Công dụng thuốc Tiepanem 1g

Thuốc Tiepanem 1g là thuốc gì, có phải là thuốc kháng sinh không? Với thành phần chính là Meropenem, Tiepanem 1g được chỉ định tiêm tĩnh mạch để điều trị một số tình trạng nhiễm khuẩn ở hệ hô hấp, tiết niệu, ...

1. Công dụng thuốc Tiepanem 1g

Tiepanem 1g thuộc nhóm thuốc điều trị ký sinh trùng, kháng khuẩn, kháng virus và nấm, có thành phần chính là Meropenem (dưới dạng Meropenem trihydrat) hàm lượng 1g. Meropenem có tác dụng diệt khuẩn bằng cách ức chế vách tế bào vi khuẩn tổng hợp tương tự như penicillin. Meropenem có phổ kháng khuẩn rộng, bao gồm vi khuẩn Gram âm và dương, vi khuẩn kỵ khí và ưa khí.

Thuốc Tiepanem 1g được bào chế dưới dạng bột pha dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch và thường được chỉ định tiêm tĩnh mạch ở cả trẻ em và người lớn để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn ở các cơ quan, bao gồm: phổi (bao gồm viêm phổi bệnh viện), não (viêm màng não), đường tiết niệu, ổ bụng, phụ khoa (viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu), da và cấu trúc da, huyết.

Lưu ý, Tiepanem 1g có thể được dùng đơn lẻ hoặc phối hợp với các loại thuốc kháng khuẩn khác để điều trị nhiễm khuẩn hỗn hợp ở người lớn bị sốt giảm bạch cầu, nhiễm khuẩn hô hấp mãn tính hoặc ở người bệnh bị xơ hóa nang. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc ở trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc suy giảm bạch cầu còn hạn chế.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Tiepanem 1g

Thuốc Tiepanem 1g được dùng theo đường tiêm tĩnh mạch. Kỹ thuật tiêm truyền được thực hiện bởi nhân viên y tế hoặc bác sĩ điều trị.

Liều dùng thuốc Tiepanem 1g ở người lớn tùy vào loại nhiễm khuẩn, mức độ nhiễm khuẩn và tình trạng người bệnh cụ thể như sau:

  • Điều trị viêm phổi, nhiễm khuẩn phụ khoa và đường tiết niệu, nhiễm khuẩn da và cấu trúc da: Tiêm tĩnh mạch với liều 500mg/lần, mỗi lần cách nhau 8 giờ.
  • Điều trị viêm phúc mạc, viêm phổi bệnh viện, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn ở người bệnh suy giảm bạch cầu: Tiêm tĩnh mạch với liều 1g/lần, mỗi lần cách nhau 8 giờ.
  • Điều trị nhiễm khuẩn ở người bị xơ hóa nang, điều trị viêm màng não: 2g/lần, mỗi lần cách nhau 8 giờ.

Liều dùng thuốc Tiepanem 1g ở người lớn suy thận được điều chỉnh theo độ thanh thải creatinin, cụ thể như sau (1 đơn vị có thể là 500mg, 1g hoặc 2g):

  • Độ thanh thải creatinin từ 26 - 50ml/phút: 1 đơn vị/lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ.
  • Độ thanh thải creatinin từ 10 - 25ml/phút: 1⁄2 đơn vị/lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ.
  • Độ thanh thải creatinin dưới 10ml/phút: 1⁄2 đơn vị/lần, mỗi lần cách nhau 24 giờ.

Liều dùng thuốc Tiepanem 1g ở trẻ em tùy vào loại nhiễm khuẩn, mức độ nhiễm khuẩn và tình trạng người bệnh cụ thể như sau:

  • Trẻ 3 tháng - 12 tuổi: 10 - 20mg/kg cân nặng/lần, mỗi lần cách nhau 8 giờ.
  • Trẻ có cân nặng từ 50kg trở lên: Dùng liều như người lớn.
  • Điều trị viêm màng não: 40mg/kg cân nặng/lần, mỗi lần cách nhau 8 giờ.

Quá liều thuốc Tiepanem 1g hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu xuất hiện thì người bệnh cần được điều trị triệu chứng.

3. Tác dụng phụ của thuốc Tiepanem 1g

  • Mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng thuốc Tiepanem 1g có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn đối với các cơ quan đã được ghi nhận như sau:
  • Tại vị trí tiêm: Đau, sưng, viêm tại chỗ, viêm tĩnh mạch huyết khối.
  • Toàn thân: Phản ứng quá mẫn với biểu hiện như phù mạch, phản vệ.
  • Da: Ngứa, phát ban, nổi mày đay, nghiêm trọng hơn là nổi hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử da nhiễm độc.
  • Tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, viêm đại tràng giả mạc.
  • Máu: Thuốc Tiepanem 1g hiếm khi gây tăng tiểu cầu, bạch cầu ái toan, giảm tiểu cầu, bạch cầu, bạch cầu đa nhân trung tính, giảm thời gian thromboplastin một phần, thiếu máu tán huyết. Một số bệnh nhân có thể gặp phản ứng Coombs dương tính trực tiếp hoặc gián tiếp.
  • Gan: Tăng bilirubin, lactic dehydrogenase, phosphatase kiềm, transaminase trong huyết thanh.
  • Thần kinh trung ương: Dị cảm, nhức đầu, co giật.
  • Khác: Nhiễm nấm Candida ở miệng và âm đạo.

4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Tiepanem 1g

  • Không dùng thuốc Tiepanem 1g ở người bị quá mẫn hoặc có tiền sử quá mẫn với thành phần của thuốc, người bị dị ứng hoặc có tiền sử dị ứng với cephalosporin, penicillin hoặc kháng sinh họ beta-lactam; người bị nhiễm khuẩn do Staphylococcus; trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc bị rối loạn chức năng thận/gan.
  • Cần theo dõi nồng độ bilirubin và transaminase ở người bị bệnh gan khi dùng thuốc Tiepanem 1g.
  • Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được theo dõi liên tục để đề phòng bị bội nhiễm.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Tiepanem 1g ở người bị bệnh đường tiêu hóa như viêm đại tràng vì cũng như nhiều loại kháng sinh khác, Tiepanem có thể gây tác dụng phụ là viêm đại tràng giả mạc với biểu hiện là tiêu chảy.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con cho bú nếu muốn dùng thuốc Tiepanem 1g cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ vì nghiên cứu về an toàn và hiệu quả trên nhóm đối tượng này còn hạn chế. Đặc biệt, cần lưu ý phải có bác sĩ giám sát trong suốt quá trình sử dụng.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Tiepanem 1g đơn lẻ hoặc phối hợp trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp do Pseudomonas aeruginosa gây ra. Nếu dùng, cần thường xuyên kiểm tra mức độ nhạy cảm ở người bệnh.
  • Tiepanem 1g có thể tương tác với các loại thuốc như thuốc chống đông máu, Probenecid. Bên cạnh đó, cũng tránh dùng đồng thời Tiepanem với axit valproic, natri valproate, valpromide.

Công dụng của thuốc Tiepanem 1g là tiêu diệt các chủng vi khuẩn nhạy cảm với thuốc gây nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiết niệu, phụ khoa,... Lưu ý, Tiepanem 1g là thuốc được sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần được thăm khám và không tự ý sử dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

76 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan