Công dụng thuốc Metdia

Thuốc Metdia thuộc nhóm thuốc hormon, nội tiết tố, được chỉ định điều trị đái tháo đường type 2. Vậy thuốc Metdia sử dụng như thế nào? Tìm hiểu bài viết dưới đây để có những thông tin cần thiết về tác dụng và lưu ý khi sử dụng thuốc Metdia.

1. Thuốc Metdia là thuốc gì?

Metdia có chứa thành phần Metformin hydroclorid hàm lượng 850mg và các tá dược vừa đủ do nhà sản xuất cung cấp. Thuốc bào chế ở dạng viên nén bao phim, quy cách đóng gói hộp 1 vỉ, 10 vỉ, 20 vỉ, 50 vỉ, mỗi vỉ có 10 viên.

2. Thuốc Metdia có tác dụng gì?

Thuốc Metdia được chỉ định điều trị trong các trường hợp dưới đây:

  • Đái tháo đường type 2, đặc biệt ở bệnh nhân quá cân khi chế độ ăn và tập thể dục đơn thuần không đạt hiệu quả trong việc kiểm soát chỉ số đường huyết.
  • Ở người lớn: dùng thuốc đơn trị liệu hay kết hợp thuốc trị đái tháo đường đường uống khác hoặc Insulin.
  • Ở trẻ em từ 10 tuổi và thanh thiếu niên: Dùng thuốc đơn trị liệu hay kết hợp với Insulin.

Bên cạnh đó, thuốc Metdia chống chỉ định trong các trường hợp như sau:

  • Dị ứng với hoạt chất Metformin hydrochloride hay các tá dược khác có trong thành phần của thuốc.
  • Bệnh nhân mắc các tình trạng bệnh lý như nhiễm toan ceton, tiền hôn mê đái tháo đường, suy thận, nhiễm trùng nặng, mất nước sốc, suy gan, nhiễm độc rượu cấp tính, nghiện rượu, phẫu thuật lớn theo chương trình, bệnh gây giảm oxy mô (suy tim, vừa bị nhồi máu cơ tim, suy hô hấp, sốc).
  • Bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm X quang liên quan sử dụng chất cản quang chứa iod.
  • Thời kỳ cho con bú, thai kỳ.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Metdia

Thuốc Metdia được bào chế ở dạng viên nén bao phim, dùng bằng đường uống. Thuốc nên được uống cùng với thức ăn, trong hoặc sau bữa ăn.

Liều dùng khuyến cáo của thuốc Metdia:

  • Dùng với liều khởi đầu 1 viên hàm lượng 500mg, dùng 2 lần mỗi ngày. Liều dùng tối đa cho bệnh nhân là 4 viên/ngày.
  • Dùng với liều khởi đầu 1 viên hàm lượng 850mg, dùng tối đa 3 viên mỗi ngày.
  • Liều dùng duy trì cho bệnh nhân: Với liều 500mg hoặc 850mg, dùng 2 – 3 lần/ngày.

Liều dùng này chỉ mang tính tham khảo, tùy vào tình trạng bệnh để bác sĩ chỉ định liều dùng phù hợp với mỗi bệnh nhân.

4. Tác dụng phụ của thuốc Metdia

Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà thuốc Metdia đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp. Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tránh xảy ra các tác dụng không mong muốn. Thuốc Metdia có tác dụng phụ thường nhẹ và thoáng qua. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc như sau:

  • Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chướng bụng, đau bụng. Tác dụng phụ này có thể giảm đáng kể nếu dùng thuốc Metdia sau bữa ăn và tăng liều dần.
  • Tăng acid lactic có thể gây nhiễm toan máu, miệng có mùi kim loại, buồn nôn.
  • Thiếu Vitamin B12 do dùng thuốc kéo dài ảnh hưởng lên sự hấp thu vitamin này ở ruột non.
  • Dùng kéo dài có thể gây chán ăn, đắng miệng, sụt cân.

Thông báo cho bác sĩ những tác dụng phụ xảy ra trong quá trình dùng thuốc để được tư vấn và hướng dẫn cách xử lý phù hợp. Khi tình trạng các tác dụng phụ trở nên trầm trọng hơn, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp hỗ trợ kịp thời.

5. Tương tác thuốc Metdia

Báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng như thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, thảo dược...để hạn chế tương tác có thể xảy ra khi dùng kết hợp các thuốc trong quá trình điều trị.

Một số tương tác xảy ra khi dùng thuốc Metdia như sau:

  • Không dùng kết hợp thuốc Metdia với các chất cản quang chứa iod, rượu và các chế phẩm chứa cồn.
  • Thận trọng khi dùng phối hợp với các thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc Glucocorticoids, thuốc ACEI.

6. Một số lưu ý khi dùng thuốc Metdia

Dưới đây là một số lưu ý khi dùng thuốc Metdia giúp đạt hiệu quả của thuốc cũng như giảm nguy cơ gặp phải tác dụng phụ:

  • Thận trọng khi dùng thuốc Metdia cho các đối tượng như người bệnh bị suy thận, suy gan, người lớn tuổi, trẻ em dưới 10 tuổi.
  • Người bệnh nên ngưng dùng thuốc khi có triệu chứng của giảm oxy máu, các bệnh lý tim cấp tính, tình trạng mất nước hay nhiễm khuẩn.
  • Để hạn chế nguy cơ nhiễm acid lactic, người bệnh cần đánh giá độ thanh thải creatinin trước khi bắt đầu điều trị và thường xuyên sau đó, ngưng thuốc Metdia 48 giờ trước khi thực hiện chụp X quang hay phẫu thuật theo chương trình, gây tê ngoài màng cứng hoặc tủy sống, chỉ dùng thuốc này sau khi chức năng thận của bệnh nhân đã được trở lại bình thường.
  • Nguy cơ hạ đường huyết với các triệu chứng như vã mồ hôi, tái nhợt, run tay chân, mệt có thể xảy ra cho bệnh nhân khi dùng kết hợp thuốc Metdia và Insulin hay thuốc trị đái tháo đường dạng uống khác (như Sulfonylurea, Meglitinide), vì vậy, người bệnh dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ không tự ý tăng giảm liều thuốc.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Metdia. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Metdia theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

90 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan