Công dụng thuốc Quafacicam

Thuốc Quafacicam có thành phần dược chất chính là Meloxicam hàm lượng 7,5mg và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là thuốc thuộc nhóm giảm đau, hạ sốt, chống viêm phi Steroid và điều trị các bệnh về xương khớp.

1. Thuốc Quafacicam là thuốc gì?

Thuốc Quafacicam có thành phần dược chất chính là Meloxicam hàm lượng 7,5mg và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là thuốc thuộc nhóm giảm đau, hạ sốt, chống viêm phi Steroid và điều trị các bệnh về xương khớp.

Thuốc Quafacicam được bào chế dưới dạng viên nén, phù hợp sử dụng theo đường uống trực tiếp. Quy cách đóng gói là hộp thuốc gồm 2 vỉ hoặc 3 vỉ, mỗi vỉ chứa 10 viên thuốc.

1.1. Dược lực học của dược chất Meloxicam

  • Dược chất Meloxicam là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) thuộc họ oxicam, có các đặc tính kháng viêm, giảm đau và hạ sốt. Dược chất này có tính kháng viêm mạnh cho tất cả các loại viêm. Cơ chế chung của những tác dụng trên là do hoạt chất Meloxicam có khả năng ức chế sinh tổng hợp các prostaglandin, chất trung gian gây viêm. Ở cơ thể sống thì dược chất Meloxicam ức chế sinh tổng hợp prostaglandin tại vị trí viêm mạnh hơn ở niêm mạc dạ dày hoặc ở thận.
  • Ðặc tính an toàn cải tiến này do Meloxicam ức chế chọn lọc đối với COX-2 so với COX-1. So sánh giữa liều dùng gây loét và liều kháng viêm hữu hiệu trong thí nghiệm gây viêm đối với chuột cho thấy thuốc có độ an toàn và hiệu quả điều trị cao hơn các thuốc nhóm NSAID thông thường khác.

1.2. Dược động học của hoạt chất Meloxicam

  • Khả năng hấp thu: Sau khi uống, dược chất Meloxicam có sinh khả dụng trung bình là 89%.
  • Khả năng phân bố: Dược chất Meloxicam có khả năng liên kết mạnh với protein huyết tương, chủ yếu là albumin (99%).
  • Khả năng chuyển hoá: Thuốc được chuyển hóa mạnh, nhất là bị oxy hóa ở gốc methyl của nhân thiazolyl.
  • Khả năng thải trừ: Tỷ lệ sản phẩm không bị biến đổi được bài tiết chiếm 3% so với liều dùng. Thuốc được bài tiết ra ngoài cơ thể qua phân và nước tiểu.

1.3. Tác dụng của hoạt chất Meloxicam

  • Dược chất Meloxicam có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm và chống kết tập tiểu cầu. Tuy nhiên, nguyên nhân do tác dụng hạ sốt kém nên Meloxicam chủ yếu được sử dụng với công dụng giảm đau và chống viêm.
  • Dược chất Meloxicam tan ít trong mỡ nên thấm tốt vào hoạt dịch và các tổ chức viêm. Thuốc xâm nhập kém vào mô thần kinh nên ít tác dụng không mong muốn đến hệ thần kinh.

2. Thuốc Quafacicam công dụng điều trị bệnh gì?

Thuốc Quafacicam có công dụng trong điều trị các bệnh viêm khớp, điều trị triệu chứng các bệnh viêm xương cấp tính trong thời gian ngắn hoặc điều trị bệnh viêm cứng khớp cột sống.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Quafacicam

3.1. Cách dùng thuốc Quafacicam

Thuốc Quafacicam được bào chế dưới dạng viên nén, phù hợp sử dụng theo đường uống trực tiếp.

3.2. Liều dùng của thuốc Quafacicam

  • Liều dùng điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp: liều thông thường là 2 viên/ngày, uống 1 lần duy nhất trong ngày.
  • Liều dùng điều trị đợt cấp của bệnh viêm xương khớp: Uống 1 viên/ngày, nếu cần có thể tăng lên 2 viên/ngày, uống 1 lần duy nhất trong ngày.
  • Liều dùng điều trị viêm cứng khớp sống: Uống 2 viên/ngày. Trong trường hợp sử dụng thuốc trong thời gian dài ngày cho người có tuổi thì nên dùng liều 1 viên.
  • Đối với người cao tuổi thì liều dùng khuyến cáo 7,5 mg/1 lần/ngày.
  • Đối với người suy gan, suy thận: Nếu suy gan, suy thận mức độ nhẹ và vừa, không cần điều chỉnh liều; Nếu suy gan, suy thận nặng: Không sử dụng thuốc Quafacicam; Nếu người bị bệnh suy thận cần phải chạy thận nhân tạo: Liều không được vượt quá 7,5 mg/ngày.
  • Đối với trẻ em và thiếu niên (trên 12 tuổi): Liều thường dùng 0,125 mg/kg/ngày. Liều điều trị tối đa được khuyến cáo là 0,25mg/kg/ngày.

3.3. Trường hợp quá liều thuốc Quafacicam

  • Trường hợp quá liều: Các triệu chứng sau khi dùng quá liều thuốc nhóm NSAID cấp tính thường giới hạn ở tình trạng hôn mê, buồn ngủ, buồn nôn, nôn mửa và đau rát vùng thượng vị, xuất huyết tiêu hoá có thể xảy ra. Trong trường hợp bị ngộ độc nghiêm trọng có thể dẫn đến tăng huyết áp, suy thận cấp tính, rối loạn chức năng gan, trầm cảm, hôn mê, co giật, suy tim mạch và ngừng tuần hoàn có thể xảy ra sau khi uống quá liều.
  • Cách xử trí quá liều thì hiện nay chưa có thuốc đối kháng đặc hiệu Meloxicam nên trong trường hợp quá liều, ngoài biện pháp điều trị triệu chứng, hồi sức cần phải sử dụng các biện pháp tăng thải trừ và giảm hấp thu thuốc như rửa dạ dày.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Quafacicam

4.1. Tác dụng không mong muốn của thuốc Quafacicam

Bên cạnh các tác dụng điều trị bệnh của thuốc, trong quá trình điều trị bằng thuốc Quafacicam cũng có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như:

  • Tác dụng phụ thường gặp: Khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa nhiều, rối loạn tiêu hóa, táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, thiếu máu, ngứa ngáy, phát ban, choáng váng, đau nhức đầu, phù.
  • Tác dụng phụ ít gặp: Ợ hơi, viêm thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết đường tiêu hóa, viêm miệng, mề đay, có thể khởi phát cơn hen cấp tính, chóng mặt, ù tai, tăng huyết áp, đánh trống ngực, đỏ bừng mặt.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Thủng dạ dày, viêm trực tràng, tăng nguy cơ nhạy cảm với ánh sáng.

Trên đây không phải bao gồm đầy đủ tất cả những tác dụng không mong muốn có thể gặp của thuốc, bạn cũng có nguy cơ gặp những tác dụng phụ khác. Bạn cần chú ý chủ động thông báo cho bác sĩ điều trị để được tư vấn y tế về tác dụng bất lợi trong quá trình sử dụng thuốc Quafacicam.

4.2. Cách xử trí các tác dụng không mong muốn

  • Để giảm thiểu tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa của thuốc Quafacicam, người dùng cần uống thuốc ngay sau khi ăn hoặc dùng kết hợp với thuốc kháng acid và bảo vệ niêm mạc của dạ dày.
  • Với các phản ứng bất lợi nhẹ, thường chỉ cần ngừng sử dụng thuốc Quafacicam. Trường hợp mẫn cảm nặng hoặc phản ứng dị ứng, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị hỗ trợ. Một số phương pháp hỗ trợ như giữ thoáng khí và sử dụng thuốc Epinephrine, thở oxygen, dùng các thuốc kháng Histamin, Corticoid...

5. Tương tác của thuốc Quafacicam

Tương tác của thuốc Quafacicam có thể xảy ra trong quá trình sử dụng như sau:

  • Thuốc Quafacicam có tác dụng hiệp đồng tăng mức trên sự ức chế cyclooxygenase với các thuốc chống viêm nhóm phi steroid khác ở liều cao làm tăng nguy cơ loét dạ dày-tá tràng và chảy máu, cho nên không dùng thuốc Quafacicam phối hợp cùng với các thuốc chống viêm không steroid khác.
  • Thuốc chống đông máu dạng uống, Ticlopidin, Heparin, thuốc làm tan huyết khối: Hoạt chất chính Meloxicam làm tăng nguy cơ chảy máu, do vậy tránh sử dụng phối hợp. Trong quá trình điều trị cần theo dõi chặt chẽ tác dụng chống đông máu.
  • Lithi: Hoạt chất chính Meloxicam làm tăng nồng độ lithi trong máu, do vậy cần phải theo dõi nồng độ lithi trong máu trong quá trình dùng kết hợp hai thuốc với nhau.
  • Methotrexat: Hoạt chất Meloxicam làm tăng độc tính của Methotrexat trên hệ thống huyết học, do đó cần phải đếm tế bào máu định kỳ.
  • Vòng tránh thai: thuốc Quafacicam làm giảm hiệu quả tránh thai của vòng tránh thai trong tử cung.
  • Thuốc lợi niệu: Hoạt chất Meloxicam có thể làm tăng nguy cơ suy thận cấp ở những người bị mất nước. Trường hợp phải sử dụng phối hợp thì cần phải bồi phụ đủ nước cho người bệnh và phải theo dõi chức năng thận thường xuyên.
  • Thuốc hạ huyết áp như: thuốc ức chế enzym chuyển dạng angiotensin, các thuốc giãn mạch: do meloxicam ức chế tổng hợp prostaglandin nên làm giảm tác dụng giãn mạch, hạ huyết áp của những loại thuốc phối hợp.
  • Cholestyramin: Cholestyramin gắn với Meloxicam ở đường tiêu hoá làm giảm hấp thu và tăng thải trừ Meloxicam.
  • Cyclosporin: Hoạt chất chính Mloxicam làm tăng độc tính trên thận do vậy, khi phối hợp cần theo dõi chức năng thận cẩn thận.
  • Warfarin: Hoạt chất Meloxicam có thể làm tăng quá trình chảy máu, do vậy cần phải theo dõi thời gian chảy máu khi dùng kèm với Warfarin.
  • Meloxicam làm giảm tác dụng lợi tiểu của Furosemid và nhóm Thiazid
  • Tương tác của thuốc Quafacicam có thể làm thay đổi khả năng hoạt động hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn. Bạn cần chú ý chủ động liệt kê cho bác sĩ điều trị hoặc các nhân viên y tế về những loại sản phẩm thảo dược hoặc các loại thực phẩm chăm sóc sức khỏe, các loại thuốc kê đơn hay thuốc không kê đơn mà bạn đang sử dụng để hạn chế tối đa những tương tác thuốc bất lợi có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn đến sức khỏe của người sử dụng thuốc.
  • Tương tác của thuốc Quafacicam với thực phẩm, đồ uống: Khi sử dụng loại thuốc này với các loại thực phẩm hoặc thức uống có chứa cồn như rượu, bia hay thuốc lá... Nguyên nhân là do thành phần của các loại thực phẩm, đồ uống cũng có chứa những loại hoạt chất khác nên có thể gây ra hiện tượng đối kháng hoặc tác dụng hiệp đồng với loại thuốc này. Bạn cần chủ động đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc Quafacicam hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị về cách sử dụng loại thuốc Quafacicam đồng thời cùng các loại thức ăn, thức uống có chứa cồn hay hút thuốc lá.

6. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Quafacicam

6.1. Chống chỉ định của thuốc Quafacicam

Không sử dụng thuốc Quafacicam trong các trường hợp cụ thể như sau:

  • Những người có cơ địa quá mẫn với dược chất Meloxicam hoặc những thuốc kháng viêm không steroid khác.
  • Không dùng thuốc Quafacicam đối với những người đã từng có dấu hiệu hen suyễn, polyp mũi, phù mạch hoặc nổi mề đay sau khi dùng thuốc Aspirin hay thuốc kháng viêm không steroid khác.
  • Người bị bệnh loét dạ dày tá tràng tiến triển, suy gan nặng không được thẩm phân, rối loạn xuất huyết.
  • Trẻ em dưới 15 tuổi.

Đây là chống chỉ định tuyệt đối, nghĩa là dù trong bất kỳ trường hợp nào thì những chống chỉ định này cũng không thể linh động trong việc điều trị với loại thuốc này. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh, tốt nhất bạn cần chú ý tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ về liều dùng, cách dùng.

6.2. Chú ý đề phòng của thuốc Quafacicam

  • Cần thận trọng sử dụng thuốc Quafacicam đối với những người có tiền sử loét dạ dày – tá tràng, người bệnh đang dùng thuốc chống đông máu. Nguyên nhân là do hoạt chất chính Meloxicam có thể gây loét dạ dày – tá tràng, gây chảy máu. Để giảm thiểu tác dụng không mong muốn của Meloxicam, nên sử dụng với liều thấp nhất có tác dụng trong thời gian ngắn nhất có thể.
  • Trong quá trình điều trị bệnh với thuốc Quafacicam có biểu hiện bất thường trên da, niêm mạc (hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử độc biểu bì) hoặc có dấu hiệu loét hay chảy máu đường tiêu hoá phải ngưng sử dụng thuốc ngay.
  • Meloxicam tác dụng ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin ở thận dẫn đến giảm sự tưới máu thận. Những người bệnh có thể tích và lưu lượng máu qua thận giảm như mắc bệnh suy tim, hội chứng thận hư, xơ gan, bệnh thận nặng, đang điều trị với thuốc lợi niệu hoặc đang tiến hành các phẫu thuật lớn cần phải kiểm tra thể tích nước tiểu và chức năng thận trước khi dùng thuốc Quafacicam.
  • Dược chất chính Meloxicam có thể gây ra tình trạng giữ muối natri, kali và nước, ngăn cản tác dụng kích thích bài tiết natri trong nước tiểu của thuốc lợi tiểu. Đồng thời, dược chất này cũng gây tăng huyết áp hoặc làm trầm trọng thêm bệnh tăng huyết áp, do đó khi sử dụng thuốc Quafacicam cần thường xuyên theo dõi huyết áp.
  • Sử dụng Meloxicam hay sử dụng thuốc Quafacicam có thể gây ảnh hưởng có hại đến sự sinh sản và khuyến cáo không nên dùng cho phụ nữ muốn có thai.
  • Meloxicam có thể gây ra tăng nhẹ thoáng qua transaminase hoặc các thông số đánh giá chức năng gan khác nhau. Khi các thông số này tăng cao vượt giới hạn bình thường ở mức có ý nghĩa hoặc tăng kéo dài thì phải ngừng dùng thuốc Quafacicam.
  • Người cao tuổi có chức năng gan, thận và tim kém không nên dùng thuốc Quafacicam.
  • Nguy cơ huyết khối tim mạch: Dược chất Meloxicam có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện biến cố huyết khối tim mạch, bao gồm cả nhồi máu cơ tim và đột quỵ, thậm chí là dẫn tới tử vong. Nguy cơ này có thể xuất hiện sớm trong vài tuần đầu sử dụng thuốc và có thể tăng lên theo thời gian dùng thuốc.
  • Do có thành phần tá dược lactose nên thuốc Quafacicam không nên sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh galactose huyết bẩm sinh, kém hấp thu glucose và galactose hoặc thiếu enzym lactase
  • Sử dụng thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc: Cần thận trọng sử dụng thuốc Quafacicam cho người lái xe và vận hành máy móc vì thuốc có thể gây đau nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, rối loạn thị giác
  • Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú: Không nên dùng thuốc Quafacicam cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Bảo quản thuốc Quafacicam ở những nơi khô ráo, trong đồ bao gói kín, tránh ẩm và tránh ánh sáng trực tiếp. Bên cạnh đó, cần phải bảo quản thuốc Quafacicam tránh xa tầm tay của trẻ em và vật nuôi trong gia đình. Tuyệt đối không sử dụng thuốc Quafacicam khi đã hết hạn sử dụng, chảy nước, méo mó, hay có dấu hiệu bị biến đối chất. Tham khảo ý kiến từ các công ty xử lý môi trường để biết cách thức tiêu hủy thuốc. Tuyệt đối không được vứt hoặc xả thuốc thẳng xuống bồn cầu hay hệ thống đường ống dẫn nước.

Thuốc Quafacicam có thành phần dược chất chính là Meloxicam hàm lượng 7,5mg và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là thuốc thuộc nhóm giảm đau, hạ sốt, chống viêm phi Steroid và điều trị các bệnh về xương khớp. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan