Công dụng thuốc Valsarep 160mg

Valsarep thuộc nhóm thuốc ức chế thụ thể trong điều trị bệnh lý tăng huyết áp. Vậy cơ chế tác động, cách sử dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc là gì?

1. Valsarep là thuốc gì?

Valsarep có thành phần chính là Valsartan - thuộc nhóm thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II trong điều trị tăng huyết áp. Angiotensin II là một hormone thuộc hệ renin-angiotensin-aldosterone (RAA), gắn với một số thụ thể đặc hiệu trên màng tế bào của các mô. Angiotensin II có nhiều tác dụng sinh lý trên cơ thể, quan trọng nhất là tham gia vào quá trình điều hòa huyết áp do khả năng gây co các mạch máu ngoại vi, tăng quá trình giữ muối tại thận và kích thích tăng bài tiết hormon aldosteron.

Cơ chế tác động của thuốc là ức chế một cách có chọn lọc lên tiểu thụ thể AT1, thụ thể này chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động của angiotensin II. Từ đó, qua hàng loạt các phản ứng sẽ gây tác dụng hạ áp.

Valsarep hấp thu nhanh bằng đường uống, đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 2 đến 4 giờ; gắn với protein huyết tương khoảng 97%, chủ yếu là gắn với albumin huyết thanh; cuối cùng thải trừ qua phân (83%) và nước tiểu (13%) dưới dạng không chuyển đổi.

2. Chỉ định của thuốc Valsarep

Valsarep được sử dụng trong các trường hợp bệnh lý sau:

  • Tăng huyết áp nguyên phát ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.
  • Điều trị suy tim có triệu chứng ở người lớn khi chống chỉ định với các thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn beta.
  • Bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim từ 12 giờ đến 10 ngày (đã ổn định) có triệu chứng suy tim hoặc rối loạn chức năng tâm thu thất trái không triệu chứng.
  • Phối hợp điều trị 2 nhóm thuốc ở bệnh nhân không kiểm soát huyết áp bằng đơn trị liệu với Amlodipin, hoặc đơn trị liệu với Valsartan.

3. Chống chỉ định của thuốc Valsarep

Không sử dụng thuốc Valsarep trong các trường hợp sau đây:

  • Dị ứng với thành phần Valsartan, các dẫn xuất dihydropyridin, các thuốc nhóm ức chế thụ thể hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân suy gan nặng, bệnh lý xơ gan ứ mật, bệnh nhân suy thận độ lọc cầu thận dưới 30ml/ phút, bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo không có chỉ định dùng thuốc Valsarep.
  • Bệnh nhân huyết áp thấp nặng, bệnh nhân đang trong tình trạng sốc (kể cả sốc tim).
  • Bệnh nhân có các bệnh lý phì đại cơ tim tắc nghẽn, hẹp động mạch chủ nặng, suy tim không ổn định sau nhồi máu cơ tim.
  • Bệnh lý cường Aldosteron nguyên phát.
  • Phụ nữ đang mang thai sử dụng thuốc tăng nguy cơ gây quái thai.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Valsarep:

  • Ở bệnh nhân suy kiệt hoặc đang sử dụng các thuốc lợi tiểu mạnh khi dùng thuốc Valsarep có thể tăng nguy cơ hạ huyết áp quá mức.
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân hẹp động mạch thận 1 hoặc 2 bên, bệnh nhân chỉ có 1 thận còn chức năng do nguy cơ tăng ure máu và creatinin máu.
  • Ở bệnh nhân có suy giảm chức năng gan thận cần theo dõi thận trọng và sử dụng liều Valsarep thích hợp.
  • Các thuốc hạ áp nhóm ức chế thụ thể kể cả Valsarep có nguy cơ gây phù mạch, phù thanh quản, phù thanh môn gây tắc nghẽn đường thở. Vì vậy, khi dùng thuốc cần theo dõi các biểu hiện trên bệnh nhân để xử trí kịp thời.
  • Đánh giá và theo dõi chức năng tim mạch trước và trong suốt quá trình sử dụng thuốc. Nếu chức năng tim suy giảm, nên sử dụng các nhóm thuốc hạ áp khác thay thế để giảm thiểu các biến cố tim mạch.
  • Không nên phối hợp 2 nhóm thuốc hạ áp ức chế men chuyển và ức chế thụ thể trên bệnh nhân đái tháo đường do tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
  • Phụ nữ đang cho con bú nên cân nhắc điều trị bằng các biện pháp thay thế, do chưa đảm bảo được tính an toàn của thuốc trên trẻ em.

4. Tương tác thuốc của Valsarep

Một số tương tác có thể gặp khi phối hợp Valsarep với các thuốc khác như sau

  • Phối hợp với các thuốc ức chế men chuyển (ACE), aliskiren có thể làm tăng kali máu, hạ huyết áp quá mức và suy giảm chức năng thận.
  • Valsarep là tăng nồng độ của Lithium trong huyết thanh và gây độc cho tế vào; làm tăng kali máu khi phối hợp với thuốc lợi tiểu giữ kali, thực phẩm bổ sung kali.
  • Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có thể gây giảm tác dụng hạ áp của Valsarep và tăng nguy cơ suy giảm chức năng thận, tăng kali máu.
  • Rifampicin, Cyclosporin làm tăng nồng độ của Valsarep trong huyết thanh; các thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chẹn alpha điều trị tuyến tiền liệt tăng sản lành tính làm tăng tác dụng hạ áp của Valsarep.

5. Liều lượng và cách dùng Valsarep

Cách dùng:

  • Valsarep được bào chế dưới dạng viên nén bao phim hàm lượng 160mg. Uống nguyên viên thuốc với nước, không tách rời hay bẻ nát viên thuốc.

Liều dùng

  • Điều trị tăng huyết áp ở người lớn: Liều khởi đầu 80mg/ lần/ ngày; có thể tăng liều lên 160mg/ lần/ ngày; Liều tối đa 320mg/ lần/ ngày.
  • Điều trị sau nhồi máu cơ tim: Liều khởi đầu 20mg x 2 lần/ ngày; Liều tối đa 160mg x 2 lần/ ngày.
  • Điều trị suy tim: Liều khởi đầu 40mg x 2 lần/ ngày. Liều tối đa 320 mg/ ngày.
  • Bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân suy giảm chức năng thận (độ lọc cầu thận lớn hơn 10ml/ phút) không cần điều chỉnh liều Valsarep.
  • Bệnh nhân suy gan mức độ nhẹ đến trung bình: Liều tối đa 80mg/ ngày.
  • Bệnh lý tăng huyết áp ở trẻ em 6 - 18 tuổi <35kg: Liều khởi đầu 40mg/ lần/ ngày.
  • Bệnh lý tăng huyết áp ở trẻ em 6 - 18 tuổi >35kg: Liều khởi đầu 80mg/ lần/ ngày.

Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy từng đối tượng bệnh nhân khác nhau mà bác sĩ sẽ có chỉ định và liều dùng khác nhau.

6. Tác dụng phụ của thuốc Valsarep

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Valsarep

  • Tại hệ thần kinh trung ương: Đau đầu, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, lo âu, lơ mơ, mất ngủ.
  • Tại thận: Tăng ure máu.
  • Trên hệ tim mạch: Gây hạ huyết áp quá mức, hạ huyết áp tư thế, choáng ngất, tức ngực.
  • Trên hệ nội tiết: Thường gặp nhất là gây tăng kali máu.
  • Trên hệ tiêu hóa: đau bụng vùng trên rốn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn, rối loạn vị giác.
  • Hệ huyết học: Gây giảm dòng tế bào bạch cầu trung tính, thiếu máu, giảm tiểu cầu.
  • Hệ cơ xương khớp: Đau nhức cơ xương khớp, đau lưng, đau cơ, tiêu cơ vân cấp.
  • Hệ hô hấp: Có thể gây ho khan, khó thở do phù mạch.
  • Rối loạn thị giác, nhìn mờ.
  • Nhiễm virus ở các cơ quan, hệ cơ quan.
  • Phản ứng dị ứng, ngứa, ban đỏ, phù mạch (Hiếm).
  • Rụng tóc, tăng nhạy cảm với ánh sáng (Hiếm).

Tóm lại, Valsarep là thuốc được chỉ định bắt buộc bởi bác sĩ, có tác dụng hạ huyết áp trong các bệnh lý tăng huyết áp nguyên phát. Thuốc cho hiệu quả điều trị tốt nhưng cũng xảy ra nhiều tương tác và tác dụng phụ. Vì vậy, không sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.

100 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan