Công dụng thuốc Illixime

Thuốc Illixime được bác sĩ chỉ định điều trị các tình trạng nhiễm trùng tai gây ra do vi khuẩn, chẳng hạn như viêm tai ngoài, viêm tai giữa mãn tính có mủ hoặc viêm tai giữa cấp tính. Trong quá trình sử dụng thuốc Illixime, bệnh nhân nên thực hiện đúng kế hoạch điều trị của bác sĩ để sớm khỏi bệnh.

1. Illixime là thuốc gì?

Illixime là thuốc gì? Thuốc Illixime thuộc nhóm thuốc điều trị mắt, tai mũi họng; được sản xuất bởi Hanlim Pharm Co., Ltd – Hàn Quốc. Thuốc Illixime thường được bác sĩ ưu tiên sử dụng cho các trường hợp nhiễm trùng tai gây ra bởi vi khuẩn và dự phòng nguy cơ nhiễm khuẩn hoặc nhiễm trùng hậu phẫu thuật.

Hiện nay, thuốc Illixime được bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ tai màu vàng nhạt hoặc vàng chanh và đóng gói theo quy cách hộp 1 lọ 5ml. Trong mỗi lọ thuốc nhỏ tai Illixime có chứa thành phần chính là Ofloxacin với hàm lượng 15mg cùng các tá dược khác vừa đủ.

2. Thuốc Illixime có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của thuốc Illixime

Hoạt chất Ofloxacin trong thuốc nhỏ tai Illixime được biết đến với hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng, có thể chống lại vi khuẩn Gram dương và cả Gram âm. Cơ chế kháng khuẩn chính của hoạt chất này là ức chế ADN gyrase – một loại enzyme có vai trò thiết yếu đối với sự nhân bản, sao chép, sửa chữa cũng như tái kết hợp ADN của vi khuẩn. Khi enzyme này bị ức chế sẽ khiến ADN của vi khuẩn trở nên bất ổn và dẫn đến chết tế bào.

Hiện nay, một số nghiên cứu đã báo cáo xảy ra tính kháng chéo giữa hoạt chất Ofloxacin với các Fluoroquinolone khác. Tuy nhiên, Ofloxacin lại không kháng chéo với các nhóm kháng sinh dòng beta-lactam hoặc Aminoglycoside.

Theo các chuyên gia, hoạt chất Ofloxacin trong thuốc nhỏ tai Illixime có hoạt tính kháng sinh đối với những loài vi khuẩn sau:

  • Vi khuẩn Gram dương hiếu khí như Streptococcus pneumoniae hoặc Staphylococcus aureus.
  • Vi khuẩn Gram âm hiếu khí như Haemophilus influenzae, Escherichia coli, Moraxella catarrhalis, Pseudomonas aeruginosa và Proteus mirabilis.

2.2 Chỉ định sử dụng thuốc Illixime

Hiện nay, thuốc Illixime thường được bác sĩ chỉ định sử dụng để điều trị cho các tình trạng dưới đây:

  • Điều trị tình trạng viêm tai ngoài cho trẻ em > 6 tháng tuổi và người lớn bị nhiễm Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli và Staphylococcus aureus.
  • Điều trị tình trạng viêm tai giữa mãn tính kèm mủ xảy ra do các chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa và Proteus mirabilis cho trẻ em > 12 tuổi bị thủng màng nhĩ.
  • Điều trị tình trạng viêm tai giữa cấp tính do các chủng Moraxella catarrhalis, Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae và Staphylococcus aureus cho bệnh nhân > 1 tuổi đang được đặt ống thông tai.

2.3 Chống chỉ định sử dụng thuốc Illixime

Không sử dụng thuốc Illixime cho các trường hợp dưới đây khi chưa được bác sĩ chuyên khoa chỉ định:

  • Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn hoặc dị ứng với Ofloxacin hay bất kỳ thành phần hoạt chất nào khác trong thuốc.
  • Bệnh nhân bị thủng màng nhĩ, chấn thương tai nặng hoặc nóng rát tai không xảy ra bởi vi khuẩn.
  • Chống chỉ định thuốc nhỏ tai Illixime cho trẻ dưới 1 tuổi.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Illixime

3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Illixime

Dưới đây là liều dùng thuốc nhỏ tai Illixime theo khuyến cáo của bác sĩ:

Điều trị tình trạng viêm tai ngoài:

  • Liều cho trẻ từ 6 tháng – 13 tuổi: Ngày nhỏ 5 giọt (tương đương 0,75mg Ofloxacin) vào bên tai bị nhiễm khuẩn và dùng thuốc trong vòng 1 tuần.
  • Liều cho trẻ > 13 tuổi: Ngày nhỏ 10 giọt (tương đương 1,5mg Ofloxacin) vào bên tai bị nhiễm khuẩn và dùng thuốc trong vòng 1 tuần.

Điều trị viêm tai giữa mãn tính kèm mủ: Liều cho bệnh nhân trên 12 tuổi: Nhỏ 10 giọt / lần x 2 lần / ngày và dùng thuốc trong vòng 2 tuần.

Điều trị viêm tai giữa cấp tính: Liều cho bệnh nhi từ 1 – 12 tuổi: Nhỏ 5 giọt / lần x 2 lần / ngày vào bên tai bị nhiễm khuẩn và dùng thuốc trong vòng 10 ngày.

3.2 Hướng dẫn sử dụng hiệu quả và đúng cách thuốc Illixime

Trước khi sử dụng thuốc Illixime, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ. Dưới đây là các bước giúp bạn nhỏ thuốc Illixime đúng và hiệu quả:

  • Bệnh nhân nằm trên giường với tư thế nghiêng đầu sang một bên.
  • Nhẹ nhàng kéo vành tai, sau đó đưa đầu lọ thuốc Illixime vào bên trọng, bóp nhẹ để thuốc nhỏ từng giọt theo đúng liều quy định.
  • Bệnh nhân nên nằm giữ nguyên tư thế trong 2 – 3 phút để dung dịch thuốc ngấm đều và không bị chảy ra bên ngoài.
  • Bệnh nhân nên làm ấm lọ thuốc Illixime bằng tay, tránh nhỏ thuốc quá lạnh vào tai, vì điều này có thể gây kích ứng.
  • Trong trường hợp cảm thấy ù tai sau khi nhỏ dung dịch thuốc Illixime, bệnh nhân có thể sử dụng tăm bông để thấm hút bớt lượng thuốc.
  • Tuyệt đối không dùng thuốc Illixime để nhỏ mắt.

3.3 Cách xử lý quên liều hoặc quá liều thuốc Illixime

Trong trường hợp trót quên liều thuốc nhỏ tai Illixime, bệnh nhân nên dùng ngay liều thay thế vào thời điểm sớm nhất. Tuy nhiên, cần tránh nhỏ quá nhiều, vì dễ gây quá liều thuốc.

Nếu nhận thấy các phản ứng như mẩn ngứa hoặc ngứa tai sau khi sử dụng quá liều thuốc Illixime, bệnh nhân hãy nhanh chóng báo cho bác sĩ để có biện pháp xử trí.

4. Các tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra khi sử dụng thuốc Illixime

Trong quá trình điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn tai bằng thuốc Illixime, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý sau đây:

  • Thường gặp: Mẫn cảm, phát ban da, choáng nhẹ, châm chích và ngứa tai.
  • Ít gặp: Kháng thuốc, nhiễm nấm, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, kích động, chóng mặt, mệt mỏi, đau nhức đầu, viêm mũi họng, ho, kích ứng mắt, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng, phát ban và ngứa.
  • Hiếm gặp: Phù mạch, phản ứng phản vệ, chán ăn, lo âu, rối loạn tâm thần, trầm cảm, gặp ác mộng, rối loạn vị giác, dị cảm, buồn ngủ, rối loạn tầm nhìn, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, co thắt phế quản, khó thở, xuất huyết tiêu hoá, viêm ruột, nổi mày đay, tăng bilirubin máu, tăng enzyme gan, viêm gân hoặc tăng creatinin trong huyết thanh.
  • Rất hiếm gặp: Thiếu máu, giảm bạch cầu, thiếu máu tán huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn thần kinh vận động, rối loạn thần kinh ngoại biên, co giật, giảm thính lực, ù tai, vàng da, viêm đại tràng giả mạc, hoại tử thượng bì do nhiễm độc, hồng ban đa dạng, hồng ban nhiễm sắc, nhạy cảm với ánh sáng, viêm mạch, ban xuất huyết, đau khớp, đau cơ, đứt gân (xảy ra trong vòng 48 giờ kể từ khi bắt đầu nhỏ thuốc) hoặc suy thận cấp.
  • Chưa rõ tần suất: Rối loạn nhịp thất, mất khả năng nghe, mất vị giác, rối loạn vận động, suy tuỷ xương, hạ đường huyết, đầy hơi, táo bón, viêm thận kẽ cấp, tổn thương gan,...

Khi xuất hiện bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình sử dụng thuốc Illixime, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ trong thời gian sớm nhất có thể để được chữa trị. Một số tác dụng bất lợi có thể biến mất hoặc diễn tiến nghiêm trọng khi không được khắc phục sớm.

5. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ tai Illixime

5.1 Cần thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Illixime?

Bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau đây trong quá trình sử dụng thuốc nhỏ tai Illixime:

  • Chỉ sử dụng thuốc Illixime để điều trị tại chỗ ở tai, không dùng đường tiêm hoặc nhỏ mắt.
  • Có nguy cơ xảy ra phản ứng quá mẫn nghiêm trọng, thận chí tử vong do phản vệ tĩnh mạch ngay sau khi dùng liều đầu tiên ở những bệnh nhân đang sử dụng dùng Quinolone toàn thân.
  • Khi xảy ra các tình trạng như dị ứng kèm mất ý thức, sốc, phù mạch, nổi mày đay, ngứa, khó thở hoặc tắc nghẽn đường thở, bệnh nhân cần ngưng sử dụng Illixime ngay và báo cho bác sĩ để được điều trị. Phản ứng phản vệ nặng có thể được xử trí bằng phương pháp quản lý đường thở, cung cấp oxy và đặt nội khí quản.
  • Tương tự như các loại thuốc kháng khuẩn, việc dùng thuốc nhỏ tai Illixime trong thời gian dài có thể dẫn đến sự phát triển của các chủng vi khuẩn không nhạy cảm, bao gồm cả nấm. Nếu tình trạng bội nhiễm xảy ra, bệnh nhân nên ngừng thuốc và dùng thuốc thay thế theo chỉ định của bác sĩ.
  • Trong trường hợp nhiễm khuẩn tai không có dấu hiệu cải thiện sau 1 tuần điều trị, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng dẫn điều trị tiếp theo.
  • Sau khi điều trị hết liệu trình mà vẫn còn mủ ở tai hoặc có 2 hay nhiều lần mủ xuất hiện ở tai trong vòng 6 tháng, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ để đánh giá thêm tình trạng bệnh. Từ đó loại trừ được các nguy cơ như có dị vật hay khối u nằm trong tai.
  • Thận trọng khi dùng thuốc nhỏ mũi Illixime cho bệnh nhân có dấu hiệu nhạy cảm với những thuốc kháng sinh Quinolone khác.
  • Thuốc có nguy cơ gây ra các triệu chứng ngoại ý như đau đầu, chóng mặt, giảm tầm nhìn,... do đó cần thận trọng khi sử dụng Illixime cho người bệnh có công việc lái xe hay vận hành máy móc.
  • Dùng thuốc Illixime liều cao có thể gây khuyết tật thai nhi, do đó phụ nữ có dự định mang thai hoặc đang mang thai cần thận trọng khi sử dụng thuốc.
  • Chưa rõ liệu Ofloxacin có bài tiết qua sữa mẹ hay không, tuy nhiên nó có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm cho trẻ đang bú sữa mẹ. Vì vậy, phụ nữ đang nuôi con bú cần thận trọng khi sử dụng thuốc Illixime, tốt nhất chỉ nên dùng thuốc nếu có chỉ định của bác sĩ và lợi ích cao hơn nhiều so với rủi ro.

5.2 Tương tác của thuốc Illixime với các thuốc khác

Một số loại thuốc khác có thể tương tác khi dùng chung với thuốc Illixime, bao gồm:

  • Thuốc Quinolone đường toàn thân gây ức chế sự thanh thải chuyển hóa của Theophylline và Caffeine.
  • Tăng tỷ lệ độc tính trên hệ thần kinh trung ương khi dùng Fluoquinolone đường toàn thân cùng lúc với các loại thuốc kháng viêm không steroid.
  • Có thể làm kéo dài khoảng QT khi dùng chung thuốc Illixime với các thuốc chống loạn nhịp nhóm IA, Macrolide, thuốc chống trầm cảm 3 vòng và thuốc chống loạn thần.

Thuốc Illixime được bác sĩ chỉ định điều trị các tình trạng nhiễm trùng tai gây ra do vi khuẩn, chẳng hạn như viêm tai ngoài, viêm tai giữa mãn tính có mủ hoặc viêm tai giữa cấp tính. Trong quá trình sử dụng thuốc Illixime, bệnh nhân nên thực hiện đúng kế hoạch điều trị của bác sĩ để sớm khỏi bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan