Liều dùng và tác dụng phụ của thuốc Atocib 90

Atocib 90 là thuốc giảm đau, kháng viêm thường được chỉ định trong các bệnh lý cơ xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, gout,... Vậy liều dùng và các tác dụng phụ của thuốc là gì?

1. Atocib 90 là thuốc gì?

Atocib 90 có thành phần hoạt chất chính là Etoricoxib - thuộc nhóm thuốc kháng viêm không steroid, tác dụng chính giảm đau, chống viêm. Cơ chế giảm đau của thuốc là ức chế sự tổng hợp PGF2 alpha - là chất cảm thụ đau tại các đầu dây thần kinh cảm giác, làm giảm tính cảm thụ với các chất gây đau như serotonin, histamin,... từ đó giảm các cơn đau mức độ nhẹ đến trung bình, không có tác dung mạnh như các nhóm thuốc giảm đau nhóm opioid (Morphin).

Cơ chế kháng viêm thông qua ức chế enzyme cyclooxygenase (COX - 2) có chọn lọc, dẫn đến ức chế sinh tổng hợp prostaglandin - chất trung gian gây ra các phản ứng viêm. Vì ức chế có chọn lọc men COX-2 nên Atocib 90 không gây ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày và cũng không ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu.

Phối hợp cả hai cơ chế giảm đau và kháng viêm, thuốc được sử dụng trong các trường hợp viêm vô khuẩn ở xương khớp, giảm đau mức độ vừa trong đau răng, đau bụng kinh, đau sau phẫu thuật nha khoa,...

Atocib 90 hấp thu mạnh qua đường tiêu hóa, đạt sinh khả dụng tuyệt đối 100%; sau khi vào hệ tuần hoàn thuốc chuyển hóa ở gan bởi hệ enzyme cytochrome P450 tạo thành dạng hoạt động; liên kết với khoảng 92% protein huyết tương và thải trừ qua nước tiểu.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Atocib 90

Thuốc Atocib 90 được chỉ định sử dụng trong các trường hợp bệnh lý sau:

  • Giảm các triệu chứng đau, viêm trong các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,...
  • Dùng ngắn hạn trong cơn cấp của bệnh gout.
  • Đau bụng kinh nguyên phát.
  • Giảm đau trong các bệnh lý cấp tính và mãn tính mức độ nhẹ đến trung bình.

Thuốc Atocib 90 chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần Etoricoxib, Aspirin, thuốc kháng viêm không steroid hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân đang điều trị loét dạ dày - tá tràng tiến triển, viêm đường ruột đang diễn tiến, tiền sử hay hiện tại đang chảy máu dạ dày.
  • Bệnh nhân có tiền sử cơ thắt phế quản, hen phế quản cấp, polyp mũi, phù mạch sau khi sử dụng các thuốc nhóm NSAID.
  • Bệnh nhân suy gan mức độ nặng albumin huyết thanh nhỏ hơn 25g/l; suy thận mức độ nặng độ lọc cầu thận nhỏ hơn 30ml/phút.
  • Bệnh nhân có các bệnh lý tim mạch như suy tim sung huyết, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh lý mạch máu não hay mạch máu ngoại vi, bệnh nhân huyết áp cao trên 140/90mmHg chưa được kiểm soát ổn.

Trẻ em dưới 16 tuổi không có chỉ định dùng thuốc Atocib 90.

3. Tương tác thuốc của Atocib 90

Một số tương tác thuốc có thể xảy ra khi phối hợp Atocib 90 với các thuốc khác như sau:

  • Phối hợp với Rifampicin làm giảm nồng độ Atocib 90 trong huyết tương; với các thuốc chống đông máu (Warfarin) làm kéo dài thời gian Prothrombin, tăng nguy cơ chảy máu; với Aspirin hay các thuốc nhóm NSAID làm tăng khả năng thủng loét đường tiêu hóa.
  • Các thuốc điều trị hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu, thuốc đối kháng thụ thể Angiotensin II bị giảm tác dụng khi dùng đồng thời với Atocib 90.
  • Atocib 90 làm tăng nồng độ của các thuốc tránh thai đường uống (Estrogen, Ethinyl Estradiol), Lithium, Methotrexat trong huyết tương.
  • Rượu bia, thuốc lá hay các thực phẩm có cồn có thể làm tăng nguy cơ kích ứng, gây viêm loét đường tiêu hóa khi dùng đồng thời với Atocib 90.

4. Liều dùng và cách dùng thuốc Atocib 90

Cách dùng

Atocib 90 được bào chế dưới dạng viên nén bao phim hàm lượng 90mg. Người bệnh cần uống nguyên viên với nước, không tách rời hay nghiền nát thuốc.

Liều dùng

  • Giảm đau, giảm viêm trong các bệnh lý đau thông thường, viêm vô khuẩn ở khớp (thoái hóa khớp): 30mg/ lần/ ngày. Liều tối đa 60mg/ lần/ ngày.
  • Viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp: 90mg/ lần/ ngày.
  • Cơn gout cấp: 120mg/ lần/ ngày; dùng thuốc tối đa 8 ngày, ngừng thuốc khi các triệu chứng đau thuyên giảm.
  • Bệnh nhân suy gan mức độ nhẹ đến trung bình, Child-Pugh 5-6 điểm: 60mg/ lần/ ngày; Child-Pugh 7-9: 60mg/ lần mỗi 2 ngày HOẶC 30mg/ lần/ ngày.
  • Bệnh nhân suy thận độ lọc cầu thận lớn hơn 30mL/phút: liều dùng như ở bệnh nhân thông thường.
  • Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, nên dùng thuốc ở liều thấp nhất có hiệu quả và không dùng thuốc trong thời gian kéo dài. Tùy từng đối tượng bệnh nhân và tình trạng bệnh lý bác sĩ sẽ có các chỉ định liều dùng Atocib 90 khác nhau.

Xử trí quên liều: Nếu quên một liều thuốc thì uống lại ngay khi nhớ ra, trường hợp gần đến thời gian uống liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như chỉ định; không uống gấp đôi liều Atocib 90 đã quên.

Xử trí quá liều: Khi vô tình dùng quá liều Atocib 90 có thể gây các triệu chứng mệt mỏi, lơ mơ, đau rát thượng vị, nôn, buồn nôn,... Trường hợp nặng hơn có thể gây chảy máu đường tiêu hóa, tăng huyết áp, co thắt phế quản, hôn mê,... Nếu có bất kỳ biểu hiện nào bất thường khi dùng thuốc thì cần ngừng thuốc ngay lập tức và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Các biện pháp cấp cứu thường dùng như uống than hoạt tính, gây nôn, dùng thuốc nhuận tràng, lợi tiểu,...

5. Tác dụng phụ của thuốc Atocib 90

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Atocib 90 như sau:

Tác dụng phụ thường gặp

  • Đau bụng vùng thượng vị, viêm dạ dày, tiêu chảy, táo bón, trào ngược dạ dày - thực quản, buồn nôn, viêm loét miệng, viêm chân răng, nôn, đầy hơi, viêm thực quản.
  • Chóng mặt, đau đầu, suy nhược cơ thể, cảm giác mệt mỏi giống bệnh cúm.
  • Nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, loạn nhịp tim.
  • Co thắt phế quản.
  • Tăng men gan (SGOT, SGPT)

Tác dụng phụ ít gặp

  • Lo lắng, mất ngủ, ảo giác, thiếu máu do giảm các dòng tế bào máu, chảy máu cam.
  • Phản ứng quá mẫn gây mày đay, phát ban, ngứa.
  • Tăng Kali máu, tăng acid uric máu, tăng Creatinin huyết thanh.
  • Đau tức ngực, ho, khó thở.
  • Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim sung huyết, vết bầm máu.
  • Khô miệng, ù tai, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Viêm kết mạc, rối loạn chức năng thị giác.
  • Hội chứng ruột kích thích, tiểu đạm.

Tác dụng phụ hiếm gặp

  • Bồn chồn, rối loạn tâm thần.
  • Giảm Natri máu, hoại tử biểu mô nhiễm độc.
  • Hội chứng Stevens - Johnson.
  • Shock phản vệ.
  • Suy gan cấp, vàng da, vàng mắt.
  • Viêm mạch, phù mạch.
  • Suy thận cấp, viêm thận kẽ.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Atocib 90

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Atocib 90 như sau:

  • Dùng thuốc kéo dài với liều cao có thể gia tăng các nguy cơ lên hệ tim mạch do thuốc ức chế chọn lọc enzyme COX-2.
  • Atocib 90 không có tác dụng chống kết tập tiểu cầu nên không dùng để thay thế Aspirin trong dự phòng bệnh lý tim mạch.
  • Ở bệnh nhân có các bệnh lý tăng nguy cơ tim mạch rõ ràng như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường, bệnh nhân hút thuốc lá, bệnh nhân có tình trạng mất nước đáng kể,... trước khi dùng thuốc cần ổn định các bệnh lý đi kèm và theo dõi chức năng tim mạch thường xuyên.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Atocib 90 trên bệnh nhân có tiền sử thủng loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, bệnh nhân trên 65 tuổi.
  • Thuốc có thể gây co thắt phế quản, do đó bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc trước đó, tiền sử hen suyễn, viêm mũi dị ứng,.. nên cân nhắc khi dùng thuốc, chỉ sử dụng khi không có biện pháp điều trị khác thay thế.
  • Thuốc có thể qua được nhau thai và sữa mẹ, do đó phụ nữ có thai, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ chỉ sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết. Phụ nữ đang cho con bú xem xét ngừng cho trẻ bú hoặc ngừng dùng thuốc.
  • Atocib 90 có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi. Vì vậy tài xế lái xe, người vận hành máy móc hay người làm việc đòi hỏi sự tập trung tỉ mỉ nên dừng công việc trong thời gian uống thuốc.

Tóm lại, Atocib 90 là thuốc kháng viêm giảm đau phải được kê đơn của bác sĩ trước khi sử dụng. Thuốc cho hiệu quả tốt ở các bệnh lý cơ xương khớp, các chứng đau cấp và mạn tính mức độ nhẹ đến vừa. Tuy nhiên, thuốc cũng gây hàng loạt các phản ứng không mong muốn cho cơ thể đặc biệt là trên đường tiêu hóa. Do đó, không lạm dụng và không sử dụng thuốc kéo dài.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan