Công dụng thuốc Hotapas

Hiện nay, thuốc Hotapas được bác sĩ chỉ định cho những trường hợp có cơn đau cơ hoặc khớp nhẹ. Gel bôi ngoài da Hotapas có khả năng làm giảm và kiểm soát tạm thời cơn đau nhức. Để dùng Hotapas hiệu quả, bệnh nhân nên thoa thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng cũng như tần suất sử dụng.

1. Hotapas là thuốc gì?

Hotapas là thuốc giảm đau dạng gel bôi ngoài da, được sử dụng cho các trường hợp có vết bầm, viêm khớp hoặc căng cơ,... Thuốc Hotapas được sản xuất thành công bởi Công ty cổ phần SPM – Việt Nam, đóng gói theo quy cách hộp một tuýp 10 hoặc 15g.

Mỗi tuýp gel Hotapas có chứa các thành phần dược chất dưới đây:

  • Hoạt chất chính: Levomenthol (L-Menthol) hàm lượng 70mg và Methylsalicylat hàm lượng 150mg.
  • Các tá dược phụ trợ: Nước tinh khiết, Parafin oil, Polyethylene glycol 100 monocetyl ether, Propylene glycol, Capsaicin, Ethanol 96%, Polyacrylate Crosspolymer – 6 và Tween 20.

Thuốc Hotapas được sử dụng theo đơn của bác sĩ. Do vậy, bệnh nhân cần tránh tự ý dùng thuốc khi chưa được bác sĩ chỉ định.

2. Thuốc Hotapas công dụng là gì?

Hotapas được biết đến là thuốc giảm đau và có công dụng kháng viêm. Khả năng giảm đau và viêm của Hotapas là nhờ vào tác động cải thiện luân chuyển mạch máu trong cơ thể.

Thành phần hoạt chất Methylsalicylat trong thuốc sẽ được phân hủy dưới dạng Acid Salicylic, có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp chất gây viêm đau Prostaglandin. Qua đó, cơn đau được thuyên giảm đáng kể sau khi sử dụng thuốc. Mặt khác, Methylsalicylat cũng có khả năng chống xung huyết và kích ứng da.

Đối với hoạt chất Levomenthol được biết đến là thuốc chống dị ứng, có tác dụng giảm đau hiệu quả nhờ gây tê tại chỗ. Ngoài ra, Levomenthol cũng hoạt hóa tốt các thụ thể Opioid nội sinh.

Khi được sử dụng dưới dạng gel bôi ngoài da, cả 2 hoạt chất trong thuốc Hotapas được hấp thu nhanh chóng, giúp giảm đau và viêm tức thì cho các mô cần trị liệu. Thuốc được bài tiết chủ yếu qua thận, nước tiểu hoặc mật trong cơ thể.

3. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Hotapas

Hiện nay, thuốc Hotapas thường được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị giảm đau tạm thời cho các tình trạng dưới đây:

  • Giảm cơn đau lưng đơn thuần.
  • Cải thiện tình trạng bong gân hoặc vết bầm tím trên da.
  • Giảm đau do căng cơ hoặc viêm khớp.

Tuy nhiên, cần tránh dùng gel bôi Hotapas cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Người có tiền sử quá mẫn hoặc dị ứng với thành phần Levomenthol, Methylsalicylat hay bất kỳ tá dược nào có trong sản phẩm.
  • Người đang có vết thương hở không nên thoa Hotapas.
  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Aspirin hoặc Salicylat.
  • Không dùng Hotapas cho người đang sử dụng miếng dán giữ nhiệt hoặc bôi các loại thuốc giảm đau khác.
  • Chống chỉ định tương đối thuốc Hotapas cho phụ nữ có thai hoặc bà mẹ nuôi con bú.

4. Thuốc Hotapas được sử dụng như thế nào?

Thuốc Hotapas được bào chế dưới dạng gel dùng bằng đường bôi ngoài da. Do đó, bệnh nhân cần tránh dùng thuốc bằng đường miệng hoặc bất kỳ đường nào khác. Ngoài ra, tránh để gel dính vào mắt hay các niêm mạc nhạy cảm trên cơ thể nhằm ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ.

Dưới đây là liều dùng thuốc Hotapas theo khuyến nghị chung của bác sĩ:

  • Liều cho trẻ em trên 2 tuổi và người trưởng thành: Thoa từ 3 – 4 lần/ ngày lên vùng da cần điều trị, dùng liên tục trong vòng 1 tuần.
  • Liều cho trẻ em dưới 2 tuổi: Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, tránh tự ý cho trẻ dùng.

Trong suốt thời gian điều trị giảm đau bằng Hotapas, bệnh nhân cần áp dụng chính xác liều lượng và tần suất bôi thuốc. Tuyệt đối không dùng thuốc quá 4 lần/ ngày hoặc thoa lên những vị trí không cần trị liệu.

5. Thuốc Hotapas gây ra những tác dụng phụ gì cho người dùng?

Khi sử dụng thuốc Hotapas, bệnh nhân có nguy cơ gặp phải một số phản ứng bất lợi như ngứa, phát ban, nổi mẩn hoặc kích ứng da. Nếu những triệu chứng ngoại ý trên không có dấu hiệu thuyên giảm khi ngừng thuốc hoặc trở nặng, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ. Phát hiện và điều trị sớm các tác dụng phụ liên quan đến thuốc Hotapas sẽ giúp bệnh nhân ngăn ngừa hiệu quả những nguy cơ sức khỏe khác.

6. Những điều cần lưu ý khi giảm đau bằng thuốc Hotapas

Nhằm đảm bảo an toàn và sớm cải thiện bệnh, người dùng cần lưu ý và thận trọng một số điều sau đây trong suốt quá trình dùng Hotapas:

  • Chỉ dùng thuốc theo đường bôi ngoài da, tuyệt đối không được nuốt.
  • Tránh để gel thuốc tiếp xúc với màng nhầy, mắt hay vùng da đang phát ban.
  • Sau khi thoa thuốc Hotapas, bệnh nhân nên để da thông thoáng, tránh băng bó kín khu vực điều trị.
  • Ngưng dùng thuốc Hotapas nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau 7 ngày sử dụng hoặc cơn đau tái phát ngay sau khi dừng thuốc.
  • Thận trọng khi quyết định dùng thuốc Hotapas cho phụ nữ có thai hoặc bà mẹ nuôi con bú do chưa có bằng chứng dịch tễ học chứng minh sản phẩm này an toàn cho những đối tượng trên.
  • Nếu bôi quá liều thuốc Hotapas và gặp một số dấu hiệu kích ứng nghiêm trọng, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý.
  • Trong trường hợp quên dùng một liều thuốc Hotapas, bạn cần bổ sung liều quên càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, tránh thoa chồng liều hoặc dùng gấp đôi hàm lượng cùng một lúc.
  • Kiểm tra kỹ hạn sử dụng và chất lượng gel thuốc trước khi dùng. Nếu Hotapas đã quá hạn hoặc chất gel chuyển màu bất thường, bạn hãy vứt bỏ thuốc theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Báo cho bác sĩ những dược phẩm khác mà bạn đang sử dụng, bao gồm thuốc bôi ngoài da, thuốc uống theo đơn/ không kê đơn, vitamin, thảo dược,... Điều này có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tương tác bất lợi giữa các loại thuốc trong quá trình điều trị.
  • Bảo quản Hotapas tại nơi khô thoáng, tránh độ ẩm cao hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng.

Bài viết đã cung cấp thông tin Hotapas có tác dụng gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc Hotapas theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

95 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan