Hemifere là thuốc gì?

Hemifere là thuốc giúp bổ sung chất sắt, tăng nhu cầu tạo máu, giúp dự phòng và điều trị cho các trường hợp bị thiếu máu do thiếu sắt hoặc acid folic. Trước khi sử dụng Hemifere, người bệnh cần tham khảo kỹ ý kiến từ bác sĩ về liều lượng cũng như cách dùng thuốc sao cho đúng đắn, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.

1. Hemifere là thuốc gì?

Hemifere là thuốc được sử dụng để dự phòng và điều trị cho các trường hợp mắc chứng thiếu máu do thiếu sắt, cần tăng nhu cầu tạo máu và bổ sung chất sắt, chẳng hạn như người bị thiếu dinh dưỡng, phụ nữ có thai / cho con bú, người mới mổ hoặc đang trong giai đoạn hồi phục cơ thể sau bệnh nặng. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén, được sản xuất bởi The Schazoo Pharmaceutical Laboratories (Pvt.) Limited – PAKISTAN.

Trong một viên nén Hemifere có chứa thành phần chính là phức hợp sắt (III) hydroxide polymaltose và acid folic. Cụ thể:

  • Phức hợp sắt (III): Là một loại khoáng chất có vai trò vô cùng quan trọng đối với máu và các mô trong cơ thể. Trong thuốc Hemifere, hàm lượng nguyên tố sắt chiếm 100mg, được bào chế dưới dạng muối sắt hydroxit polymaltose.
  • Axit folic: Là một loại vitamin thuộc nhóm B, hay còn được gọi là vitamin B9, có tác dụng tạo hồng cầu cho máu và đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tổng hợp các nucleotit protein cho cơ thể.

2. Chỉ định và công dụng của thuốc Hemifere

2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Hemifere

Theo chuyên gia, các trường hợp được chỉ định sử dụng thuốc Hemifere, bao gồm:

  • Điều trị cho tình trạng kém hấp thu sắt ở những bệnh nhân bị viêm teo niêm mạc dạ dày, cắt đoạn dạ dày hoặc viêm ruột mãn tính.
  • Điều trị cho những bệnh nhân bị thiếu sắt hoặc acid folic ở phụ nữ mang thai / cho con bú do không nhận được đầy đủ từ chế độ dinh dưỡng thường ngày.
  • Dự phòng và hỗ trợ điều trị chứng thiếu máu do thiếu sắt và acid folic.
  • Điều trị chứng xanh lướt ở nữ giới trong chu kỳ kinh nguyệt.

2.2 Dược lý và cơ chế tác dụng của thuốc Hemifere

Thành phần acid folic (vitamin B9) là vitamin thuộc nhóm B, được khử thành tetrahydrofolat – một loại coenzyme có vai trò quan trọng đối với nhiều quá trình chuyển hoá, điển hình là sự tổng hợp các nucleotid có nhân pyrimidin hoặc purin. Điều này cho thấy acid folic có ảnh hưởng nhất định đến sự tổng hợp DNA của cơ thể.

Khi có vitamin C, acid folic sẽ được chuyển hoá thành chất leucovorin, có vai trò vô cùng cần thiết đối với quá trình tổng hợp RNA và DNA. Ngoài ra, acid folic cũng không thể thiếu đối với sự tổng hợp nucleoprotein cũng như quá trình tạo hồng cầu của cơ thể. Do đó, khi bị thiếu hụt acid folic, người bệnh có thể mắc chứng thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, tương tự như tình trạng thiếu máu do thiếu vitamin B12. Bên cạnh đó, acid folic cũng tham gia vào sự cấu tạo – sử dụng format và một số biến đổi acid amin.

Khi vào cơ thể, thuốc Hemifere được giải phóng nhanh chóng ở dạ dày, sau đó được hấp thụ chủ yếu ở đoạn đầu ruột non. Trong khi đó, lượng acid folic cung cấp từ chế độ ăn uống được hấp thu và phân bổ chủ yếu ở các mô trong khắp cơ thể.

Các hoạt chất trong thuốc được tích trữ chủ yếu ở gan và tập trung tích cực ở cả dịch não tuỷ. Lượng thuốc đào thải qua nước tiểu mỗi ngày là từ 4 – 5 microgam. Khi uống acid folic liều cao, hàm lượng vitamin đào thải qua nước tiểu có xu hướng tăng lên theo tỷ lệ thuận. Ngoài ra, acid folic cũng có thể đi qua nhau thai và đường sữa mẹ.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Hemifere

3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Hemifere

Liều dùng khuyến nghị của thuốc Hemifere sẽ dựa trên độ tuổi và tình trạng sức khoẻ của từng đối tượng, cụ thể:

Người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi

  • Bổ sung chế độ ăn: Đợt điều trị kéo dài khoảng 8 – 12 tuần, mỗi ngày uống 1 viên.
  • Điều trị: Uống 3 lần / ngày, mỗi lần một viên. Phụ nữ mang thai nên uống 1 viên / ngày và sử dụng đều đặn trong suốt chu kỳ mang thai cho đến khi sau sinh con. Đối với nữ giới từ 15 – 30 tuổi (không mang thai) nên uống 1 viên / tuần.

Trẻ em < 12 tuổi

Thuốc Hemifere dạng viên nén không phù hợp dành cho trẻ dưới 12 tuổi. Trẻ ở độ tuổi này nên dùng thuốc dạng nhỏ giọt hoặc siro.

Lưu ý: Liều thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để có liều dùng phù hợp đối với tình trạng sức khoẻ của mình.

3.2. Cách sử dụng thuốc Hemifere

Do dạng bào chế của Hemifere là viên nén, do đó người bệnh có thể uống thuốc với nước lọc hoặc nhai thuốc trực tiếp. Thuốc nên được dùng sau khi ăn để đạt hiệu quả hấp thu cao nhất. Tuy nhiên, bạn cần tránh uống thuốc với nước ngọt, nước có gas, rượu bia hoặc cà phê.

4. Cần làm gì khi uống quá liều hoặc quên liều thuốc Hemifere

4.1 Cách xử lý khi uống quá liều Hemifere

Việc uống quá liều Hemifere không giúp người bệnh cải thiện được các triệu chứng mà còn làm tăng nguy cơ bị ngộ độc hoặc gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng. Nếu bạn trót sử dụng quá liều thuốc, hãy đến ngay cơ sở y tế hoặc viện chăm sóc sức khỏe gần nhất để được chẩn đoán và điều trị.

Khi đi, bạn nhớ mang theo vỏ, nhãn hiệu hoặc hộp thuốc để bác sĩ nắm bắt được những thông tin cần thiết. Bạn cũng cần tránh đưa thuốc của mình cho người khác uống dù biết họ có vẻ đang mắc phải chứng bệnh tương tự. Vì điều này có thể dẫn đến nguy cơ sử dụng quá liều thuốc.

Vì thành phần sắt trong viên Hemifere ở dạng phức hợp sắt (III) polymaltose – là cấu trúc đại phân tử của nhiều nhân sắt (III) hydroxyd và phân tử dextrin thủy phân (polymaltose), giúp kiểm soát tốt sự hấp thu qua màng tế bào khi sử dụng thuốc an toàn. Điều này giúp tránh được nguy cơ dùng quá liều thuốc so với những sản phẩm có chứa chất sắt vô cơ.

Hiện nay, chưa có bất kỳ thông tin ghi nhận nào về độc tính của việc dùng quá liều acid folic. Do chất này tan trong nước, vì vậy nếu uống quá liều sẽ được cơ thể đào thải ra ngoài thông qua đường nước tiểu.

4.2 Cách xử lý khi quên liều thuốc Hemifere

Trong trường hợp trót quên một liều thuốc Hemifere, bạn cần uống bù liều càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu đã quá gần thời gian dùng liều tiếp theo, tốt nhất bạn không nên uống gấp đôi liều mà chỉ sử dụng liều kế tiếp như đúng lịch trình dùng thuốc mà bác sĩ chỉ định. Việc uống bù liều cùng một thời điểm có thể dẫn đến tình trạng quá liều thuốc.

5. Chống chỉ định sử dụng thuốc Hemifere cho những đối tượng nào?

Thuốc Hemifere không được khuyến cáo sử dụng cho các trường hợp sau đây:

  • Người bị dị ứng hoặc quá mẫn với bất kỳ hoạt chất nào trong thuốc.
  • Người mắc bệnh đa hồng cầu.
  • Người mắc chứng thiếu máu tan máu hoặc thiếu máu ác tính.
  • Người mắc bệnh gan nhiễm sắt.
  • Người bị dư sắt hoặc suy thận nặng.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi.

6. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Hemifere

Không phải bất kỳ ai sử dụng thuốc Hemifere cũng gặp phải tác dụng phụ ngoài ý muốn. Trong một số trường hợp, thuốc có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Rối loạn tiêu hoá nhẹ, bao gồm buồn nôn, nôn mửa, táo bón, tiêu chảy.
  • Đau bụng trên.
  • Phân có màu đen do thuốc.

Các tác dụng phụ trên có thể xảy ra khác nhau ở mỗi đối tượng hoặc không xuất hiện. Nếu bạn nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu đáng chú ý, hãy ngừng sử dụng thuốc và báo ngay cho bác sĩ biết để có phương hướng xử trí kịp thời.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Hemifere

7.1 Thận trọng khi dùng thuốc Hemifere

Trước khi sử dụng thuốc Hemifere, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Không dùng sắt để điều trị cho tình trạng thiếu máu tan huyết, trừ khi người bệnh cũng mắc chứng thiếu sắt.
  • Không dùng thuốc cho người thường xuyên điều trị bằng truyền máu, bởi trong hemoglobin của hồng cầu đã được truyền một lượng sắt đáng kể.
  • Báo ngay cho bác sĩ nếu bị dị ứng với Hemifere hoặc bất kỳ thành phần hay loại thuốc nào khác.
  • Sử dụng thận trọng acid folic đối với những bệnh nhân mắc chứng thiếu máu chưa được chẩn đoán vì điều này có thể làm ẩn các triệu chứng thiếu máu ác tính, dẫn đến sự tiến triển của các biến chứng thần kinh.

7.2 Tương tác của thuốc Hemifere với những thuốc khác

Sự tương tác giữa các loại thuốc có thể làm tăng rủi ro gặp tác dụng phụ hoặc khiến thay đổi chức năng hoạt động của Hemifere. Do đó, người bệnh cần báo cho bác sĩ tất cả những loại thuốc mà mình đang sử dụng, bao gồm thuốc không kê đơn / kê đơn, viên uống thảo dược hoặc thực phẩm chức năng. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng, ngừng hoặc điều chỉnh liều lượng của thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Thuốc Hemifere thường tương tác với các thuốc sau đây:

  • Thuốc kháng acid, gây ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt.
  • Thuốc làm giảm hấp thu cyclin, bao gồm Doxycyclin, Tetracycline,...

7.3 Nên ngừng sử dụng thuốc Hemifere khi nào?

Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Hemifere khi:

  • Việc điều trị không có tín hiệu dung nạp hoặc thuyên giảm bệnh.
  • Được sự chỉ định ngưng thuốc từ bác sĩ chuyên khoa.
  • Cơ thể có triệu chứng phản ứng dị ứng hoặc mẫn cảm với thuốc.
  • Đã sử dụng thuốc trong thời gian quá lâu.

8. Cách bảo quản và xử lý thuốc Hemifere đúng cách

Mỗi loại thuốc sẽ có cách bảo quản khác nhau, do đó người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản được in trên bao bì hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ. Theo khuyến cáo, thuốc Hemifere nên được bảo quản tại nhiệt độ phòng, nơi có độ ẩm phù hợp. Bạn cần tránh để thuốc ở nơi tiếp xúc với ánh sáng mạnh trực tiếp từ mặt trời hoặc khu vực có độ ẩm cao như phòng tắm. Ngoài ra, thuốc cần bảo quản ở xa tầm tay của trẻ nhỏ, cũng như vật nuôi.

Thuốc Hemifere được sử dụng trong vòng 36 tháng kể từ ngày sản xuất. Nếu thuốc đã hết hạn hoặc có dấu hiệu thay đổi chất lượng, vẻ bề ngoài (chẳng hạn như vỡ, mốc hoặc ẩm ướt), bạn cần vứt bỏ thuốc và ngừng sử dụng ngay lập tức. Khi tiêu huỷ thuốc, người bệnh tránh vứt thuốc xuống toilet, cống rãnh mà nên tham khảo lời khuyên của bác sĩ để xử lý đúng cách và an toàn, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan