Công dụng thuốc Tuspi

Thuốc Tuspi có thành phần chính là Paracetamol hàm lượng 500mg, thuộc nhóm thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs), được sử dụng phổ biến trong điều trị đau mức độ từ nhẹ đến trung bình và hạ sốt. Tìm hiểu những thông tin cần thiết về thành phần, cách sử dụng, liều dùng, tác dụng phụ của thuốc Tuspi sẽ mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn cho người bệnh.

1. Thuốc Tuspi là thuốc gì ?

Thuốc Tuspi là thuốc gì? Thuốc Tuspi được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như viên sủi bọt, viên nén hay viên nang cứng. Phổ biến nhất trên thị trường là Tuspi dạng viên sủi bọt hàm lượng 500mg/viên, với thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất: Paracetamol hàm lượng 500mg. Ngoài ra, một số loại thuốc Tuspi có thể có thêm thành phần Cafein và Phenylephrine Hydroclorid.
  • Tá dược vừa đủ 1 viên thuốc 500mg

Paracetamol hay còn được gọi là Acetaminophen (N-acetyl-p-aminophenol) là chất chuyển hóa có hoạt tính của một Phenacetin, là hoạt chất sử dụng trong điều trị giảm đau và hạ sốt. Tuy nhiên, Paracetamol không hiệu quả trong điều trị viêm.

Cơ chế tác dụng chính của Paracetamol là ức chế tổng hợp Prostaglandin tại hệ thần kinh trung ương là chủ yếu, từ đó có tác dụng giảm đau và hạ sốt. Paracetamol không có tác dụng ức chế tổng hợp Prostaglandin ở ngoại biên từ đó ít tác động đến hệ tim mạch và hô hấp, không làm thay đổi cân bằng Acid - Base, đặc biệt là duy trì hàm lượng Prostaglandin bảo vệ đường tiêu hóa. Do vậy, Paracetamol thích hợp khi dùng cho những bệnh nhân có tiền sử bị bệnh đường tiêu hóa, hoặc bệnh nhân đang dùng các loại thuốc NSAIDs khác có tác dụng lên Prostaglandin ngoại biên.

Thuốc Tuspi ở một số nhà sản xuất khác có thể có thêm thành phần CafeinPhenylephrin hydroclorid. Trong đó, Cafein khi kết hợp với hoạt chất Paracetamol có thể làm giảm đau và hạ sốt tốt hơn. Ngoài ra, Phenylephrin hydroclorid là một chất có tác dụng chống sung huyết ở mũi qua cơ chế kích thích thần kinh giao cảm, tác dụng chủ yếu lên thụ thể Alpha-adrenergic, từ đó mang lại hiệu quả trong việc điều trị các trường hợp cảm lạnh hoặc cảm cúm.

2. Thuốc Tuspi có tác dụng gì?

Thuốc Tuspi được chỉ định điều trị cho các trường hợp sau:

  • Các cơn đau mức độ từ nhẹ đến trung bình: Đau đầu, đau nửa đầu, đau họng, đau bụng kinh, đau cơ, đau xương, đau sau khi nhổ răng, đau sau thực hiện các thủ thuật ngoại khoa, sản khoa...phản ứng sốt đau sau tiêm vắc xin
  • Hạ sốt.
  • Người bị sung huyết mũi, xoang cấp, cảm lạnh và cảm cúm.

3. Chống chỉ định của thuốc Tuspi

Chống chỉ định của thuốc Tuspi trong những trường hợp sau đây:

  • Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần có trong thuốc Tuspi.
  • Tiền sử dị ứng với Paracetamol hoặc các thuốc chống viêm NSAIDs khác.
  • Người có bệnh lý thiếu hụt Glucose-6-phosphate dehydrogenase (thiếu men G6PD).
  • Người bệnh có tiền sử nhiều lần thiếu máu hay có các bệnh về tim mạch, hô hấp nặng như bệnh động mạch vành nặng, tăng huyết áp nặng, cường giáp, đang hoặc đã điều trị thuốc ức chế Monoamine oxidase (MAO) trong 14 ngày trước đó.
  • Người bệnh suy gan, suy thận nặng.
  • Không khuyến cáo dùng cho trẻ em < 12 tuổi.

4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Tuspi

Người lớn hoặc trẻ em ≥ 16 tuổi:

  • Liều lượng: Uống 1 – 2 viên (500-1000mg)/lần mỗi 4 – 6 tiếng. Uống tối đa 8 viên/ngày.

Trẻ em từ 12 - 15 tuổi:

  • Liều: Uống 1 (500)/lần mỗi 4 – 6 tiếng. Uống tối đa 4 viên/ngày.

Lưu ý: Tuspi dùng tối đa 10 ngày ở người lớn và 5 ngày ở trẻ em.

5. Những lưu ý khi sử dụng Tuspi

Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc Tuspi

Việc điều trị bằng thuốc Tuspi với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như sau:

  • Ít gặp: Biểu hiện ở da như ban da, nổi mày đay. Các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn hay nôn. Dấu hiệu về huyết học như giảm số lượng bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu gây hậu quả thiếu máu. Tác dụng phụ trên hệ tiết niệu như suy thận, độc thận khi dùng liều dài ngày.
  • Hiếm gặp: Hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell, hoại tử biểu mô nhiễm độc, ban toàn thân cấp tính, mụn mủ toàn thân. Nặng nhất có thể sốc phản vệ.

Người bệnh nên ngừng thuốc ngay khi phát hiện những triệu chứng trên sau khi sử dụng thuốc Tuspi. Bên cạnh đó, cần đọc kỹ phần xử trí quá liều trên tờ hướng dẫn hoặc nhanh chóng thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ để được xử trí kịp thời.

Lưu ý sử dụng thuốc Tuspi ở các đối tượng

  • Thận trọng khi dùng thuốc Tuspi ở các trường hợp: Người bị Phenylceton – niệu, người có tiền sử hen phế quản, suy gan, suy thận, suy dinh dưỡng mạn tính. Người nghiện rượu, người bị mất nước, người có tiền sử thiếu máu từ trước.
  • Phụ nữ có thai: Các nghiên cứu hiện nay cho rằng, dùng thuốc chứa hoạt chất Paracetamol ở liều đề nghị chưa có bằng chứng gây hại trên phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, khi muốn sử dụng Tuspi ở phụ nữ có thai cần tuân theo những chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sản.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Hoạt chất Paracetamol có thể đi qua sữa mẹ, nhưng với lượng rất ít và không ảnh hưởng trên trẻ. Do đó, người đang cho con bú không phải là một chống chỉ định của Tuspi.
  • Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc không bị ảnh hưởng nhiều sau khi dùng thuốc Tuspi.

6. Tương tác thuốc Tuspi

Thuốc Tuspi không phù hợp khi dùng chung với các loại thuốc sau:

  • Thuốc chống đông máu.
  • Thuốc chống co giật như Phenytoin, Carbamazepin, Barbiturat.
  • Probenecid.
  • Các thuốc chống lao như Isoniazid.

Trên đây là thông tin khái quát và những lưu ý khi sử dụng thuốc Tuspi. Nhằm mang lại kết quả điều trị cao nhất khi sử dụng thuốc Tuspi, bệnh nhân và người thân nên đọc kỹ các thông tin của thuốc và tuân theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan