Sử dụng aspirin liều thấp hàng ngày trong thai kỳ có thể làm giảm khả năng gặp các biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi. Nó được khuyến nghị sử dụng cho phụ nữ có nguy cơ cao mắc tiền sản giật, bao gồm đa thai, bệnh thận, có tiền sử tiền sản giật, tiểu đường và tăng huyết áp mãn tính.
1. Aspirin là thuốc gì?
Aspirin là một chất ức chế hai isoenzyme cyclooxygenase, bao gồm COX-1 và COX-2, rất quan trọng cho quá trình tổng hợp prostaglandin (một chất làm giãn mạch mạnh và ức chế kết tập tiểu cầu). Đây là một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), có đặc tính chống viêm và chống kết tập tiểu cầu.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai nên sử dụng aspirin liều thấp để có thể ngăn ngừa hoặc làm kìm hãm sự khởi phát của tiền sản giật. Ngoài ra, aspirin liều thấp cũng có tác dụng trong việc phòng ngừa thai chết lưu, sinh non, sẩy thai sớm và các vấn đề về phát triển ở thai nhi.
2. Sử dụng aspirin trong thời kỳ mang thai có an toàn không?
Nhìn chung, các bác sĩ không khuyến khích phụ nữ mang thai sử dụng aspirin, trừ khi bạn đang mắc phải một số bệnh lý nhất định hoặc có nguy cơ cao bị tiền sản giật.
Những nguy cơ cao gây tiền sản giật ở phụ nữ mang thai thường bao gồm đã có tiền sử tiền sản giật trước đây, tăng huyết áp mãn tính, đã từng sinh nhiều lần, mắc bệnh thận, tiểu đường hoặc bệnh tự miễn như lupus. Một số yếu tố gây rủi ro mắc tiền sản giật thấp hơn, chẳng hạn như:
- Lần đầu tiên sinh con;
- Có tiền sử gia đình bị tiền sản giật;
- Béo phì;
- Là người gốc Phi;
- Ở độ tuổi trên 35;
- Tình trạng kinh tế xã hội thấp;
- Sinh con bị nhẹ cân;
- Thời gian giữa các lần mang thai cách nhau khoảng 10 năm;
- Có kết quả mang thai bất lợi trước đó.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, khi phụ nữ mang thai sử dụng aspirin liều thấp, khoảng từ 60 – 100 miligam (mg) mỗi ngày, không gây ra những ảnh hưởng có hại cho thai kỳ. Đôi khi, nó cũng được khuyến cáo sử dụng đối với những phụ nữ mang thai bị rối loạn đông máu, tiền sản giật và sảy thai tái phát.
Tuy nhiên, việc sử dụng aspirin liều cao lại mang đến nhiều rủi ro khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn của thai kỳ. Nếu sử dụng aspirin liều cao ngay trong kỳ tam cá nguyệt đầu tiên có thể làm tăng nguy cơ gây sảy thai và dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Mặt khác, nếu trong kỳ tam cá nguyệt thứ ba, mẹ bầu sử dụng aspirin liều cao quá mức cho phép sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng đóng mạch sớm trong tim thai nhi. Ngoài ra, nếu bạn sử dụng aspirin liều cao kéo dài trong thời kỳ mang thai cũng có thể dẫn đến nguy cơ gây chảy máu não ở trẻ sinh non. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng aspirin vào 3 tháng cuối của thai kỳ, bạn và thai nhi sẽ cần được theo dõi chặt chẽ để ngăn ngừa và xử lý kịp thời những rủi ro sức khỏe do thuốc gây ra.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng khuyến cáo rằng, phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) sau tuần 19 của thai kỳ, trừ trường hợp được bác sĩ khuyên dùng. Sở dĩ, aspirin vốn là một loại NSAID, do đó nó có thể gây ra các vấn đề đáng lo ngại về thận ở thai nhi. Điều này cũng góp phần làm tăng nguy cơ giảm lượng nước ối xung quanh thai nhi và kèm theo một số biến chứng nghiêm trọng khác.
Một trong những loại thuốc aspirin liều thấp OTC điển hình là 81mg, trước đây nó còn được gọi là aspirin cho trẻ em. Nếu bạn đang sử dụng aspirin liều thấp trong giai đoạn mang thai để điều trị cho một tình trạng bệnh lý nhất định, bạn nên uống thuốc theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ về thời gian và liều lượng thuốc. Ngoài ra, nếu bạn cần sử dụng thuốc giảm đau trong quá trình mang thai, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về những lựa chọn thuốc. Bác sĩ có thể khuyến nghị bạn sử dụng acetaminophen (Tylenol) thay vì aspirin.
3. Chống chỉ định sử dụng aspirin trong thời kỳ mang thai
Một số trường hợp tuyệt đối không được sử dụng liệu pháp aspirin liều thấp, bao gồm những người có tiền sử dị ứng với aspirin (chẳng hạn như nổi mề đay), hoặc quá mẫn cảm với các salicylat khác có nguy cơ bị phản vệ.
Ngoài ra, giữa aspirin và các loại thuốc không steroid khác có một sự tương tác chéo, do đó những bệnh nhân quá mẫn cảm với NSAID cũng không được sử dụng aspirin liều thấp. Bên cạnh đó, những bệnh nhân bị polyp mũi cũng cần tránh tiếp xúc với aspirin liều thấp, vì nó có thể gây co thắt phế quản và đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng. Điều này cũng được áp dụng cho những người mắc bệnh hen suyễn có tiền sử co thắt phế quản cấp do aspirin.
Một số trường hợp chống chỉ định tương đối với aspirin liều thấp, bao gồm người mắc bệnh loét dạ dày tá tràng, có tiền sử xuất huyết tiêu hóa và rối loạn chức năng gan nghiêm trọng. Ở trẻ em dưới 18 tuổi sử dụng aspirin trong thời kỳ khôi phục sức khỏe sau khi mắc các bệnh do vi rút, chẳng hạn như thủy đậu và cúm, cũng có nguy cơ mắc hội chứng Reye. Tuy nhiên, đây là một tình trạng hiếm gặp ở trẻ em, chỉ ảnh hưởng tới 1% trẻ dưới 18 tuổi. Ngoài ra, những phụ nữ đang bị chảy máu sản khoa, hoặc có các yếu tố nguy cơ gây chảy máu sản khoa có thể quyết định tiếp tục sử dụng aspirin liều thấp tùy vào từng trường hợp cụ thể.
4. Thời điểm thích hợp để sử dụng aspirin khi mang thai
Hầu hết các thử nghiệm lâm sàng khuyến cáo rằng, phụ nữ mang thai có thể bắt đầu sử dụng aspirin liều thấp từ 12 – 28 tuần tuổi thai để ngăn ngừa sảy thai sớm. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, hiệu quả ngăn ngừa sẽ đạt được tối đa khi phụ nữ mang thai bắt đầu sử dụng trước tuần thứ 16 của thai kỳ. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu cũng phát hiện rằng, sử dụng aspirin liều thấp sau tuần thai thứ 16 có thể làm giảm đáng kể được tiền sản giật nặng và những hạn chế tăng trưởng ở thai nhi.
Việc sử dụng aspirin liều thấp có thể được ngừng lại khi thai nhi được 36 tuần tuổi, hoặc được sử dụng tiếp cho tới khi sinh nở. Một số phụ nữ sử dụng aspirin liều thấp trong kỳ tam cá nguyệt đầu tiên cần được chăm sóc và theo dõi chặt chẽ, vì việc phơi nhiễm trong giai đoạn này có thể ảnh hưởng xấu tới thai nhi và sức khỏe của người mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: acog.org, healthline.com, mayoclinic.org