Công dụng thuốc Telma 20

Thuốc Telma có thành phần chính là Telmisartan, thường được dùng trong điều trị tăng huyết áp vô căn. Hãy cùng tìm hiểu về công dụng thuốc Telma trong bài viết dưới đây.

1. Telma 20 là thuốc gì?

Telma 20 được sản xuất Công ty Glenmark Pharm., Ltd - ẤN ĐỘ và lưu hành trên thị trường với số đăng ký là VN-4464-07. Telma 20 là thuốc kê đơn, thuộc danh mục thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II. Thuốc Telma có thành phần hoạt chất chính là Telmisartan.

  • Dạng bào chế: viên nén bao phim, mỗi viên chứa 20mg Telmisartan và các tá dược khác của nhà sản xuất.
  • Dạng đóng gói: vỉ 10 viên, mỗi hộp gồm 1 vỉ và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

2. Công dụng thuốc Telma

Telmisartan là chất đối kháng angiotensin II có ái lực mạnh tại vị trí gắn kết vào thụ thể AT1 và không thấy có ái lực với các thụ thể khác như AT2, ... Telmisartan có tác dụng làm giảm nồng độ aldosterone trong máu. Telmisartan không ức chế renin huyết tương và không chẹn kênh ion, không ức chế men chuyển angiotensin nên không có các tác dụng phụ của bradykinin gây ra. Khi dùng liều 80mg Telmisartan có hiệu quả ức chế khả năng làm tăng huyết áp của angiotensin II, tác dụng này có thể được duy trì trong 24 – 48 giờ. Sau khi sử dụng liều Telmisartan đầu tiên, tác dụng làm giảm huyết áp sẽ tăng dần và rõ rệt trong vòng 3 giờ, đạt tối đa sau 4 tuần điều trị và duy trì trong suốt quá trình điều trị dài ngày.

Telmisartan có khả năng làm giảm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương mà không ảnh hưởng đến nhịp tim.

Nếu ngưng sử dụng Telmisartan, huyết áp sẽ tăng dần trở lại về giá trị ban đầu trước khi điều trị trong vòng vài ngày mà không có hiện tượng tăng huyết áp dội ngược.

3. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Telma 20

Telma 20 thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị tăng huyết áp vô căn
  • Ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch
  • Giảm bệnh tim mạch ở người lớn có các yếu tố sau: có biểu hiện của xơ vữa động mạch (tiền sử bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên)
  • Tiểu đường tuýp 2 có tổn thương cơ quan đích

Chống chỉ định: tuyệt đối không sử dụng thuốc Telma trong các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của Telma
  • Phụ nữ mang thai 3 tháng giữa và 3 tháng cuối
  • Rối loạn tắc nghẽn đường mật
  • Suy gan nặng

Ngoài ra, chống chỉ định dùng thuốc Telma với các chế phẩm có chứa aliskiren ở bệnh nhân tiểu đường hoặc suy thận có GFR < 60ml/phút/1,73 m2.

4. Liều lượng và cách dùng thuốc Telma

Telma 20 là thuốc kê đơn, vì vậy người bệnh chỉ được dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ theo liệu trình điều trị.

Liều lượng:

Người lớn

  • Điều trị tăng huyết áp vô căn: 40mg/lần/ngày, một số bệnh nhân có hiệu quả với liều 20mg. Nếu chưa đạt huyết áp mục tiêu, có thể tăng liều đến 80mg/lần/ngày, cần lưu ý tác dụng hạ huyết áp tối đa đạt được sau 4 – 8 tuần dùng thuốc.
  • Phòng ngừa các bệnh tim mạch: liều khuyến cáo là 80mg/lần/ngày.

Đối với bệnh nhân suy thận: kinh nghiệm còn hạn chế khi điều trị Telma 20 ở bệnh nhân suy thận nặng hoặc chạy thận nhân tạo. Nên dùng liều khởi đầu dưới 20mg/lần/ngày ở các bệnh nhân này.

Đối với bệnh nhân suy gan: suy gan mức độ nhẹ đến trung bình: liều không quá 40mg/lần/ngày. Chống chỉ định dùng thuốc Telma với bệnh nhân suy gan nặng.

Không cần điều chỉnh liều Telma 20 ở người cao tuổi.

Cách dùng: Telma được bào chế dưới dạng viên nén bao phim và dùng theo đường uống, uống thuốc cùng với một lượng nước vừa đủ, không bẻ, nhai hoặc nghiền viên thuốc, có thể uống thuốc độc lập với bữa ăn. Do thuốc Telma có đặc tính hút ẩm nên cần được bảo quản trong vỉ và dùng ngay sau khi lấy ra khỏi vỉ.

Xử trí như thế nào khi quên một liều thuốc Telma?

  • Khi quên liều, bạn có thể bổ sung một liều thuốc khác thay thế. Nếu đã đến gần thời điểm dùng thuốc tiếp theo thì có thể bỏ qua, không uống thêm liều hoặc gấp đôi để bù liều đã quên.

Xử trí như thế nào khi quá liều thuốc Telma?

  • Rất ít thông tin về quá liều ở người được báo cáo, các triệu chứng của quá liều Telma 20 nổi bật là hạ huyết áp, tăng nhịp tim, giảm nhịp tim, chóng mặt, tăng creatinin huyết thanh, suy thận cấp.
  • Khi có biểu hiện quá liều, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu. Người nhà cần mang theo sổ khám bệnh và tất cả thuốc bệnh nhân đã dùng trước đó để hỗ trợ cho chẩn đoán. Cần theo dõi kỹ bệnh nhân và điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ. Telma 20 không được loại bỏ ra khỏi cơ thể bằng thẩm tách máu. Biện pháp điều trị bao gồm cảm ứng gây nôn, súc rửa dạ dày, dùng than hoạt tính có thể hữu ích. Nếu bệnh nhân hạ huyết áp, cần đặt nằm ngửa và nhanh chóng truyền muối. Theo dõi thường xuyên nồng độ các chất điện giải và creatinin.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Telma

Ngoài tác dụng điều trị, thuốc Telma có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn trong quá trình sử dụng như:

  • Ít gặp: viêm bàng quang, viêm họng, viêm xoang, bệnh thiếu máu, tăng kali máu, mất ngủ, trầm cảm, bất tỉnh, chóng mặt, chậm nhịp tim, hạ huyết áp, hạ huyết áp tư thế đứng, ho, khó thở, tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn mửa, đau lưng, co thắt cơ, đau cơ, suy thận cấp, đau ngực, suy nhược, tăng creatinin máu, ...
  • Hiếm gặp, rất hiếm gặp: nhiễm khuẩn huyết, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ái toan, phản ứng phản vệ, quá mẫn, hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, lo lắng, buồn ngủ, rối loạn thị lực, chậm nhịp tim, bệnh phổi kẽ, khô miệng, loạn vị giác, khó chịu ở dạ dày, rối loạn chức năng gan, đau khớp, đau tứ chi, đau gân, triệu chứng giả cúm, phù mạch, chàm tổ đĩa, ban đỏ, mày đay, phát ban, tăng acid uric máu, tăng men gan, tăng creatine phosphokinase máu, giảm hemoglobin, ...

Đây không phải tất cả các tác dụng phụ của Telma 20, người bệnh có thể gặp những tác dụng phụ khác chưa được báo cáo, nghiên cứu. Vì vậy, hãy liên hệ với bác sĩ ngay khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong quá trình sử dụng thuốc Telma.

6. Tương tác thuốc

Việc điều trị với nhiều loại thuốc có thể gây ra sự tương tác giữa các thành phần trong thuốc làm ảnh hưởng đến sinh khả dụng, tác dụng, độc tính của thuốc. Ngoài ra, một số bệnh như suy giảm miễn dịch, suy gan, suy thận, ... cũng có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị của thuốc.

Vì vậy, để sử dụng thuốc Telma an toàn và hiệu quả, bệnh nhân cần liệt kê và thông báo với bác sĩ về tất cả các thuốc đang dùng cũng như tình trạng sức khỏe hiện tại. Đồng thời, cần thảo luận với bác sĩ về việc sử dụng một số loại thực phẩm, đồ uống như rượu bia, chất kích thích, thực phẩm lên men trong quá trình điều trị với thuốc Telma.

Các thuốc có thể tương tác với Telma 20 như:

  • Digoxin: khi dùng chung với Telmisartan sẽ làm tăng nồng độ Digoxin trong máu.
  • Thuốc ức chế miễn dịch (cyclosporin, tacrolimus), thuốc tác dụng trên hệ renin-angiotensin-aldosterone khác, các muối chứa kali, thuốc lợi tiểu giữ kali, Heparin, NSAIDs, trimethoprim: khi kết hợp với thuốc Telma làm tăng nguy cơ tăng kali máu.
  • Lithium: khi dùng chung với Telmisartan sẽ làm tăng nồng độc ủa Lithium trong máu.
  • Thuốc kháng viêm NSAID có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của Telma 20, đồng thời dẫn đến suy giảm chức năng thận.
  • Thuốc lợi tiểu (thiazide hoặc lợi tiểu quai): có thể dẫn đến mất dịch và nguy cơ hạ huyết áp khi phối hợp với Telma 20.
  • Các thuốc hạ áp khác: có thể làm tăng hiệu quả hạ huyết áp của telmisartan khi sử dụng đồng thời.
  • Corticosteroid đường toàn thân: Giảm tác dụng hạ huyết áp khi dùng đồng thời với Telmisartan.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Telma

Sử dụng Telma 20 trong thời kỳ mang thai: không nên sử dụng thuốc Telma trong giai đoạn ba tháng đầu của thai kỳ, chống chỉ định trong giai đoạn ba tháng giữa và ba tháng cuối.

Sử dụng Telma 20 trong thời kỳ cho con bú: chưa có đầy đủ bằng chứng về tính an toàn khi sử dụng thuốc Telma trong thời kỳ cho con bú. Do đó, không nên sử dụng, đặc biệt khi nuôi trẻ sơ sinh hoặc trẻ sinh non.

Cần thận trọng khi dùng thuốc Telma cho người bệnh trong các trường hợp sau: tăng huyết áp do hẹp động mạch thận, chức năng thận suy giảm, suy giảm thể tích hoặc giảm natri do dùng thuốc lợi tiểu mạnh, tiêu chảy, nôn mửa; hội chứng cường aldosteron tiên phát, hẹp động mạch chủ, hẹp van hai lá, tắc nghẽn cơ tim phì đại, tiểu đường.

8. Bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc Telma trong bao bì gốc của nhà sản xuất, ở nơi thoáng mát, sạch sẽ tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, nhiệt độ dưới 30 độ C.
  • Để Telma 20 tránh xa tầm tay trẻ em cũng như vật nuôi, tránh chúng không biết nhai phải gây ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.
  • Không dùng thuốc Telma đã hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu thay đổi màu sắc, tính chất, mùi vị, không còn nguyên tem nhãn.
  • Không vứt Telma 20 vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi được yêu cầu.

Thuốc Telma có thành phần chính là Telmisartan, thường được dùng trong điều trị tăng huyết áp vô căn. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

343 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan