Công dụng thuốc Unamoc

Thuốc Unamoc là thuốc khánh sinh được kê đơn để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn, ví dụ như nhiễm khuẩn đường niệu dục, đường hô hấp, da,... Nhằm đảm bảo an toàn và giảm nguy cơ gặp các tác dụng phụ khi sử dụng Unamoc, bệnh nhân cần thực hiện theo đúng những hướng dẫn mà bác sĩ đề ra.

1. Thuốc Unamoc là thuốc gì?

Thuốc Unamoc thuộc nhóm thuốc kháng sinh, bán theo đơn, thường được dùng để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn, chẳng hạn như nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc sinh dục,...

Hiện nay, thuốc Unamoc được bào chế dưới dạng viên nén dài bao phim, đóng gói theo quy cách hộp 3 vỉ hoặc 10 vỉ x 5 viên. Trong mỗi viên nén Unamoc có chứa các thành phần sau:

  • Hoạt chất chính: Amoxicillin (dạng Amoxicillin trihydrate) hàm lượng 500mg, Sulbactam (dạng Pivoxil sulbactam) hàm lượng 500mg.
  • Các tá dược khác: Bột Talc, Magnesium stearate, Opadry white, Microcrystalline cellulose, Copovidone, dầu thầu dầu và Ethanol 96%.

2. Thuốc Unamoc có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của thuốc Unamoc

Mỗi một thành phần dược chất trong thuốc Unamoc sẽ đóng vai trò và mang lại tác dụng khác nhau, cụ thể:

  • Amoxicillin: Thuộc nhóm Aminopenicillin, đặc tính bền trong môi trường axit và có phổ tác dụng rộng hơn so với Benzylpenicillin, nhất là khả năng chống lại trực khuẩn Gram âm. Giống với các Penicillin khác, hoạt chất Amoxicilin trong thuốc Unamoc có tác dụng diệt khuẩn hiệu quả nhờ khả năng ức chế sự sinh tổng hợp mucopeptid đối với các thành phần tế bào vi khuẩn. Các vi khuẩn Gram âm và Gram dương mà Amoxicillin tác động đến, chẳng hạn như H.Influenzae, tụ cầu không tạo penicillinase, E.Coli, Diplococcus pneumoniae.
  • Sulbactam: Có tác dụng bất hoạt không hồi phục hầu hết các men Beta-lactamase của các vi khuẩn kháng penicillin. Ngoài ra, hoạt chất Sulbactam có thể mang lại tác dụng đồng vận rõ nét và có khả năng bảo vệ cephalosporin cũng như penicillin khỏi sự phá huỷ của vi khuẩn.

2.2 Chỉ định sử dụng thuốc Unamoc

Thuốc Unamoc thường được chỉ định sử dụng cho các trường hợp dưới đây:

  • Điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra bởi chủng vi khuẩn nhạy cảm với thuốc ở những vị trí như đường hô hấp trên (viêm xoang, viêm amidan, viêm tai giữa), đường hô hấp dưới (đợt cấp viêm phế quản mãn, viêm phổi phế quản, viêm phổi thuỳ), đường tiêu hoá (sốt thương hàn), đường tiết niệu – sinh dục (lậu, viêm thận – bể thận, nhiễm khuẩn sản khoa hoặc sảy thai nhiễm khuẩn).
  • Điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn khác như viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não, gây ra bởi chủng vi khuẩn nhạy cảm với thuốc.
  • Điều trị dự phòng tình trạng viêm nội tâm mạc, ngăn ngừa sự phát triển du khuẩn huyết.

2.3 Chống chỉ định sử dụng thuốc Unamoc

Không sử dụng thuốc Unamoc cho các trường hợp dưới đây:

  • Bệnh có có tiền sử quá mẫn với một số thuốc kháng sinh thuộc họ Beta-lactam, ví dụ Cephalosporin, penicilline.
  • Chống chỉ định thuốc Unamoc cho người có tiền sử mắc bệnh về đường tiêu hoá, đặc biệt là bệnh Crohn, viêm loét đại tràng hoặc viêm ruột kết do kháng sinh.
  • Không sử dụng Unamoc cho người bị rối loạn chức năng gan hoặc có tiền sử vàng da.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Unamoc

3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Unamoc

Theo khuyến cáo của bác sĩ, thuốc Unamoc có thể được sử dụng để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn theo liều lượng dưới đây:

  • Trẻ em > 30kg và người lớn: Uống 1 – 2 viên / lần, ngày dùng 2 lần, mỗi liều cách nhau khoảng 8 giờ.
  • Trẻ em < 30kg: Uống từ 75 – 100mg tính theo Amoxicilin / kg thể trọng / ngày. Chia liều thành 2 – 3 lần uống / ngày.
  • Liều điều trị tình trạng nhiễm lậu cầu không có triệu chứng: Uống liều duy nhất 4 viên.
  • Điều trị bất kỳ trường hợp nhiễm khuẩn nào xảy ra do liên cầu tan huyết: Uống theo liều chỉ định của bác sĩ và dùng tối thiểu 10 ngày để phòng ngừa viêm vi cầu thận cấp và sốt thấp.
  • Liều cho bệnh nhân suy thận: Điều chỉnh liều thuốc Unamoc theo khuyến cáo bác sĩ dựa trên đánh giá mức độ thanh thải creatinin. Nếu mức thanh thải dưới 10ml / phút, bệnh nhân nên uống từ 250 – 500mg / 24 giờ (dựa vào mức độ nhiễm khuẩn). Trong trường hợp độ thanh thải từ 10 – 30ml / phút, người bệnh nên uống từ 250 – 500mg / 12 giờ.

3.2 Hướng dẫn sử dụng thuốc Unamoc

Thuốc Unamoc được dùng bằng đường uống theo liều khuyến cáo của bác sĩ. Thuốc Unamoc có thể uống trước hoặc sau ăn đều được. Mặc dù thuốc ít gây tai biến, tuy nhiên trong trường hợp dùng quá liều thuốc Unamoc, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm. Khi đó, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện một số biện pháp xử trí quá liều Unamoc như rửa dạ dày và gây nôn.

Tốt nhất, để dùng thuốc hiệu quả và ngăn ngừa các rủi ro sức khỏe không đáng có, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và tuân thủ theo đúng kế hoạch điều trị của bác sĩ.

4. Các tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc Unamoc

Thuốc Unamoc có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoại ý cho người bệnh trong quá trình điều trị, bao gồm:

  • Phản ứng thường gặp: Ngoại ban, tiêu chảy và nổi mẩn ngứa.
  • Phản ứng ít gặp: Nôn mửa, buồn nôn, phát ban, tăng bạch cầu ái toan, vàng da ứ mật, viêm gan, tăng transaminase.
  • Phản ứng hiếm gặp: Kích động, tăng nhẹ SGOT, lo lắng, vật vã, phù Quincke, phản ứng phản vệ, giảm bạch cầu, giảm nhẹ tiểu cầu, viêm đại tràng giả mạc, thiếu máu tan huyết, ban đỏ đa dạng, hội chứng Stevens – Johnson, viêm da bong, viêm thận kẽ, hoại tử biểu bì do ngộ độc.

Thông báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy sự xuất hiện của các triệu chứng bất thường khi dùng thuốc Unamoc. Bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân xác định nguyên do cụ thể gây ra các triệu chứng, đồng thời đưa ra một số gợi ý giải quyết hiệu quả.

5. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Unamoc

5.1 Cần thận trọng điều gì khi dùng thuốc Unamoc?

Dưới đây là một số điều mà người bệnh cần lưu ý và thận trọng trong quá trình điều trị bằng thuốc Unamoc, bao gồm:

  • Thường xuyên kiểm tra chức năng gan và thận trong thời gian sử dụng thuốc Unamoc dài ngày.
  • Mặc dù triệu chứng vàng da ứ mật hiếm khi xuất hiện, tuy nhiên nếu xảy ra thường ở mức độ nặng. Đa phần các triệu chứng của tình trạng này thường hồi phục và sẽ tự biến mất sau khoảng 6 tuần ngưng điều trị bằng Unamoc.
  • Thận trọng vì thuốc Unamoc hoặc các kháng sinh penicillin khác có thể gây phản ứng quá mẫn, thậm chí dẫn đến tử vong do phản vệ.
  • Báo cáo cho thấy những bệnh nhân sử dụng Amoxicillin có nguy cơ nổi ban đỏ đa dạng kèm theo tình trạng sốt nổi hạch hoặc tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Nếu nghi ngờ xảy ra hiện tượng tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, bệnh nhân nên ngưng sử dụng thuốc Unamoc ngay.
  • Việc dùng thuốc Unamoc kéo dài có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn kháng thuốc phát triển.
  • Tránh sử dụng Unamoc cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu buộc phải sử dụng, đối tượng này cần trao đổi kỹ với bác sĩ về lợi ích và rủi ro mà Unamoc có thể mang lại.
  • Hoạt chất Amoxicillin và Sulbactam trong thuốc có thể bài tiết vào sữa mẹ, do đó bệnh nhân đang nuôi con bú cần thận trọng khi điều trị bằng Unamoc.
  • Thuốc không gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng vận hành máy móc hoặc lái xe của bệnh nhân.

5.2 Thuốc Unamoc tương tác với các thuốc nào khác?

Một số loại thuốc có thể xảy ra phản ứng tương tác khi phối hợp dùng cùng lúc với Unamoc, bao gồm:

  • Thuốc chống đông máu.
  • Thuốc tránh thai đường uống sẽ bị giảm hiệu quả khi dùng chung với Unamoc.
  • Thuốc Probenecid bị giảm đào thải qua ống thận khi phối hợp cùng Unamoc.
  • Thuốc Nifedipin dùng chung với Unamoc có thể làm tăng sự hấp thụ Amoxicilin.
  • Thuốc Methotrexat dùng cùng Unamoc có thể bị giảm bài tiết và tăng độc tính lên hệ tiêu hoá cũng như hệ tạo máu.
  • Thuốc Allopurinol dùng chung với Unamoc làm tăng nguy cơ dị ứng da.
  • Thuốc Macrolide.
  • Thuốc Chloramphenicol.
  • Thuốc Tetracycline.
  • Thuốc Sulfonamid.

Với những thông tin chi tiết về thuốc Unamoc, hy vọng sẽ giúp người dùng biết cách sử dụng thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất cũng như hạn chế tối đa rủi ro không đáng có.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

135 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan