Công dụng thuốc Gentamed

Gentamed là kháng sinh nhóm Aminoglycosid, có tác dụng diệt khuẩn trên nhiều chủng vi khuẩn nhạy cảm. Thuốc được chỉ định trong các nhiễm trùng sinh dục - tiết niệu, nhiễm trùng cơ xương khớp, viêm màng trong tim...

1. Gentamed là thuốc gì?

Gentamed có thành thành phần chính là Gentamicin - là kháng sinh nhóm aminoglycosid có hoạt phổ kháng khuẩn rộng. Thuốc có tác động chính trên các vi khuẩn hiếu khí gram âm và một số ít vi khuẩn gram dương như tụ cầu, liên cầu, phế cầu. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng trên một số Actinomyces và Mycoplasma.

  • Gentamed tác dụng thông qua cơ chế gắn vào protein của vi khuẩn làm mất trình tự sắp xếp của các acid amin tạo ra các vi khuẩn không có hoạt tính từ đó tiêu diệt vi khuẩn.
  • Thuốc Gentamed hấp thu tốt qua đường tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch, đạt nồng độ tối đa trong máu sau 30 đến 60 phút tiêm bắp. Thuốc ít liên kết với protein huyết tương và duy trì tác dụng trong 8 đến 12 giờ; qua được nhau thai, sữa mẹdịch não tủy.
  • Sau khi được hấp thu Gentamed thải trừ qua nước tiểu, thời gian thải trừ phụ thuộc vào chức năng thận của từng người bệnh.

2. Chỉ định của thuốc Gentamed

Gentamed được chỉ định trong các bệnh lý nhiễm trùng sau

  • Nhiễm trùng đường sinh dục - tiết niệu: nhiễm trùng thận, viêm tuyến tiền liệt, viêm bể thận cấp,...
  • Nhiễm trùng máu.
  • Viêm màng trong tim.
  • Viêm màng não.
  • Viêm phúc mạc.
  • Nhiễm trùng da, bỏng, loét.

3. Chống chỉ định của thuốc Gentamed

Thuốc Gentamed không được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý sau

  • Dị ứng với thành phần Gentamicin, kháng sinh nhóm aminosides hoặc bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân yếu cơ, bệnh lý nhược cơ.
  • Bệnh nhân Parkinson.
  • Bệnh nhân tổn thương thận hoặc chức năng thính giác.
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ sơ sinh không có chỉ định dùng thuốc Gentamed.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Gentamed

  • Các kháng sinh nhóm Aminoglycosid gây ảnh hưởng đến chức năng thận và thính giác. Vì vậy khi dùng thuốc cần theo dõi thận trọng.
  • Gentamed qua được nhau thai và sữa mẹ, gây độc tính trên thai. Vì vậy cần cân nhắc lợi ích trước khi dùng thuốc cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
  • Bệnh nhân giảm Magie máu, giảm Calci máu hoặc giảm Kali máu khi dùng Gentamed có thể có các biểu hiện dị cảm, co giật.
  • Tránh dùng thuốc dài ngày trên các đối tượng trẻ em, người cao tuổi, bệnh nhân suy thận sẽ tăng thêm tác dụng phụ.

4. Tương tác của thuốc Gentamed

Dùng đồng thời Gentamed với các thuốc gây độc cho thận như thuốc nhóm Aminoglycosid khác, Vancomycin, kháng sinh nhóm Cephalosporin,... làm tăng nguy cơ gây độc.

Các thuốc độc cho cơ quan thính giác như Furosemid và Axit Metacrylic có thể tăng độc trên tai khi dùng chung với Gentamed.

Phối hợp Gentamed với các thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh cơ cũng làm tăng độc tính của thuốc.

Kháng sinh nhóm Aminoglycosid dùng chung với thuốc Indomethacin có thể làm tăng nồng độ của thuốc trong huyết tương.

Dùng chung Gentamed với Penicillin làm giảm tác dụng của thuốc.

5. Liều dùng và cách dùng thuốc Gentamed

Cách dùng

Gentamed được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm. Dùng thuốc bằng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.

Liều dùng

  • Người lớn: Liều 2 - 5 mg/kg/ngày, chia 2 lần tiêm. Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Dùng thuốc trong 5-7 ngày.
  • Trẻ em: Liều 1,2 - 2,4 mg/kg/ngày, chia 2 đến 3 lần tiêm. Không dùng thuốc quá 14 ngày.

6. Tác dụng phụ của thuốc Gentamed

Khi sử dụng thuốc Gentamed có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau

  • Tăng độc tính trên thận: tổn thương nhu mô thận, hoại tử ống thận, viêm thận kẽ có hồi phục.
  • Ảnh hưởng đến chức năng thính giác: ù tai, giảm thính lực, rối loạn tiền đình ốc tai, điếc không hồi phục.
  • Thay đổi huyết áp.
  • Phản ứng phản vệ, nổi mẩn ngứa, nổi mề đay.
  • Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
  • Ngứa, kích ứng ở mắt.
  • Trầm cảm.
  • Ức chế dẫn truyền thần kinh cơ, trường hợp nặng có thể gây liệt cơ, suy hô hấp.

Như vậy, Gentamed là kháng sinh nhóm Aminoglycosid có tác dụng diệt khuẩn trên nhiều chủng vi khuẩn nhạy cảm. Thuốc được chỉ định rộng rãi trên nhiều bệnh lý viêm nhiễm ở các cơ quan trong cơ thể, tuy nhiên tránh lạm dụng thuốc và tuân thủ đúng các chỉ định về liều lượng, thời gian dùng thuốc của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

40 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan