Công dụng thuốc Tonadione Inj

Thuốc Tonadione Inj thuộc nhóm vitamin và khoáng chất. Với thành phần chính là hàm lượng 10mg, được sử dụng ở dạng tiêm. Thuốc được sản xuất tại Mỹ dùng để điều chỉ chảy máu và đe dọa chảy máu hay giải độc kháng đông coumarin hay thiếu hụt vitamin K ở trẻ sơ sinh.

1. Công dụng và cách dùng của thuốc Tonadione Inj

1.1. Công dụng

Tonadione Inj công dụng là thuốc thuộc nhóm vitamin và khoáng chất. Thuốc được chỉ định điều trị trong các trường hợp như sau:

  • Bệnh nhân bị xuất huyết và có nguy cơ xuất huyết tăng do giảm prothrombin huyết.
  • Bệnh nhân bị xuất huyết do điều trị thuốc loại coumarin
  • Bệnh nhân bị giảm vitamin K trong trường hợp bị ứ mật, bị bệnh gan, bị bệnh ở ruột hay sau khi điều trị dài ngày bằng các loại kháng sinh phổ rộng, sulfonamid hoặc các dẫn chất của acid salicylic.

1.2. Cách dùng của thuốc Tonadione Inj

Thành phần chính của thuốc là phytomenadione hàm lượng 10mg. Thuốc bào chế ở dạng ống, đóng gói như sau:

  • Hộp 100 ống 1ml
  • Hộp 50 ống 1ml

Cách dùng là sử dụng ở dạng tiêm, có thể sử dụng cho trẻ sơ sinh, vì đường uống cho đối tượng này sẽ rất phức tạp.

2. Liều dùng của Tonadione Inj

Liều lượng của thuốc Tonadione Inj sẽ phụ thuộc vào từng đối tượng bệnh nhân cụ thể như sau:

  • Bệnh nhân bị xuất huyết nhẹ hay có khuynh hướng xuất huyết: Có thể sử dụng tiêm bắp với liều lượng 10 – 20mg hoặc đường uống là 5 – 10mg. Trong vòng 8 – 12 giờ mà không thấy hiệu quả có thể sử dụng liều thứ hai lớn hơn. Đối với bệnh nhân xuất huyết nhẹ hay có khuynh hướng xuất huyết khi sử dụng thuốc Tonadione Inj thì nên tạm thời ngưng sử dụng thuốc chống đông đường uống.
  • Đối với bệnh nhân xuất huyết nặng, nguyên nhân do ứ mật hay nguyên nhân khác thì nên tiêm truyền tĩnh mạch chậm ( 1mg/ phút) 10 – 20 mg phytomenadion.
  • Đối với bệnh nhân bị xuất huyết đường tiêu hóa hay ở sọ, có khả năng đe dọa tính mạng: nên truyền máu hay huyết tương tươi cùng với phytomenadion.
  • Đối với bệnh nhân bị xuất huyết hay dọa xuất huyết ở trẻ sơ sinh và đẻ non: Nếu phòng bệnh nên sử dụng liều lượng: 0,5 – 1 mg( 1⁄2 - 1 lọ 1mg). Tiêm bắp sau khi sinh.
  • Liều điều trị: 1mg/ kg ( 1 – 1.5 lọ 1mg) / ngày. Nên tiêm bắp trong 1 – 3 ngày ( có thể cho trẻ uống cùng sữa vào ngày thứ 2, thứ 3).

Đối với bệnh nhân bị nhiễm độc cấp thuốc chống đông qua đường uống:

  • Nên tiêm truyền qua tĩnh mạch chậm 10 – 20 mg phytomenadion, sau đó có thể uống. Nên theo dõi đều đặn ( 3 giờ sau khi uống) về trị số prothrombin cho đến khi thấy máu đông trở lại bình thường. Nếu chưa thấy có đáp ứng đủ thì nên dùng tiếp. Lưu ý không tiêm truyền tĩnh mạch quá 40mg phytomenadion trong vòng 24 giờ.
  • Nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông dicumarol trong khi phẫu thuật, phytomenadion có khả năng làm mất tác dụng chống đông. Nếu có xảy ra huyết khối trong quá trình dùng phytomenadion mà việc điều trị chống đông do bác sĩ khác phụ trách thì phải thông báo rõ là bệnh nhân đã sử dụng phytomenadion.

3. Chống chỉ định của Tonadione Inj

Chống chỉ định của Tonadione Inj trong những trường hợp sau đây:

  • Chống chỉ định với bệnh nhân quá mẫn cảm với các thành phần của thuốc như phytomenadion hay một thành phần nào có trong thuốc.
  • Không tiêm bắp trong các trường hợp có nguy cơ xuất huyết cao.

4. Tương tác thuốc Tonadione Inj

  • Dicumarol hay các dẫn chất có tác dụng đối kháng với vitamin K. Thêm vào đó, các chất chống đông có thể giảm hay không có tác dụng khi sử dụng chung với Vitamin K. Vì vậy có thể sử dụng vitamin K như chất giải độc khi quá liều.
  • Nếu bị giảm prothrombin huyết khi sử dụng gentamicin và clindamycin thì bệnh nhân không đáp ứng được vitamin K tiêm truyền qua tĩnh mạch.
  • Tương kỵ của Tonadione Inj: thuốc tiêm phytomenadion có khả năng hòa loãng trong dung dịch natri clorid 0,9% hay glucose 5%. Với chất bảo quản alcol benzylic gây ra độc cho trẻ sơ sinh. Phải sử dụng ngay sau khi pha loãng và vứt bỏ phần đã pha hay phần thuốc còn lại trong ống tiêm khi không sử dụng đến.

5. Tác dụng phụ của Tonadione Inj và cách xử lý

5.1. Tác dụng phụ của Tonadione Inj

Tonadione Inj có thể gây ra những tác dụng phụ như sau:

  • Nếu sử dụng đường uống sẽ gây khó chịu cho đường tiêu hóa và gây ra hiệu tượng nôn, buồn nôn.
  • Nếu sử dụng qua đường tiêm, đặc biệt là tiêm tĩnh mạch sẽ xuất hiện hiện tượng nóng bừng, đổ mồ hôi, tụt huyết áp, chóng mặt hay mạch yếu, hoa mắt, tím tái, những phản ứng dạng phản vệ, dị ứng và đi kèm vị giác thay đổi.
  • Với trẻ sơ sinh hay sinh non khi sử dụng liều lớn hơn 25mg có thể làm tăng bilirubin huyết.
  • Tiêm tĩnh mạch có khả năng gây ra những phản ứng nặng kiểu phản vệ ( xuất hiện ở cả những bệnh nhân chưa từng sử dụng thuốc) dẫn đến sốc, suy hô hấp và tử vong
  • Phytomenadion có thể gây ra kích ứng da và đường hô hấp, dung dịch thuốc có khả năng gây ra rộp da.

5.2. Cách xử lý

Khi sử dụng Tonadione Inj chúng ta nên lưu ý sau:

  • Nên tiêm bắp hay dưới da:Trong trường hợp bắt buộc phải tiêm tĩnh mạch thì nên pha loãng thuốc bằng dung dịch natri clorid 0,9% hay dung dịch dextrose 5% rồi truyền tĩnh mạch. Lưu ý truyền chậm, không nên quá 1mg/ phút. Thuốc có thể được tiêm ở đoạn dưới của bộ tiêm truyền dung dịch natri clorid 0,9% hay dextrose 5%.
  • Nếu thấy phản ứng dạng phản vệ thì cần tiêm bắp 0,5 – 1 mg dung dịch epinephin 0,1% ngay lập tức. Sau đó tiến hành tiêm tĩnh mạch glucocorticoid. Có thể thực hiện thêm một biện pháp thay thế máu.
  • Nên kiểm tra đều đặn thời gian prothrombin để chỉnh liều, khoảng cách giữa các liều và thời gian điều trị.
  • Khi điều trị cho bệnh nhân suy gan nên chú ý, vì chế phẩm của phytomenadion có acid glycocholic.

6. Xử lý khi quá liều và lưu ý

6.1. Xử lý quá liều

Nếu sử dụng liều lớn phytomenadion thì có thể kháng nhất thời các chất chống đông ức chế prothrombin. Nên khi đã sử dụng liều lớn phytomenadion thì cần sử dụng liều thuốc chống đông ức chế prothrombin lớn hơn bình thường, hay có thể dùng một chất tác dụng theo cơ chế khác như heparin natri.

6.2. Lưu ý khi sử dụng Tonadione Inj

  • Lưu ý khi sử dụng Tonadione Inj cho bệnh nhân gan, vì có thể làm suy giảm thêm chức năng gan.
  • Phytomenadion có thể làm tan huyết ở những bệnh nhân có khuyết tật di truyền là thiếu glucose – 6 – phosphat dehydrogenase.
  • Lưu ý khi sử dụng cho trẻ sơ sinh không nên vượt quá 5mg/ ngày đầu tiên sau sinh. Vì lúc này hệ enzyme gan của trẻ chưa trưởng thành.
  • Ở thời kỳ mang thai: do phytomenadion không gây độc ở liều dưới 20mg, nên phytomenadion được lựa chọn để điều trị giảm prothrombin - huyết ở mẹ và ngừa xuất huyết ở trẻ sơ sinh. Việc bổ sung vitamin K cho mẹ là không nhất thiết, chỉ bổ sung trong trường hợp có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin K. Trong thực đơn hàng ngày của thai kỳ nên có 45mcg phytomenadion.
  • Đối với trẻ em trong giai đoạn đang bú mẹ: Nồng độ phytomenadion có trong sữa mẹ rất thấp, có thể cân nhắc bổ sung thêm từ bên ngoài. Nên tham khảo ý kiến chuyên gia nếu thấy cần thiết để có liều lượng bổ sung chính xác.
  • Vì hàm lượng vitamin K tự nhiên trong sữa mẹ thấp nên khi trẻ bú mẹ sẽ có nguy cơ dẫn đến xuất huyết. Vì vậy người mẹ có thể dùng thêm vitamin K để tăng thêm nồng độ có trong sữa. Bên cạnh đó, nên tiêm cho trẻ sơ sinh 0,5 – 1 mg phytomenadion để phòng ngừa. Lưu ý là nếu mẹ có sử dụng thuốc chống co giật hay thuốc uống chống đông thì nên sử dụng liều lớn hơn cho mẹ hay tiêm lặp lại cho trẻ.

Thuốc Tonadione Inj là thuốc thuộc nhóm vitamin và khoáng chất. Chúng được chỉ định dùng khi bị chảy máu, đe dọa chảy máu và dùng khi giải độc chất kháng đông coumarin. Tuy nhiên cần tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia cho từng trường hợp cụ thể để tránh xảy ra những phản ứng xấu sau sử dụng.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

42 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan