Công dụng thuốc Mannitol là gì?

Thuốc Mannitol thường được chỉ định trong điều trị suy thận cấp cùng các bệnh lý về thận thường gặp khác. Việc tham khảo thông tin về liều dùng, cách sử dụng thuốc là điều cần thiết, giúp bệnh nhân nhận được hiệu quả điều trị tốt nhất.

1. Thuốc Mannitol là gì?

Thuốc Manitol có chứa hoạt chất chính là Mannitol, vốn là đồng phân của sorbitol. Do đây là thuốc được sử dụng để tiêm qua đường tĩnh mạch nên ngay sau khi thực hiện thuốc sẽ phân bố vào khoang gian bào để giảm áp lực nội sọ ngắn hạn, giảm áp lực nhãn cầu. Điều này sẽ làm tăng độ thẩm thấu của huyết tương và dịch trong ống thận nhằm thúc đẩy lưu lượng máu tại thận và lợi niệu.

Khả năng lợi niệu của Mannitol phát sinh sau khi truyền từ 1 – 3 giờ. Riêng tác dụng giảm áp lực nội sọ ngắn hạn và giảm áp lực nhãn cầu sẽ xuất hiện sớm với chỉ sau 15 phút bắt đầu tiêm.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Mannitol

2.1. Chỉ định dùng thuốc Mannitol

  • Sử dụng thuốc trong điều trị dự phòng suy hoặc hoại tử thận cấp khi bệnh nhân bị hạ huyết áp.
  • Bệnh nhân mắc thiểu niệu hoặc vô niệu sau khi tiến hành phẫu thuật.
  • Sử dụng để gây lợi tiểu ép buộc, giúp tăng cường đào thải qua thận các chất độc khi cơ thể rơi vào trạng thái nhiễm độc.
  • Mannitol phù hợp trong điều trị trong phù nãotăng áp lực nội sọ.
  • Sử dụng để test chức năng thận hoặc một số chỉ định khác tùy theo tình trạng của người bệnh.

2.2. Chống chỉ định thuốc Mannitol

  • Không dùng thuốc Mannitol cho những bệnh nhân mẫn cảm với bất cứ thành phần nào có trong dịch truyền.
  • Người đang mất nước hay mắc các bệnh lý về tim mạch mức độ nặng như suy tim sung huyết.
  • Bệnh nhân bị phù do nguyên nhân chuyển hóa bị rối loạn có kèm theo tình trạng mao mạch kém bền dễ vỡ.
  • Người bị chảy máu nội sọ sau khi chấn thương sọ não (trừ trường hợp mở hộp sọ trong phẫu thuật).
  • Bệnh nhân suy thận mức độ nặng sử dụng tùy theo chỉ định của bác sĩ.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Mannitol

3.1. Liều dùng thuốc Mannitol

Dưới đây là liều dùng thuốc Mannitol tham khảo dành cho người lớn. Với trẻ nhỏ, liều dùng tuân thủ theo chỉ định từ phía bác sĩ.

Bệnh nhân mắc thiểu niệu:

  • Thử nghiệm chức năng thận trước khi bắt đầu điều trị: Sử dụng thuốc với liều 0,2g/ kg để tiêm tĩnh mạch trong từ 3 - 5 phút dẫn đến lưu lượng nước tiểu ít nhất 30 đến 50mL/giờ. Trường hợp lưu lượng nước tiểu không tăng có thể dùng thêm liều thử nghiệm thứ 2. Trong trường hợp không thấy đáp ứng sau liều thử nghiệm thứ hai, bệnh nhân cần được thăm khám và đánh giá lại.
  • Liều điều trị: Sử dụng thuốc với liều từ 300 - 400mg/ kg (21 - 28g cho bệnh nhân 70kg) hoặc tối đa là 100 g dung dịch tiêm tĩnh mạch 15% - 20% tiêm tĩnh mạch một lần. Lưu ý không nên lặp lại liều điều trị ở bệnh nhân thiểu niệu kéo dài.
  • Liều phòng ngừa dùng trong quá trình tim mạch và các loại phẫu thuật khác: Sử dụng khoảng 50 - 100g Mannitol tiêm tĩnh mạch. thường sử dụng dung dịch 5, 10 hoặc 20% tùy theo yêu cầu chất lỏng trong từng trường hợp bệnh nhân.

Bệnh nhân bị phù não:

  • Sử dụng với liều 0,25 - 2g/ kg dưới dạng dung dịch tiêm tĩnh mạch 15 - 20% trong ít nhất 30 phút, lưu ý cần dùng không thường xuyên hơn sau mỗi 6 - 8 giờ.
  • Để giảm áp lực nội sọ, cần đảm bảo yếu tố độ thẩm thấu giữa máu và dịch não tủy phải duy trì khoảng 20 mOsmol.

3.2. Cách dùng thuốc Mannitol

Mannitol được truyền dưới dạng tĩnh mạch với quá trình thực hiện diễn ra từ từ.

Trước khi truyền vào cơ thể, dung dịch cần đảm bảo có nhiệt độ bằng với nhiệt độ cơ thể hoặc nhiệt độ phòng.

Sau khi mở nắp, thuốc lợi tiểu Mannitol nên được sử dụng để truyền ngay, không để lâu vì có thể bị nhiễm khuẩn.

4. Tác dụng phụ thuốc Mannitol

  • Tác dụng phụ thường gặp: Thuốc Mannitol có thể dẫn đến tình trạng tăng thể tích dịch ngoại bào, tuần hoàn bị quá tải nếu dùng liều cao. Người bệnh có một số dấu hiệu điển hình như buồn nôn và nôn, khát nước, tiêu chảy, rối loạn cân bằng nước và acid base,...
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Một số trường hợp có thể bị phù và hoại tử da nếu thuốc ra ngoài mạch. Nếu dùng liều cao đôi khi khiến tim đập nhanh, suy thận cấp, thận hư từng ổ,... Bệnh nhân cũng có thể bị dị ứng như nổi ban đỏ, xuất hiện mề đay, chóng mặt, sốc phản vệ,...

5. Tương tác thuốc

Với những bệnh nhân đang điều trị bằng Lithi cần theo dõi đáp ứng thuốc khi truyền Mannitol.

Trong trường hợp sử dụng Mannitol chung với một số thuốc khác, nếu có các biểu hiện lạ nghi ngờ do tương tác thuốc, bệnh nhân cần phải ngừng thuốc và báo ngay với bác sĩ điều trị. Điều này giúp tình trạng của bệnh nhân được xử lý kịp thời, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng.

6. Một số lưu ý khi dùng thuốc Mannitol

Việc tiêm truyền thuốc Mannitol vào cơ thể phải được thực hiện bởi nhân viên y tế và đảm bảo bệnh nhân không bị mất nước trước khi thực hiện.

Bệnh nhân cần được theo dõi lượng nước tiểu để tránh nguy cơ ngộ độc nước do lượng dịch truyền đi vào cơ thể nhiều hơn lượng nước tiểu thải trừ ra ngoài.

Nếu nhận thấy chai dịch truyền có dấu hiệu bất thường như biến màu hay có vẩn đục thì không được sử dụng.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Mannitol, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Mannitol là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan