Công dụng thuốc Mypara 250 và 500

Mypara hiện là thuốc giảm đau và hạ sốt (nhóm không opioid), có thành phần chính là Paracetamol. Thuốc hạ sốt Mypara có nhiều dạng bào chế như viên nén bao phim và viên nén sủi bọt hàm lượng 500mg, cốm sủi bọt hàm lượng 250mg.

1. Mypara là thuốc gì?

Thuốc Mypara thuộc nhóm thuốc giảm đau (nhóm không opioid) và hạ sốt, có thành phần chính là Paracetamol (Acetaminophen). Paracetamol có tác dụng giảm đau và hạ sốt rất hiệu quả tương tự như aspirin và có thể được sử dụng thay thế cho aspirin. Tuy nhiên, Paracetamol khác với aspirin ở đặc tính kháng viêm.

Thành phần Paracetamol trong thuốc Mypara có tác dụng làm giảm thân nhiệt ở người bị sốt chứ không có tác dụng giảm thân nhiệt trong tình trạng bình thường, bằng cách tác động đến vùng dưới đồi, làm giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên để hạ thân nhiệt. Thuốc Mypara được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như viên nén bao phim, cốm sủi bọt hoặc viên sủi, hàm lượng 250mg hoặc 500mg. Thuốc được chỉ định dùng trong những trường hợp sau:

  • Hạ sốt do nhiễm khuẩn, viêm xoang, viêm họng, cảm cúm - cảm lạnh hoặc chích ngừa.
  • Giảm đau từ mức độ nhẹ đến vừa như đau răng, nhổ răng, mọc răng, đau đầu, đau tai, đau do chấn thương hoặc sau phẫu thuật.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Mypara

Các dạng bào chế của thuốc Mypara đều được dùng theo đường uống. Đối với thuốc dạng viên nén bao phim, uống nguyên viên thuốc với nước. Với dạng cốm và viên nén sủi bọt, cho toàn bộ gói thuốc hoặc viên nén vào một ly nước, chờ thuốc sủi bọt và hòa tan hoàn toàn rồi uống.

Liều dùng Mypara 500 dạng viên nén bao phim cụ thể như sau:

  • Liều dùng thông thường để hạ sốt, giảm đau: 1 viên/lần, dùng cách 4 – 6 giờ/lần.
  • Trẻ từ 6 - 12 tuổi: 1⁄2 - 1 viên/lần, không được vượt quá 4 lần/ngày.
  • Trẻ từ 12 tuổi và người lớn: 1 viên/lần, không được vượt quá 4 lần/ngày.

Liều dùng Mypara 500 dạng viên nén sủi bọt cụ thể như sau:

  • Trẻ từ 12 tuổi và người lớn: 1 - 2 viên/lần, dùng cách 4 – 6 giờ/lần.
  • Trẻ dưới 12 tuổi: 1⁄2 - 1 viên/lần, dùng cách 4 – 6 giờ/lần.

Liều dùng Mypara 250 dạng cốm sủi bọt cụ thể như sau:

  • Liều thông thường: 10 - 15mg/kg cân nặng/lần và tổng liều là 60mg/kg cân nặng/ngày.
  • Trẻ 1 - 2 tuổi: 1⁄2 gói/lần, 3 - 4 lần/ngày.
  • Trẻ 2 - 3 tuổi: 3⁄4 gói/lần, 3 - 4 lần/ngày.
  • Trẻ 3 - 6 tuổi: 1 gói/lần, 3 - 4 lần/ngày.
  • Trẻ 6 - 9 tuổi: 1 – 1,5 gói/lần, 3 - 4 lần/ngày.
  • Trẻ 9 - 12 tuổi: 2 gói/lần, 3 - 4 lần/ngày.

2.1 Quá liều thuốc Mypara nghiêm trọng như thế nào?

Quá liều thuốc Mypara xảy ra khi dùng paracetamol liên tục với liều cao (từ 7,5 - 10g/ngày và dùng trong 1 – 2 ngày), hoặc dùng một liều duy nhất gây độc. Thuốc có thể gây độc tính nghiêm trọng đối với gan, làm hoại tử gan và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Trong 2 - 3 giờ sau khi dùng thuốc Mypara với liều gây độc, người bệnh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và nôn, xanh tím da và niêm mạc. Ngộ độc nặng có thể khiến hệ thần kinh trung ương bị kích thích, người bệnh bị kích động, mê sảng, hạ thân nhiệt, hạ huyết áp, suy tuần hoàn....

Với liều thuốc Mypara rất lớn, có thể gây trụy mạch và sốc, co giật không thở được và dẫn đến tử vong. Hôn mê có thể xảy ra trước khi tử vong đột ngột. Trên lâm sàng, gan có biểu hiện tổn thương trong vòng 2 - 4 ngày sau khi dùng thuốc quá liều gây độc, tăng Aminotransferase và bilirubin trong huyết tương, dẫn đến kéo dài thời gian prothrombin.

Tổn thương gan nghiêm trọng do quá liều thuốc Mypara có thể gây tử vong vì suy giảm chức năng gan. Nếu không tử vong, tổn thương gan mất rất nhiều thời gian để hồi phục (có thể vài tuần hoặc vài tháng).

2.2 Điều trị quá liều thuốc Mypara

Người bệnh cần được chẩn đoán sớm phát hiện tình trạng quá liều thuốc Mypara bằng các phương pháp kiểm tra nồng độ thuốc trong máu. Tuy nhiên, nếu người bệnh có biểu hiện thì cần điều trị ngay lập tức, tránh trì hoãn chờ đến lúc có kết quả mới điều trị, có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng.

Trong mọi trường hợp quá liều paracetamol, trong vòng 4 giờ sau khi uống thuốc Mypara, người bệnh cần được rửa dạ dày. Trong vòng 36 giờ sau khi uống thuốc, người bệnh cần điều trị giải độc bằng hợp chất sulfhydryl, có thể bằng đường uống hoặc đường tiêm.

Nếu có biểu hiện quá liều sau khi dùng thuốc Mypara, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Mypara

Thuốc Mypara có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất xuất hiện như sau:

  • Ít gặp: Nổi ban trên da, buồn nôn, nôn, rối loạn tạo máu, thiếu máu, độc tính trên thận.
  • Hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn.

Nếu có bất kỳ biểu hiện lạ nào sau khi dùng thuốc Mypara, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ hoặc sớm đến cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe.

4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Mypara

Không dùng thuốc Mypara ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc, người bị bệnh gan, thận, phổi, tim, thiếu máu, thiếu hụt men G6PD.

Với liều điều trị thông thường, thuốc Mypara không gây độc nhưng trong một số trường hợp, phản ứng quá mẫn có thể xảy ra như nổi mày đay, ban sần ngứa phù mạch, phù thanh quản... Ngoài ra, dùng thuốc liều cao kéo dài còn gây giảm tiểu cầu, bạch cầu, bạch cầu trung tính và toàn thể huyết cầu, nhưng hiếm khi gây mất bạch cầu hạt.

Người có tiền sử bị thiếu máu cần thận trọng khi dùng thuốc Mypara, vì làm mất biểu hiện xanh tím da khi nồng độ methemoglobin trong máu tăng cao.

Trong thời gian dùng thuốc Mypara, không được uống rượu vì cùng với paracetamol có thể làm độc tính ở gan tăng lên.

Không tự ý dùng thuốc Mypara để giảm đau nếu như không có sự hướng dẫn hoặc chỉ định của bác sĩ. Cần lưu ý không dùng thuốc quá 5 ngày ở trẻ em và 10 ngày ở người lớn để giảm đau,vì đây có thể là tình trạng bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị.

Không tự ý dùng thuốc Mypara để hạ sốt ở cả người lớn và trẻ em trong trường hợp sốt quá cao (trên 39,5°C) hoặc sốt dài ngày (trên 3 ngày), sốt tái phát. Những cơn sốt như vậy cũng có thể là biểu hiện của tình trạng bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị.

Trước khi dùng thuốc Mypara, người bệnh cần được cảnh báo về những phản ứng trên da với mức độ nghiêm trọng như hội chứng hoại tử da nhiễm độc, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính, hội chứng Steven - Johnson, hội chứng Lyell.

Phụ nữ đang mang thai chỉ được dùng thuốc Mypara trong trường hợp thật sự cần thiết.

Nếu dùng thuốc Mypara liều cao và trong thời gian dài cùng với thuốc chống đông máu có thể làm tăng tác dụng chống đông nhưng với mức độ nhẹ và không nghiêm trọng.

Dùng đồng thời thuốc Mypara và các liệu pháp hạ nhiệt khác hoặc phenothiazin có thể gây hạ thân nhiệt nghiêm trọng.

Tăng nguy cơ độc tính ở gan khi dùng chung thuốc chống co giật và thuốc Mypara. Để tránh ảnh hưởng đến gan, người bệnh cần hạn chế liều dùng paracetamol trong khi dùng thuốc chống co giật.

Công dụng của thuốc Mypara 250 và 500 là hạ sốt và giảm đau từ mức nhẹ cho đến vừa. Sốt trong những trường hợp như nhiễm khuẩn, cảm lạnh hay cảm cúm, viêm họng, viêm xoang, ... Giảm đau trong những trường hợp như đau bụng kinh, đau răng, đau đầu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan