Công dụng thuốc Tacodolgen

Thuốc Tacodolgen chứa hai thành phần chính là Paracetamol và Clorpheniramin. Thuốc Tacodolgen được chỉ định trong điều trị triệu chứng trong các trường hợp cảm cúm như sốt, nhức đầu, đau cơ, đau khớp kèm theo sổ mũi, viêm mũi dị ứng, mày đay, ngứa. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về công dụng và liều dùng thuốc Tacodolgen.

1. Thuốc Tacodolgen có tác dụng gì?

Tacodolgen có hai hoạt chất chính là Paracetamol với hàm lượng 325mg và Clorpheniramin với hàm lượng 2mg. Thuốc Tacodolgen được bào chế dưới dạng viên nén.

Paracetamol là chất chuyển hoá có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế Aspirin, nhưng Paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm. Paracetamol tác động lên vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, toả nhiệt tăng di giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên. Khi sử dụng quá liều Paracetamol, chất chuyển hoá của thuốc là N-acetyl-benzoquinoneimin có thể gây độc cho gan.

Clorpheniramin là thuốc kháng histamin. Tương tự các thuốc kháng histamin khác, Clorpheniramin có tác dụng chống tiết acetylcholin, nhưng tác dụng này khác nhau giữa từng người dùng. Tác dụng kháng histamin của Clorpheniramin thông qua cơ chế phong bế cạnh tranh các thụ thể H1 của các tế bào tác động.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Tacodolgen

  • Chỉ định

Thuốc Tacodolgen được chỉ định trong điều trị triệu chứng trong các trường hợp cảm cúm như sốt, nhức đầu, đau cơ, đau khớp kèm theo sổ mũi, viêm mũi dị ứng, mày đay, ngứa.

  • Chống chỉ định: Chống chỉ định sử dụng thuốc Tacodolgen trong các trường hợp sau:
    • Dị ứng hoặc mẫn cảm với Paracetamol, Clorpheniramin hoặc bất kỳ tá được nào của thuốc Tacodolgen.
    • Bệnh nhân thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase.
    • Bệnh nhân đang lên cơn hen cấp.
    • Có triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt.
    • Bệnh glaucoma góc đóng, tắc cổ bàng quang, loét dạ dày, hẹp tắc môn vị - tá tràng.
    • Phụ nữ đang cho con bú. Phụ nữ mang thai trong 3 tháng cuối thai kỳ.
    • Trẻ sơ sinh, trẻ sinh thiếu tháng.
    • Bệnh nhân dùng thuốc ức chế monoamine oxidase trong vòng 1 ngày, tính đến thời điểm điều trị bằng clorpheniramin vì tính chất chống tiết acetylcholin của Clorpheniramin tăng lên bởi chất ức chế MAO.

3. Cách dùng thuốc Tacodolgen

3.1. Liều dùng

Thuốc Tacodolgen được dùng đường uống, dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Liều dùng thuốc Tacodolgen:

  • Người lớn: 1 - 2 viên/ lần x 2 - 3 lần/ ngày.
  • Trẻ em 7 - 15 tuổi: 1⁄2 - 1 viên/ lần x 2 - 3 lần/ ngày.

Không được sử dụng thuốc Tacodolgen quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi dưới sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

3.2. Quá liều thuốc Tacodolgen và xử trí

  • Liên quan đến Paracetamol

Triệu chứng quá liều thuốc Paracetamol: Nhiễm độc Paracetamol có thể do dùng một liều độc duy nhất hoặc do uống liều lớn Paracetamol nhiều lần (chẳng hạn như: 7.5 - 10g mỗi ngày, dùng trong 1 - 2 ngày) hoặc do uống thuốc Paracetamol dài ngày. Hoại tử gan phụ thuộc liều là tác dụng độc cấp tính nghiêm trọng nhất do quá liều Paracetamol và có thể gây ra tử vong. Đau bụng, buồn nôn và nôn thường xảy ra trong vòng 2 - 3 giờ sau khi uống liều độc của thuốc Paracetamol. Methemoglobin máu có thể xảy ra, dẫn đến xanh tím da, niêm mạc và móng tay.

Xử trí khi quá liều Paracetamol: Rửa dạ dày trong mọi trường hợp, tốt nhất trong vòng 4 giờ sau khi uống thuốc. Liệu pháp giải độc chính là sử dụng hợp chất Sulfhydryl, N-acetylcystein và than hoạt.

  • Liên quan đến Clorpheniramin

Liều gây tử vong của Clorpheniramin khoảng 25 - 50mg/ kg thể trọng.

Triệu chứng quá liều Clorpheniramin bao gồm an thần, kích thích nghịch thường hệ thần kinh trung ương, cơn động kinh, loạn tâm thần, co giật, ngừng thở, tác dụng chống tiết acetylcholin, phản ứng loạn trương lực và trụy tim mạch, loạn nhịp.

Xử trí quá liều Clorpheniramin: Điều trị triệu chứng và hỗ trợ chức năng sống. Cần chú ý đặc biệt đến chức năng gan, thận, tim, hô hấp và cân bằng nước, điện giải của bệnh nhân.

3.3. Quên một liều thuốc Tacodolgen và xử trí

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc Tacodolgen, dùng càng sớm càng tốt nếu có thể. Tuy nhiên, nếu gần với liều thuốc Tacodolgen kế tiếp, bỏ qua liều thuốc đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch điều trị. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

4. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Tacodolgen

4.1. Liên quan đến thuốc Paracetamol

  • Một số phản ứng dị ứng khác có thể xảy ra. Thường gặp ban đỏ, mề đay, đôi khi nặng hơn và có thể kèm theo sốt do thuốc và thương tổn niêm mạch.
  • Bệnh nhân mẫn cảm với salicylat hiếm khi mẫn cảm Paracetamol và thuốc có liên quan. Trong một số trường hợp riêng lẻ, Paracetamol có thể gây giảm toàn thể huyết cầu, giảm tiểu cầu và giảm bạch cầu trung tính.
  • Ít gặp: Ban, buồn nôn, nôn, rối loạn hệ tạo máu, thiếu máu, bệnh thận và độc tính cho thận khi sử dụng thuốc dài ngày.
  • Hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn với thuốc.

4.2. Liên quan đến thuốc Clorpheniramin

  • Sử dụng thuốc Clorpheniramin có thể xảy ra tác dụng không mong muốn như: Tác dụng an thần rất khác nhau từ ngủ gà nhẹ đến ngủ sâu, khô miệng, chóng mặt và gây kích thích, triệu chứng này thường xảy ra khi điều trị ngắt quãng.
  • Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân chịu đựng được các phản ứng phụ khi điều trị liên tục, đặc biệt nếu tăng liều Clorpheniramin từ từ.
  • Thường gặp: Ngủ gà, an thần, khô miệng.
  • Hiếm gặp: Buồn nôn, chóng mặt.
  • Tác dụng phụ chống tiết acetylcholin trên thần kinh trung ương và tác dụng chống tiết acetylcholin ở người nhạy cảm (người bị bệnh glaucoma, phì đại tuyến tiền liệt và tình trạng dễ nhạy cảm khác) có thể nghiêm trọng.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Tacodolgen

  • Liên quan đến thuốc Paracetamol

Thận trọng khi sử dụng Paracetamol ở người suy thận, suy gan, bị phenylceton niệu.

Uống nhiều rượu có thể gây tăng độc tính với gan của Paracetamol, do đó hạn chế hoặc tránh uống rượu trong thời gian sử dụng thuốc.

Cần cảnh báo cho bệnh nhân về các triệu chứng của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Steven-Johnson, hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính.

  • Liên quan đến Clorpheniramin

Clorpheniramin có thể làm tăng nguy có bí tiểu do tác dụng phụ chống tiết acetylcholin của thuốc, đặc biệt ở bệnh nhân bị tắc đường niệu, phì đại tiền liệt tuyến. Clorpheniramin có thể làm trầm trọng thêm ở bệnh nhân nhược cơ.

Tác dụng an thần của Clorpheniramin tăng lên khi uống rượu, dùng đồng thời với thuốc an thần khác.

Có nguy cơ biến chứng đường hô hấp, suy hô hấp và ngưng thở, điều này có thể gây rắc rối ở trẻ nhỏ hoặc bệnh nhân bị bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính. Thận trọng khi sử dụng Clorpheniramin ở bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, thở ngắn hoặc khó thở.

Nguy cơ bị sâu răng ở bệnh nhân điều trị Clorpheniramin thời gian dài, do tác dụng chống tiết acetylcholin gây khô miệng.

Tránh sử dụng Clorpheniramin ở bệnh nhân bị tăng nhãn áp, người lái xe hay vận hành máy móc.

Thận trọng ở người > 60 tuổi do những người này tăng nhạy cảm với tác dụng chống tiết acetylcholin.

  • Phụ nữ mang thai

Chỉ sử dụng thuốc Tacodolgen ở phụ nữ mang thai khi thật cần thiết. Không nên dùng thuốc Tacodolgen trong 3 tháng cuối thai kỳ.

  • Phụ nữ đang cho con bú

Clorpheniramin có thể bài tiết vào sữa mẹ và ức chế tiết sữa. Thuốc kháng histamin có thể gây phản ứng nghiêm trọng cho trẻ bú mẹ, do đó tuỳ thuộc vào mức độ cần thiết của thuốc với người mẹ mà cân nhắc hoặc không cho trẻ bú hoặc không dùng thuốc Tacodolgen.

6. Tương tác thuốc

  • Coumarin, dẫn chất indandion: Uống liều cao Paracetamol dài ngày có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của thuốc.
  • Cần chú ý đến khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng ở bệnh nhân dùng đồng thời Phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt.
  • Uống rượu làm tăng nguy cơ gây độc cho gan của Paracetamol.
  • Thuốc chống co giật (gồm phenytoin, carbamazepin, barbiturat) gây cảm ứng enzym ở microsom thể gan, có thể làm tăng tính độc hại gan của Paracetamol..
  • Isoniazid và thuốc điều trị lao: dùng đồng thời làm tăng độc tính của Paracetamol đối với gan.
  • Thuốc ức chế monoamin oxydase: kéo dài và làm tăng tác dụng chống tiết acetylcholin của thuốc kháng histamin.
  • Ethand, thuốc an thần gây ngủ: dùng đồng thời có thể tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương của Clorpheniramin
  • Clorpheniramin ức chế chuyển hóa của phenytoin và có thể dẫn đến ngộ độc phenytoin.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan