Tác dụng của thuốc Flexeril

Flexeril thuộc nhóm thuốc giãn cơ thường được sử dụng trong trường hợp co thắt cơ cấp do nhiều nguyên nhân gây ra. Thuốc chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn kết hợp với tập vật lý trị liệu và chế độ nghỉ ngơi.

1. Flexeril là thuốc gì?

Flexeril có thành phần hoạt chất chính là Cyclobenzaprine - thuộc nhóm thuốc giãn cơ, tác dụng chủ yếu trên tủy sống, đặc biệt trên vùng đệm của thân não.

Cơ chế tác dụng của thuốc là ngăn chặn các xung thần kinh truyền cảm giác đau đến não trong tình trạng đau cơ xương do chấn thương hay do co thắt cơ. Từ đó làm giảm hoạt động của các tế bào thần kinh vận động alpha và gamma, suy giảm hoạt động của các interneuron tủy sống; làm giảm đau và giãn cơ.

Flexeril hấp thu nhanh chóng qua đường uống, chuyển hóa ở gan và phân bố vào hầu hết các mô trong cơ thể; 93% liên kết với protein huyết tương. Sau 30-60 phút uống thuốc bắt đầu có tác dụng giảm đau ở cơ. Thời gian tác dụng kéo dài từ 4-6 giờ. Cuối cùng, thuốc thải trừ qua nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa không hoạt động.

2. Chỉ định của thuốc Flexeril

Thuốc Flexeril được chỉ định sử dụng trong các trường hợp bệnh lý sau:

  • Giảm co thắt cơ do chấn thương hay do các bệnh lý cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp, đau lưng,...
  • Co cơ cấp tính, đau cơ xương.
  • Giãn cơ để giảm đau trước các bài tập vật lý trị liệu trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp.

3. Chống chỉ định của thuốc Flexeril

Không sử dụng thuốc Flexeril trong các trường hợp bệnh lý sau đây:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần Cyclobenzaprine hay bất cứ thành phần tá dược nào khác của thuốc.
  • Chứng co cứng cơ do bệnh lý ở não, tủy sống hay bại não ở trẻ em.
  • Bệnh nhân đang có các bệnh lý như rối loạn chức năng tuyến giáp, suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim, cơn đau thắt ngực.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng gan nặng;
  • Trẻ em dưới 15 tuổi không có chỉ định dùng thuốc Flexeril.
  • Chống chỉ định tương đối ở bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt, tăng nhãn áp, các chứng bí tiểu, tiểu khó,... do nguy cơ nặng nề tình trạng bệnh khi dùng thuốc.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Flexeril

  • Flexeril có thể gây ngủ, làm giảm tập trung, giảm phản xạ do đó tài xế lái xe hay người làm việc đòi hỏi tỉnh táo, tỉ mỉ không nên dùng thuốc.
  • Do một số tác dụng giống atropine nên bệnh nhân có tiền sử tăng nhãn áp, bệnh nhân bí tiểu, đang dùng thuốc kháng cholinergic nên thận trọng.
  • Bệnh nhân lớn tuổi chức năng gan suy giảm khi dùng thuốc có thể làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương, gây nghiêm trọng thêm các tác dụng phụ. Vì vậy, chỉ dùng thuốc ở đối tượng này khi thật sự cần thiết và giảm liều thích hợp theo chỉ định của bác sĩ.
  • Chưa đầy đủ bằng chứng về hiệu quả và tính an toàn của thuốc ở phụ nữ có thai hay phụ nữ đang cho con bú. Do đó chỉ nên dùng thuốc khi không có biện pháp điều trị khác thay thế.

5. Liều dùng và cách dùng

Cách dùng:

  • Flexeril được bào chế dưới dạng viên nén, uống nguyên viên với nhiều nước, không nghiền nát hay bẻ đôi viên thuốc.
  • Chỉ sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hạn để điều trị các chứng co cơ cấp tính, không dùng thuốc quá 3 tuần.

Liều dùng:

  • Người lớn: Uống viên phóng thích tức thời 5mg/lần x 3 lần/ ngày, có thể tăng liều đến 10mg/lần x 3 lần/ ngày; hoặc uống viên phóng thích kéo dài 15mg/lần/ngày, có thể tăng liều đến 30mg/lần/ ngày.
  • Trẻ em 15 tuổi trở lên: Uống viên phóng thích tức thời 5mg/ lần x 3 lần/ ngày, liều tối đa 10mg/lần x 3 lần/ ngày.
  • Người cao tuổi, bệnh nhân suy giảm chức năng gan mức độ nhẹ nên sử dụng dụng viên phóng thích tức thời, dùng liều thấp và tăng liều từ từ. Không nên sử dụng viên phóng thích kéo dài.

Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy đối tượng bệnh nhân và tình trạng bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng Flexeril khác nhau.

Xử trí quá liều:

  • Khi vô tình dùng quá liều Flexeril có thể xuất hiện các triệu chứng như buồn ngủ nghiêm trọng, nôn mửa, tăng nhịp tim, nôn, run, kích động hay xuất hiện ảo giác. Nặng nề hơn có thể gây tăng huyết áp, lú lẫn, nói lắp, mất điều hòa, ngừng tim, co giật, hôn mê,...
  • Nếu phát hiện bất thường sau khi dùng thuốc, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Các biện pháp xử trí gồm điều trị triệu chứng để đảm bảo các chỉ số sinh tồn (mạch, nhiệt độ, huyết áp); rửa dạ dày; dùng than hoạt tính.

Xử trí quên liều:

  • Nếu quên uống một liều thuốc thì uống lại ngay khi nhớ ra, trường hợp gần đến thời gian uống liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và uống tiếp viên Flexeril như chỉ định, không uống bù liều thuốc đã quên cùng với liều tiếp theo.

6. Tương tác thuốc của Flexeril

Một số tương tác thuốc có thể xảy ra khi phối hợp Flexeril với các thuốc khác như sau:

  • Dùng đồng thời với các thuốc Serotonergic có thể gây hội chứng serotonin đặc trưng bởi: Rối loạn tâm thần, thay đổi hành vi, kích động, lú lẫn, ảo giác, thay đổi trương lực cơ, tăng phản xạ, mất điều hòa, tăng tiết mồ hôi, tăng nhịp tim, tăng thân nhiệt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy,... Ngừng thuốc ngay và đưa người bệnh đến cơ sở y tế khi nghi ngờ hội chứng serotonin.
  • Phối hợp với các thuốc chống trầm cảm ba vòng (Amitriptylin, Imipramin) có thể làm tăng các tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương, gây rối loạn nhịp tim, kéo dài thời gian dẫn truyền, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
  • Flexeril làm tăng tác dụng của Barbiturat khi dùng đồng thời.
  • Phối hợp với các thuốc ức chế MAO (Isocarboxazid, Linezolid, Phenelzine, Rasagiline, Selegiline và Tranylcypromine,...) hoặc dùng các thuốc ức chế MAO trong 14 ngày qua có thể xảy ra các tương tác nguy hiểm gây ra hội chứng serotonin.
  • Phối hợp với các thuốc giảm đau, thuốc gây mê, thuốc ngủ, thuốc chống động kinh, kháng viêm không steroid (NSAID) có thể tăng tác dụng gây ngủ của Flexeril.
  • Rượu bia hay các thuốc ức chế thần kinh trung ương làm tăng tác dụng của Flexeril.
  • Dùng đồng thời với Tramadol làm tăng nguy cơ co giật.
  • Một số tương tác khác chưa được chứng minh rõ ràng, do đó trước khi phối hợp điều trị với bất cứ loại thuốc nào người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các bệnh lý phối hợp và các loại thuốc đang sử dụng trong thời gian gần đây.

7. Tác dụng phụ của thuốc Flexeril

Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Flexeril:

  • Phản ứng dị ứng gây khó thở, sưng mặt, sưng môi lưỡi hoặc cổ họng, phát ban, ngứa, nổi mề đay.
  • Rối loạn nhịp tim nhanh, nhịp tim không đều.
  • Đau tức ngực, đau có thể lan đến vai hoặc lan đến hàm.
  • Yếu cơ, tê yếu đột ngột một bên cơ thể, nói lắp, mất thăng bằng.
  • Mệt mỏi, buồn ngủ, đau đầu, chóng mặt, lẫn lộn, nhìn mờ.
  • Suy nghĩ, hành vi bất thường, xuất hiện ảo giác.
  • Choáng váng, có thể ngất xỉu, suy nhược, thiếu sự phối hợp động tác.
  • Khô miệng, đau bụng, trào ngược acid dạ dày, buồn nôn, nôn, táo bón, chán ăn, nước tiểu sậm màu, phân bạc màu, vàng da hoặc vàng niêm mạc mắt.
  • Xuất hiện cơn co giật.
  • Dễ bầm tím ở da, dễ chảy máu chân răng, chảy máu cam.

Như vậy, Flexeril là một loại thuốc giãn cơ tác dụng chủ yếu ở vùng thân não. Thuốc cho hiệu quả điều trị cao ở các bệnh lý co thắt cơ do chấn thương hay do đau cơ xương khớp nhưng cũng gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho cơ thể. Không lạm dụng thuốc hay sử dụng thuốc kéo dài mà không có chỉ định của bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

411 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan