Co giật do sốt cao thường không có gì đáng lo ngại mặc dù bạn có thể sợ hãi khi nhìn thấy một đứa trẻ bị co giật, đặc biệt là lần đầu tiên. Phần lớn bệnh khỏi hoàn toàn, tuy nhiên ở một số trường hợp cần phải dùng thuốc chống co giật khi trẻ sốt cao để hạn chế những tổn hại về não.
1. Co giật do sốt là gì?
Co giật do sốt là tình trạng mà một đứa trẻ có thể mắc phải khi sốt rất cao, thường trên 39 độ. Sốt cao gây co giật không đồng nghĩa với động kinh, do đó cần phân biệt giữa hai loại bệnh này để có hướng điều trị thích hợp.
Với sốt co giật, cơn co giật chỉ xuất hiện khi trẻ sốt cao, thời gian ngắn, tạm thời và không gây ra biến chứng, có thể xuất hiện một cơn duy nhất hoặc vài cơn. Trường hợp động kinh, một số cơn co giật đầu tiên xuất hiện khi sốt nhưng những cơn co giật sau đó xuất hiện ngay cả khi không sốt.
Trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi có thể bị co giật khi sốt cao, tình trạng này xảy ra ở 2 - 5% tổng số trẻ em. Nếu cha mẹ, anh chị em hoặc những người thân của trẻ bị co giật do sốt thì trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh này.
2. Điều trị co giật do sốt ở trẻ
Mặc dù sốt cao gây co giật ở trẻ thường không gây ra bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào, nhưng có những bước quan trọng bạn cần thực hiện khi trẻ gặp phải tình trạng này:
- Câu hỏi quan trọng nhất cần được trả lời ở trẻ bị sốt co giật đó là nguyên nhân gây nên. Ngay cả khi hết co giật, bất kỳ trẻ nhỏ nào bị sốt co giật cũng nên được bác sĩ thăm khám để đảm bảo đó không phải là dấu hiệu nhiễm trùng não, chẳng hạn như viêm màng não.
- Khi trẻ bị sốt, cần đảm bảo thân nhiệt không vượt quá 37,5 độ C bằng cách cởi bỏ bớt quần áo, đặt trẻ ở trong phòng thoáng khí, chườm mát toàn thân, đặt viên đạn hạ sốt vào hậu môn cho trẻ (theo chỉ định của bác sĩ) để dự phòng sốt tăng lên. Trong trường hợp không có hiệu quả, cơn giật kéo dài trên 5 phút, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để dùng thuốc cắt cơn giật.
- Khi trẻ lên cơn co giật do sốt, bạn cần cho trẻ nằm nghiêng sang 1 bên, không đặt bất cứ vật gì vào miệng trẻ, không hạn chế chuyển động của trẻ do co giật, loại bỏ hoặc di chuyển bất kỳ đồ vật nào có thể gây hại cho trẻ trong khi lên cơn co giật (vật dụng sắc nhọn....), kiểm tra thời gian của cơn co giật. Gọi cấp cứu ngay nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút hoặc trẻ không thở được.
3. Dùng thuốc chống co giật khi trẻ sốt cao như thế nào?
- Thuốc hạ sốt nên được sử dụng cho những bệnh nhân có biểu hiện khó chịu thứ phát sau sốt. Thuốc hạ sốt hầu như không ngăn ngừa được cơn co giật do sốt tái phát. Có thể cho con bạn dùng acetaminophen hoặc ibuprofen khi bắt đầu bị sốt có thể giúp con bạn dễ chịu hơn, nhưng sẽ không ngăn được cơn co giật. Mặc dù aspirin được chấp thuận sử dụng cho trẻ em trên 3 tuổi, tuy nhiên không nên dùng thuốc này cho trẻ em và thanh thiếu niên đang hồi phục sau bệnh thủy đậu hoặc các triệu chứng giống như cúm, vì aspirin có thể gây ra hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng ở trẻ em.
- Các hướng dẫn thực hiện hành động không khuyến cáo sử dụng liên tục hoặc ngắt quãng với thuốc an thần kinh hoặc benzodiazepin sau cơn co giật do sốt đơn giản. Không có loại thuốc nào được chứng minh là làm giảm nguy cơ co giật (tức là động kinh) sau một cơn sốt đơn giản. Mặc dù một số thuốc như axit valproic (Depakene), diazepam (Valium), lorazepam (Ativan) và fosphenytoin (Cerebyx) được chỉ định để kiểm soát cơn co giật, chúng chưa được chỉ định rõ ràng để kiểm soát cơn co giật do sốt.
- Sử dụng thuốc chống co giật khi trẻ sốt cao loại phenobarbital (5 - 8 mg/kg cân nặng cho trẻ từ 2 đến 24 tháng tuổi và 3 - 5 mg/kg cho trẻ trên 2 tuổi)
- Sử dụng thuốc chống co giật khi trẻ sốt cao loại axit valproic (10 - 15 mg/kg, liều tối đa là 60 mg/kg mỗi ngày) liên tục làm giảm nguy cơ co giật do sốt tái phát nhưng có tác dụng phụ đáng kể.
Tuy nhiên, Phenobarbital có liên quan đến rối loạn giấc ngủ thoáng qua, giảm trí nhớ và giảm khả năng tập trung. Thuốc axit valproic có liên quan đến sự gián đoạn tạo máu, nhiễm độc thận, viêm tụy cấp và mạn, nhiễm độc gan gây tử vong. Việc sử dụng diazepam uống ngắt quãng cũng được chứng minh là làm giảm nguy cơ co giật do sốt tái phát, nhưng hiệu quả còn hạn chế. Tăng động là tác dụng phụ phổ biến nhất ở nhóm diazepam đường uống, một số tác dụng phụ khác như ngủ lịm và buồn ngủ. Do đó, việc sử dụng thuốc cần được bác sĩ hưỡng dẫn và chỉ định.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.