Công dụng thuốc Topiramate

Topiramate thuộc loại thuốc hướng thần chống co giật, thường được sử dụng đơn trị liệu hoặc kết hợp với các thuốc khác để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh động kinh. Ngoài ra, thuốc Topiramate còn được dùng để điều trị bệnh đau nửa đầu, làm giảm tần số xuất hiện các cơn đau đầu một cách hiệu quả.

1. Topiramate là thuốc gì?

Thuốc Topiramate là một chất chống động kinh monosaccharide được thay thế gốc sulfamate với các tác động hiệu quả, góp phần chống động kinh như:

  • Topiramate làm tăng tần suất các receptor GABAA được hoạt hoá bởi gamma-amino butyrat (GABA) để tạo ra các luồng ion chloride đến neuron, từ đó tăng hoạt tính các chất trung gian thần kinh ức chế;
  • Topiramate làm mất khả năng của kainate gây hoạt hoá kainate/AMPA đối với nhóm dưới của thụ thể glutamate nhưng không có hoạt tính rõ ràng trên N-methyl-D-aspartate (NMDA) đối với nhóm dưới thụ thể NMDA;
  • Topiramate ức chế một vài isoenzyme của anhydrase carbonic, tác dụng này yếu hơn nhiều so với acetazolaminde và không phải là cơ chế chính của Topiramate.

Nhìn chung thuốc Topiramate 25mg thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Đơn trị liệu khởi đầu hoặc điều trị hỗ trợ động kinh cho người lớn hoặc trẻ em > 4 tuổi khi cơn co giật khởi phát cục bộ có hoặc không kèm cơn co giật toàn thể, co cứng-giật rung hoặc cơn co giật kèm theo hội chứng Lennox- Gastaut;
  • Phòng ngừa đau nửa đầu ở người lớn.

Thuốc Topiramate chống chỉ định:

  • Với người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Người sử dụng rượu bia trong 6 giờ trước hay sau khi uống thuốc;
  • Sử dụng đồng thời với Metformin;
  • Dự phòng đau nửa đầu trong thai kỳ;
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả cao.

2. Liều sử dụng của thuốc Topiramate

Thuốc Topiramate thường được dùng theo đường uống dưới dạng viên nén, không được nhai vì thuốc có vị đắng. Nếu bệnh nhân không nuốt được có thể nghiền thuốc rồi trộn với bột yến mạch hoặc nước sốt táo và dùng ngay để đảm bảo tính ổn định của thuốc. Tuỳ thuộc vào mục tiêu điều trị mà liều lượng sử dụng của thuốc Topiramate sẽ khác nhau, cụ thể như sau:

Đối với người lớn đơn trị liệu động kinh:

  • Nên khởi đầu bằng liều 25 mg/ ngày dùng mỗi tối trong tuần, sau đó 1-2 tuần tăng liều lên 25-50 mg/ngày chia làm 2 lần;
  • Liều đầu tiên trong khuyến cáo đơn trị liệu với Topiramate là 100-200 mg/ngày và liều tối đa hàng ngày là 500mg;
  • Một số bệnh động kinh khó chữa dung nạp với Topiramate thì có thể dùng liều 1000 mg/ngày;
  • Những liều khuyến cáo trên đều chỉ áp dụng cho bệnh nhân không mắc các vấn đề về thận.

Đối với người lớn điều trị hỗ trợ động kinh:

  • Liều khởi đầu: 25-50 mg dùng mỗi tối trong tuần đầu tiên;
  • Sau đó cách 2 tuần nên tăng liều lên 25-50 mg/ ngày, chia làm 2 lần;
  • Liều thông thường là 200-400 mg/ngày, chia làm 2 lần có thể dùng được đến 600 mg/ngày.

Đối với điều trị đau nửa đầu ở người lớn:

  • Liều khởi đầu: 25 mg dùng mỗi tối trong 1 tuần;
  • Tăng liều 25 mg/ngày sau mỗi tuần nếu bệnh nhân không dung nạp thì nên kéo dài khoảng cách giữa các lần tăng liều;
  • Một số bệnh nhân phải dùng liều đến 200 mg/ngày nhưng cần cẩn trọng các tác dụng phụ.

Đối với đơn trị liệu động kinh ở trẻ em:

  • Trẻ em > 2 tuổi: liều khởi đầu là 1-3 mg/kg mỗi tối trong 2 tuần đầu;
  • Tăng liều vào 1 hoặc 2 tuần sau đó, khoảng 1-3 mg/kg/ngày, chia làm 2 lần;
  • Liều đầu tiên được khuyến cáo trong đơn trị liệu với Topiramate là 3-6 mg/kg/ngày.

Đối với điều trị hỗ trợ động kinh trẻ em:

  • Trẻ em > 2 tuổi liều tổng cộng dùng hàng ngày được khuyến cá khoảng 5-9 mg/kg/ngày, chia làm 2 lần;
  • Chuẩn liều nên khởi đầu bằng liều 25 mg, uống vào mỗi tối trong tuần đầu tiên;
  • Để đạt được đáp ứng lâm sàng tối ưu nên tăng liều sau đó 1-2 tuần trong giới hạn 1-3 mg/kg/ngày, chia làm 2 lần;
  • Liều dùng hàng ngày có thể lên đến 30 mg/kg/ngày.

Đối với các đối tượng đặc biệt:

  • Bệnh nhân suy thận có độ thanh thải creatinin < 70 ml/phút cần giảm 50% liều dùng hàng ngày ở người lớn;
  • Bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thể yêu cầu một liều bổ sung sau khi chạy thận;
  • Bệnh nhân suy gan từ trung bình đến nặng cần thận trọng khi sử dụng thuốc Topiramate;
  • Cần chỉnh liều Topiramate ở bệnh nhân suy thận do cao tuổi.

3. Tác dụng phụ của thuốc Topiramate

Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Topiramate có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Giảm cân/tăng cân, hoa mắt, dị cảm, ngủ gà;
  • Buồn nôn, tiêu chảy;
  • Viêm mũi họng, mệt mỏi;
  • Thiếu máu, suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức, không tập trung;
  • Co giật, mất thăng bằng, mất vị giác, nhìn mờ, rối loạn thị giác, ù tai, đau tai;
  • Chảy máu cam, đầy hơi, khô miệng;
  • Sỏi thận, tiểu khó, ngứa, đau khớp, đau cơ, giật cơ;
  • Khô mắt, sợ ánh sáng, giãn đồng tử, viễn thị.

4. Cẩn trọng khi sử dụng thuốc Topiramate

Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Topiramate gồm có:

  • Trong trường hợp cần phải ngưng dùng Topiramate bệnh nhân cần được giám sát chặt chẽ;
  • Một số bệnh nhân có thể tăng tần số co giật hoặc cơn động kinh mới với Topiramate do quá liều, sự giảm nồng độ của thuốc động kinh phối hợp hoặc bệnh tiến triển hoặc tác dụng nghịch;
  • Người bệnh nên uống nhiều nước khi sử dụng thuốc Topiramate để làm giảm nguy cơ sỏi thận và tránh các tác dụng không mong muốn liên quan đến nhiệt;
  • Sử dụng thuốc Topiramate có thể làm tăng nguy cơ rối loạn hành vi hoặc trầm cảm do đó cần giám sát chặt chẽ bệnh nhân;
  • Bệnh nhân có tiền sử bệnh gan cần thận trọng khi dùng thuốc vì độ thanh thải của thuốc có thể giảm;
  • Đau mắt cấp tính kèm glaucoma góc đóng đã được cảnh báo khi dùng Topiramate với triệu chứng gồm giảm thị lực cấp tính, đau mắt, tiền phòng bị khô, mắt đỏ, tăng nhãn áp, có hoặc không có giãn đồng tử. Lúc này cần phải ngừng Topiramate ngay và điều trị thích hợp để giảm nhãn áp;
  • Tăng chloride trong máu, nhiễm toan có thể liên quan đến việc dùng Topiramate làm tăng nguy cơ sỏi thận, loãng xương.

Một số tương tác thuốc thường gặp với Topiramate gồm có:

  • Dùng chung Topiramate với carbamazepine có thể làm giảm nồng độ Topiramate;
  • Dùng chung Topiramate với phenytoin có thể làm tăng nồng độ phenytoin
  • Không dùng chung Topiramate với rượu hoặc các chất ức chế thần kinh trung ương khác;
  • Khả năng làm giảm hiệu quả của thuốc ngừa thai đường uống và tăng nguy cơ xuất huyết khi kết hợp giữa thuốc ngừa thai và Topiramate;
  • Nồng độ metformin có trong huyết tương có thể tăng và giảm độ thanh thải Topiramate khi dùng chung;
  • Dùng chung Topiramate với các thuốc gây sỏi thận làm tăng nguy cơ sỏi thận ở người bệnh;
  • Có hiện tượng tăng amoniac máu khi dùng chung Topiramate với valproic acid, có thể kèm hoặc không kèm theo bệnh não.

Bài viết trên đây là những giải đáp những thắc mắc về Topiramate là thuốc gì, công dụng và lưu ý khi sử dụng. Người bệnh hãy tuân thủ theo đúng hướng dẫn về liều lượng và cách sử dụng thuốc từ các chuyên gia y tế để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan