Công dụng thuốc Prazopro

Thuốc Prazopro là thuốc kháng acid, chống loét và chống trào ngược dạ dày thực quản hoặc dạ dày tá tràng. Trong quá trình điều trị bằng thuốc Prazopro, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ để sớm khắc phục bệnh hiệu quả.

1. Prazopro 20mg là thuốc gì?

Prazopro 20mg là thuốc gì? Thuốc Prazopro có chứa thành phần chính là esomeprazole. Thuốc Prazopro được sản xuất bởi Dược phẩm TV. Pharm, bào chế dưới dạng viên nang cứng số 2, có nắp và thân màu tím, phần nắp viên thuốc có in 3 vòng cung màu vang và bên trong chứa các hạt bao tan trong ruột màu trắng ngà hoặc trắng.

Prazopro thuộc nhóm thuốc chống loét, chống trào ngược và kháng acid, được đóng gói theo quy cách hộp 2 vỉ x 7 viên. Ngoài dạng bào chế 20mg, sản phẩm cũng có dạng khác là thuốc Prazopro 40mg.

2. Chỉ định và công dụng của thuốc Prazopro 20mg

2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Prazopro 20mg

Thuốc Prazopro thường được chỉ định sử dụng cho một số trường hợp dưới đây:

2.2 Công dụng của thuốc Prazopro

Dược lực học

Hoạt chất esomeprazole trong thuốc Prazopro là dạng đồng phân S của omeprazole, được sử dụng để điều trị hội chứng Zollinger–Ellison, bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng hoặc trào ngược dạ dày – thực quản. Hoạt chất này liên kết với H+/K+-ATPase ở tế bào thành của dạ dày, giúp ức chế đặc hiệu hệ thống enzyme và ngăn chặn bước cuối cùng của quá trình bài tiết acid hydrochloride vào trong lòng dạ dày. Nhờ đó, hoạt chất esomeprazole có thể kìm hãm được hoạt động tiết acid cơ bản của dạ dày ngay cả khi có sự kích thích của các tác nhân khác.

Thuốc Prazopro có tác dụng kéo dài, mang lại công dụng chống loét và kháng acid mạnh. Tuy nhiên, thuốc thuộc nhóm ức chế bơm proton chỉ có khả năng kìm hãm chứ không thể tiêu diệt được Helicobacter pylori. Do đó, người bệnh vẫn cần phải sử dụng phối hợp thêm các loại kháng sinh khác như clarithromycin, amoxicillin hoặc tetracycline mới có thể tiêu diệt được loại vi khuẩn này một cách hiệu quả.

Dược động học

Dưới đây là các đặc tính dược động học của thuốc Prazopro, bao gồm:

  • Hấp thu: Hoạt chất esomeprazole có khả năng hấp thu nhanh sau khi uống, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt sau 1 – 2 giờ. Ngoài ra, độ sinh khả dụng của hoạt chất này có thể tăng lên theo liều dùng và khi được sử dụng nhắc lại, cụ thể là 68% khi uống liều 20mg và 89% khi uống liều thuốc Prazopro 40mg.
  • Phân bố: Theo nghiên cứu, tỷ lệ esomeprazole liên hợp với protein huyết tương lên đến 97%. Thể tích phân bố khi nồng độ esomeprazole ổn định trong cơ thể là khoảng 0,22l / kg (đối với người khoẻ mạnh).
  • Chuyển hoá: Thuốc được chuyển hoá phần lớn ở gan thông qua hệ enzyme cytochrome và isoenzyme CYP2C19. Khi vào cơ thể, esomeprazole được chuyển hoá thành desmethyl và hydroxy không còn hoạt tính. Phần còn lại của thuốc sẽ được chuyển hoá thông qua isoenzyme CYP3A4 để thành dạng esomeprazole sulfon.
  • Thải trừ: Thời gian bán thải của thuốc Prazopro là khoảng 1,3 giờ. Thuốc được thải trừ chủ yếu dưới dạng các chất chuyển hoá không có hoạt tính trong nước tiểu (80%), phần còn lại được thải trừ ở phân, chỉ dưới 1% thuốc thải trừ qua đường nước tiểu.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Prazopro

3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Prazopro

Liều dùng thuốc Prazopro sẽ được xác định cụ thể dựa trên tình trạng sức khoẻ mà bệnh nhân đang mắc phải, cụ thể:

  • Liều điều trị trào ngược dạ dày – thực quản: Uống 1 viên / lần / ngày.
  • Liều điều trị hội chứng Zollinger-Ellison: Uống 1 lần / ngày hoặc chia thành nhiều lần / ngày với liều dùng cao hơn theo chỉ định của bác sĩ. Liều khởi đầu uống 2 viên (40mg) x 2 lần / ngày, sau đó điều chỉnh liều nếu cần thiết.
  • Liều điều trị bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng do vi khuẩn Hp: Uống 1 viên / lần, 2 lần / ngày và duy trì trong 7 ngày.
  • Liều điều trị cho bệnh loét dạ dày do thuốc kháng viêm không steroid hoặc stress: Uống 1 viên / ngày trong vòng 4 – 8 tuần.

3.2 Cách sử dụng thuốc Prazopro

Thuốc Prazopro được bào chế dưới dạng viên nang cứng, do đó người bệnh cần dùng thuốc bằng đường uống, lưu ý nuốt nguyên viên thuốc cùng nước, tránh nhai hoặc nghiền thuốc.

Thức ăn có thể làm chậm và giảm tốc độ hấp thu của hoạt chất esomeprazole. Theo nghiên cứu, diện tích dưới đường cong AUC sau khi uống duy nhất 1 liều esomeprazole vào bữa ăn giảm 33 – 53% so với lúc đói. Bởi vậy, bạn cần uống thuốc Prazopro ít nhất 1 giờ trước bữa ăn để đạt được hiệu quả cao nhất.

3.3 Cách xử lý khi uống quá liều hoặc quên liều thuốc Prazopro

Hiện chưa có bất kỳ loại thuốc giải độc đặc hiệu nào cho tình trạng uống quá liều esomeprazole. Đối với trường hợp dùng quá liều thuốc Prazopro, việc điều trị sẽ tập trung vào hỗ trợ và cải thiện các triệu chứng. Do thuốc liên kết hầu hết với protein huyết tương, vì vậy phương pháp thẩm tách máu không có khả năng tăng thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể.

Trong trường hợp bỏ quên một liều thuốc Prazopro, bạn cần dùng thuốc càng sớm càng tốt. Nếu đã đến gần thời gian uống liều kế tiếp, bạn cần bỏ qua liều đã lỡ và sử dụng thuốc theo đúng kế hoạch. Việc bù gấp đôi liều thuốc cùng lúc có thể gây ra các tác dụng phụ quá liều nguy hiểm cho sức khỏe.

4. Một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Prazopro

Khi sử dụng thuốc Prazopro, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ dưới đây:

  • Tác dụng phụ phổ biến như tiêu chảy, đau bụng, táo bón, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, khô miệng, đầy hơi.
  • Tác dụng phụ ít gặp như phát ban đỏ, nổi mề đay, mẩn ngứa, viêm da, choáng váng, mệt mỏi, buồn ngủ hoặc mất ngủ.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp như kích động, sốt, đổ mồ hôi, trầm cảm, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, rối loạn vị giác, phù mạch, viêm miệng, vàng da, tăng enzyme gan, suy chức năng gan, lú lẫn, ảo giác, đau khớp, đau cơ, hạ natri huyết, rối loạn chuyển hóa porphyrin, viêm thận kẽ, chứng vú to ở nam giới, nhiễm khuẩn đường tiêu hoá,...

Bạn cần thông báo sớm cho bác sĩ biết khi cơ thể xuất hiện bất kỳ phản ứng nào sau khi sử dụng thuốc. Việc phát hiện và điều trị sớm những triệu chứng do thuốc Prazopro gây ra sẽ giúp bệnh nhân tránh được được các rủi ro sức khoẻ khác.

5. Thuốc Prazopro tương tác với các thuốc nào khác?

Thuốc Prazopro có thể xảy ra phản ứng tương tác với một số loại thuốc dưới đây:

  • Ketoconazole, digoxin và muối sắt khi dùng cùng với Prazopro có thể làm giảm khả năng hấp thu các thuốc.
  • Cilostazol khi dùng đồng thời với Prazopro có thể làm tăng nồng độ của cilostazol và các chất chuyển hoá có hoạt tính.
  • Thuốc voriconazole khi dùng cùng Prazopro có thể làm tăng nồng độ của hoạt chất esomeprazole lên gấp 2 lần, điều này đặc biệt lưu ý ở những bệnh nhân sử dụng liều 240mg esomeprazole / ngày khi điều trị hội chứng Zollinger–Ellison.
  • Khi sử dụng Prazopro cùng một số thuốc cảm ứng CYP3A4 và CYP2C19 (chẳng hạn như rifampin) có thể làm giảm nồng độ của hoạt chất esomeprazole.
  • Khi sử dụng Prazopro đồng thời với các thuốc lợi tiểu quai hoặc thiazide có thể làm tăng nguy cơ hạ magnesi huyết. Trước khi bắt đầu dùng Prazopro, bệnh nhân cần được kiểm tra nồng độ magnesi huyết để có liều dùng phù hợp.
  • Uống atazanavir cùng với Prazopro dễ làm thay đổi sự hấp thu và nồng độ của atazanavir trong huyết tương, từ đó làm giảm công dụng kháng vi rút của loại thuốc này.
  • Không nên dùng thuốc Prazopro chung với clopidogrel vì điều này có thể làm giảm nồng độ chất chuyển hoá có hoạt tính trong huyết tương cũng như tác dụng kháng tiểu cầu của thuốc clopidogrel.
  • Sử dụng Prazopro cùng với sucralfate có thể ức chế hấp thu và sinh khả dụng của hoạt chất esomeprazole, do đó người bệnh nên uống Prazopro ít nhất 30 phút trước khi uống sucralfate.
  • Khi dùng tacrolimus với thuốc Prazopro có thể làm tăng nồng độ tacrolimus trong huyết thanh.
  • Gây tăng INR và kéo dài thời gian của prothrombin khi sử dụng thuốc chống đông warfarin kết hợp với thuốc Prazopro.
  • Tránh sử dụng đồng thời thuốc Prazopro cùng clarithromycin, bởi điều này dễ làm tăng nồng độ của hoạt chất esomeprazole và 14-hydroxyclarithromycin trong máu.
  • Uống đồng thời diazepam cùng thuốc Prazopro có thể làm tăng nồng độ diazepam trong huyết tương và gây giảm chuyển hoá thuốc này.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Prazopro

6.1 Cần thận trọng gì khi uống thuốc Prazopro?

Trong quá trình sử dụng thuốc Prazopro, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được phép tự ý tăng hoặc giảm liều theo ý muốn cá nhân.
  • Những người mắc bệnh thận hoặc có vấn đề về gan cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc Prazopro, tốt nhất nên tham khảo lời khuyên của bác sĩ.
  • Trước khi dùng Prazopro cần loại trừ nguy cơ ung thư dạ dày bởi hoạt chất esomeprazole trong thuốc có thể làm ẩn đi các triệu chứng và gây khó khăn cho việc chẩn đoán khối u.
  • Không nên sử dụng thuốc Prazopro kéo dài vì nó có thể gây teo dạ dày.
  • Nếu dừng Prazopro đột ngột, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng tăng acid hồi ứng, do đó người bệnh cần tránh tự ý dừng thuốc khi chưa có sự chấp thuận của bác sĩ.
  • Trong thời gian điều trị bằng Prazopro, người bệnh cần tránh ăn các thực phẩm cay nóng, chua hoặc đồ uống chứa cồn, vì chúng dễ gây kích ứng dạ dày và khiến bệnh thêm trầm trọng hơn.
  • Do thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, đau đầu,... vì vậy những người điều khiển phương tiện và máy móc cần thận trọng khi sử dụng.
  • Phụ nữ đang mang thai chỉ nên sử dụng Prazopro khi thực sự cần thiết và lợi ích lớn hơn rủi ro.
  • Không nên sử dụng thuốc Prazopro cho bà mẹ cho con bú.

6.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Prazopro

Dưới đây là những trường hợp cần tránh sử dụng thuốc Prazopro, bao gồm:

  • Người bị dị ứng với hoạt chất esomeprazole hoặc quá mẫn cảm với bất kỳ tá dược nào trong thuốc.
  • Người bị dị ứng với nhóm benzimidazoles.
  • Người đang sử dụng thuốc nelfinavir.
  • Chống chỉ định sử dụng thuốc Prazopro cho người chưa đủ 18 tuổi.

6.3 Hướng dẫn bảo quản thuốc Prazopro

Thuốc Prazopro cần được bảo quản ở nhiệt độ không quá 30 độ C, nơi khô táo, thoáng mát và tránh xa tầm với của trẻ nhỏ. Thuốc nên được cất ở vị trí tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc nơi ẩm thấp như phòng tắm.

Thuốc Prazopro là thuốc kháng acid, chống loét và chống trào ngược dạ dày thực quản hoặc dạ dày tá tràng. Trong quá trình điều trị bằng thuốc Prazopro, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ để sớm khắc phục bệnh hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan