Công dụng thuốc Pregnause

Với thành phần chính bao gồm Doxylamine succinate và Pyridoxine hydrochloride, thuốc Pregnause có tác dụng chống buồn nôn và nôn ở phụ nữ đang mang thai nhưng không đáp ứng điều trị duy trì. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về dòng thuốc này.

1. Pregnause có tác dụng gì?

Pregnause thuộc nhóm thuốc điều trị buồn nôn và nôn, có thành phần chính là Doxylamine succinate hàm lượng 10mg và Pyridoxine hydrochloride hàm lượng 10mg. Tác dụng của từng hoạt chất trong thuốc Pregnause cụ thể như sau:

  • Doxylamine succinate: Đây là một chất kháng histamin, có tác dụng làm giảm các triệu chứng như hắt hơi, ngứa mắt và mũi, chảy nước mắt, nước mũi. Tuy nhiên, Doxylamine còn có tác dụng gây buồn ngủ, vì vậy còn được dùng để hỗ trợ giấc ngủ.
  • Pyridoxine hydrochloride: Đây là một loại vitamin nhóm B có thể tan được trong nước.

Thuốc Pregnause được bào chế dưới dạng viên nén bao tan trong ruột và được chỉ định dùng trong điều trị buồn nôn và nôn ở phụ nữ đang mang thai nhưng không đáp ứng điều trị duy trì.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Pregnause

Thuốc Pregnause được dùng theo đường uống, uống nguyên viên thuốc với nước, không được bẻ nhỏ, nghiền nát để uống hoặc nhai thuốc. Nên uống thuốc lúc bụng đói.

Liều dùng thuốc Pregnause ở người lớn được khuyến cáo là 2 viên/lần, uống trước lúc ngủ. Nếu triệu chứng được kiểm soát tốt vào ngày hôm sau, tiếp tục dùng liều này.

Nhưng nếu vào chiều ngày thứ hai vẫn còn kéo dài các triệu chứng thì trong tối hôm đó người bệnh cần dùng 2 viên Pregnause trước lúc ngủ. Sau đó, ngày thứ ba sẽ bắt đầu dùng liều 3 viên, bao gồm 1 viên/lần vào buổi sáng và 2 viên/lần vào buổi tối trước lúc ngủ. Nếu liều 3 viên giúp kiểm soát tốt các triệu chứng sang ngày hôm sau (tức ngày thứ 4) thì tiếp tục dùng liều 3 viên.

Nhưng nếu không kiểm soát được các triệu chứng thì người bệnh cần dùng liều 4 viên Pregnause vào ngày thứ 4, bao gồm 1 viên/lần vào buổi sáng, 1 viên/lần vào buổi chiều và 2 viên/lần trước lúc ngủ. Liều 4 viên cũng là liều dùng tối đa.

3. Tác dụng phụ của thuốc Pregnause

Thuốc Pregnause có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất xuất hiện như sau:

  • Thường gặp: Buồn ngủ, té ngã dẫn đến tai nạn khi kết hợp với rượu hoặc thuốc ức chế thần kinh trung ương.
  • Chưa rõ tần suất: Đánh trống ngực, khó thở, nhịp tim nhanh; chóng mặt, rối loạn thị giác, nhìn mờ; đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón. Chưa rõ thuốc Pregnause gây tác dụng phụ là khó chịu, mệt mỏi, đau ngực, dễ bị kích thích, đau nửa đầu, nhức đầu, hiếu động, dị cảm; mất ngủ, gặp ác mộng, mất phương hướng, lo âu; bí tiểu, tiểu khó; nổi ban dát sần, phát ban trên da, ngứa, tăng tiết mồ hôi với tần suất như thế nào.

Nếu thấy có bất kỳ biểu hiện lạ nào sau khi dùng thuốc Pregnause, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ hoặc sớm đến cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe.

4. Một số lưu ý khi dùng Pregnause

  • Không được dùng Pregnause ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc và các thuốc kháng histamin.
  • Người bệnh đang dùng thuốc MAO không được uống Pregnause vì thuốc có thể làm tăng cường và kéo dài tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương.
  • Người dưới 18 tuổi không được dùng Pregnause vì chưa thiết lập được mức độ an toàn và tính hiệu quả của thuốc.
  • Phụ nữ cần sự tỉnh táo để lao động hoặc làm việc cần được cảnh báo về tác dụng phụ của thuốc Pregnause trước khi dùng. Trong quá trình uống thuốc, không được uống rượu hoặc các đồ uống có chứa cồn.
  • Phụ nữ bị hen suyễn, viêm loét dạ dày - tá tràng, tăng nhãn áp hoặc tăng nhãn áp góc hẹp, tắc cổ bàng quang cần thận trọng khi dùng Pregnause vì thuốc có đặc tính kháng acetylcholin.

Công dụng của thuốc Pregnause là chống buồn nôn và nôn ở phụ nữ đang mang thai nhưng không đáp ứng điều trị duy trì.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan