Ketotifen là thuốc gì?

Ketotifen được sử dụng để ngăn ngừa bệnh lý hen phế quản. Vậy tác dụng của Ketotifen là gì và cần sử dụng như thế nào?

1. Ketotifen là thuốc gì?

Ketotifen là một hoạt chất thuộc nhóm thuốc kháng histamin H1 với tác dụng chống dị ứng hiệu quả. Ketotifen có những dạng bào chế và hàm lượng như sau:

  • Thuốc Ketotifen 1mg dạng viên nén/nang;
  • Dung dịch nhỏ mắt với các hàm lượng 1.25mg/5ml, 0.25mg/ml và 2.5mg/ml;
  • Siro 0.2mg/ml.

2. Đặc điểm dược lý của thuốc Ketotifen

2.1. Dược lực học

Ketotifen là một hoạt chất ức chế receptor H1 của Histamin với đặc điểm không tương tranh, tương đối chọn lọc và có tác dụng bảo vệ tế bào mast. Dạng thuốc uống của Ketotifen tác động chủ yếu lên cơ quan hô hấp, được xem là một thuốc điều trị bệnh hen suyễn không có tính giãn phế quản và có tác dụng chống dị ứng. Cơ chế hoạt động chính của Ketotifen là ức chế quá trình giải phóng các chất trung gian hóa học gây dị ứng từ tế bào mast và các tế bào liên quan trong phản ứng dị ứng, bao gồm histamin, leukotriene C4, D4 và PAF.

Khả năng ức chế thụ thể H1 của histamin và ức chế men phosphodiesterase của Ketotifen mang lại một số tác dụng như sau:

  • Kích thích tăng hàm lượng cAMP trong các tế bào mast;
  • Ngăn ngừa sự tiến triển của phản ứng dị ứng trên đường hô hấp;
  • Ức chế hoạt hóa tiểu cầu do PAF (yếu tố hoạt hóa tiểu cầu) hoặc do các kích thích thần kinh sau khi dùng các thuốc kích thích giao cảm;
  • Ngăn chặn các tế bào eosinophil và tiểu cầu tập kết trên đường hô hấp do ảnh hưởng của PAF;
  • Ức chế tăng eosinophil, qua đó ngăn chặn dòng tế bào eosinophil di chuyển đến vị trí viêm.

Hiệu quả điều trị lâu dài trên bệnh nhi hen phế quản dị ứng mức độ nhẹ của thuốc Ketotifen đã được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng. Việc điều trị liên tục bằng Ketotifen mỗi ngày giúp giảm tần số, mức độ nghiêm trọng và sự kéo dài các triệu chứng hen suyễn, đồng thời hỗ trợ giảm nhu cầu sử dụng các thuốc trị hen hằng ngày (như theophylin, chất chủ vận B2...) mà không ảnh hưởng đến chức năng phổi hô hấp (như chỉ số FEV1, FVC và PEFR).

2.2. Dược động học

  • Hấp thu: Ketotifen sau khi uống hấp thu tốt qua đường tiêu hóa (trên 60%). Tuy nhiên sinh khả dụng chỉ đạt khoảng 50% do phải chuyển hóa lần đầu qua gan. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau 2 - 4 giờ uống thuốc, thời gian bán hấp thu khoảng 1 giờ;
  • Phân bố: Khoảng 75% hoạt chất Ketotifen gắn kết với protein huyết tương;
  • Chuyển hóa: Ketotifen trải qua quá trình chuyển hóa lần đầu qua gan tương đối cao (xấp xỉ 50%). Chất chuyển hóa của Ketotifen trong huyết tương và nước tiểu là Ketotifen-N-glucuronide;
  • Thải trừ: Ketotifen thải trừ chủ yếu qua nước tiểu ở dạng nguyên thủy (khoảng 1%) và dạng chuyển hóa (60-70%) không hoạt tính trong thời gian 48 giờ. Thời gian bán thải khoảng 21 giờ.

3. Chỉ định và chống chỉ định của Ketotifen

3.1. Chỉ định

  • Phòng ngừa các dạng bệnh lý hen phế quản (bao gồm bệnh hen suyễn đơn thuần, hen trong trường hợp sốt mùa và viêm phế quản dị ứng). Khi bắt đầu điều trị bằng Ketotifen, người bệnh vẫn phải duy trì các thuốc trị hen cơ bản như thuốc giãn phế quản, theophylin hoặc các corticosteroid;
  • Điều trị giảm các triệu chứng do viêm mũi dị ứng, tình trạng dị ứng toàn thân, nổi mề đay, mẩn ngứa, viêm da dị ứng hay viêm kết mạc dị ứng.

Lưu ý: Thuốc Ketotifen không được sử dụng trong điều trị những cơn hen cấp tính.

3.2. Chống chỉ định của Ketotifen

  • Tiền căn dị ứng hay quá mẫn với Ketotifen và các thành phần khác của thuốc;
  • Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu hoặc cho con bú.

4. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Ketotifen

4.1. Dạng viên nén thuốc Ketotifen 1mg

  • Người trưởng thành, thiếu niên và trẻ em trên 3 tuổi: Trong 3 - 4 ngày đầu, uống 1 viên thuốc Ketotifen 1mg 1 lần duy nhất vào buổi tối khi ăn. Những ngày tiếp theo uống thuốc Ketotifen 1mg 2 lần/ngày, mỗi lần 1 viên vào buổi sáng và buổi tối khi ăn;
  • Với người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: Nếu sau 4 tuần điều trị mà không hiệu quả có thể tăng liều tối đa đến 2mg/lần, 2 lần/ngày.
  • Trẻ 6 tháng đến dưới 3 tuổi: Có thể sử dụng liều 0.5mg/lần, 2 lần uống mỗi ngày (khuyến cáo dùng dạng siro thay vì viên nén để uống). Những trẻ nhạy cảm với tác dụng an thần của Ketotifen nên bắt đầu với 1⁄2 liều vào buổi tối trong vài ngày đầu điều trị và sau đó tăng liều lên từ từ.

Dạng thuốc nhỏ mắt của Ketotifen:

  • Người trưởng thành và trẻ 3 tuổi trở lên: Mỗi lần nhỏ 1 giọt, 2 lần/ngày, có thể lặp lại sau 8 đến 12 giờ nhưng không nhiều hơn 2 lần nhỏ mắt trong ngày;
  • Dạng thuốc nhỏ mắt không nên dùng cho trẻ dưới 3 tuổi.

5. Tác dụng phụ của Ketotifen

Một số tác dụng không mong muốn thường gặp của thuốc Ketotifen là:

  • Kích ứng hay đau mắt;
  • Viêm giác mạc lỗ thủng;
  • Xói mòn biểu mô giác mạc.

Tác dụng phụ ít gặp của Ketotifen:

  • Nhìn mờ (dạng thuốc nhỏ mắt), khô mắt;
  • Rối loạn mí mắt;
  • Viêm kết mạc;
  • Chứng sợ ánh sáng;
  • Xuất huyết kết mạc;
  • Khô miệng;
  • Lơ mơ;
  • Mề đay, chàm hay phát ban.

Một số tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Đau đầu;
  • Phản ứng quá mẫn: Bao gồm phản ứng tại chỗ (như viêm da tiếp xúc, sưng mắt, ngứa mí mắt và phù nề), phản ứng toàn thân (bao gồm sưng/phù mặt hay xảy ra đợt cấp của bệnh lý dị ứng có sẵn như hen suyễn và chàm).

6. Lưu ý khi sử dụng Ketotifen

6.1. Một số lưu ý chung

Không tự ý đột ngột ngừng sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng hay ngăn ngừa cơn hen khi bắt đầu sử dụng Ketotifen.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Ketotifen dạng nhỏ mắt:

  • Có thể gây kích ứng mắt, đặc biệt khi kèm theo tình trạng khô mắt hoặc rối loạn giác mạc;
  • Cần tháo bỏ kính áp tròng trước khi nhỏ thuốc, không gắn kính lại sớm mà cần để yên khoảng 15 phút để thuốc Ketotifen tiếp xúc với mắt;
  • Không để đầu nhỏ giọt của lọ thuốc nhỏ mắt Ketotifen chạm trực tiếp vào mắt;
  • Thời gian sử dụng tối đa 30 ngày sau khi đã mở nắp lọ thuốc.

6.2. Lưu ý với phụ nữ có thai

Thuốc Ketotifen được xếp nhóm thai kỳ loại C, do đó cần thận trọng khi chỉ định cho phụ nữ đang mang thai.

6.3. Lưu ý với phụ nữ đang cho con bú

Cần thận trọng khi sử dụng Ketotifen cho các trường hợp phụ nữ cho con bú.

6.4. Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Bất kỳ trường hợp nào gặp các tác dụng phụ của thuốc Ketotifen như mờ mắt tạm thời, rối loạn thị giác hoặc buồn ngủ thì tuyệt đối không được lái xe hay vận hành máy móc.

6.5. Quá liều Ketotifen và cách xử trí

Các triệu chứng của quá liều Ketotifen có thể bao gồm lú lẫn, mất phương hướng, tăng nhịp tim, hạ huyết áp, co giật, nhạy cảm với các kích thích (đặc biệt ở trẻ em) và/hoặc hôn mê có hồi phục.

Cách xử trí quá liều:

  • Nếu mới uống thuốc Ketotifen, có thể xem xét tiến hành rửa dạ dày hoặc sử dụng than hoạt tính;
  • Các phương pháp điều trị hỗ trợ khác chỉ định tùy thuộc vào triệu chứng người bệnh;
  • Hoạt chất Physostigmine có thể dùng với mục đích giảm thiểu tác dụng kháng cholinergic;
  • Các barbiturat hoặc benzodiazepine tác dụng ngắn có thể sử dụng khi bệnh nhân có biểu hiện kích thích hoặc co giật.

7. Tương tác thuốc của Ketotifen

  • Ketotifen có thể ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc giảm đau hay thuốc kháng histamin khác khi dùng đồng thời;
  • Sử dụng Ketotifen fumarate dạng uống trong thời kỳ ăn kiêng có thể dẫn đến hiện tượng giảm thrombocyte. Với thuốc nhỏ mắt chưa có báo cáo về tương tác này;
  • Các thuốc Acarbose, Acetohexamide, Alogliptin, Canagliflozin, Dapagliflozin, Chlorpropamide khi kết hợp với Ketotifen có thể làm tăng nguy cơ giảm tiểu cầu nghiêm trọng;
  • Amphetamine, Benzphetamine có thể làm giảm tác dụng an thần và kích thích của Ketotifen;
  • Betahistine làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc Ketotifen khi dùng kết hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan