Công dụng thuốc Pospargin

Thuốc Pospargin là thuốc có tác dụng tăng co thắt cơ tử cung, giúp hạn chế sự mất máu sau khi sinh, sảy thai. Để hiểu rõ hơn về công dụng của thuốc bạn hãy tham khảo những thông tin qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Pospargin có công dụng gì?

Thuốc Pospargin có thành phần chính là Methylergometrine meleat được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với hàm lượng 0,125mg và dạng tiêm 0,2mg/ml.

MethylErgometrin maleat là thuốc có tác dụng kích thích tử cung gây ra co tử cung mạnh. Do đó, thuốc gây ra hiệu ứng làm tăng trương lực tử cung làm giảm giai đoạn ba của thai kỳ và giúp làm giảm lượng máu mất.

Thuốc này là một tổng hợp tương tự ergonovine, chỉ định để điều trị xuất huyết sau sinh. Thuốc hoạt động bằng cách tăng co thắt tử cung. Methylergometrin gây kích thích cơ trơn mạch máu và cơ tử cung thông qua sự điều hoà các thụ thể alpha-adrenergic và tryptaminergic.

Thuốc Pospargin công dụng giúp hạn chế mất máu do chảy máu ở tử cũng, được dùng trong những trường hợp sau:

  • Phòng và điều trị tình trạng chảy máu sau sinh hoặc sau sảy thai, kể cả trong các trường hợp sau khi mổ lấy thai.
  • Chảy máu tử cung do trong trường hợp bong nhau thai, mất trương lực cơ tử cung, tử cung không co hồi và gây ra ứ đọng sản dịch sau sinh.

2. Liều lượng và cách dùng thuốc Pospargin

Dạng tiêm:

  • Sau khi mổ lấy thai tiêm IM 1 mL hoặc IV từ 0,5 - 1 mL.
  • Tử cung mất trương lực IM 1 mL hoặc IV 0,5 mL.
  • Chảy máu sau khi sinh, tử cung không co hồi, ứ sản dịch tiêm IM 0,5-1 mL/ngày.

Đối với dạng viên:

  • Dùng 1 viên/ lần và một ngày 3 – 4 lần/ ngày. Trong thời gian 6 tuần sau khi sinh, dùng thuốc này tối đa trong 1 tuần

Quá liều và cách xử trí:

  • Khi dùng quá liều có thể gây ra các triệu chứng: Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, bị tê liệt, ngứa ran ở các chi, tăng huyết áp, trong những trường hợp nặng, sau đó là hạ huyết áp, suy hô hấp, gây hạ thân nhiệt, co giật và thậm chí là hôn mê.
  • Xử trí: Ngừng ngay việc dùng thuốc, vì không có loại thuốc đối kháng đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Điều trị triệu chứng nếu như thiếu máu cục bộ cơ tim dùng nitroglycerin. Nếu co giật dùng diazepam. Các biện pháp hỗ trợ như duy trì hô hấp, cân bằng điện giải...Người bệnh cũng cần được theo dõi chặt chẽ.

Quên liều: Thuốc tiêm được dùng dưới chỉ định và thực hiện bởi nhân viên y tế nên hạn chế quên. Thuốc dạng viên nén nếu quên bạn cần bổ sung sớm nhất khi nhớ ra, nhưng hãy bỏ qua liều đã quên nếu gần liều tiếp theo.

3. Chống chỉ định dùng thuốc Pospargin khi nào?

Không dùng thuốc Pospargin trong các trường sau:

  • Bệnh nhân đang bị cao huyết áp.
  • Bệnh nhân đang thiếu máu.
  • Phụ nữ có thai.
  • Bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Pospargin

Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng Pospargin gồm:

  • Phản ứng phụ thường gặp nhất khi dùng thuốc là gây ra cao huyết áp, dùng thuốc cũng liên quan đến một số trường hợp bị co giật hay nhức đầu.
  • Ít gặp: Hạ huyết áp cũng được báo cáo; Buồn nôn và nôn mửa cũng đôi khi xảy ra.
  • Các phản ứng hiếm khi xảy ra gồm: Nhồi máu cơ tim cấp tính, đau ngực thoáng qua, co thắt động mạch vành và co thắt mạch máu ngoại vi, nhịp tim chậm, nhịp tim nhanh, khó thở, tiểu ra máu, viêm tĩnh mạch huyết khối, ảo giác, chuột rút, chóng mặt, ù tai, nghẹt mũi, tiêu chảy, đổ mồ hôi, đánh trống ngực, phát ban, vị giác khó chịu...

Thông báo cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc. Trường hợp mẫn cảm nặng hoặc phản ứng dị ứng, người bệnh cần tiến hành điều trị hỗ trợ ngày lập tức gồm giữ thoáng khí và dùng epinephrin, thở oxygen, dùng kháng histamin, corticoid...

5. Những điều cần chú ý khi dùng thuốc Pospargin

Một số trường hợp bệnh nhân cần thận trọng khi dùng thuốc:

  • Bệnh nhân đang bị suy giảm chức năng gan hoặc thận.
  • Các bệnh nhân có bệnh về động mạch vành hoặc các yếu tố nguy cơ bệnh động mạch vành (như hút thuốc, béo phì, tiểu đường, cholesterol cao) có thể dễ bị chứng thiếu máu và nhồi máu cơ tim hơn do co thắt mạch.
  • Vì trong thuốc dạng viên nén có chứa lactose monohydrat nên những bệnh nhân có các vấn đề di truyền hiếm gặp về không dung nạp galactose, thiếu hụt lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose thì không nên dùng thuốc này.

Thời kỳ cho con bú: Đối với liều lượng điều trị một lượng nhỏ thuốc xuất hiện trong sữa mẹ. Các bà mẹ không nên cho con bú khi đang điều trị bằng methyl ergometrin maleat. Methyl ergometrin maleat có thể gây ra những phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh đang bú mẹ. Methyl ergometrin maleat cũng có thể làm giảm sự sản lượng sữa mẹ. Các bà mẹ cho con bú nên chờ ít nhất 12 giờ sau khi dùng liều cuối cùng của methyl ergometrin maleat trước khi bắt đầu hoặc tiếp tục cho con bú.

6. Tương tác thuốc

Một số trường hợp có thể xảy ra tương tác thuốc bảo gồm:

  • Thuốc cảm ứng CYP 3A4: Các loại thuốc cảm ứng mạnh CYP3A4 (ví dụ nevirapine, rifampicin) có thể làm giảm những tác dụng dược lý của methyl ergometrin maleat.
  • Thuốc ức chế beta: Cần phải thận trọng khi sử dụng đồng thời methyl ergometrin maleat với các thuốc ức chế beta. Sử dụng đồng thời với thuốc thuốc ức chế beta có thể làm tăng tác dụng co mạch.
  • Thuốc mê: Thuốc mê như halothan và methoxyfluran có thể làm giảm hiệu lực của methyl ergometrin maleat.
  • Glyceryl trinitrat và các thuốc chống đau thắt ngực khác: Methyl ergometrin maleat có thể gây ra tác dụng co mạch và có thể làm giảm tác dụng của glyceryl trinitrat và các thuốc chống đau thắt ngực khác.
  • Cần thận trọng khi dùng methyl ergometrin maleat đồng thời với các thuốc giãn mạch.

Bảo quản thuốc ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp. Không dùng khi quá hạn sử dụng in trên bao bì và để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em.

Thuốc Pospargin được dùng theo chỉ định của bác sĩ trong những trường hợp sản phụ có nguy cơ chảy máu hay đang chảy máu nhiều sau sinh. Cần theo dõi sát những dấu hiệu bất thường trong khi dùng thuốc và nếu sảm phụ còn chảy máu nhiều thì cần có biện pháp điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

94 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan