Công dụng thuốc Hasulaxin 375

Thuốc Hasulaxin 375 được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Sultamicillin. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số trường hợp nhiễm khuẩn gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm với hoạt chất của thuốc.

1. Hasulxin là thuốc gì?

1 viên thuốc Hasulaxin 375 có chứa Sultamicillin tosilat dihydrat tương ứng với Sultamicillin 375mg và các tá dược khác. Sau khi uống vào cơ thể, Sultamicillin bị thủy phân trong khi hấp thu, tạo thành Ampicillin và Sulbactam với tỷ lệ 1:1 trong tuần hoàn chung.

Ampicillin là kháng sinh bán tổng hợp, có phổ tác dụng rộng, kháng khuẩn trên nhiều chủng vi khuẩn gram âm và vi khuẩn gram dương do có khả năng ức chế quá trình sinh tổng hợp peptidoglycan của thành tế bào vi khuẩn. Tuy nhiên, Ampicillin bị beta - lactamase phá vỡ vòng beta - lactam nên bình thường phổ tác dụng của nó không bao gồm các loại vi khuẩn sản xuất enzyme này.

Sulbactam là 1 acid sulfon penicilamic, đây là chất ức chế không thuận nghịch beta - lactamase. Khi sử dụng đơn lẻ, Sulbactam chỉ có hoạt tính kháng khuẩn khá yếu. Sulbactam có hoạt tính ức chế tốt cả 2 loại beta - lactamase qua nhiễm sắc thể và trung gian plasmid.

Sulbactam có ái lực cao, gắn với một số beta - lactamase (những loại enzyme gây bất hoạt Ampicillin) bằng cơ chế thủy phân vòng beta - lactam. Do vậy, việc phối hợp Sulbactam với Ampicilin tạo ra tác dụng hiệp đồng diệt khuẩn, giúp mở rộng phổ kháng khuẩn của Ampicillin đối với nhiều chủng vi khuẩn sản sinh beta - lactamase đã kháng Ampicillin sử dụng đơn độc.

Chỉ định sử dụng thuốc Hasulaxin 375: Điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm với hoạt chất của thuốc:

  • Viêm da nông, viêm da sâu hoặc viêm mủ da mạn tính;
  • Viêm hạch bạch huyết và mạch bạch huyết;
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm họng, viêm phổi, áp xe phổi, viêm phế quản cấp, viêm tổn thương đường hô hấp mạn tính;
  • Viêm bể thận, viêm thận và viêm bàng quang;
  • Nhiễm khuẩn tử cung;
  • Nhiễm khuẩn lậu cầu chưa biến chứng;
  • Viêm giác mạc (gồm viêm loét giác mạc), viêm túi lệ.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Hasulaxin 375:

  • Bệnh nhân quá mẫn với Sulbactam, penicillin hay bất kỳ thành phần nào khác trong thuốc;
  • Người bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Hasulaxin 375

Cách dùng: Đường uống. Người bệnh có thể dùng thuốc Hasulaxin 375 cùng với thức ăn hoặc không đều được.

Liều dùng:

  • Người lớn (gồm cả người lớn tuổi): Dùng liều khuyến cáo 375 - 750mg/lần x 2 lần/ngày. Cần phải điều trị tiếp tục 48 giờ sau khi hết sốt và hết triệu chứng. Thời gian điều trị thông thường là 5 - 14 ngày, có thể kéo dài hơn nếu cần thiết;
  • Trẻ em cân nặng dưới 30kg: Dùng liều 25 - 50mg/kg/ngày, chia thành 2 lần tùy theo mức độ nhiễm khuẩn và đánh giá của bác sĩ;
  • Trẻ em cân nặng trên 30kg: Dùng liều tương đương người lớn;
  • Điều trị nhiễm khuẩn lậu cầu chưa biến chứng: Dùng 1 liều duy nhất 2,25g (tương đương 6 viên 375mg). Có thể kết hợp với probenecid 1g để kéo dài nồng độ của Ampicillin và Sulbactam trong huyết tương;
  • Điều trị nhiễm khuẩn do liên cầu tan huyết (hemolytic streptococci): Dùng thuốc ít nhất 7 ngày để ngăn ngừa sốt thấp khớp hoặc viêm vi cầu thận cấp;
  • Bệnh nhân suy thận: Ở bệnh nhân suy thận nặng (có độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút) thì thải trừ của Ampicillin và Sulbactam tương tự nhau nên tỷ lệ Ampicillin/Sulbactam trong huyết tương không đổi. Nên giảm số lần dùng thuốc cho nhóm bệnh nhân này.

Quá liều: Hiện nay vẫn còn khá ít thông tin về quá liều thuốc Sultamicillin. Quá liều thuốc chủ yếu gây ra các biểu hiện tương tự tác dụng phụ. Các phản ứng thần kinh (kể cả co giật) có thể xuất hiện nếu nồng độ beta - lactam cao trong dịch não tủy. Cách xử trí là: Ampicillin và Sulbactam có thể được loại bỏ khỏi tuần hoàn chung bằng thẩm phân máu. Quá trình này có thể làm gia tăng sự thải trừ của thuốc nếu dùng thuốc quá liều ở bệnh nhân suy thận.

3. Tác dụng phụ của thuốc Hasulaxin 375

Khi sử dụng thuốc Hasulaxin 375, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như sau:

Tác dụng phụ nghiêm trọng:

  • Sốc, phản ứng phản vệ;
  • Hội chứng hoại tử da nhiễm độc, viêm da tróc vảy, hội chứng Stevens - Johnson;
  • Suy thận cấp, viêm thận kẽ;
  • Rối loạn về máu: Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu tan huyết;
  • Rối loạn chức năng gan, vàng da.

Nên giám sát chặt chẽ người bệnh khi dùng thuốc Hasulaxin 375, nếu xuất hiện các tác dụng phụ không mong muốn nêu trên thì nên ngừng thuốc, điều trị triệu chứng và thực hiện các biện pháp điều trị hỗ trợ khi cần thiết.

Tác dụng phụ khác:

  • Mẫn cảm: Phát ban, nổi mày đay, ngứa da, phù mạch, viêm da, hồng ban đa dạng;
  • Máu: Tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, thiếu máu;
  • Gan: Tăng AST, ALT, A1-P;
  • Tiêu hóa: Tiêu chảy, phân lỏng, buồn nôn, ói mửa, đau bụng, bụng khó chịu, chán ăn, lưỡi lông, ợ nóng, khó tiêu;
  • Nhiễm nấm: Viêm miệng;
  • Hệ thần kinh trung ương: Co giật, chóng mặt;
  • Tác dụng phụ khác: Sốt, khó chịu, đau đầu, buồn ngủ, triệu chứng thiếu hụt vitamin B (viêm miệng, viêm lưỡi, chán ăn, viêm dây thần kinh,...), triệu chứng thiếu hụt vitamin K (xuất huyết, giảm prothrombin máu,...), khó thở, mệt mỏi.

Nếu gặp phải các tác dụng phụ kể trên, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ để thực hiện các biện pháp thích hợp như giảm liều hoặc ngưng thuốc khi cần thiết.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Hasulaxin 375

Trước và trong khi sử dụng thuốc Hasulaxin 375, người bệnh cần lưu ý:

  • Trường hợp bệnh nhân nhiễm lậu cầu mà có tổn thương nghi ngờ mắc bệnh giang mai thì nên xét nghiệm bằng kính hiển vi nền đen trước khi bắt đầu điều trị bằng Sultamicillin, đồng thời phải xét nghiệm huyết thanh hàng tháng trong ít nhất 4 tháng liên tiếp;
  • Sultamicillin cũng như penicillin, đều có thể gây ra sốc quá mẫn nên cần thực hiện đối với các thận trọng thông thường của liệu pháp penicillin. Trước khi khởi đầu điều trị, cần thận trọng tìm hiểu tiền sử dị ứng của bệnh nhân với penicillin, cephalosporin và các loại thuốc khác. Nếu xảy ra phản ứng dị ứng, nên ngừng dùng thuốc và sử dụng các biện pháp điều trị thích hợp. Trường hợp nghiêm trọng, cần điều trị cấp cứu ngay với thuốc adrenalin. Nếu cần, có thể cho bệnh nhân thở oxy, tiêm corticosteroid đường tĩnh mạch và hỗ trợ hô hấp (bao gồm cả đặt nội khí quản);
  • Do các thuốc kháng sinh có thể gây viêm đại tràng màng giả nên cần chẩn đoán phân biệt khi người bệnh bị tiêu chảy trong quá trình điều trị với thuốc Sultamicillin;
  • Do những bệnh nhân tăng bạch cầu đơn nhân có tỷ lệ cao bị phát ban đỏ da trong quá trình điều trị với aminopenicillin nên cần tránh sử dụng Sultamicillin cho nhóm người bệnh này;
  • Sử dụng Sultamicillin có thể gây ra hiện tượng một số loại vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc sẽ gia tăng về số lượng và gây bệnh, đặc biệt là Pseudomonas và Candida. Do đó, nên theo dõi bệnh nhân chặt chẽ, nếu có biểu hiện bội nhiễm thì nên ngưng dùng thuốc và sử dụng các biện pháp điều trị thích hợp;
  • Nên giảm liều dùng thuốc Sultamicillin ở bệnh nhân suy thận;
  • Tránh dùng thuốc Hasulaxin 375 ở người bị nhiễm HIV và virus Epstein - Barr;
  • Trong quá trình dùng thuốc Sultamicillin, nên định kỳ kiểm tra chức năng gan, thận và các cơ quan tạo máu trong thời gian điều trị. Điều này đặc biệt quan trọng ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non và trẻ nhũ nhi;
  • Đường thải trừ chủ yếu của Ampicillin và Sulbactam sau khi uống Sultamicillin là qua nước tiểu. Vì chức năng thận của trẻ sơ sinh chưa hoàn chỉnh nên cần lưu ý thận trọng khi dùng thuốc Sultamicillin ở trẻ sơ sinh;
  • Thuốc Hasulaxin 375 có chứa tá dược là dầu thầu dầu, có thể gây rối loạn dạ dày và tiêu chảy;
  • Thành phần Sulbactam qua được hàng rào nhau thai. Vì tính an toàn của Sultamicillin trong thời kỳ mang thai còn chưa được xem xét đầy đủ nên tốt nhất không sử dụng Sultamicillin cho phụ nữ mang thai (trừ trường hợp được bác sĩ chỉ định);
  • Việc sử dụng Sultamicillin ở phụ nữ cho con bú không được khuyến cáo, vì có một lượng nhỏ Ampicillin và Sulbactam được bài tiết qua sữa mẹ;
  • Chưa có báo cáo về việc hạn chế sử dụng thuốc Sultamicillin ở trẻ em;
  • Với người cao tuổi, chức năng thận có thể suy giảm và kéo dài thời gian bán thải của thuốc Sultamicillin. Tuy nhiên, không cần điều chỉnh liều dùng thuốc ở nhóm đối tượng này;
  • Do thuốc Sultamicillin có thể gây chóng mặt, đau đầu và buồn ngủ nên cần thận trọng khi dùng thuốc ở người lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Hasulaxin 375

Một số tương tác thuốc của Hasulaxin 375 gồm:

  • Probenecid đường uống ức chế cạnh tranh sự thải trừ của Ampicillin và Sulbactam qua ống thận, dẫn tới kéo dài và làm tăng nồng độ của 2 thuốc này trong huyết thanh;
  • Khi dùng đồng thời thuốc Hasulaxin với Allopurinol trên bệnh nhân có acid uric máu cao có thể làm tăng tần suất phát ban;
  • Ampicillin có ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm tìm glucose trong nước tiểu bằng phương pháp đồng sulfat nhưng không ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm bằng phương pháp glucose oxydase;
  • Khi sử dụng đồng thời với thuốc chống đông máu, các penicillin có thể làm thay đổi khả năng kết tập tiểu cầu và kết quả xét nghiệm đông máu;
  • Các thuốc kìm khuẩn như erythromycin, cloramphenicol, tetracyclin và sulfonamid có thể làm ảnh hưởng tới tác dụng diệt khuẩn của các penicillin. Do đó, nên tránh dùng đồng thời Hasulaxin với các thuốc trên;
  • Đã có báo cáo về việc Ampicillin làm giảm hiệu quả tránh thai ở phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai đường uống. Vì vậy, nếu đang dùng thuốc Hasulaxin, phụ nữ nên lựa chọn biện pháp tránh thai hiệu quả khác;
  • Sử dụng đồng thời methotrexat với các penicillin làm giảm độ thanh thải và làm tăng độc tính của methotrexat. Do đó, người bệnh khi đang dùng thuốc Hasulaxin nên được theo dõi chặt chẽ độc tính của methotrexat.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Hasulaxin 375 để điều trị nhiễm khuẩn, bệnh nhân nên tuân thủ đúng theo mọi hướng dẫn của bác sĩ. Việc này đảm bảo hiệu quả trị bệnh tối ưu, giảm đáng kể nguy cơ xảy ra những sự cố, tác dụng phụ khó lường.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

57 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan