Công dụng thuốc Intafenac

Thuốc Intafenac được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Aceclofenac. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh thấp khớp, giảm đau trong chấn thương và phẫu thuật.

1. Công dụng của thuốc Intafenac

1 viên thuốc Intafenac có chứa 100mg Aceclofenac và các tá dược. Aceclofenac là thuốc giảm đau, hạ sốt và kháng viêm không steroid, thuộc nhóm dẫn xuất phenylacetic. Aceclofenac có tác dụng giảm đau, kháng viêm trong các trường hợp viêm khớp dạng thấp, viêm khớp mạn tính, viêm cứng khớp đốt sống.

Aceclofenac hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Thức ăn sẽ làm chậm thời gian hấp thu thuốc. Thuốc Aceclofenac liên kết mạnh với protein huyết tương, sinh khả dụng của thuốc qua đường uống khoảng 50%. Thuốc Aceclofenac được thải trừ qua đường nước tiểu.

Chỉ định sử dụng thuốc Intafenac:

  • Điều trị bệnh thấp khớp;
  • Giảm đau do chấn thương, phẫu thuật.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Intafenac:

  • Người bị quá mẫn với Aceclofenac hoặc thành phần khác của thuốc;
  • Bệnh nhân đang sử dụng các thuốc như Aspirin, thuốc kháng viêm không steroid khác, người bệnh hen suyễn, đau thắt ngực, viêm mũi, viêm đường tiết niệu nặng hoặc quá mẫn cảm với các thuốc này;
  • Người bệnh nghi ngờ có tiền sử viêm loét hệ tiêu hóa hoặc tá tràng, bị chảy máu dạ dày hoặc rối loạn chảy máu;
  • Người bệnh suy gan nặng, suy tim nặng;
  • Bệnh nhân suy thận mức độ vừa và nặng;
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bú, trẻ nhỏ.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Intafenac

Cách dùng: Đường uống. Thuốc Intafenac có thể uống cùng với thức ăn, nên uống với nhiều nước.

Liều dùng:

  • Người lớn: Dùng liều tối đa 200mg/ngày, chia 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, mỗi lần 100mg;
  • Người cao tuổi: Không cần thiết phải điều chỉnh liều dùng thuốc nhưng cần thận trọng khi dùng thuốc;
  • Trẻ em: Chưa đánh giá được tính an toàn và hiệu quả của thuốc Intafenac ở trẻ em;
  • Bệnh nhân suy gan: Nên giảm liều dùng thuốc Intafenac ở người bệnh suy gan nhẹ và vừa. Liều khởi đầu tối đa là 100mg/ngày;
  • Bệnh nhân suy thận: Không dùng thuốc Intafenac ở người bệnh suy thận vừa và nặng.

Quá liều: Hiện chưa có bằng chứng về việc dùng thuốc Intafenac quá liều. Các triệu chứng quá liều thường gồm buồn nôn, nôn ói, đau bụng, buồn ngủ, hoa mắt và đau đầu. Nếu xảy ra các triệu chứng quá liều, bệnh nhân nên được điều trị bằng biện pháp thích hợp như rửa ruột, sử dụng than hoạt tính và dùng antacid nếu cần.

3. Tác dụng phụ của thuốc Intafenac

Khi sử dụng thuốc Intafenac, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy, tăng enzyme gan;
  • Ít gặp: Đầy hơi, hoa mắt, táo bón, viêm dạ dày, nôn ói, viêm loét dạ dày, ngứa da, viêm da, mẩn ngứa, tăng ure, tăng creatinin huyết thanh;
  • Hiếm gặp: Đau đầu, phù mặt, mệt mỏi, tăng cân, phản ứng dị ứng, thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, tim đập nhanh, phù nề, chuột rút, cảm giác khác thường, rùng mình, ban xuất huyết, viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày, viêm gan, viêm thận kẽ, viêm miệng, eczema, tăng kali huyết, tăng phosphatase kiềm, mất ngủ, suy sụp, nhãn áp không bình thường,...

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Intafenac, người bệnh nên ngưng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn về cách ứng phó, xử trí thích hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Intafenac

Trước và trong khi dùng thuốc Intafenac, người bệnh nên lưu ý:

  • Nên thận trọng khi sử dụng Aceclofenac ở bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu hoặc các loại thuốc khác có nguy cơ gây giảm lưu lượng máu;
  • Nên thận trọng khi dùng thuốc Intafenac ở người già, vì thường đối tượng này sẽ gặp nhiều phản ứng phụ hơn;
  • Nguy cơ chảy máu dạ dày hoặc thủng dạ dày có thể xảy ra với mức độ nghiêm trọng mà không gây triệu chứng trước và trong suốt thời gian dùng thuốc Intafenac;
  • Nên kiểm tra chức năng gan, thận và số lượng hồng cầu ở người bệnh điều trị dài ngày với các thuốc kháng viêm không steroid, trong đó có Intafenac;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Intafenac ở người lái xe hoặc vận hành máy móc do thuốc này có thể gây tác dụng phụ là đau đầu, mệt mỏi;
  • Hiện chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của thuốc Intafenac ở phụ nữ mang thai và cho con bú. Vì vậy, không nên dùng thuốc trong suốt thai kỳ. Với bà mẹ đang cho con bú không nên dùng thuốc, nếu dùng thuốc thì phải ngừng cho con bú.

5. Tương tác thuốc Intafenac

Tương tác thuốc có thể làm gia tăng tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị của thuốc. Một số tương tác thuốc của Intafenac gồm:

  • Không kết hợp Aceclofenac (thành phần chính của thuốc Intafenac) với aspirin hay các thuốc kháng viêm không steroid khác, vì có thể làm tăng nguy cơ gây tổn thương nghiêm trọng cho dạ dày - ruột;
  • Tăng nguy cơ chảy máu dạ dày và viêm loét có liên quan tới các thuốc kháng viêm không steroid (bao gồm cả Intafenac) khi dùng kết hợp với các thuốc corticosteroid, bisphosphonate, thuốc chống tập kết tiểu cầu clopidogrel và ticlopidin, pentoxifylline và cồn;
  • Các thuốc kháng viêm không steroid làm tăng ảnh hưởng của các thuốc chống đông đường uống (đặc biệt là phenylbutazon và azapropazon), tăng nguy cơ gây xuất huyết nặng;
  • Intafenac và các thuốc chống viêm không steroid khác có thể làm tăng tác dụng phụ lên hệ thần kinh trung ương của các kháng sinh nhóm quinolon, có thể dẫn tới co giật;
  • Diflunisal làm giảm độ thanh lọc Aceclofenac, làm tăng nồng độ của thuốc trong huyết tương và có thể dẫn tới chảy máu nặng ở đường tiêu hóa;
  • Aceclofenac có thể làm tăng nồng độ của Lithi trong huyết thanh tới mức gây độc. Nếu bắt buộc phải sử dụng đồng thời thì nên theo dõi người bệnh cẩn thận nhằm phát hiện kịp thời dấu hiệu ngộ độc Lithi. Đồng thời, cần theo dõi nồng độ Lithi trong máu thường xuyên;
  • Aceclofenac có thể làm tăng nồng độ digoxin trong huyết thanh, kéo dài thời gian bán thải của digoxin. Nên định lượng nồng độ digoxin trong máu, giảm liều digoxin nếu sử dụng đồng thời 2 loại thuốc này;
  • Aceclofenac ức chế thải trừ methotrexat ở ống thận, dẫn tới làm tăng độc tính của methotrexat;
  • Khi dùng đồng thời với Aceclofenac, hiệu quả của một số thuốc điều trị tăng huyết áp như thuốc chẹn beta, thuốc ức chế ACE, thuốc lợi tiểu,... bị suy giảm. Nguy cơ độc tính thận có thể tăng lên khi dùng kết hợp Aceclofenac với các thuốc ức chế ACE, tacrolimus, cyclosporin hoặc các thuốc lợi tiểu;
  • Tăng nguy cơ gây độc tính huyết khi dùng kết hợp zidovudin với các thuốc kháng viêm không steroid;
  • Ritonavir có thể làm tăng nồng độ của các thuốc kháng viêm không steroid trong huyết tương.

Khi sử dụng thuốc Intafenac, để tránh nguy cơ tương tác thuốc dẫn tới hậu quả khó lường, người bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ về danh sách các thuốc mình đang dùng, các bệnh mình đã/đang mắc phải. Đồng thời, bệnh nhân nên tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ trong quá trình dùng thuốc, không nên tự ý thay đổi liều dùng, cách dùng, thời gian dùng,... để tránh các phản ứng bất lợi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

32 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan