Công dụng thuốc Fluzantin

Thuốc Fluzantin thường được kê đơn sử dụng để điều trị cho các trường hợp bị nhiễm nấm Candida ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Tác dụng diệt nấm và dự phòng nhiễm nấm của Fluzantin sẽ được phát huy tối đa nếu bệnh nhân sử dụng thuốc theo đúng kế hoạch trị liệu của bác sĩ.

1. Fluzantin là thuốc gì?

Fluzantin thuộc nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, được dùng để điều trị cho các trường hợp nhiễm nấm Candida âm đạo, viêm màng não do chủng Cryptococcus neoformans và một số bệnh nấm khác. Thuốc Fluzantin được sản xuất bởi công ty cổ phần dược phẩm TW1 (Pharbaco) – Việt Nam dưới dạng viên nang và đóng gói theo quy cách hộp 1 vỉ x 1 viên nang.

Trong mỗi viên nang Fluzantin có chứa thành phần hoạt chất chính là Fluconazole hàm lượng 150mg. Ngoài ra, thuốc Fluzantin còn có sự góp mặt của các tá dược phụ trợ khác giúp tăng cường hiệu quả kháng khuẩn.

  1. Thuốc Fluzantin có tác dụng gì?
    1. Cơ chế tác dụng

Hoạt chất Fluconazole thuộc nhóm thuốc tổng hợp Triazol có khả năng kháng nấm toàn thân hoặc ngoại vi, nhất là nấm Candida. Theo nghiên cứu cho thấy, Fluconazole có tác dụng chống nấm đối với đa số chủng Candida, trong đó bao gồm cả tình trạng nhiễm nấm ở bệnh nhân mắc AIDS giai đoạn cuối đề kháng với các loại thuốc trị nấm khác như Clotrimazol, Ketoconazol hoặc Nystatin.

Tác dụng kháng nấm của Fluconazole dựa trên cơ chế ngăn chặn sự tổng hợp của enzyme cytochrome P450-14-α-demethylase và Ergosterol ở màng tế bào nấm. Điều này khiến cho tính thấm của màng tế bào nấm bị thay đổi, dẫn đến sự giải phóng của các chất như kali và axit amin, nhờ đó làm giảm sự hấp thu của một số phân tử tiền chất trong tế bào nấm (chẳng hạn như Pyrimidin và Purin).

Dưới đây là những đặc điểm về dược động học của hoạt chất Fluconazole trong thuốc Fluzantin:

  • Hấp thu: Hoạt chất Fluconazole được hấp thu nhanh chóng tại đường tiêu hoá và không bị tác động bởi thức ăn. Độ sinh khả dụng của Fluconazole đạt hơn 90% khi dùng bằng đường uống, cao hơn so với đường tiêm tĩnh mạch. Trong vòng từ 1 – 2 giờ sau khi uống, Fluconazole đạt nồng độ tối đa trong huyết tương và duy trì mức ổn định từ 5 – 7 ngày.
  • Phân bố: Fluconazole được phân bổ ở hầu hết các dịch và mô trong cơ thể, bao gồm cả sữa mẹ và dịch âm đạo. Đặc biệt, nồng độ thuốc trong dịch não tuỷ ước tính lên đến 50 – 90% ngay cả trường hợp không bị viêm màng não. Do đó, Fluconazole được sử dụng rộng rãi để kháng nấm cho nhiều cơ quan khác nhau.
  • Thải trừ: Fluconazole thải trừ chủ yếu qua đường nước tiểu ở dạng không chuyển hoá với tỷ lệ khoảng 80%. Ước tính, thời gian bán thải của Fluconazole kéo dài trong vòng 30 tiếng khi dùng ở liều duy nhất trong một ngày.

2. Chỉ định – Chống chỉ định sử dụng thuốc Fluzantin

Hiện nay, thuốc Fluzantin được bác sĩ kê đơn sử dụng nhằm điều trị các bệnh nhiễm nấm dưới đây:

  • Điều trị nhiễm nấm Candida ở âm đạo hoặc âm hộ.
  • Điều trị nhiễm nấm Candida ở miệng, hầu họng, đường niệu, thực quản hoặc màng bụng.
  • Điều trị các trường hợp nhiễm nấm Candida toàn thân như Candida phát tán, Candida phổi hoặc Candida huyết.
  • Điều trị hiệu quả bệnh viêm màng não xảy ra do chủng Cryptococcus neoformans.
  • Điều trị tình trạng nhiễm nấm do chủng Histoplasma, Coccidioides immitis hoặc Blastomyces.
  • Điều trị dự phòng tình trạng nhiễm nấm Candida ở bệnh nhân ghép tủy xương đang trị liệu bằng tia xạ hoặc hóa chất, người bị suy giảm hệ miễn dịch, mắc bệnh AIDS hoặc ung thư.

Cần chống chỉ định dùng thuốc Fluzantin cho các đối tượng sau đây khi chưa được bác sĩ chấp thuận:

  • Bệnh nhân có phản ứng dị ứng hoặc tiền sử quá mẫn với hoạt chất Fluconazole hay bất kỳ tá dược có trong công thức thuốc.
  • Không sử dụng Fluzantin cho người mẫn cảm với các loại thuốc chống nấm thuộc nhóm Azol, chẳng hạn như Clotrimazol, Ketoconazol hoặc Miconazol.
  • Chống chỉ định tương đối thuốc Fluzantin cho phụ nữ có thai và bà mẹ đang nuôi con bú.

3. Hướng dẫn sử dụng và liều dùng thuốc Fluzantin

Thuốc Fluzantin được bào chế dưới dạng viên nang dùng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống Fluzantin với cốc nước lọc khoảng 240ml với liều lượng khuyến cáo dành cho từng đối tượng cụ thể sau đây:

Liều cho trẻ sơ sinh:

  • Uống 3 – 6mg/ kg thể trọng/ lần, mỗi lần cách nhau 72 giờ và dùng trong 2 tuần đầu sau khi sinh. Từ tuần thứ 2 – 4 sau sinh, cho trẻ uống từ 3 – 6mg/ kg thể trọng/ lần, mỗi lần cách nhau 48 giờ.

Liều cho trẻ em:

  • Uống liều dự phòng 3mg/ kg thể trọng/ ngày để phòng ngừa nhiễm nấm bề mặt.
  • Dùng liều từ 6 – 12mg/ kg thể trọng/ ngày để phòng nhiễm nấm toàn thân.
  • Cho trẻ uống liều điều trị nhiễm nấm 6mg/ kg thể trọng/ ngày.
  • Nếu trẻ bị mắc bệnh nấm kéo dài có thể uống liều 12mg/ kg thể trọng / 24 giờ và chia làm 2 lần. Tuy nhiên, không cho trẻ dùng quá 600mg Fluconazole/ ngày.

Liều cho người lớn:

  • Điều trị nhiễm nấm Candida âm đạo/ âm hộ dùng 1 liều duy nhất 150mg/ lần/ ngày, có thể dùng thêm 1 viên/ lần/ tháng trong vòng 4 – 12 tháng để ngăn nguy cơ tái phát.
  • Điều trị nhiễm nấm Candida hầu hoặc miệng với liều 150mg/ lần/ ngày trong vòng 1 – 2 tuần.
  • Điều trị nhiễm nấm Candida thực quản với liều 150mg/ lần/ ngày trong vòng tối thiểu 3 tuần liên tiếp và có thể dùng thêm khoảng 2 tuần nữa sau khi các triệu chứng biến mất.
  • Điều trị nhiễm nấm Candida toàn thân với liều 3 viên/ lần trong 3 ngày đầu, sau đó uống 1 viên/ lần/ ngày trong tối thiểu 4 tuần và dùng thêm 2 tuần nữa sau khi các triệu chứng biến mất.
  • Điều trị viêm màng não do Cryptococcus với liều 3 viên/ lần/ ngày, sau đó giảm còn 1 – 2 viên/ lần/ ngày trong tối thiểu 6 – 8 tuần sau khi kết quả cấy dịch não tủy âm tính.
  • Liều dự phòng tái phát nhiễm nấm ở người bị HIV là 1 viên/ lần/ ngày và người ghép tủy xương là 3 viên/ lần/ ngày.

Liều cho bệnh nhân suy thận:

  • Khi sử dụng đơn liều Fluzantin để chữa nhiễm nấm Candida thì không cần phải điều chỉnh liều. Trong trường hợp dùng đa liều thuốc, bệnh nhân cần điều chỉnh liều dựa trên mức độ thanh thải Creatinin.

4. Thuốc Fluzantin gây ra các tác dụng phụ gì khi sử dụng?

Trong quá trình điều trị nhiễm nấm bằng thuốc Fluzantin, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng bất lợi dưới đây:

  • Phản ứng thường gặp: Chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy, đau bụng, nôn ói và buồn nôn.
  • Phản ứng ít gặp: Phát ban, nổi mẩn ngứa, tăng nhẹ mức Transaminase hoặc Bilirubin huyết thanh.
  • Phản ứng hiếm gặp: Thiếu máu, tăng bạch cầu ưa Eosin, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, tăng cao gấp trên 8 lần nồng độ Transaminase bình thường trong huyết tương, hội chứng Stevens – Johnson, da bị tróc vảy (ở bệnh nhân ung thư hoặc AIDS), tràn dịch màng phổi, phù, sốt, hạ huyết áp, tiểu ít, sốc phản vệ và hạ kali máu,

Khi gặp phải bất kỳ tác dụng phụ ngoại ý nào được đề cập ở trên trong quá trình điều trị các bệnh nhiễm nấm bằng Fluzantin, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ sớm nhất có thể để tìm biện pháp giải quyết.

5. Những điều cần lưu ý trong quá trình điều trị bằng thuốc Fluzantin

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà bệnh nhân cần biết trong quá trình sử dụng thuốc Fluzantin, bao gồm:

  • Thận trọng khi sử dụng Fluzantin cho người bị rối loạn nhịp tim, có khoảng QT kéo dài trên điện tâm đồ hoặc suy giảm chức năng gan/ thận.
  • Chỉ nên dùng Fluzantin cho thai phụ khi thực sự cần thiết và phải có chỉ định cụ thể của bác sĩ nhằm ngăn ngừa nguy cơ gây hại cho thai nhi.
  • Vì thuốc Fluzantin có thể tiết vào đường sữa mẹ, do đó không dùng thuốc Fluzantin cho phụ nữ đang nuôi con bú.
  • Thuốc Fluzantin có thể gây ra các triệu chứng trên hệ thần kinh như chóng mặt hoặc đau đầu. Vì vậy bệnh nhân cần thận trọng khi vận hành máy móc hoặc làm các công việc trên cao.
  • Đọc kỹ hạn sử dụng của Fluzantin và kiểm tra kết cấu của thuốc. Nếu viên thuốc có dấu hiệu nấm mốc, chảy nước hoặc đã hết hạn, bạn cần dừng sử dụng ngay.
  • Không kết hợp thuốc Fluzantin với các thuốc điều trị đái tháo đường nhóm Sulfonylurea (Glipizide, Tolbutamide hoặc Glyburide), thuốc kháng histamin Astemizol, thuốc điều trị động kinh Phenytoin, thuốc chống đông máu Warfarin, thuốc trị hen Theophylin và thuốc kháng vi rút Zidovudin.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Fluzantin, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Fluzantin là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

68 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan