội chứng Tourette.

4. Liều dùng và cách dùng

Thuốc Methylphenidate chỉ được sử dụng theo chỉ định và kê đơn của bác sĩ có chuyên môn. Vì thế để tác dụng của thuốc Methylphenidate phát huy hết hiệu quả thì người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định liều dùng và cách dùng của bác sĩ.

4.1. Liều dùng Methylphenidate

Người lớn

Thuốc Methylphenidate không được khuyến cáo bắt đầu điều trị ở người lớn. Tuy nhiên, thanh thiếu niên có triệu chứng kéo dài thì có thể dùng thuốc từ tuổi thanh thiếu niên và tiếp tục điều trị đến tuổi trưởng thành với liều lượng dùng như sau:

  • Viên nén phóng thích tức thì: Liều 20 - 30mg, chia làm 2 - 3 lần/ ngày và liều tối đa là 60mg/ ngày.
  • Viên nén phóng thích kéo dài (8 giờ): Liều dùng thông thường là 20mg và liều tối đa 60mg/ ngày.

Trẻ em

Thuốc được dùng cho trẻ từ 6 tuổi trở nên và nên bắt đầu điều trị với thuốc Methylphenidate bằng liều thấp nhất có thể.

  • Dạng viên nén phóng thích kéo dài: khuyến cáo là 18mg và dùng 1 lần/ ngày với bệnh nhân chưa dùng Methylphenidate, hoặc những bệnh nhân đang dùng cùng với các chất kích thích khác.
  • Dạng viên phóng thích tức thời: liều khuyến cáo là 5mg/ lần và dùng 1 - 2 lần/ngày vào buổi sáng, trưa. Có thể tăng liều 5 - 10mg/ ngày hàng tuần tùy hiệu quả điều trị và khả năng dung nạp.

Với những bệnh nhân đang dùng Methylphenidate: Liều dùng khuyến cáo thuốc ở dạng viên phóng thích kéo dài là từ 15 - 45mg/ ngày chia làm 3 lần và liều tối đa là 54 mg/ ngày. Còn dạng viên phóng thích tức thời thì liều dùng là 60mg/ ngày.

Điều trị bằng methylphenidate thường sẽ được ngừng trong hoặc sau tuổi dậy thì.

4.2. Cách dùng

Methylphenidate được dùng qua đường uống và có thể uống trong hoặc sau bữa ăn đều được. Lưu ý là không được nhai, bẻ hoặc nghiền nát thuốc với dạng viên phóng thích kéo dài sẽ làm biến đổi, ảnh hưởng đến thành phần thuốc.

5. Tác dụng phụ thuốc Methylphenidate

Khi sử dụng Methylphenidate, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc sau đây:

  • Thường gặp: Nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm mũi họng, viêm xoang; Chán ăn, giảm cân và chậm phát triển ở trẻ; Mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ, khó chịu, kích động, hung hăng, trầm cảm, tâm trạng và hành vi bất thường; Đau đầu, chóng mặt, rối loạn vận động, dị cảm; Rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực, tăng huyết áp, đau họng, ho; đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, khó tiêu; Tăng men gan, rụng tóc; Đau khớp, co cơ và rối loạn cương dương.
  • Ít gặp: Phù mạch, phản vệ, mề đay, ảo giác, rối loạn tâm thần, bồn chồn, tự tử, run rẩy, rối loạn giấc ngủ, nhìn mờ, khô mắt, đau ngực,...
  • Hiếm gặp: Rối loạn ham muốn tình dục, mất phương hướng, cơn đau thắt ngực.

Lưu ý: Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc hay các dấu hiệu bất thường khác chưa được đề cập đến khi dùng thuốc.

6. Tương tác thuốc Methylphenidate

  • Hiện nay vẫn chưa rõ Methylphenidate có ảnh hưởng như thế nào đến nồng độ của các thuốc khác khi sử dụng đồng thời. Do đó, cần phải thận trọng khi kết hợp Methylphenidate với các loại thuốc khác, đặc biệt là những thuốc có khoảng trị liệu hẹp.
  • Đã có báo cáo cho thấy Methylphenidate có thể gây ức chế sự chuyển hóa của thuốc chống đông coumarin và thuốc chống động kinh (phenytoin, primidone và phenobarbital), cùng một số thuốc chống trầm cảm (chống trầm cảm 3 vòng, nhóm SSRI).
  • Methylphenidate cũng có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc trị tăng huyết áp.
  • Uống rượu khi đang điều trị với Methylphenidate có thể khiến các tác dụng phụ trên thần kinh trung ương thêm trầm trọng hơn.
  • Khi dùng Methylphenidate phối hợp với các thuốc tác động lên hệ thống serotonergic có thể gây ra hội chứng Serotonin.
  • Không dùng chung Methylphenidate với thuốc gây mê có chứa halogen trong ngày phẫu thuật do nó làm tăng nguy cơ tăng huyết áp đột ngột trong quá trình phẫu thuật.
  • Thận trọng khi dùng Methylphenidate chung với thuốc chủ vận và đối kháng dopamin do có tương tác dược lực.

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hoạt động của thuốc hoặc làm gia tăng các tác dụng phụ. Vì thế, để tránh tương tác thuốc thì hãy thông báo cho bác sĩ được biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, gồm các loại thuốc được kê đơn và không kê đơn hay thực phẩm chức năng.

7. Quên liều, quá liều

Quên liều: Nếu quên dùng thuốc một liều thì hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Nếu quên sau 6h tối thì bỏ qua liều quên, tuyệt đối không uống gấp đôi liều đã quy định.

Quá liều: Khi sử dụng Methylphenidate quá liều có thể xuất hiện các triệu chứng như: Kích thích hệ thần kinh trung ương và giao cảm quá mức, nôn mửa, tăng phản xạ, run, kích động, co giật cơ, co giật, hưng phấn, ảo giác, lú lẫn, mê sảng, đổ mồ hôi, nhức đầu, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, giãn đồng tử.

Cách xử trí quá liều: Không có thuốc giải độc đặc hiệu khi bị Methylphenidate. Điều trị triệu chứng quá liều bằng các biện pháp hỗ trợ thích hợp. Bệnh nhân cần được bảo vệ khỏi việc tự gây thương tích hoặc các yếu tố gây kích động.

8. Một số lưu ý khi dùng Methylphenidate

Để công dụng thuốc Methylphenidate phát huy được hết hiệu quả và sử dụng an toàn, giảm thiểu các tác dụng phụ thì người dùng cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Cần đánh giá tình trạng tim mạch (huyết áp, nhịp tim) và tiền sử dùng thuốc, các triệu chứng và tiền sử rối loạn tâm thần, tiền sử gia đình về hội chứng Tourette và đột tử trước khi dùng thuốc.
  • Theo dõi tình trạng huyết áp, mạch, chiều cao, cân nặng của bệnh nhân liên tục mỗi lần chỉnh liều và định kỳ ít nhất mỗi 6 tháng.
  • Cần ngừng điều trị nếu các triệu chứng không được cải thiện sau khi điều chỉnh liều lượng thích hợp trong 1 tháng. Nếu các triệu chứng trầm trọng hơn hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng khác xảy ra thì nên giảm liều hoặc ngưng sử dụng.
  • Nếu lạm dụng quá nhiều các chất hệ thần kinh trung ương có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng trên tim mạch và thậm chí dẫn tới đột tử.
  • Nếu có các triệu chứng như: nhức đầu dữ dội, tê, tê liệt, yếu, suy giảm khả năng phối hợp, suy giảm thị lực, suy giảm trí nhớ thì ngưng sử dụng methylphenidate ngay và cần có các biện pháp điều trị thích hợp.
  • Cần theo dõi chặt chẽ ở bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, rối loạn hưng cảm và bệnh nhân có xu hướng tự sát khi đang điều trị với Methylphenidate. Nếu các triệu chứng nặng thêm thì cần ngưng sử dụng thuốc.
  • Thuốc có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ.
  • Lạm dụng thuốc Methylphenidate sẽ dễ dẫn đến dung nạp và lệ thuộc vào thuốc.
  • Thuốc được khuyến cáo không sử dụng trong thời kỳ mang thai vì nó ảnh hưởng đến rủi ro đến thai nhi. Thuốc cũng được bài tiết qua sữa mẹ nên không sử dụng cho phụ nữ cho con bú hoặc cần ngưng cho con bú trong quá trình dùng thuốc.
  • Methylphenidate có thể gây tác dụng phụ chóng mặt, buồn ngủ và rối loạn thị giác, hoặc suy giảm nhận thức. Vì thế, không sử dụng thuốc khi đang lái xe hoặc điều khiển, vận hành máy móc.

9. Bảo quản thuốc

Nên bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C và ở nơi khô ráo, tránh ẩm, tránh ánh nắng mặt trời. Để thuốc tránh xa với tầm nhìn của trẻ nhỏ, cũng như các vật nuôi trong nhà.

Đối với thuốc hư hỏng, hết hạn sử dụng hoặc không dùng nữa thì cần xử lý và tiêu hủy thuốc an toàn theo hướng dẫn của bác sĩ và nhà sản xuất.

Trên đây là toàn bộ thông tin về tác dụng của thuốc Methylphenidate mà mọi người có thể tham khảo. Những thông tin này không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Do đó, để sử dụng thuốc an toàn và đạt được hiệu quả tốt nhất thì người bệnh cần phải có chỉ định của bác sĩ có chuyên môn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan