Lưu ý khi dùng các loại thuốc chống co giật

Uống thuốc chống co giật có hại không là thắc mắc của nhiều người. Hiện nay sẽ có các loại thuốc chống co giật khác nhau và tùy vào loại động kinh và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc chống co giật tốt nhất và phù hợp nhất cho bệnh nhân.

1. Các loại thuốc chống co giật được chỉ định trong trường hợp nào?

Các loại thuốc chống co giật được dùng trong điều trị bệnh động kinh, tuy nhiên, tùy vào loại động kinh sẽ sử dụng loại thuốc ưu tiên khác nhau, cụ thể như sau:

  • Động kinh khởi phát khu trú, động kinh toàn thân khởi phá: Thuốc chống co giật phổ rộng như Lamotrigine, Levetiracetam, Topiramate, Valproate, Zonisamide.
  • Động kinh cục bộ, tăng trương lực, co giật toàn thể: Các loại thuốc chống co giật mới như Clonazepam, Clobazam, Felbamate, Ezogabine, Lamotrigine, Lacosamide, Levetiracetam, Pregabalin, Oxcarbazepine, Topiramate, Tiagabine, Zonisamide. Tuy nhiên, các loại thuốc mới này ít hiệu quả nhưng lại ít gây tác dụng phụ và thuốc được dung nạp tốt hơn.
  • Động kinh mất trương lực, giật cơ ở trẻ sơ sinh, động kinh giật cơ: Valproate, Vigabatrin, Clonazepam.
  • Động kinh múa giật ở trẻ vị thành niên: Valproate (dùng suốt đời).
  • Co giật do sốt: Không dùng thuốc trừ trường hợp trẻ bị động kinh sau đó nhưng trẻ không sốt. Nếu dùng các loại thuốc chống co giật để điều trị và phòng ngừa co giật ở trẻ bị sốt có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ trong tương lai.
  • Co giật do hội chứng cai rượu: Không khuyến cáo dùng thuốc.

2. Nguyên tắc sử dụng các loại thuốc chống co giật để điều trị lâu dài

Trước khi dùng các loại thuốc chống co giật (hay còn gọi là thuốc điều trị động kinh) cần biết các nguyên tắc điều trị sau:

  • Điều trị thử đơn trị liệu thuốc chống co giật từ 1 - 2 lần để xem có thể kiểm soát được cơn động kinh co giật không.
  • Có thể phối hợp 2 loại thuốc trở lên nếu không thể kiểm soát cơn co giật khi mới khởi phát.
  • Chuyển đến cơ sở y tế nếu người bệnh đã dùng nhiều hơn 2 loại thuốc nhưng vẫn không thể kiểm soát được cơn động kinh co giật.

Về liều dùng các loại thuốc chống co giật cần chú ý như sau:

  • Một số loại thuốc dùng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch (Phenytoin hoặc Valproate) nhanh chóng đạt đến ngưỡng điều trị.
  • Dùng liều thấp nhất và tăng từ từ đến liều dùng tiêu chuẩn đối với một số loại như Lamotrigine hoặc Topiramate.
  • Nhiễm độc thuốc có thể xảy ra ở một số bệnh nhân kể cả trong trường hợp nồng độ thuốc trong máu ở mức thấp, trong khi đó một số bệnh nhân khác có nồng độ thuốc trong máu cao hơn nhưng lại không có triệu chứng ngộ độc nào. Giảm liều nếu người bệnh có biểu hiện nhiễm độc thuốc trước khi cơn động kinh co giật được kiểm soát.
  • Tăng dần liều dùng nếu cơn động kinh co giật vẫn tiếp diễn.
  • Liều dùng phù hợp đối với các loại thuốc chống co giật là liều thấp nhất có thể ngăn chặn và kiểm soát được các cơn động kinh co giật và hạn chế được nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc.

3. Lưu ý khi dùng các loại thuốc chống co giật

Mỗi loại thuốc chống co giật có tác dụng phụ khác nhau, vì vậy, tùy vào đối tượng và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc với liều dùng cũng như thời gian dùng thuốc một cách phù hợp. Dưới đây là một số lưu ý khi dùng thuốc chống co giật:

  • Tránh chỉ định Valproate ở bệnh nhân thừa cân vì tác dụng phụ của thuốc là gây tăng cân.
  • Tránh chỉ định Topiramate hoặc Zonisamide ở người có tiền sử sỏi thận.
  • Nếu muốn tăng liều các loại thuốc chống co giật, nên tăng từ từ để hạn chế nguy cơ gặp tác dụng phụ.
  • Đa phần tác dụng phụ của các loại thuốc chống co giật là dị ứng phát ban.
  • Việc sử dụng thuốc chống co giật có thể khiến một số loại co giật như động kinh giật cơ, động kinh vắng ý thức, mất trương lực, giật cơ trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Phụ nữ đang mang thai dùng các loại thuốc chống co giật động kinh có thể làm tăng nguy cơ gây quái thai, trẻ sinh ra có khả năng cao bị dị tật như hở hàm ếch, sứt môi, đầu nhỏ, chậm phát triển, diện mạo không bình thường, các vấn đề về tim, ... Tuy nhiên, để tránh cơn co giật khởi phát khiến thai nhi bị tổn thương hoặc tử vong, phụ nữ đang mang thai được khuyến cáo tiếp tục dùng thuốc, nhưng đồng thời phải cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng của thuốc đối với thai nhi.
  • Để phòng ngừa nguy cơ giảm vitamin B12 và folate ở phụ nữ mang thai đang dùng các loại thuốc chống co giật, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần chú ý bổ sung folate trước khi mang thai.
  • Việc phối hợp hai loại thuốc chống co giật trở lên có thể làm tăng hiệu quả điều trị, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ.
  • Phải kiên trì dùng thuốc cho đến khi người bệnh không còn bị động kinh trong tối thiểu 2 năm, dù đã kiểm soát được cơn động kinh. Khi đó, có thể cân nhắc ngừng các loại thuốc chống co giật. Vì bệnh động kinh có khả năng tái phát cao trong vòng 1 - 2 năm. Nếu người bệnh bị tái phát khi không dùng thuốc thì có khả năng phải điều trị suốt đời.

Khi dùng các loại thuốc chống co giật cần kiên trì sử dụng thuốc để vừa kiểm soát cơn động kinh co giật, vừa ngăn ngừa bệnh tái phát. Bên cạnh đó, cũng cần tăng dần liều dùng để hạn chế nguy cơ gặp tác dụng phụ. Ngoài ra, bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị bệnh.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan