Công dụng thuốc Kupfloxanal

Thuốc Kupfloxanal là kháng sinh được chỉ định trong điều trị tình trạng nhiễm khuẩn, bao gồm nhiễm khuẩn đường tiết niệu sinh dục, nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm trùng máu, da và mô mềm... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Kupfloxanal qua bài viết dưới đây.

1. Kupfloxanal là thuốc gì?

Kupfloxanal bào chế dưới dạng viên nén bao phim chứa hoạt chất Ofloxacin 200mg. Kupfloxanal công dụng điều trị nhiễm khuẩn được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu – sinh dục: Viêm tuyến tiền liệt, viêm bể thận, viêm bàng quang, nhiễm khuẩn do phẫu thuật, viêm mào tinh;
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan;
  • Nhiễm khuẩn máu, xương khớp, nhiễm khuẩn da và mô mềm.

2. Cơ chế tác dụng của thuốc Kupfloxanal

Hoạt chất Ofloxacin là kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolon, phổ kháng khuẩn rộng bao gồm Pseudomonas Aeruginosa, Neisseria spp., Haemophilus Influenza, Streptococcus Pneumoniae, Staphulococcus. Phổ tác dụng của Ofloxacin rộng và mạnh hơn Ciprofloxacin trên các chủng vi khuẩn như Ureaplasma, Chlamydia trachomatis, Mycoplasma pneumoniae, Mycobacterium spp., Mycobacterium leprae...

Ofloxacin là kháng sinh diệt khuẩn tác dụng theo cơ chế ức chế DNA – gyrase (enzyme cần thiết trong quá trình phiên mã, nhân đôi và sửa đổi DNA vi khuẩn).

3. Liều dùng của thuốc Kupfloxanal

Kupfloxanal thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy liều thuốc sử dụng cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào tình trạng người bệnh. Liều thuốc Kupfloxanal khuyến cáo ở người trưởng thành như sau:

  • Liều dùng khuyến cáo trong các nhiễm khuẩn là 200 – 400mg/lần x 2 lần/ngày, thời gian điều trị từ 7 – 14 ngày phụ thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn;
  • Người bệnh suy thận cần được hiệu chỉnh liều thuốc thích hợp: Cụ thể người bệnh suy thận có độ thanh thải creatinin từ 20 – 25ml/phút giảm một nửa liều thuốc so với người bình thường, người bệnh suy thận có độ thanh thải creatinin nhỏ hơn 20ml/phút giảm một nửa liều thuốc bằng cách kéo dài thời gian dùng thuốc.

Thuốc Kupfloxanal là kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng, vì vậy người bệnh cần sử dụng liều thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không tự ý ngưng sử dụng thuốc hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc vì sẽ làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh.

4. Tác dụng phụ của thuốc Kupfloxanal

Thuốc Kupfloxanal có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Trên đường tiêu hóa: Tiêu chảy, nôn, buồn nôn, đau bụng;
  • Trên da: Phản ứng nhạy cảm với ánh sáng, ngứa, phát ban, viêm mạch máu, mẩn đỏ da;
  • Trên hệ thần kinh trung ương: Giảm trí nhớ, chóng mặt, co giật, run rẩy, tăng kích thích, dị cảm, cảm giác lâng lâng;
  • Trên thận: Suy thận cấp thứ phát sau viêm thận mô kẽ;
  • Trên các cơ quan khác: Tăng bạch cầu ưa acid, nhìn mờ, đau cơ, giảm bạch cầu đa nhân trung tính, giảm tiểu cầu, chứng vú to.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng thuốc Kupfloxanal.

5. Chống chỉ định của thuốc Kupfloxanal

  • Người bệnh quá mẫn với Ofloxacin, kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolon hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc Kupfloxanal.
  • Trẻ em, thanh thiếu niên đang ở tuổi dậy thì.
  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Kupfloxanal

  • Cần cân nhắc và xem xét giữa lợi ích và nguy cơ tiềm tàng khi điều trị bằng Ofloxacin ở người bệnh có bệnh lý về thần kinh trung ương (kể cả động kinh, xơ cứng động mạch não).
  • Đã có báo cáo về phản ứng nhạy cảm với ánh sáng ở một số người bệnh đang điều trị bằng Fluoroquinolone. Vì vậy người bệnh trong thời gian điều trị bằng thuốc Kupfloxanal cần hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Trường hợp xảy ra phản ứng nhạy cảm với ánh sáng cần ngưng sử dụng Kupfloxanal.
  • Ofloxacin nói riêng và các kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolon nói chung có thể gây triệu chứng bồn chồn, run rẩy, lú lẫn và ảo giác... Trường hợp xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để có biện pháp xử trí kịp thời.
  • Ngưng sử dụng thuốc khi có dấu hiệu đau gân.
  • Người bệnh có tình trạng mẫn cảm với một trong những kháng sinh nhóm Fluoroquinolon sẽ có nguy cơ cao mẫn cảm với Ofloxacin.
  • Các nghiên cứu khoa học cho thấy không có biến chứng đặc hiệu khi sử dụng Kupfloxanal ở người cao tuổi. Tuy nhiên người cao tuổi thường có chức năng gan, thận suy giảm nên phải điều chỉnh liều thuốc Kupfloxanal.
  • Trường hợp người bệnh không cải thiện được triệu chứng nhanh hoặc phải điều trị bằng Ofloxacin trong thời gian dài, người bệnh cần được theo dõi và kiểm tra độ nhạy của vi khuẩn gây bệnh đối với kháng sinh, phát hiện chủng vi khuẩn nào đề kháng thuốc để có biện pháp điều trị phù hợp.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: Ofloxacin qua được hàng rào nhau thai và gây hại cho thai nhi. Vì vậy chống chỉ định sử dụng thuốc Kupfloxanal trên các đối tượng này.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Ofloxacin bài tiết được vào sữa mẹ gây tổn thương sụn khớp ở trẻ bú mẹ. Vì vậy chống chỉ định sử dụng thuốc Kupfloxanal ở phụ nữ đang cho con bú.
  • Bảo quản thuốc Kupfloxanal ở nhiệt độ dưới 25oC, tránh nơi có độ ẩm cao hoặc nơi có ánh nắng mặt trời trực tiếp.

7. Tương tác thuốc

Ofloxacin có thể tương tác với Warfarin, Theophylline, thuốc kháng viêm không steroid (Paracetamol, Aspirin, Diclofenac).

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của Kufloxanal, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Kufloxanal.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Kupfloxanal, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Kupfloxanal là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

991 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan