Công dụng thuốc Carazotam

Carazotam là thuốc kê đơn, được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn nặng ở bệnh nhân bị viêm phổi, nhiễm khuẩn đường tiết niệu và ổ bụng.... Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Carazotam, người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Công dụng thuốc Carazotam là gì?

1.1. Thuốc Carazotam là thuốc gì?

Thuốc Carazotam thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm; có số đăng ký VN-18858-15 với Carazotam hàm lượng 2g/ 0.25g và VN-18857-15 với Carazotam hàm lượng 4g/ 0.5 g; do Công ty Mitim s.r.l – Italia sản xuất, phân phối tại Việt Nam bởi Công ty TNHH Dược phẩm Tâm Đan.

Thuốc được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, đóng lọ thủy tinh, hộp 1 lọ.

  • Carazotam hàm lượng 2,25g: Mỗi lọ chứa 2g Piperacillin (dưới dạng muối natri) và 0,25g Tazobactam (dưới dạng muối natri); 4,7 mmol (108mg) natri.
  • Carazotam hàm lượng 4,50g: Mỗi lọ chứa 4g Piperacillin (dưới dạng muối natri) và 0,5g Tazobactam (dưới dạng muối natri); 9,4 mmol (216mg) natri.

Thuốc Carazotam khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành và trẻ từ 2 tuổi trở lên.

1.2. Thuốc Carazotam có tác dụng gì?

Hoạt chất chính của thuốc Carazotam là một Penicillin bán tổng hợp, có phổ tác dụng diệt khuẩn rộng.

Tazobactam là một beta-lactam có cấu trúc liên quan đến Penicilin với tác dụng mở rộng phổ kháng khuẩn của Piperacilin, bao gồm cả vi khuẩn sản xuất men beta-lactamase thường đề kháng mắc phải với Piperacilin riêng lẻ.

Thuốc Carazotam được chỉ định sử dụng trong các trường hợp:

Người lớn và trẻ trên 12 tuổi:

  • Bệnh nhân bị viêm phổi nặng bao gồm viêm phổi do thông khí và viêm phổi mắc phải trong bệnh viện.
  • Đường tiết niệu nhiễm khuẩn có biến chứng (kể cả viêm thận-bể thận).
  • Nhiễm khuẩn bên trong ổ bụng có biến chứng.
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm biến chứng (kể cả nhiễm khuẩn chi dưới do đái tháo đường)
  • Điều trị bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết mà nguyên nhân hoặc nghi ngờ do bất cứ nhiễm khuẩn nào kể trên.
  • Carazotam có thể được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân bị giảm bạch cầu trung tính kèm sốt mà nghi ngờ do nhiễm khuẩn.

Trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 12 tuổi:

  • Nhiễm khuẩn bên trong ổ bụng có biến chứng.
  • Carazotam có thể được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân bị giảm bạch cầu trung tính kèm sốt mà nghi ngờ do nhiễm khuẩn.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần chính Carazotam, Tazobactam hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân bị dị ứng nặng với các hoạt chất beta-lactam (như Monobactam, Cephalosporin hoặc Carbapenem).

2. Cách sử dụng thuốc Carazotam

Cách dùng thuốc Carazotam:

  • Thuốc Carazotam hàm lượng 2,25 g hay hàm lượng 4,5 g đều được dùng đường tiêm truyền tĩnh mạch. Thời gian truyền trên 30 phút.
  • Việc pha loãng dung dịch tiêm truyền phải được thực hiện trong điều kiện vô trùng. Trước khi sử dụng phải kiểm tra dung dịch bằng mắt thường xem dung dịch có bị đổi màu hay có các hạt tiểu phân lơ lửng trong dung dịch hay không.
  • Pha thuốc theo liều lượng Carazotam hàm lượng 2,25g pha với 10ml dung môi, Carazotam hàm lượng 4,5g pha với 20ml dung môi. Lắc nhẹ liên tục cho thuốc tan hết thường mất khoảng 5 phút.
  • Dung dịch pha tiêm: Natri clorid 0,9% (9mg/ml) và nước cất vô khuẩn. Thể tích dung dịch vô khuẩn pha tiêm tối đa khuyên dùng là 50ml.
  • Dung dịch hoàn nguyên có thể được pha loãng tiếp đến thể tích truyền mong muốn (ví dụ: 50ml đến 150ml) với dung môi tương hợp sau: Nước cất pha tiêm, dung dịch tiêm natri clorid 0,9%, dung dịch Glucose 5%.
  • Dùng đúng liều chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn pha của thuốc.

Liều dùng thuốc Carazotam cho người trưởng thành và trẻ em từ 12 tuổi trở lên:

  • Bệnh nhân chỉ định thẩm tách máu: Cần bổ sung một liều Carazotam sau mỗi đợt thẩm tách, vi thẩm tách máu đào thải 30% – 50% Piperacillin trong vòng 4 giờ.
  • Với Carazotam 4,5g: Đối với viêm phổi mắc phải trong bệnh viện và nhiễm khuẩn ở bệnh nhân bị giảm bạch cầu trung tính liều khuyên dùng là 1 lọ cách mỗi 6 giờ. Phác đồ này có thể áp dụng điều trị cho các bệnh nhân bị các nhiễm khuẩn đặc biệt nghiêm trọng khác.
  • Với bệnh nhân nhiễm khuẩn đường niệu có biến chứng, nhiễm khuẩn ổ bụng có biến chứng hay nhiễm khuẩn da mô mềm liều khuyên dùng là 1 lọ cách mỗi 8 giờ.
  • Bệnh nhân suy gan: Không cần điều chỉnh liều.
  • Bệnh nhân suy thận:
    • Độ thanh thải Creatinin từ 20 đến 40ml/phút: Liều tối đa 1 lọ Carazotam 4,5g cách mỗi 8 giờ.
    • Độ thanh thải Creatinin dưới 20: Liều tối đa 1 lọ Carazotam 4,5g cách mỗi 12 giờ.
  • Bệnh nhân lớn tuổi: Không cần điều chỉnh liều Carazotam cho người cao tuổi có chỉ số chức năng thận bình thường hoặc độ thanh thải Creatinin trên 40ml/phút.

Liều dùng cho trẻ em từ 2 đến 12 tuổi:

Nhiễm khuẩn:

  • Trẻ em bị giảm bạch cầu trung tính kèm sốt do nhiễm khuẩn: 80 mg Piperacillin/10 mg Tazobactam/kg thể trọng/ cách mỗi 6 giờ
  • Trẻ bị nhiễm khuẩn ổ bụng có biến chứng: 100mg Piperacillin/12.5 mg Tazobactam/kg thể trọng/cách mỗi 8 giờ

Trẻ bị suy thận:

  • Phải điều chỉnh liều tiêm tĩnh mạch của Carazotam theo mức độ suy thận như sau: Độ thanh thải Creatinin > 50ml/phút:
    • Không cần điều chỉnh liều tiêm.
    • Độ thanh thải Creatinin ≤ 50ml/phút: Liều khuyên dùng là 70mg Piperacillin/8,75mg Tazobactam/kg cân nặng cách mỗi 8 giờ.

Thời gian điều trị với thuốc Carazotam:

  • Thời gian điều trị thông thường cho hầu hết các nhiễm khuẩn các người lớn và trẻ em trong khoảng từ 5 đến 14 ngày.
  • Tuy nhiên, thời gian điều trị Carazotam còn tùy theo mức độ nặng của nhiễm khuẩn, mầm bệnh, vi khuẩn học của bệnh nhân và diễn tiến trên lâm sàng.

Xử lý khi quên liều:

  • Thuốc Carazotam được thực hiện bởi nhân viên y tế nên hạn chế được việc quên dùng thuốc. Cần đặc biệt lưu ý về thời gian tiêm cách giữa 2 liều liên tiếp tối thiểu là 4 giờ.

Xử trí khi quá liều:

  • Triệu chứng quá liều gặp phải chủ yếu bao gồm buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng được báo cáo khi dùng ở liều khuyến cáo. Đặc biệt ở bệnh nhân suy thận, có thể xuất hiện kích ứng thần kinh cơ hoặc co giật nếu tiêm tĩnh mạch liều cao hơn liều khuyến nghị.
  • Xử trí: Cần ngưng ngay Carazotam nếu có quá liều. Hiện vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng tùy theo biểu hiện lâm sàng của từng bệnh nhân. Có thể giảm nồng độ Carazotam quá cao trong máu bằng cách thẩm tách máu.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Carazotam

  • Không dùng thuốc Carazotam khi quá thời hạn sử dụng, thuốc đổi màu, niêm phong bị hở, lọ thuốc bị rò rỉ, thuốc đã pha quá thời hạn bảo quản hoặc bảo quản không đúng.
  • Việc chọn lựa sử dụng Carazotam để điều trị cho một bệnh nhân cần tính toán đến sự phù hợp của việc sử dụng penicillin bán tổng hợp phổ rộng dựa trên sự phổ biến đề kháng với các chất kháng khuẩn khác và mức độ nặng của nhiễm khuẩn.
  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng Carazotam cần khai thác kỹ tiền sử quá mẫn với penicillin, các chất beta-lactam khác (như Monobactam, Cephalosporin hoặc Carbapenem) hay các dị ứng khác. Những phản ứng quá mẫn nặng và đôi khi gây tử vong đã được ghi nhận ở những bệnh nhân điều trị bằng Penicilin, bao gồm cả Carazotam. Nếu nghi ngờ có phản ứng quá mẫn khi dùng Carazotam cần phải ngưng ngay mọi đường dùng và sử dụng Epinephrin cùng các biện pháp cấp cứu khác.
  • Viêm ruột kết màng giả do kháng sinh biểu hiện bằng tiêu chảy nặng, dai dẳng có thể đe dọa đến tính mạng. Những triệu chứng khởi đầu của viêm ruột kết màng giả có thể xảy ra trong hoặc sau khi điều trị kháng sinh. Trong những trường hợp này nên ngưng dùng Carazotam.
  • Điều trị bằng Carazotam có thể dẫn đến tình trạng đề kháng vi khuẩn gây bội nhiễm.
  • Xuất huyết có thể xảy ra ở một số bệnh nhân dùng kháng sinh beta-lactam Những phản ứng này đôi khi có liên quan đến những bất thường của các xét nghiệm đông máu như sự kết tập tiểu cầu, thời gian đông máu, thời gian prothrombin và có khả năng xảy ra ở bệnh nhân suy thận. Nếu xảy ra xuất huyết, nên ngưng dùng kháng sinh và tiến hành các liệu pháp thích hợp.
  • Giảm bạch cầu và giảm bạch cầu trung tính có thể xảy ra, đặc biệt trong quá trình điều trị với Carazotam kéo dài; do đó nên cần định kỳ thực hiện đánh giá chức năng tạo máu.
  • Sản phẩm này chứa natri. Nên cân nhắc điều trị đối với những bệnh nhân đang trong chế độ kiểm soát natri.
  • Hạ kali máu có thể xảy ra ở những bệnh nhân có dự trữ kali thấp hoặc những người dùng đồng thời các thuốc làm hạ mức độ kali; khuyến cáo nên định kỳ xác định chất điện phân ở những bệnh nhân này.
  • Nhóm phụ nữ mang thai và cho con bú cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng Carazotam.

4. Tác dụng phụ của thuốc Carazotam

Phổ biến:

  • Tiêu chảy, buồn nôn, nôn
  • Phát ban

Không phổ biến:

  • Nhiễm nấm Candida, bội nhiễm
  • Giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu
  • Phản ứng quá mẫn
  • Nhức đầu, mất ngủ
  • Hạ huyết áp, viêm tĩnh mạch huyết khối, viêm tĩnh mạch
  • Vàng da, viêm miệng, táo bón, khó tiêu.
  • Tăng enzym gan alanine aminotransferase và aspartate aminotransferase (ALT và AST)
  • Tăng nồng độ creatinin trong máu
  • Sốt, phản ứng tại nơi tiêm.
  • Mày đay, ngứa

Hiếm gặp:

  • Thiếu máu, thiếu máu tán huyết, ban xuất huyết, chảy máu cam, kéo dài thời gian chảy máu, tăng bạch cầu ưa eosin.
  • Phản ứng phản vệ (kể cả sốc)
  • Viêm ruột kết màng giả, đau bụng
  • Viêm gan, tăng bilirubin trong máu, tăng phosphatase kiềm trong máu, tăng gamma glutamyltransferase
  • Hồng ban đa dạng, viêm da bọng nước, ngoại ban
  • Đau khớp, đau cơ
  • Viêm thận kẽ, suy thận
  • Rét run

Rất hiếm gặp:

  • Mất bạch cầu hạt, giảm toàn thể huyết cầu, thời gian thromboplastin kéo dài một phần, thời gian prothrombin kéo dài, thử nghiệm Coombs trực tiếp dương tính, tăng tiểu cẩu
  • Giảm kali huyết, giảm glucose huyết, giảm albumin huyết, giảm protein huyết toàn phần.
  • Hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng Stevens- Johnson
  • Tăng urê huyết.

5. Tương tác thuốc Carazotam

  • Thuốc giãn cơ không phân cực: Khi dùng kháng sinh Piperacillin cùng với Vecuronium làm kéo dài tác động phong bế thần kinh cơ của Vecuronium.
  • Thuốc chống đông máu dạng uống: Trong khi dùng đồng thời Carazotam với Heparin, thuốc chống đông dạng uống và các thuốc có tác dụng lên hệ thống đông máu bao gồm chức năng tiểu cầu, cần làm các xét nghiệm đông máu thích hợp và theo dõi định kỳ.
  • Methotrexat: Kháng sinh Piperacillin có thể làm giảm thải trừ Methotrexate. Để ngăn ngừa độc tính của thuốc phát tác, phải theo dõi nồng độ Methotrexat trong huyết thanh.
  • Probenecid: Như các Penicilin khác, khi dùng đồng thời Probenecid và Carazotam gây kéo dài nửa đời thải trừ và giảm độ thanh thải thận của cả hai hoạt chất Piperacillin và Tazobactam.
  • Các Aminoglycosid: Piperacillin làm bất hoạt gentamicin và tobramycin đã được chứng minh ở những bệnh nhân suy thận nặng.
  • Tác dụng trên các xét nghiệm cận lâm sàng: Một số phương pháp hóa học xét nghiệm protein trong nước tiểu, thử nghiệm Coombs trực tiếp có thể cho kết quả dương tính giả khi dùng Carazotam. Nếu có kết quả dương tính của các xét nghiệm trên trong khi sử dụng Carazotam thì cần được xác định bằng các phương pháp chẩn đoán khác.
  • Không pha thuốc này lẫn với các thuốc khác, trừ các dung dịch đã được đề cập ở phần cách dùng.
  • Các thuốc kháng sinh phải được dùng riêng biệt. Đặc biệt là Aminoglycosid do Carazotam với Aminoglycosid in vitro làm mất hoạt tính Aminoglycosid đáng kể.
  • Dùng Carazotam qua 1 bộ tiêm truyền riêng biệt với các thuốc khác.
  • Do tính bất ổn hóa học, không nên dùng Carazotam trong dung dịch chứa Natri bicarbonat hay Dung dịch Ringer lactat
  • Không nên thêm chế phẩm có chứa Piperacillin/Tazobactam vào các sản phẩm máu hoặc chất thủy phân albumin.

6. Cách bảo quản thuốc Carazotam

  • Thời gian bảo quản Carazotam là 36 tháng từ ngày sản xuất.
  • Bảo quản lọ thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh sáng, tránh ẩm, tránh nguồn nhiệt. Nhiệt độ phù hợp dưới 30 độ C.
  • Sau khi pha loãng, thời gian dùng được xác định là 24 giờ khi bảo quản trong tủ lạnh ở 2-8°C.
  • Sau khi hoàn nguyên và pha loãng, thời gian dùng được xác định là 48 giờ khi bảo quản trong tủ lạnh ở 2-8°C.
  • Lọ thuốc đã pha cần dùng ngay trong ngày nhưng cần được bảo quản đúng theo hướng dẫn.
  • Để thuốc tránh xa khỏi tầm tay của trẻ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Carazotam, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Carazotam là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

48 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan