Công dụng thuốc Natrofen

Thuốc Natrofen có chứa thành phần chính là hoạt chất Cefprozil hàm lượng 500mg và các tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là thuốc kháng sinh có tác dụng trong điều trị nhiễm trùng da, nhiễm trùng tai và các loại nhiễm trùng do vi khuẩn khác gây ra.

1. Thuốc Natrofen là thuốc gì?

Thuốc Natrofen là thuốc kháng sinh được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn, với các hoạt chất chính là Cefprozil với hàm lượng 500mg và các tá dược khác vừa đủ 1 viên nén.

Hoạt chất Cefprozil thuộc nhóm kháng sinh cephalosporin, được sử dụng để điều trị nhiễm trùng tai, nhiễm trùng da và nhiễm trùng vi khuẩn khác. Cơ chế hoạt động của kháng sinh này là ức chế tổng hợp thành tế bào.

2. Thuốc Natrofen điều trị bệnh gì?

Thuốc Natrofen điều trị nhiễm trùng nhẹ tới trung bình do các chủng vi khuẩn gây ra như liệt kê dưới đây:

Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên:

  • Điều trị viêm họng, viêm amidan do chủngSt. pyogenes.
  • Điều trị viêm tai giữa do chủng St. pneumoniae, H. influenza.
  • Điều trị viêm xoang cấp do churng St. pneumoniae, H. influenzae.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới:

  • Điều trị nhiễm trùng thứ cấp trong trường hợp bị bệnh viêm phế quản cấp hoặc đợt cấp của viêm phế quản mãn.

Nhiễm khuẩn trên da và cấu trúc:

  • Điều trị nhiễm trùng da và cấu trúc không biến chứng và cần tiến hành phẫu thuật với những trường hợp bị áp xe.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Natrofen

3.1. Cách dùng thuốc Natrofen:

  • Thuốc Natrofen được bào chế dạng viên nén nên được sử dụng bằng đường uống.
  • Khi uống không được nhai nát hay nghiền nát viên thuốc, phải uống cả viên với nước đun sôi để nguội.
  • Thời điểm uống thuốc là sau khi ăn.

3.2. Liều dùng của thuốc Natrofen:

Liều điều trị dưới đây dành cho người lớn và trẻ em từ 13 tuổi trở lên:

  • Liều dùng điều trị đối với người bị viêm họng, viêm amidan: mỗi ngày sử dụng 500mg, tương đương với 1 viên, chia làm 1 lần trong ngày. Liều điều trị duy trì trong khoảng thời gian là 10 ngày.
  • Liều dùng điều trị đối với người bị viêm xoang cấp: mỗi ngày sử dụng 500-1000 mg, tương đương với 1-2 viên, chia làm 2 lần trong ngày. Liều điều trị duy trì trong khoảng thời gian là 10 ngày.
  • Liều dùng điều trị đối với người viêm phế quản cấp bị nhiễm trùng thứ phát: mỗi ngày sử dụng 500mg, tương đương với 1 viên, chia làm 2 lần trong ngày. Liều điều trị duy trì trong khoảng thời gian là 10 ngày.
  • Liều dùng điều trị đối với người bị viêm da chưa xuất hiện biến chứng: mỗi ngày sử dụng 500mg, tương đương với 1 viên, chia làm 1-2 lần trong ngày. Liều điều trị duy trì trong khoảng thời gian là 10 ngày.

4. Trường hợp quá/ quên liều thuốc

  • Trong trường hợp quá liều: Các biểu hiện khi uống quá liều thuốc tương tự như các triệu chứng của tác dụng phụ. Bên cạnh đó, bạn có thể gặp phải các dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc gan, thận. Bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi kỹ các dấu hiệu trên da, mặt, huyết áp và đề phòng vì tình trạng nguy hiểm có thể diễn biến rất nhanh.
  • Trong trường hợp quên liều: Bạn cần nhớ lịch dùng thuốc, tránh quên liều; nếu quên liều, bạn cần bỏ qua liều đã quên, không uống chồng liều với liều tiếp theo. Lưu ý rằng, bạn tuyệt đối, không nên bỏ liều dùng quá 2 lần liên tiếp.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Natrofen

Tác dụng ngoại ý trên hệ tiêu hóa, bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn mửa nhiều;
  • Đau bụng có thể kèm theo dấu hiệu tiêu chảy.

Tác dụng ngoại ý trên hệ gan- mật: suy giảm chức năng gan dẫn tới vàng da.

Tác dụng ngoại ý trên da như nổi ban đỏ hay mề đay.

Tác dụng ngoại ý đối với hệ thần kinh:

  • Hoa mắt, xây xẩm mặt mày, chóng mặt, đau nhức đầu và mệt mỏi;
  • Mất ngủ, cảm giác hưng phấn.

Tác dụng ngoại ý thường gặp khác:

  • Tăng chỉ số ure, creatinin máu;
  • Giảm số lượng bạch cầu;
  • Viêm âm đạo.

Tác dụng ngoại ý ít gặp:

  • Sốt hay phản ứng phản vệ;
  • Phù, giảm số lượng tiểu cầu;
  • Viêm ruột kết.

Trong quá trình điều trị, nếu bạn nhận thấy xuất hiện bất cứ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ rằng do sử dụng thuốc Natrofen thì bạn cần chủ động thông báo với bác sĩ điều trị để có thể xử trí kịp thời và chính xác.

6. Tương tác của thuốc Natrofen

Trong quá trình sử dụng, thuốc Natrofen có thể tương tác với một số nhóm thuốc khác, ảnh hưởng đến khả năng hấp thu, cũng như là khả năng chuyển hóa và khả năng thải trừ, làm giảm tác dụng hoặc gây ra độc tính đối với cơ thể như:

  • Thuốc kháng sinh nhóm Aminoglycosid, cụ thể như: Streptomycin, Kanamycin, Tobramycin, Neomycin và Gentamicin.
  • Thuốc điều trị Gout như Probenecid

Bạn cần chủ động thông báo cho bác sĩ điều trị để được tư vấn các thuốc hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang dùng tại thời điểm này để tránh việc xảy ra các tương tác thuốc bất lợi.

7. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Natrofen

7.1. Chống chỉ định của thuốc Natrofen

Không sử dụng thuốc Natrofen đối với những người có tiền sử mẫn cảm với bất kì thành phần nào có trong thuốc.

Không sử dụng thuốc Natrofen cho những người bị dị ứng với kháng sinh nhóm Cephalosporin

7.2. Chú ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Natrofen

  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú;
  • Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Natrofen đối với người lái xe hoặc vận hành máy móc nặng vì thuốc ảnh hưởng tới hệ thần kinh
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Natrofen cho người đang gặp tình trạng viêm đường ruột, viêm đại tràng
  • Theo dõi kỹ càng khi sử dụng thuốc với đối tượng suy giảm chức năng thận
  • Cân nhắc khi sử dụng thuốc với những người có tiền sử dị ứng thuốc như Cefprozil, Cephalosporin, Penicillin
  • Trong thời gian sử dụng thuốc Natrofen, bạn tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định về liều điều trị của bác sĩ điều trị, tránh việc tăng hoặc giảm liều để đẩy nhanh thời gian điều trị bệnh.
  • Trước khi ngưng sử dụng thuốc Natrofen, bạn cần xin ý kiến của bác sĩ điều trị

Lưu ý:

  • Nếu nhận thấy thuốc Natrofen xuất hiện các dấu hiệu lạ như đổi màu, biến dạng, chảy nước thì bạn không nên sử dụng thuốc đó nữa.
  • Thuốc Natrofen cần được bảo quản ở những nơi khô ráo, có độ ẩm vừa phải và tránh tiếp xúc ánh nắng chiếu trực tiếp
  • Để thuốc Natrofen xa khu vực chơi đùa của trẻ, hạn chế tối đa nguy cơ trẻ có thể uống phải thuốc Natrofen mà không biết

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

44.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan