Công dụng thuốc Ilascin

Thuốc Ilascin là một loại kháng sinh được dùng bằng đường tiêm, giúp điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn. Ilascin thường được chỉ định trong các nhiễm khuẩn nặng và rất thận trọng vì có nguy cơ kháng thuốc.

1. Ilascin là thuốc gì?

Thành phần chính của thuốc Ilascin là Imipenem 500mg và Cilastatin 500mg (dưới dạng hỗn hợp Imipenem monohydrate, Cilastatin natri và Natri bicarbonat). Dạng bào chế là bột pha tiêm.

Imipenem là một kháng sinh mạnh nhóm beta-lactam. Imipenem có tác dụng kháng khuẩn do có ái lực và gắn kết với phần lớn các protein gắn Penicillin (PBP) của vi khuẩn, bao gồm PBP 1a, 1b, 2, 4, 5 và 6. Thuốc tham gia vào quá trình tạo thành vách tế bào vi khuẩn, ngăn cản quá trình này nên có tác dụng trên hầu hết vi khuẩn gram âm và gram dương, kể cả vi khuẩn tiết ra betalactamase.

Tuy nhiên, do thuốc dễ bị chuyển hóa ở thận bởi enzym dehydropeptidase I. Do vậy mà imipenem thường được dùng kết hợp với cilastatin, một chất ức chế enzym. Trên thực tế, chất cilastatin không có tác dụng kháng khuẩn, mà chỉ đóng vai trò như một chất bảo vệ, tránh cho kháng sinh Imipenem không bị thủy phân bởi enzym và làm tăng đáng kể nồng độ của imipenem nguyên vẹn trong đường tiết niệu.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Ilascin

Thuốc Imipenem là thuốc kháng khuẩn rất mạnh, nhưng không nên lạm dụng. Imipenem không phải là thuốc lựa chọn đầu tiên mà chỉ dành để điều trị những nhiễm khuẩn rất nặng, trường hợp đã dùng các kháng sinh khác không hiệu quả.

Thuốc Ilascin được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu;
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, viêm phổi mắc tại bệnh viện;
  • Nhiễm khuẩn ổ bụng và phụ khoa;
  • Nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương và khớp;
  • Nhiễm khuẩn đường mật;
  • Nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn hỗn hợp mắc phải ở bệnh viện. Chấn thương nặng với nhiều tổn thương kèm theo nhiễm khuẩn;
  • Nhiễm khuẩn ở chân những người bệnh đái tháo đường do nhiều loại vi khuẩn hỗn hợp;
  • Điều trị nhiễm khuẩn sau mổ ở dạ dày - ruột hoặc mổ đường sinh dục nữ;
  • Nhiễm khuẩn huyết;
  • Chỉ định dùng những trường hợp nhiễm khuẩn rất nặng, ngay cả khi không biết rõ loại vi khuẩn nào, hoặc trong những trường hợp nghi nhiễm cả vi khuẩn kỵ khí và ưa khí.
  • Điều trị nhiễm khuẩn do nhiều loại vi khuẩn hỗn hợp mà những thuốc khác có phổ tác dụng hẹp hơn không có hiệu quả hoặc bị chống chỉ định do độc tính cao.

Thuốc Ilascin không dùng khi:

  • Bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Đang dùng thuốc có chứa natri valproat. Vì làm giảm nồng độ natri Valproat trong máu và có nguy cơ đột quỵ.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Ilascin

Cách dùng:

  • Thuốc Ilascin được dùng đường tiêm tĩnh mạch.
  • Pha thuốc với các dung dịch tiêm truyền thích hợp như natri clorid 0,9%, pha với 100ml dung dịch natri clorid và lưu ý không pha với dung dịch chứa natri lactat. Tốc độ truyền tùy thuộc vào liều, trong khoảng 30 - 60 phút.
  • Cần theo dõi bệnh nhân trong quá trình tiêm để kịp thời phát hiện nếu có thể bị co giật. Nếu thấy buồn nôn và/hoặc nôn trong khi dùng thuốc, giảm tốc độ truyền.

Liều lượng sử dụng thuốc ở người lớn:

  • Nhiễm khuẩn trung bình: Dùng với liều 250 - 500mg, 6 - 8 giờ/ lần (1 - 4g/ ngày).
  • Nhiễm khuẩn nặng đe doạ tính mạng với những vi khuẩn chỉ nhạy cảm mức độ vừa: Dùng 1g/lần, cứ 6 - 8 giờ/ lần. Liều tối đa mỗi ngày dùng 4g hoặc 50mg/ kg.

Trẻ em (dưới 12 tuổi):

  • Dưới 1 tuần, cân nặng ít nhất 1500g: 25mg/ kg (thành phần imipenem) mỗi 12 giờ.
  • Trẻ từ 1 đến 4 tuần, cân nặng ít nhất 1500g: dùng 25mg/ kg (thành phần imipenem) mỗi 8 giờ.
  • Trẻ từ 4 tuần đến 3 tháng, cân nặng ít nhất 1500g: dùng 25mg/kg (thành phần imipenem) mỗi 6 giờ.
  • Trẻ 3 tháng tuổi trở lên: 15 đến 25mg/kg (thành phần imipenem) mỗi 6 giờ. Liều tối đa là 4g/ngày.

Trường hợp suy thận: Liều dùng dựa trên độ thanh thải creatinin:

  • Độ thanh thải creatinin: Từ 31 - 70ml/phút, dùng 75% liều thường dùng là 500mg, cách nhau 6 - 8 giờ.
  • Độ thanh thải creatinin: Từ 21 - 30ml/phút, 50% liều thường dùng là 500mg, cách nhau 8 - 12 giờ.
  • Độ thanh thải creatinin: 6 - 20ml/phút, 25% liều thường dùng là 250mg (hoặc 3,5 mg/ kg) cách nhau 12 giờ.
  • Độ thanh thải creatinin ≤ 5 ml/phút: Chỉ nên cho dùng imipenem nếu bắt đầu thẩm tách máu trong vòng 48 giờ. Dùng một liều bổ sung sau khi thẩm tách máu.
  • Người bệnh < 30kg bị suy thận thì không nên chỉ định Ilascin.

Suy gan và người cao tuổi: Không cần chỉnh liều. Trừ khi người cao tuổi bị suy giảm chức năng thận.

4. Tác dụng phụ của thuốc Ilascin

Khi dùng thuốc Ilascin bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ sau:

  • Thường gặp: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, viêm tĩnh mạch ở vị trí tiêm.
  • Ít gặp: Hạ huyết áp, đánh trống ngực; cơn động kinh, ban đỏ, viêm đại tràng màng giả; giảm bạch cầu trung tính (gồm cả mất bạch cầu hạt), tăng bạch cầu ái toan, thiếu máu, giảm tiểu cầu; tăng thời gian prothrombin; tăng AST, ALT, phosphatase kiềm và bilirubin; đau ở chỗ tiêm, tăng ure và creatinin huyết; xét nghiệm nước tiểu không bình thường.
  • Hiếm gặp: Viêm đại tràng giả mạc; nhiễm nấm Candida; phản ứng phản vệ, bệnh lý não; loạn cảm, run, thay đổi vị giác; mất thính lực; suy thận cấp, gây ra thiểu niệu hay vô niệu, đa niệu, đổi màu nước tiểu;

Khi dùng thuốc nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào nên thông báo cho bác sĩ để được xử lý.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Ilascin

Một số điều cần lưu ý khi dùng thuốc Ilascin bao gồm:

  • Trước khi điều trị, nên tìm hiểu kỹ về các tiền sử phản ứng quá mẫn trước đó với kháng sinh nhóm beta-lactam, rối loạn tiêu hoá.
  • Khi dùng thuốc thấy tác dụng phụ về thần kinh trung ương như giật rung cơ, trạng thái lú lẫn hoặc cơn co giật đã xảy ra sau khi tiêm tĩnh mạch, nên ngừng hay giảm liều thuốc.
  • Phụ nữ có thai chỉ nên dùng thuốc khi nhiễm khuẩn nghiêm trọng và lợi ích lớn hơn nguy cơ cho thai nhi.
  • Thuốc có thể qua được sữa mẹ, nên thận trọng khi dùng và tốt nhất nên ngừng cho con bú khi điều trị.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi chưa được xác định về mức độ an toàn, mặc dù đã được sử dụng để điều trị. Nhưng khi dùng cần hết sức thận trọng
  • Cũng như đối với các kháng sinh khác, việc sử dụng kéo dài Ilascin có thể dẫn tới sự phát triển quá mức các vi sinh vật không nhạy cảm. Đặc biệt, viêm đại tràng giả mạc đã được ghi nhận, nên chú ý những người có biểu hiện tiêu chảy trước và sau khi dùng thuốc.
  • Imipenem là một loại kháng sinh mạnh, chỉ nên được dùng như một vũ khí cho các vi khuẩn kháng thuốc khác và hết sức thận trọng. Vì có nguy cơ kháng thuốc nên chỉ dùng cho nhiễm khuẩn nặng.
  • Tương tác thuốc: Thuốc Ilascin có thể tương tác với các kháng sinh khác, không nên dùng hay trộn chung để tiêm tĩnh mạch.
  • Thuốc mất hoạt tình ở pH kiềm hay acid nên thận trọng khi chọn dung dịch pha thuốc.

Thuốc Ilascin là một loại kháng sinh mạnh, chỉ được chỉ định dùng bởi bác sĩ có chuyên môn. Không dùng bừa bãi vì nếu kháng thuốc thì lựa chọn kháng sinh khi điều trị nhiễm khuẩn nặng rất khó. Khi dùng thuốc nếu có bất kỳ vấn đề nào nên báo ngay với bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

52 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan